Báo Điện tử Gia đình Mới

Ăn tiết canh, trả giá bằng mạng sống

Đã từ lâu, nhiều người có quan niệm tiết canh là món ăn mát, bổ, tuy nhiên theo các chuyên gia thì đây chính là món ăn có hại cho sức khỏe nhất và đã không ít người phải trả giá bằng mạng sống của chính mình.

Tiết đóng can tràn lan khắp chợ

Thực tế, đã có không ít trường hợp ngộ độc thậm chí mất mạng bởi những món ăn từ tiết động vật sống. Thế nhưng với quan điểm ăn gì bổ nấy nên nhiều người vẫn chủ quan, vô tư sử dụng loại thực phẩm này.

Để tìm hiểu rõ hơn về thị trường các mặt hàng tiết sống, PV Gia Đình Mới đã thâm nhập vào một số chợ và quán ăn tại Hà Nội.

Tìm đến chợ Ngã tư sở, một trong những chợ đầu mối lớn ở Hà Nội, chúng tôi bắt gặp không ít những quầy hàng bán nội tạng lợn có bán kèm tiết lợn sống.

Tiết lợn được đựng trong chiếc can cũ kỹ, bán cùng nội tạng lợn và tuyệt nhiên không có một phương thức bảo quản nào khác nhưng mọi người vẫn thản nhiên mua về để chế biến món ăn.

Theo chia sẻ của người bán: ‘Rất nhiều người mua loại tiết này để chế biến món ăn. Không chỉ làm dồi lòng, tiết luộc mà còn làm cả tiết canh nữa’.

Rời chợ, chúng tôi tìm đến một quán một quán cháo lòng tiết canh bình dân khá nhộn nhịp ở trên đường Đặng Tiến Đông (Đống Đa, Hà Nội). Với giá chỉ 10.000 - 15.000/ bát, tiết canh được bán tràn lan, không rõ nguồn gốc, không che đậy. Dù vậy, nhiều người vẫn vô tư ăn.

Tiết lợn được bày bán khắp các sạp hàng nhưng tuyệt nhiên không có phương thức bảo quản nào khác ngoài đựng trong chiếc can nhựa.

Tiết lợn được bày bán khắp các sạp hàng nhưng tuyệt nhiên không có phương thức bảo quản nào khác ngoài đựng trong chiếc can nhựa.

Chị Ngô Thị Tuyết (Mỹ Đình, Hà Nội) - một trong số những người yêu thích món ăn này chia sẻ: ‘Mình rất thích ăn tiết canh, dù biết là dễ mắc liên cầu khuẩn lợn, nhưng nhiều khi thèm nên vẫn ăn.

Bình thường nếu muốn ăn thì mình sẽ tự mua đồ về nhà để chế biến chứ không ăn ngoài hàng mấy khi. Nhưng cũng chỉ thỉnh thoảng mới làm thôi, chứ mình cũng sợ lây bệnh lắm’.

Cùng chung sở thích với chị Tuyết, anh Vũ Văn Thắng (Văn Lâm - Hưng Yên) cho hay: ‘Mình cũng là một trong những tín đồ thích ăn tiết canh. Thực ra vẫn biết ăn tiết canh sống dễ mắc bệnh nên mình chỉ ăn tiết canh do mình tự chế biến tại nhà thôi’.

Dù biết rõ những tác hại của việc ăn tiết canh nhưng nhiều người vẫn ‘nhắm mắt cho qua’ để rồi có những trường hợp đã phải đánh đổi cả mạng sống của mình.

Tử vong vì bát tiết canh

Mới đây, một bệnh nhân đã tử vong sau khi được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Nguyên nhân vì bệnh nhân nhiễm giun xoắn do ăn tiết canh và thịt lợn sống.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, mới đây bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 2 bệnh nhân là P.P.H. (32 tuổi) và L.L.G. (24 tuổi) cùng ở huyện Mường Tè (Lai Châu) bị bệnh giun xoắn do ăn thịt lợn ốm. Tuy nhiên, do tình trạng nặng, một bệnh nhân đã tử vong.

Chia sẻ với PV Gia Đình Mới, Ths.BS Nguyễn Trung Cấp cho hay: ‘Tiết canh là đồ ăn sống, tất cả các mầm bệnh trong đồ ăn sống đều chưa bị diệt.

Do vậy mà mầm bệnh từ con vật mà mình lấy làm tiết canh như con lợn, con gà, con dê… con vật đó có mầm bệnh gì thì người ăn sẽ mắc, lây sang người như nhiễm liên cầu khuẩn, xoắn…

Tiết canh từ gia cầm có thể mắc cúm H1N1, H5N1… Rất nhiều trường hợp bệnh nhân phải nhập viện điều trị do nhiễm cúm gia cầm vì ăn tiết canh vịt, tiết canh ngan…’.

Bất chấp mầm bệnh, nhiều người vẫn ăn tiết canh.

Bất chấp mầm bệnh, nhiều người vẫn ăn tiết canh.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: ‘Nhiều người có quan điểm ăn tiết canh có giá trị dinh dưỡng cao và có thể chữa bệnh. Tuy nhiên, thực tế tiết canh không có nhiều dinh dưỡng như nhiều người tưởng, thậm chí rất nguy hại’, PGS.TS Thịnh khẳng định.

‘Không có cơ sở để khẳng định ăn tiết canh mát, chẳng qua khi ăn tiết canh, ăn máu sống và thịt để nguội nên có cảm giác mát trong miệng.

Máu động vật khi nấu chín cũng có giá trị dinh dưỡng và giúp cung cấp hàm lượng sắt cho cơ thể nhưng ăn tiết sống, bên cạnh nguy cơ nhiễm khuẩn, hàm lượng hồng cầu có trong nó không dễ tiêu hóa trong cơ thể con người, thậm chí còn gây bệnh’, ông phân tích.

Ngọc Nga - Linh Ly/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO