27 năm gắn bó với khoa, bác sĩ Vũ Thị Vui đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình điều trị cho trẻ bại não, đặc biệt về việc tư vấn người nhà bệnh nhi.

Đều đặn hằng ngày, cứ 8 giờ sáng, khoa Điều trị và Chăm sóc đặc biệt cho trẻ bại não, bệnh viện Châm cứu Trung ương lại rộn ràng bởi tiếng khóc réo rắt của bệnh nhi, câu hò nhau hỗ trợ từ những người bố, người mẹ và người bà có con đang điều trị tại đây.

Trưởng khoa Vũ Thị Vui cùng cộng sự của mình lần lượt đi từng buồng bệnh. Cứ ngưỡng giờ này, nhìn thấy bác sĩ Vui bên cạnh chiếc xe đẩy cùng nhiều y bác sĩ mặc áo blouse, những đứa trẻ được nhắc đến giờ châm. 

Những ánh mắt bắt đầu đỏ hoe, tiếng khóc ê a từ phòng bệnh này nối sang phòng khác. Những hộp kim châm cứu dài, ngắn được đặt ngay ngắn bên cạnh máy châm cứu trên chiếc xe đẩy. Những đứa trẻ ở đây chuẩn bị bước vào đợt châm cứu kéo dài 30 phút.

Gần trưa, bác sĩ Vui mới ngơi tay, uống cốc nước và xem công việc tiếp theo cần xử lý là gì.

Cuộc trò chuyện với người bác sĩ sinh năm 1967 tràn ngập tình yêu thương của bà với bệnh nhi và người nhà.

titphu2

Ngày càng nhiều trẻ bị tăng động, giảm chú ý. Theo bà, nguyên nhân chính là do đâu?

- Hầu hết các bé có dấu hiệu chậm phát triển trí tuệ và ngôn ngữ là do mẹ bị rối loạn tâm trạng trong thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu tiên. Nguyên nhân là tâm trạng bất ổn của mẹ sinh đã ra hormone cortisol và dolpamine, gây tác động đến não bộ và gây ra sự mất tập trung, giảm chú ý, dễ kích động cho trẻ.

Chính trạng thái lo âu, căng thẳng của mẹ đã làm cản trở sự hấp thu dinh dưỡng và khiến bé bị thiếu hụt những dưỡng chất cần thiết. Điều này gây thiếu hụt các chất cần thiết cho sự phát triển thần kinh của thai nhi khiến bé chậm nói.

Khi người mẹ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, cộng thêm tâm trạng căng thẳng, buồn phiền thì đứa trẻ sinh ra cũng có nguy cơ cao bị chậm nói và kém phát triển trí não.

Bà có thể đưa ra một số dấu hiệu nhận biết trẻ bị tăng động, giảm chú ý?

- Trẻ tăng động giảm chú ý thường bị chậm phát triển ngôn ngữ. Có những trẻ phát triển khả năng nói bình thường trong giai đoạn đầu nhưng sau mất dần ngôn ngữ và rối loạn hành vi. Khả năng giao tiếp có lời nói và không lời nói đều bị giảm hoặc mất. Còn lại, hầu hết các trẻ đều chậm nói.

Thiếu tập trung: Trẻ mắc chứng này sẽ gặp khó khăn trong việc chú ý ngay cả khi đang bị người lớn nhắc nhở. Trẻ thường giả điếc, coi như không nghe thấy bạn nói gì. Hoặc trẻ nói là đang nghe lời nhưng khi được yêu cầu lặp lời, trẻ sẽ không biết nói gì. 

Trẻ khó tập trung để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thường thì trẻ sẽ bắt đầu làm rồi bỏ lửng công việc đang làm, chạy đi làm việc khác hoặc không biết mình phải làm gì tiếp theo.

Rối loạn hành vi: Trẻ thường có những hành động bất thường, lặp đi lặp lại 1 động tác. Trẻ không nhận biết được bộ phận cơ thể của mình.

Trẻ không có sự giao tiếp bằng mắt hoặc giao tiếp bằng mắt nhưng lơ đãng, mắt không có điểm dừng. Có nhiều trẻ giao tiếp được bằng lời nói nhưng cũng có những trẻ không giao tiếp được bằng lời nói.

Rối loạn cảm xúc: Trẻ tăng động giảm chú ý có thể khó mà kiềm chế được cảm xúc, cả tốt và xấu. Chúng hay la hét ầm ĩ, đập đầu, ăn vạ vô lý. Trẻ có thể bùng phát các cơn thịnh nộ hoặc giận giữ ở những thời điểm không phù hợp.

Trẻ mắc tăng động giảm chú ý thường hay huyên náo, gây ồn ào, nhưng có những trường hợp không phải thế. Một dạng khác của chứng này thì yên tĩnh hơn và ít liên quan đến bạn bè. Trẻ có thể nhìn lơ đãng ra ngoài trời, như đang mơ màng, và bỏ qua những điều đang diễn ra quanh mình.

Rối loạn sinh hoạt: Trẻ tăng động giảm chú ý thường ăn kém, ngủ không được ngon giấc.

Empty
Empty
 

Nhiều bố mẹ mặc cảm con mình không giao tiếp và hành động như những đứa trẻ bình thường nên không cho con ra ngoài, thay vào đó để con ở nhà. Điều này ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển của bé?

- Nhiều bố mẹ không muốn cho đứa con khiếm khuyết của mình giao tiếp với mọi người, điều này là một sai lầm. Vì nếu càng không cho con gặp gỡ với mọi người xung quanh thì con càng khó có thể nói và có những cử chỉ như những đứa trẻ bình thường được.

Bố mẹ nên bỏ mặc cảm con mình bị chậm ngôn ngữ và trí tuệ, phải gần gũi, động viên con mỗi ngày. Bố mẹ cần chấp nhận và tin tưởng con sẽ vượt qua, dần dần con sẽ hoà nhập cuộc sống.

Nhiều người cho rằng những bé bị tăng động, giảm chú ý nhưng vẫn có những khả năng đặc biệt. Làm thế nào để các con phát huy được những thiên hướng đó một cách tích cực?

- Nhiều trẻ bị tăng động giảm chú ý thường có những năng khiếu đặc biệt và có thể học giỏi trội một môn học nào đó. Rất nhiều phụ huynh đã trao đổi lại với tôi sau khi bé quay lại hoà nhập cộng đồng như vậy.

Tôi nghĩ, các con có thiên hướng gì thì nên đầu tư vào thiên hướng đó. Khi được làm đúng với sở thích của mình thì trẻ rất hào hứng và sẽ ngày càng phát triển. Nếu trẻ gặp phải sự ngăn cản từ phía bố mẹ thì chúng sẽ bỏ ngang và lúc sau sẽ không thể làm được nữa.

Lời khuyên cho các bậc cha mẹ có con bị như vậy là gì?

- Bố mẹ cần tỉnh táo, chuẩn bị tâm lý để chiến đấu cùng con trong hành trình gian nan này.

Nếu bố mẹ bỏ cuộc thì con cũng không thể sớm hoà nhập với cộng đồng được.

Bố mẹ phải đóng vai trò như một người giáo viên của con, trực tiếp tham gia vào việc dậy con giao tiếp, hỗ trợ và đồng hành với con trong mọi hoạt động vui chơi, sinh hoạt hằng ngày.

Điều quan trọng, bố mẹ phải giao tiếp với con mỗi ngày, bất cứ lúc nào, cho dù có thể con chưa hiểu bố mẹ nói gì.

Nhưng nếu bố mẹ lặp đi lặp lại nhiều lần điều đó thì đến một lúc nào đó, con sẽ hiểu được điều bố mẹ truyền đạt.

Bố mẹ cần kiên nhẫn trước các hành động bất thường hay những điều mà con chưa hiểu. Thay vì nói ‘không được’, ‘cấm’ thì bố mẹ nên đánh trống lảng con bằng việc sai con làm những cái khác.

Ví dụ khi thấy con chỉ vo viên tờ giấy, chơi với tờ giấy đó cả ngày, bố mẹ không nên tự ý lấy tờ giấy đó của con và nói ‘con không được chơi cái này’, ‘mẹ cấm con động vào tờ giấy này’. Thay vào đó, bố mẹ nên nhẹ nhàng bảo con đi lấy cho mẹ cốc nước hay ra đây chơi với bố.

Việc tư vấn cho người nhà bệnh nhân đã khi nào rơi vào bế tắc chưa?

- Trong suốt quãng thời gian công tác, mong muốn tất cả bệnh nhân đều có tiến triển, nhưng có những bạn tôi chưa giúp được nhiều một cách tối đa.

Có thể do bệnh nhân chưa kiên trì, có những ông bố sau khi nghe phác đồ điều trị, họ bảo ‘Thế thì điều trị đến bao giờ?’ hoặc để con lại điều trị một đợt xong cũng bỏ. Lúc đó, tôi cảm thấy rất buồn, tôi giải thích cho họ rồi mà họ chưa hiểu.

Có những bé chậm phát triển trí tuệ và ngôn ngữ, cần điều trị kịp thời trong giai đoạn vàng nhưng khi bé mới chớm biết nói, bố mẹ đã ngưng không cho cháu đi điều trị nữa. Nhưng họ không hiểu ngoài biết nói thì còn liên quan đến hành vi, sự tương tác nữa chứ không đơn thuần chỉ là nói thôi.

titphu1

Bệnh nhân tại khoa Điều trị và Chăm sóc đặc biệt cho trẻ bại não có gì khác so với bệnh nhân ở khoa nhi thông thường?

- Các bệnh nhân của khoa Điều trị và Chăm sóc đặc biệt cho trẻ bại não là những bé chưa nói được, chưa đi được dù đã đến tuổi biết nói, biết đi.

Có những bệnh nhân mười mấy tuổi nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc giao tiếp thông thường với những người xung quanh. Có những bé cả ngày chỉ lặp đi lặp lại một động tác, có giải thích như thế nào bé cũng không hiểu.

Nhiều người nhìn thấy những em bé như vậy có phản ứng tiêu cực. Bà đã bao giờ bị rơi vào trạng thái đó chưa?

- Đúng là nhiều người khi thấy những đứa trẻ như vậy đều có cái nhìn không mấy thiện cảm. Họ vừa ghê vừa sợ. Họ thấy ghê vì rớt dãi của các bé, sợ vì bệnh nhưng tôi thấy thương bệnh nhân.

Những khó khăn bà gặp phải trong quá trình châm cứu cho bệnh nhi tại khoa?

- Chúng tôi gặp khó khăn trong việc châm cho bệnh nhân vì các bé nhỏ tuổi quá. Nếu bệnh nhân nào khó thì tôi châm đầu tiên hoặc cuối cùng. Khi đó, tôi có thời gian nắn nót từng mũi kim châm, theo dõi từng hơi thở của bệnh nhân, lắng nghe xem bệnh nhân có chịu được châm cứu hay không.

Với trẻ con, tiêm cho chúng đã là một điều khó. Bà đã làm thế nào để các bé ngồi yên trong khoảng thời gian 30 phút châm cứu?

- Tôi vừa châm vừa dỗ dành các con. Tôi không nói là châm không đau đâu vì như vậy là nói dối các con.

Thay vào đó, tôi bảo ‘Chỉ như con kiến đốt thôi các con ạ, đừng lo, không quá đau đâu’.

Tôi cũng nhận được sự hỗ trợ từ người nhà bệnh nhân.

Họ giúp tôi trong việc đánh lạc hướng các con, giúp giảm nỗi đau khi tôi đưa kim vào cơ thể chúng.

Những lúc bà tới buồng bệnh thăm bệnh nhân, các bé đã phản ứng như thế nào? Chúng có sợ sệt trước người bác sĩ hằng ngày châm vào người chúng mấy chục mũi kim không?

- Khi không châm, bệnh nhân quý tôi lắm. Có hôm xách túi vừa đặt chân đến khoa, mỗi đứa chạy tới ôm một chân như con cháu trong nhà. Rồi những khi đi buồng bệnh, nhiều bé bá vai bá cổ thơm lấy thơm để, rãi rớt hết cả vào người.

Lúc châm thì hầu như đứa nào cũng khóc ít nhiều mà lúc bình thường lại quý mến tôi vậy. Tôi vui và hạnh phúc lắm.

27 năm gắn bó với cây kim, bà rút ra được điều gì cho bản thân trong quá trình làm nghề?

- Làm nghề y, đặc biệt với những người trực tiếp chữa trị cho bệnh nhi bại não thì phải tâm huyết, yêu thương trẻ con.

Tôi nghĩ, mình phải đặt vào mình người bố người mẹ mới làm được, cảm giác đó là con cháu của mình thì mới làm được cho bệnh nhân. Nếu không thương các con thì không làm được đâu.

Cũng giống như việc nấu ăn, nếu nấu mà không để tâm và không dành tình yêu cho món ăn đó thì nấu sẽ không được ngon.

Mình điều trị bệnh cho các bạn nhỏ, mình có cái tâm, mang hết nội lực của mình trong từng mũi kim châm vào bệnh nhi thì các bé mới có tiến triển. Nếu cứ châm ào ào cho xong thì sẽ không có tác dụng.

Sự tâm huyết của bà trong việc điều trị cho bệnh nhi được thể hiện như thế nào?

- Khi đến viện, tôi toàn tâm toàn ý với bệnh nhân. Hôm nào ở nhà mà chưa ăn sáng thì tới đây cũng đừng mong có thời gian ăn uống.

Sáng đến khoa, sau khi thay quần áo, tôi đi các buồng bệnh xem bệnh nhân thế nào. Rồi tôi chuẩn bị châm cho các bệnh nhi, hòm hòm công việc nhìn đồng hồ cũng đã gần trưa chặt.

Tôi thấy kỳ diệu là không hiểu sao mình có thể làm được nhiều việc như thế trong một ngày. Hôm nào rảnh rảnh, tôi đi lướt các phòng bệnh, hỏi han người nhà, bắt tay bắt chân bệnh nhân.

Như vậy, bà coi người nhà bệnh nhân như những người thân thiết của mình?

- Đúng vậy, tôi vừa là bác sĩ điều trị vừa là người lắng nghe tâm sự từ người bố, người mẹ, người bà của bệnh nhân. Những câu chuyện họ chia sẻ với tôi, tôi thấy buồn. Tôi cứ tự hỏi: Tại sao lại có nhiều hoàn cảnh khó khăn như thế?

Những sự sẻ chia đó như thế nào mà khiến bà buồn đến vậy?

- Nhiều trường hợp thương lắm. Tôi cứ sang phòng bệnh là người nhà lại tâm sự với tôi.

Có mẹ của bệnh nhân nhìn tôi bảo: ‘Bà ơi bà, bà sướng nhỉ, bà được ăn mặc đẹp, thích đi đâu thì đi còn con chẳng bao giờ được đi đâu, chẳng được ăn mặc đẹp và chưa bao giờ được ngủ trọn vẹn 2 tiếng đồng hồ, ăn cơm thì lúc đứng lúc ngồi, có khi bỏ bữa’. Rồi có những người mẹ bế con suốt đêm, vừa dựa lưng vào tường vừa ngủ gật.

Có bé đẻ ra thì bố bỏ đi hoặc mẹ bỏ đi để bà nuôi hoặc nhà có 3- 4 đứa con đều bị như vậy. ‘Cháu chẳng hiểu sao sau khi cháu sinh đứa này thì chồng cháu đi luôn không về nữa’ nhưng bạn đó không biết chồng đã đi ở với người đàn bà khác và cũng có con với người đó rồi.

Vậy còn những niềm vui thì như thế nào?

- Niềm vui cũng không ít. Niềm vui có được không chỉ những lúc bệnh nhân có tiến triển, dù là một chút mà còn là sự sẻ chia giữa tôi với người nhà bệnh nhân nữa. Có khi chỉ cần nhìn bệnh nhân biết đi thôi mà cả khoa ra vỗ tay chung vui cùng gia đình.

Với gia đình quá khó khăn thì tôi cũng giúp họ một chút và kêu gọi nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ. Có những trường hợp đi tàu xe đến viện hết tiền, trong túi chỉ có 100.000 đồng, tôi bảo cho tiền người nhà bệnh nhân nhưng họ chỉ vay thôi, vay rồi trả chứ không xin. Như vậy, tôi cũng đã giúp đỡ họ được phần nào.

Tôi không phân biệt bệnh nhân giàu hay nghèo. Với tôi, càng bệnh nhân nặng mà nghèo thì càng phải quan tâm nhiều hơn.

Nhiều phụ huynh nhìn thấy con như vậy và buông xuôi, để mặc số phận định đoạt. Gặp những trường hợp như vậy, bà đà làm gì?

- Cũng có nhiều phụ huynh khi thấy con điều trị một đợt, không thấy có tiến triển gì thì không tiếp tục nữa. Nhưng họ không biết rằng, bệnh này của các con phải cần nhiều thời gian.

Với bệnh nhân bị bại não, người nhà đưa đến đây có kỳ vọng con cháu họ sẽ đi học bình thường thì đó là một điều không thể, rất khó khăn. Đại đa số trẻ bại não không đi học được. Thế nhưng, con sẽ có tiến triển nếu kiên trì theo phác đồ điều trị.

Còn những bệnh nhân đã điều trị nhiều đợt nhưng không hoặc ít có tiến triển thì sao?

- Tôi nhẹ nhàng nói chuyện với bố mẹ chúng: đến nước này thì bố mẹ cũng đã hết lòng vì con nhưng bệnh của con như vậy rồi, bố mẹ cũng không nên buồn quá. Bố mẹ cần kiên trì và cố gắng tiếp tục đồng hành với con trong chặng đường gian nan phía trước.  

Có kỷ niệm nào trong thời gian làm việc khiến bà day dứt đến tận bây giờ?

- Tôi ân hận khi có một lần nói với người nhà bệnh nhân là chị xem thế nào đẻ đứa khác, có chữa được hay không thì không trông cậy được đâu. Điều đó khiến người nhà bệnh nhân sốc.

Đây cũng chính là kỷ niệm đánh dấu thay đổi của tôi trong việc tư vấn cho người nhà bệnh nhân. Tôi nghĩ, cho dù bệnh nhân có bị nặng như thế nào thì mình cũng nên nhẹ nhàng chia sẻ, tư vấn với người nhà. Và mình cần phải có trách nhiệm trong việc giúp bố mẹ bệnh nhân thay đổi trong việc nhìn nhận về bệnh của con mình.

Đã bao giờ bà nản chí trước công việc đầy khó khăn này chưa?

- Tôi chưa bao giờ nản chí trươc công việc của mình. Tôi làm như người mộng du, đi từ sáng tới tối mịt. Đến viện, tôi không biết gì khác ngoài công việc. Thậm chí, chồng con ở nhà như thế nào cũng không biết.

Có giai đoạn cứ thứ 2 tôi nghĩ đó là thứ 6, chắc do mệt mỏi quá. Thời gian đó kéo dài trong vài năm trời. Nhưng tôi không hiểu sao mình lại mê mệt công việc này đến vậy. Tôi cứ làm và làm thôi.

Những ngày đầu tiên khi bước vào nghề, trở ngại đầu tiên bà gặp phải là gì?

- Châm người lớn thì dễ nhưng châm trẻ bị bại não thì khó vô cùng. Bản thân mình phải tự vượt qua được chính mình trước.

Có bác sĩ vào làm việc tại khoa chưa đến một tuần đã xin đi ‘Cháu không làm được, nhìn thấy các em bé cháu ghê lắm’.

Tôi giải thích, động viên làm rồi sẽ quen nhưng cuối cùng các bạn ấy đã không vượt qua được chính mình và từ bỏ công việc này. Nếu không yêu nghề, coi bệnh nhân như người nhà thì có lẽ tôi đã bỏ việc.

Bà nghĩ điều gì đã tạo nên động lực cho bà mỗi ngày để làm công việc này?

- Tôi cứ tự suy từ mình mà ra, tôi cũng là một bà mẹ, khi con cái hơi sốt thì cả nhà cuống cuồng hết lên, đằng này người ta quanh năm suốt tháng ròng rã theo con, theo cháu như vậy.

Tôi chẳng có ràng buộc gì nhưng tôi lăn lộn với bệnh nhân. Tôi thích việc cứu giúp được nhiều bệnh nhân. Tôi vẫn miệt mài và yêu nghề lắm, muốn giúp đỡ được nhiều bệnh nhi hơn nữa.

Tuy vất vả nhưng tôi nhận ra mình vẫn yêu nghề lắm. Tôi nghĩ nếu tôi không làm thì cũng có nhiều người không muốn làm.

Nhiều người hỏi tôi là sao không chuyển sang chuyên khoa khác cho nhàn nhưng với tôi, càng chữa được cho nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi tôi càng thấy vui.

Quay lại thời điểm 27 năm về trước, làm việc tại khoa này là lựa chọn của bà hay là sự phân công?

- Được đặt chân vào Bệnh viện Châm cứu Trung Ương là mơ ước của tôi. Những ngày mới làm việc tại bệnh viện, lúc nào tôi cũng lâng lâng vui sướng.

Tôi được phân công ngẫu nhiên vào khoa. Sau một thời gian làm việc tại khoa đặc thù này, tôi không thấy ngại bệnh nhân. Tôi đã từng có ý định xin sang khoa khác nhưng rồi lại thôi.

titphu3

Công việc bận rộn của một bác sĩ điều trị chuyên khoa đặc biệt, chồng bà đã phản ứng như thế nào khi bà dành ít thời gian cho gia đình như vậy?

- Tôi may mắn có hậu phương vững chắc, chồng tâm lý và ủng hộ tôi mọi điều. Chồng là người đứng sau sự thành công của tôi. Tôi nghĩ, ai đứng trên đôi chân của mình thì cũng đều có những lúc khó khăn. Tôi bằng lòng với cuộc sống hiện tại.

Giai đoạn khó khăn đó là thời điểm nào và bà đã nhận được sự trợ giúp của chồng như thế nào?

- Trước kia tôi đi làm thêm sau giờ làm việc tại cơ quan. Rồi khi về nhà, hàng xóm có bệnh gì cũng sang hỏi hoặc nhờ giúp.

Nhưng tôi thường khuyên họ tới bệnh viên chuyên khoa để kiểm tra cho chắc chắn. Những lúc đó, chồng cứ giục tôi giúp người ta đi nên tôi phải giải thích để chồng hiểu.

Nếu không để tâm vào công việc thì tôi không bao giờ nhận làm.

Hằng ngày tiếp xúc với các bệnh nhân nhỏ tuổi, điều này đã giúp bà như thế nào trong việc nuôi dạy con cái?

- Tiếp xúc với các bệnh nhi giúp tôi kiên nhẫn hơn trong việc nuôi dạy con cái. Có thời điểm cũng phải quyết liệt với các con. Khi các con học cấp 2, tâm sinh lý thay đổi, tôi đặt ra một cái vòng coi như là định hướng cho các con, nếu thấy chúng hơi đi ra khỏi vòng đó là tôi lại uốn vào. Tôi nghĩ, không việc gì khó bằng việc nuôi một con người.

Thời gian dành cho công việc và gia đình được bà phân chia như thế nào?

- Về nhà, tôi không quên được công việc ở viện, nhưng đến viện là quên việc ở nhà. Tôi dặn bệnh nhân cần tư vấn gì thì cứ gọi điện hỏi, 1- 2 h sáng cũng không sao. Tôi không bao giờ tắt máy vì luôn nghĩ có những khi bệnh nhân cần mình giúp.

Có thời điểm nhà tôi phải thuê hai giúp việc vì bao nhiêu tâm huyết tôi dành hết cho công việc, để hết ở viện rồi, về nhà tôi chẳng làm được việc. Nhưng tôi luôn có sự sắp xếp chu toàn công việc nhà và việc cơ quan. Với tôi, chuyện gì cũng có cách giải quyết.

Tú Anh - Chi Đoàn - Mai Hoa

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO