Báo Điện tử Gia đình Mới

6 bài học cuộc sống từ bệnh nhân ung thư khiến tất cả đều ngỡ ngàng

Những bài học giản dị mà sâu sắc từ các 'chiến binh' dũng cảm này có thể thay đổi cuộc đời bạn.

cc8

 

Khi đối diện với ranh giới sống còn, ta thôi quan tâm đến những điều nhỏ nhặt, và khi ấy, cuộc sống hiện lên rõ nét với tất cả những gì đẹp đẽ hay khiếm khuyết như nó vốn có.

Một sinh viên ngành y đã chia sẻ những bài học mà cô học được khi chứng kiến bệnh nhân ung thư chống chọi với căn bệnh quái ác này.

1. Theo đuổi điều mình yêu thích

Không có công việc hoàn hảo và những ngày hoàn hảo, và trong những ngày u ám như thế, chỉ có điều khiến bạn đam mê mới giúp bạn vượt qua tất cả.

Sophia Anagnostou mới chỉ 12 tuổi và vừa học hết lớp 6 khi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu ở trẻ em.

Những đợt hóa trị, phẫu thuật, truyền máu liên miên khiến em không thể tiếp tục chương trình học được nữa.

cc6

 Sophia đã từng chán nản vì chỉ có thể gắn chặt với chiếc giường và 4 bức tường phòng bệnh

Sophia đã trải qua những ngày chán nản vì chỉ có thể nằm trên giường bệnh: ‘Mỗi ngày em đều tự hỏi ‘Tại sao lại là mình cơ chứ?, em bị nhốt trong nhà, và nếu có đi đâu thì người ta sẽ nhìn em chằm chằm vì mái đầu không một cọng tóc của em’ – Sophia chia sẻ.

Cho đến một ngày, khi Sophia gặp Anita Kruse – tổ chức của Anita giúp những đứa trẻ mắc bệnh ung thư có thể tự sáng tác và thu âm những bài hát của mình.

Trong bài há ‘Strength is in the Soul’, Sophia đã hát về sức mạnh, hy vọng, tình yêu thương và những điều đẹp đẽ em cảm nhận được trong những ngày bệnh tật.

cc7

 

Có lẽ với Sophia, đó là điều em yêu thích và cách em bộc lộ những cảm xúc của mình, nhưng nó cũng đã trở thành nguồn cảm hứng của rất nhiều đứa trẻ đang chống chọi với ung thư khác giống như em.

2. Sống cho hiện tại

Những người mà thời gian sống chỉ còn tính bằng giờ không còn tâm trí để nghĩ đến hai chữ ‘giá như’.

Những chuyên gia về bệnh ung thư đã thấy rằng những bệnh nhân đối diện với lời chẩn đoán như một vận động viên đối diện với chặng đua tiến triển tốt hơn nhiều so với những người từ bỏ cả những sở thích quen thuộc khi biết họ sắp chết.

Chrissy Dunn đã bị chẩn đoán ung thư tuyến tụy vào Tháng 1 năm 2015. Cô đã phải trải qua phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy, túi mật, lá lách, một phần ruột và gan.

cc4

 Chrissy Dunn và chồng 

‘Lần đầu tiên vào phòng hóa trị, tôi đã sợ đến hồn xiêu phách lạc’ – Chrissy chia sẻ - ‘Giờ đây tôi lại nhớ những nhân viên ở phòng truyền nước, một y tá chăm sóc cho tôi đã trở thành người bạn thân thiết của tôi, cùng tôi cầu nguyện để vượt qua căn bệnh’.

Căn bệnh đã đem đến cho cô một cái nhìn mới về cuộc sống: ‘Tôi đã học được cách nhìn mọi thứ mà tôi từng cho là hiển nhiên như một món quà.

Đôi giày tôi đi, bồn tắm nước nóng giúp tôi thư giãn mỗi ngày – tất cả những điều nhỏ nhặt ấy đều là những món quà cuộc đời trao tặng’.

3. Xây dựng những mối quan hệ sâu sắc

Khi mệt mỏi, ốm đau, chỉ có gia đình và những người bạn, người thân yêu nhất mới ở bên và trở thành nguồn động lực vô giá cho chúng ta.

Ở những bệnh nhân ung thư, sự hỗ trợ của những người xung quanh càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Câu chuyện cảm động về Young – chàng trai đã cạo đầu để động viên tinh thần người bạn gái đang mắc ung thư chính là một minh chứng cho điều đó.

cc5

 

Khi mới chỉ hẹn hò 6 tháng, cô đã bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng. ‘Tôi đã nghĩ mình sẽ chết, và tôi không có ý định bắt anh ấy ở bên để rồi nhớ về tôi với những kỷ niệm đau buồn, tôi muốn anh ấy chỉ nhớ đến tôi với những ký ức vui vẻ mà thôi’.

‘Thế nhưng anh ấy vẫn ở bên tôi… Tôi nhớ những đêm chúng tôi ôm nhau và khóc, nỗi sợ đánh mất nhau khiến chúng tôi đau đớn…’

Young đã trở thành nguồn sức mạnh vô bờ với cô, là người đem đến cho cô những nụ cười, mua tóc giả cho cô rồi thậm chí còn cạo trọc đầu để khiến cô thấy thoải mái hơn’.

Jennifer nói rằng thật khó có thể tưởng tượng được những gì cô đã phải trải qua nếu không có Young bên cạnh.

4. Hãy cứ sợ hãi, hãy cứ kiên cường

Mạnh mẽ không có nghĩa là bạn không bao giờ được phép sợ hãi. Trái lại, những người mạnh mẽ vượt qua căn bệnh ung thư nhất chính là những người đã cho phép mình khóc, sợ hãi và khủng hoảng, nhưng rồi lại đứng lên và tiếp tục làm những gì tốt nhất cho sức khỏe của mình.

Câu chuyện của bệnh nhân ung thư phổi Julie Genovesi là một câu chuyện như thế.

Cô 51 tuổi, không hút thuốc và luôn chạy bộ mỗi ngày, Genovesi ban đầu không thể tin rằng mình mắc bệnh ung thư.

Cô còn cãi nhau với bác sĩ và cho rằng chắc chắn bác sĩ đã nhầm mình với một ai đó.

cc2

  Genovesi là một fan cuồng nhiệt của môn khúc côn cầu và không gì có thể ngăn cô say mê với bộ môn yêu thích 

Thế nhưng sau một thời gian chấp nhận sự thật, Genovesi đã nhận ra rằng mình chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài cách tiếp tục sống hết mình, dù là đồng hành cùng với căn bệnh ung thư đi nữa.

Cô đã lập nên trang web riêng của mình ‘Cancer Crazed and Confused’ để chia sẻ những câu chuyện truyền động lực cho những người bệnh khác.

‘Khi bạn đối diện với một thứ như bệnh ung thư, bạn phải tận dụng từng khoảnh khắc để sống’ – Genovesi chia sẻ.

5. Suy nghĩ tích cực

Suy nghĩ tích cực không phải là tránh nhìn vào thực tế và cố tô vẽ cho mọi thứ tốt đẹp hơn, mà đó là cách sống với thực tại như nó vốn có và làm sống hết mình với thực tại ấy.

Tháng 1 năm 2003, Kris Carr đã bị chẩn đoán mắc chứng ung thư mạch máu – một bệnh chỉ chiếm 0,01% trong tổng số các ca bệnh ung thư.

Bác sĩ nói với cô rằng bệnh của cô ‘không chữa mà cũng không điều trị nổi’.

‘Và sau khoảnh khắc đen tối ấy, tôi đã có trong mình một quyết tâm mãnh liệt rằng mình phải ngừng do dự và sống với tất cả những gì mình có! Tôi muốn cảm thấy vui vẻ hơn, yêu nồng nhiệt hơn và sống trọn vẹn hơn’.

cc1

 Nữ diễn viên này đã trở nên nổi tiếng khi kể câu chuyện của mình một cách đầy tích cực 

Nữ diễn viên này đã quyết định quay phim lại toàn bộ quá trình chống chọi với ung thư của mình.

Bộ phim tài liệu ‘Crazy Sexy Cancer’ của cô đã giành được giải thưởng và theo sau đó là 4 cuốn sách cùng tên.

‘Căn bệnh ấy đã khiến tôi phải lắng nghe những tiếng nói từ sâu thẳm nội tâm mình, đem tôi quay lại với thời gian cho nhà thờ, cho khu vườn nhỏ và chiếc bếp xinh xắn, cũng như giúp tôi gắn kết hơn với những người xung quanh hay cả những chú thú cưng nữa’ – Kris chia sẻ.

6. Học cách biết ơn và cho đi

Jane Johnson là một người phụ nữ đã chiến thắng căn bệnh ung thư gan vào lúc 55 tuổi, nhưng trong suốt quá trình trị bệnh, Jane không chỉ nghĩ đến nỗi đau của bản thân.

Năm 2015, Jane đã làm thêm một công việc thứ hai để có tiền quyên góp cho tổ chức nghiên cứu về ung thư ‘Relay For Life’.

Cô cũng tổ chức những buổi bán đồ cũ, đồ handmade để đạt được mục tiêu quyên góp 1500 USD của mình.

Tất cả những điều ấy được cô thực hiện ngay cả khi đang trong thời gian hóa trị và chuẩn bị phẫu thuật gan.

cc3

 Jane Johnson (trái) và người bạn trong tổ chức vì bệnh nhân ung thư của cô

Điều ý nghĩa nhất với việc sẵn sàng cho đi, là đồng thời ta cũng có thể sẵn sàng nhận lại.

Jane mong rằng những người đang gặp khó khăn sẽ không tách mình khỏi những người xung quanh vì mặc cảm: ‘Bạn sẽ phải trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc – trong đó có thể là cả trầm cảm nữa.

Bạn không cần phải tỏ ra cứng rắn, và nhờ đến sự giúp đỡ của người khác cũng không sao cả. Hãy nhìn xung quanh mình, những nguồn động viên giúp đỡ vẫn luôn ở gần bên bạn’.

Mai Hoa/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO