Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP. HCM trải lòng: “Hai mươi tám năm làm bác sĩ, tôi sợ ba điều và luôn tìm cách chế ngự nó". !”

Bác sĩ Trương Hữu Khanh là “chủ” của fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng” có hơn 200 nghìn người theo dõi và cũng là chủ của “phòng mạch 15.000 đồng”.

Gia Đình Mới có buổi hẹn gặp với bác sĩ vào một buổi chiều đầu tháng Tư trong cái nắng vàng hanh hao của Hà Nội nhân một chuyến anh ra ngoài này công tác đột xuất.

Vẫn chiếc mũ Beret che hơn nửa mái tóc xoăn rậm rạp, vai khoác balo, áo bỏ ngoài quần khiến tôi bất chợt liên tưởng anh như một nghệ sĩ lãng du đang đi tìm cảm hứng sáng tác hơn là ông “Bác sĩ mê con nít” như anh vẫn tự nhận.  

 

 Lý do đặc biệt ông chọn gắn bó với nơi được xem là “đầu sóng ngọn gió” mà dịch bệnh thường xuyên tìm đến như Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1?

- Đó là năm 1989, tôi được nhận vào làm việc không công ở Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1. Có lẽ tôi cũng là một trong những bác sĩ làm không công đầu tiên của cả nước (cười …). Thời gian làm này cũng không lâu, chỉ khoảng 4 tháng.

Thực sự, đến tận bây giờ, tôi không suy nghĩ nhiều về điều ấy. Bởi ngày đó, có thầy dạy về tâm thần nhìn bảng điểm của tôi đã ngỏ lời nhận tôi về bệnh viện. Đồng thời, tôi cũng rất thích nói chuyện với người không bình thường để đoán tâm lý của họ nhưng chỉ là sở thích đơn thuần khi đi học.

Đối với tôi, con nít và bệnh viện Nhi đồng 1 là cái duyên. Vì tôi thích tư duy tìm tòi, ưa khám. Bất cứ điều gì đều gợi cho tôi sự tò mò và học được điều gì đó. Tôi nghĩ nếu một đứa bé không biết nói mà mình tìm ra bệnh thì mới hay. Nên tôi muốn khám chữa bệnh cho con nít – như là một cách để thoả mãn khao khát khám phá của mình.

Tôi cũng mê ngành truyền nhiễm, vì nghĩ rằng nhiều bệnh cần phải nghiên cứu, tìm tòi nguyên nhân rất lâu, thậm chí là khó... Không ngờ, bây giờ lại có nhiều bệnh nhiễm chữa khó quá, thậm chí có bệnh thầy thuốc cũng phải bó tay.

Bác sĩ từng chia sẻ “Hai mươi tám năm làm bác sĩ, tôi sợ ba điều và luôn tìm cách chế ngự nó. Sợ nhất bệnh nhân chết, sau đó là sợ bỏ sót bệnh và thứ ba là sợ bệnh nhân nghèo đi”… Ông có thể chia sẽ rõ hơn về điều này?

- Bất cứ bác sĩ nào tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân có khả năng tử vong đều có cảm giác sợ. Khi mình đang điều trị cho bệnh nhân mà bệnh nhân chết mà không hiểu vì lý do gì. Điều đó trở thành nỗi ám ảnh. 

Nỗi sợ thứ 2 là bệnh nhân có bệnh gì mà không tìm ra, tức là bác sĩ để sót bệnh. Điều này ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh cho bệnh nhân. Đôi khi sự chậm trễ này khiến bệnh nhân có thể bị tử vong vì không được điều trị kịp thời.

Còn nỗi sợ thứ 3 là lo làm bệnh nhân nghèo đi vì quyết định chẩn đoán bệnh không chính xác của người bác sĩ. Đa số bác sĩ thường không để ý tới kinh tế của người bệnh. Nhiều người rất vất vả một thời gian dài mới tích cóp được số tiền ít ỏi. Nhưng vì mắc bệnh, họ phải tiêu tốn vào việc chữa trị.

Thậm chí, không ít người phải đi vay nóng và mang nợ suốt cuộc đời. Nếu bác sĩ không chú ý tới khả năng chi trả của bệnh nhân thì vô tình làm bệnh nhân nghèo đi…

Bởi vậy, sau này khi tham gia công tác giảng dạy, đào tạo, tôi vẫn thường dặn học viên của mình, sau này làm nghề chữa bệnh giỏi rồi thì cố làm sao học cách tiết kiệm tiền cho bệnh nhân, trước hết là phải tối giản những xét nghiệm kỹ thuật không cần thiết trong quá trình thăm khám bệnh cho họ.

Ngoài 3 nỗi sợ trên thì ông còn có mối lo nào nữa?

- (Cười lớn…) Sau này, tôi cũng có hỏi các học viên:

- “Ngoài bấy nhiêu nỗi sợ, khi chữa bệnh cho bệnh nhân, các em còn sợ điều gì?”

- “Em sợ bị đánh!”  

Đây là câu nói phản ánh sự thật trong nghề này và là nỗi lo sợ không hề thừa.

Vậy phải làm gì để chế ngự nỗi sợ, không còn lo sợ điều gì? Không gì khác chính là việc bác sĩ phải học.

Học, học hoài để nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật nghiệp vụ để trở thành bác sĩ giỏi tay nghề. Rồi học cả kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân, học để phán đoán được tâm lý của bệnh nhân và người nhà của họ để có những ứng xử phù hợp…

Vì thế việc học sẽ giúp mình “trám” đi các nỗi sợ đó. Bác sĩ phải học suốt đời cũng là vì vậy.

Ông mất bao lâu để nhận ra 3 nỗi sợ đó?

- Trong con người tôi, 3 nỗi sợ đó luôn đi cùng nhau. Tôi đã mất gần 30 năm làm việc, học tập mới nghiệm ra được 3 nỗi sợ đó.

Tôi muốn truyền tải những điều đó tới học viên của mình, để các đồng nghiệp trẻ tương lai ý thức được những điều chúng cần phải học và muốn học.

30 năm gắn “duyên” với bệnh nhi tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1, ông thường nghĩ điều gì khi nhắc tới hai từ “con nít”?

- Con nít thực sự rất thú vị nhưng cũng mong manh vô cùng. Thú vị vì chúng thơ ngây, trong sáng, có tư duy đơn giản, nghĩ sao nói/biểu hiện vậy, thích gì nói nấy.

Đối với bản thân tôi thì con trẻ là cả một sự khám phá vô tận. Đây cũng chính là cái thích của tôi. Bởi vì, khi thăm khám bệnh nhân là người lớn thì bác sĩ rất dễ dàng đưa ra các yêu cầu của mình.

Nhưng với trẻ, nhất là những trẻ chưa biết nói thì đòi hỏi bác sĩ phải có cái đầu và kỹ năng tổng hợp mới có thể bắt trúng bệnh của trẻ. Ví dụ, nếu bệnh nhân bình thường chỉ cần nói há miệng ra để khám là được ngay nhưng với trẻ, nếu chúng không thích thì đố làm được điều này dễ dàng.

Tôi chữa bệnh cho con nít không đơn thuần chỉ là chữa bệnh thông thường mà còn là thử thách bản thân: làm thế nào để dỗ dành chúng nín, lúc nào dụ chúng làm theo hay không sợ bằng ánh mắt, khi nào thì giao tiếp với chúng bằng sự biểu cảm của khuôn mặt…

Vì trẻ thường nhìn thẳng và cảm nhận rất tinh tế thái độ của người đối diện qua ánh mắt, cử chỉ. Nhiều khi tôi dỗ trẻ mà nhiều người nhìn vào thấy lạ lùng không hiểu sao tôi lại làm được vậy hay làm như vậy.

Tôi làm được điều đó sau một thời gian dài quan sát, trò chuyện, lắng nghe rất nhiều con nít. Mỗi đứa trẻ lại có một cá tính riêng, tôi phải mất kha khá thời gian thì mới có thể hiểu được các cách giúp chúng nín khóc khi thăm khám.

Thế nhưng, sự sống của chúng rất mong manh. Tôi không dám sinh con cũng là do nỗi sợ hãi mong manh đó.

Phải chăng trong quá trình khám chữa bệnh của mình, ông đã có ấn tượng gì?

- Tôi là người rất kỳ lạ, tôi chữa nhiều ca bệnh nhưng tôi thường không nhớ những ca bệnh nhân sống sót mà chỉ nhớ những bệnh nhi đã tử vong. Nhiều khi nhắm mắt lại ngủ, hình ảnh gương mặt con nít lúc sắp lìa đời vẫn hiện ra rõ rệt.

Tôi ám ảnh mãi vẻ bàng hoàng lẫn ngơ ngác của cha mẹ bé vì sự ra đi của bệnh nhi nhanh quá, khó hiểu quá. Bởi ở các bệnh viện họ đi qua, bé đều được cho là “bình thường”. Sau đó, tôi dành thời gian lục tìm y văn, xem lại hồ sơ bệnh án.

Tôi nhận thấy, lúc gần qua đời, bệnh nhi đã bị tăng áp lực nội sọ, mạch nhanh, nói lảm nhảm… Phải mất một năm rưỡi theo dõi, nghiên cứu và quan sát bệnh nhân chúng tôi mới khẳng định được đó là gì!

Có khi nào nỗi ám ảnh đó trong ông vơi bớt?

- Nỗi ám ảnh đó theo tôi mỗi ngày. Chỉ khi vui vẻ, thư giãn là tôi có thể quên đi nhưng khi làm việc, bắt gặp một ca bệnh nhi như vậy thì tôi sợ lắm, lại nhớ tới các gương mặt đã tử vong.

Tôi nhận ra, tất cả mọi bệnh nhân đều dạy cho mình một điều gì đó, đặc biệt là bệnh nhân tử vong. Mình không thể để bệnh nhân phải trá giá bằng sự ra đi vô ích mà mình không rút được được bài học nào cho bản thân người bác sĩ.

Như vậy, khám chữa bệnh cho bệnh nhi không chỉ cần giỏi chuyên môn mà còn phải là người có tình yêu với chúng nữa…

- Khám Nhi khoa khó hơn khám cho người lớn nên bác sĩ Nhi khoa phải có cái đầu tổng hợp. Một trong những điều đó, câu chuyện tư vấn cho người nhà rất quan trọng trong khâu khám chữa bệnh cho trẻ nhỏ.

Trong 100 trẻ tới khám bệnh, chỉ có khoảng 30 – 40 ca thực sự cần điều trị thôi. Nhiệm vụ của bác sĩ nhi khoa là nói làm sao để phụ huynh hiểu.

Có những ca bệnh, không đoán trước được bệnh sẽ diễn biến như thế nào nên bác sĩ cần hướng dẫn, tư vấn cho phụ huynh: dấu hiệu khi nào nguy hiểm, khi nào an toàn… để họ giảm bớt sự lo lắng.

Hiện nay, ông có thấy nhiều bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ trẻ thường ỷ vào kết quả xét nghiệm hơn là việc thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng?

- Tôi cho rằng việc ra đời và ứng dụng các xét nghiệm trong công tác thăm khám và điều trị bệnh là vô cùng quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Đúng là người lạm dụng xét nghiệm nhiều nhất chính là các bác sĩ trẻ.

Vì thế khi trao đổi nghiệp vụ chuyên môn với các bác sĩ trẻ hay trong các giờ giảng cho học viên của mình, tôi thường nói: “Nếu xét nghiệm không trả lời thêm cho các câu hỏi còn thắc mắc của bác sĩ thì đừng cho bệnh nhân làm.

quote-1-3-1652
Nếu xét nghiệm không trả lời thêm cho các câu hỏi còn thắc mắc của bác sĩ thì đừng cho bệnh nhân làm.
 

Hiện nay, nhiều bác sĩ trẻ Nhi khoa không nhận thức được việc tư vấn cho phụ huynh còn quan trọng hơn cả việc kê toa thuốc chữa.

Cá nhân tôi khám cho bệnh nhi thường rất nhanh nhưng lại dành nhiều thời gian nói chuyện với phụ huynh và quan sát trẻ nhỏ.

Tôi khám nhanh nhưng không khám ẩu, phải thăm hỏi cẩn thận, mỗi người tối thiểu mình phải hỏi năm câu chứ. Tôi nói rất ít nhưng nói đúng và trúng.

Mục đích khám là tư vấn giúp phụ huynh giải quyết nhanh triệu chứng bệnh của con em họ, giúp mẹ các bé hiểu, yên tâm và quan trọng nhất là phụ huynh các bé phải biết cách chăm làm sao cho bệnh của trẻ không tiến triển nặng hơn… Các bác sĩ cũng đừng vin vào áp lực đông bệnh nhân mà bỏ qua khâu tư vấn.

Như bác sĩ nói, trong 100 trẻ tới khám bệnh, chỉ có khoảng 30 – 40 ca thực sự cần điều trị thôi. Có phải vì vì 60% bệnh nhân không cần điều trị đã khiến ông quyết định lập Fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng”?

- Đúng vậy! Tôi có ý định này lâu rồi. Bắt nguồn từ thực tế thôi. Trong lúc tôi đang khám bệnh thường xuyên nhận được tin nhắn, điện thoại nhờ giải đáp. Hoặc bản thân tôi thấy cách chăm sóc bệnh nhi của phụ huynh là sai nhưng không có thời gian để giải thích, nhắc nhở.

Những chương trình giao lưu về bệnh tật trên báo đài tốt đấy nhưng lại bị giới hạn về thời lượng, chủ đề, trong khi nhu cầu được cung cấp thông tin của người dân thì nhiều quá.

Có những kiến thức y khoa thường thức nhưng nhiều phụ huynh không nắm được. Tôi nghĩ phải dành nhiều thời gian để giải thích và tư vấn cho phụ huynh.

Tôi để phần giới thiệu của Fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng” là: Giải đáp thắc mắc bệnh con nít; Tham khảo – không phải chẩn đoán; Không bàn nhiều về thuốc; Không cho toa; Không thay thế phòng khám”…

Với mong muốn chia sẻ, giải thích những khúc mắc ban đầu của cha mẹ các bé khi chưa có điều kiện mang con tới cơ sở y tế ngay được  hoặc là trong trường hợp đã khám rồi nhưng vẫn còn thắc mắc hay chưa hiểu về cách điều trị, chăm sóc con.

Ngoài ra, Fanpage đó là cách để tôi tiếp tục tiếp cận giúp đỡ được nhiều bệnh nhân hơn.

Tôi làm fanpage từ những tư duy có sẵn và kinh nghiệm trong nghề. Có những vấn đề mới, những câu hỏi không gần với chuyên khoa tôi cũng phải nghiên cứu tài liệu, tham khảo thêm ý kiến đồng nghiệp để đưa ra những lời khuyên hợp lý.

Khi vào fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng”, tôi thấy ông không bỏ qua bất kỳ comment nào và trả lời rất ngắn gọn...

- Bệnh trẻ con thế chứ không phức tạp, mùa nào bệnh đó. Dĩ nhiên cũng phải lưu ý đến một số trường hợp đặc biệt, cái đó thì làm lâu năm mới có kinh nghiệm được.

Nhiều bà mẹ tả bệnh của con tới cả ngàn chữ, không ít những đoạn gõ không dấu khó luận ra nhưng tôi đều dành thời gian nghiên cứu kỹ. Nhiều khi tôi chỉ gõ “nóng, đói”, “tới BV ngay”, “vào cấp cứu nhé”, “nguy đó” hoặc cũng có khi chỉ “ổn mà”, “ được”, “nuôi vậy tốt rồi” rồi nhấn trả lời.  

Thật ra, tôi chỉ tư vấn, chỉ định hướng, chứ không có ý định thay thế bệnh viện được. Sau khi vận hành, tôi đã tin mình làm đúng, không còn băn khoăn nữa.

Vậy thì, ông phân bố thời gian dành cho Fanpage như thế nào?

- Hiện tại, mỗi ngày tôi dành 4 tiếng chia đều sáng 2h, tối 2h để giải đáp thắc mắc trên Fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng”.

Giai đoạn đầu, tôi thường xuyên phải trả lời đi rồi trả lời lại cho hàng loạt câu hỏi về cùng một vấn đề, một loại bệnh. Giai đoạn sau này, tôi làm các bài “ghim” trên trang và khuyến cáo các bà mẹ nên đọc nhưng vẫn gặp những câu hỏi trùng lặp nên tôi thống kê thành từng phần khác nhau, khi tiếp nhận câu hỏi nếu không có vấn đề mới cần giải thích thêm, tôi sẽ chỉ cho các bà mẹ xem câu mấy ở mục nào…

Quan điểm của tôi, không làm thì thôi còn nếu làm thì làm tới nơi, tới chốn. Tôi sợ người nhà họ nghe không ra, họ làm sai nên luôn cố gắng nhiều nhất có thể để duy trì Fanpage đó.

Trước khi đưa lời khuyên ảnh hưởng tới nhiều người, đặc biệt là phụ huynh đang rối trí trước các biểu hiện bất thường của con em họ, tôi đều cân nhắc rất kỹ.

29355225_2141371032759058_6392710638680608002_o

Sách “Hỏi bác sĩ nhi đồng” giải đáp thắc mắc của cha mẹ về bệnh con nít

Từ ý tưởng tập hợp một cách có hệ thống toàn bộ những bài viết có tính hỏi đáp giữa cha mẹ trẻ em và bác sĩ nhi vào trong một cuốn cẩm nang nhỏ, hữu ích, thiết thực, để làm sách gối đầu giường cho các bà mẹ bỉm sữa, cuốn sách “Hỏi bác sĩ nhi đồng” đã ra đời và chính thức phát hành vào ngày 8/4/2018 trên toàn quốc.

Cuốn sách “Hỏi bác sĩ nhi đồng” đã tập hợp những giải đáp của Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rất nhiều thắc mắc của các bà mẹ bỉm sữa theo hệ thống: những bệnh thường gặp; những dị tật bẩm sinh; các vấn đề về tiêm chủng cho trẻ; dinh dưỡng cho trẻ; bệnh liên quan đến hô hấp, đường ruột, bệnh ngoài da, bệnh nhiễm, cho đến toàn bộ những kiến thức về tiêm chủng, vắc xin, vấn đề dinh dưỡng, ăn dặm; chăm sóc trẻ; rèn luyện tính tự lập cho trẻ

Toàn bộ tiền nhuận bút sẽ được bác sĩ Hữu Khanh dùng để giúp đỡ bệnh nhi nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Bây giờ, phụ huynh hay gặp ông ở Fanpage “Hỏi Bác sĩ nhi đồng”. Còn trước đây, họ biết tới ông với phòng mạch 15.000 đồng. Khác với nhiều người, mở phòng khám để tăng thu nhập, ông lại chọn quê của mình để giúp đỡ họ…

- Có nhiều yếu tố để tôi duy trì phòng mạch 15.000 đồng đó. Đó là tranh thủ mỗi lần về quê khám bệnh cho người dân quê tôi, tôi có cơ hội được ăn cơm cùng ba má của mình.

Đặc biệt là sau một thời gian làm phòng mạch, tôi nhận thấy người dân ở đây họ cần mình. Tôi lớn lên ở huyện Hóc Môn, TP.HCM và có được ngày hôm nay cũng nhờ người dân xung quanh. Khám bệnh cho họ cũng là một cách để tôi trả ơn.

Sở dĩ có tên “Phòng mạch 15.000” vì tôi thấy công sức mình bỏ ra chỉ có vậy nên tôi lấy như thế là hợp lý rồi. Hơn nữa dân ở đó nghèo, tôi cũng không muốn lấy thêm. Lâu lâu, tôi bớt cho chúng 10.000 đồng để mua đồ chơi. Gần chỗ tôi có trại trẻ mồ côi, mỗi lần chúng ra khám tôi cũng không nỡ lấy tiền…

Vậy khi quyết định dừng phòng mạch, ông đã suy nghĩ như thế nào?

- Mẹ đẻ và mẹ vợ của tôi thường nói, con làm gì cũng phải chừng mực, đừng lợi dụng nghề của mình mà làm quá. Hai bà mẹ đều muốn tôi sống cuộc sống bình thường, vừa đủ, vì bác sĩ rất dễ bị “hư” bởi đồng tiền.

Có nhiều lúc, mẹ thấy tôi đi làm về muộn, lo lắng nói tôi nghỉ đi. Tôi định dừng phòng mạch từ năm 2010 nhưng nghe lời mẹ động viên, tôi ráng về quê 2 buổi/tuần. Tôi duy trì phòng mạch tới 2015 thì dừng hẳn. Khi quyết định dừng phòng mạch, tôi gặp không ít thách thức, mà lớn nhất là tình cảm của phụ huynh và tụi nhỏ ở quê.

Từ “Phòng mạch 15.000 đồng” đến fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng”, ông gửi gắm và mong chờ điều gì?

- Làm bác sĩ nhiều năm tôi biết, bệnh nhân ít được quyền trả giá, mặc cả dịch vụ khám chữa bệnh. Họ luôn mang tâm trạng lo lắng về chi phí khám chữa bệnh. Đã có những lúc tôi bắt gặp ánh mắt: “Lỡ mình không đủ tiền để trả cho việc khám chữa bệnh thì sao…” của bệnh nhân…

Dù là phòng mạch hay Fanpage thì đều có cái hay riêng của nó, đều phải dốc công sức vào đó, giúp được càng nhiều bệnh nhân càng tốt.  

Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện thú vị này!

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO