Báo Điện tử Gia đình Mới

Bố mẹ làm gì khi con nghiện mạng xã hội, nghiện thiết bị điện tử?

Thời gian gần đây, các chuyên gia y tế đã liên tục cảnh báo, ngày càng có nhiều trường hợp trầm cảm do nghiện điện thoại, trò chơi game, đặc biệt là nghiện mạng xã hội đến mức phải nhập viện điều trị.

facebook1

Tiến sĩ, bác sĩ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết, cơ sở y tế này vừa tiếp nhận một nữ học sinh lớp 12 bị chứng nghiện điện thoại, Facebook.

Đặc biệt, để đưa bệnh nhân tới viện, cha mẹ của nữ sinh đã phải dùng tới thuốc mê. Đó là trường hợp học sinh Nguyễn Thị Minh A (sinh năm 2000, ở Hà Nội).

Đây không phải là trường hợp duy nhất ở Việt Nam phải nhập viện do nghiện điện thoại và mạng xã hội Facebook.

Bởi trước đó, mấy tháng trước, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một nam học sinh (14 tuổi) nhập viện với các biểu hiện co giật phân ly.

Theo chia sẻ từ gia đình, cậu bé này có tiền sử sử dụng Facebook rất nhiều, có thời điểm 10 tiếng mỗi ngày. Thấy vậy, gia đình đã thu điện thoại, cấm con lên mạng xã hội. Sau đó, cháu xuất hiện các cơn co giật.

Một trường hợp khác là nam sinh viên 20 tuổi bị trầm cảm mức độ nhẹ sau khi bị nhà trường đuổi học do học hành sa sút vì nghiện mạng xã hội, một ngày dành 8-10 tiếng vào Facebook…

Theo các bác sĩ, nghiện Facebook là dành quá nhiều thời gian sử dụng Facebook, làm ảnh hưởng đến các hoạt động trong cuộc sống như làm việc, học tập hoặc duy trì mối quan hệ thật với bạn bè, gia đình và người xung quanh. Lứa tuổi nghiện Facebook thường ở lứa tuổi trẻ như học sinh, sinh viên.

12-bac-si_IXXN

TS.BS Tô Thanh Phương cho biết, việc dành quá nhiều thời gian để sử dụng điện thoại và mạng xã hội (Facebook) sẽ dẫn đến tình trạng mất khả năng xử lý của mạng lưới thần kinh nhận thức và cảm xúc, khiến tâm trạng bất an, lo lắng gia tăng. Bệnh nhân thường thiếu kiềm chế, giảm nhận thức, bất mãn với cuộc sống,… lâu dần sẽ sinh ra bệnh.

Do đó, hầu hết người nghiện Facebook sẽ ngày càng gia tăng thời gian, mức độ sử dụng, xao nhãng, làm ảnh hưởng đến công việc, học tập, duy trì các mối quan hệ trong gia đình, bạn bè ngoài đời thực, thậm chí không quan tâm đến sức khoẻ bản thân.

Các bác sỹ khuyến cáo: Hiện chưa có con số đo lường cụ thể về mốc thời gian, tần suất sử dụng mạng xã hội của cộng đồng.

Tuy nhiên, khi một người có các dấu hiệu như: sử dụng mạng xã hội hàng ngày, khi không có mạng để vào dùng hoặc bị ngăn cản, cấm sẽ cảm thấy bồn chồn, khó chịu.

Việc vào mạng xã hội mọi lúc, mọi nơi làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc, học tập... thì đó là dấu hiệu của nghiện Facebook.

‘Nếu gia đình phát hiện bệnh nhân nghiện điện thoại, mạng xã hội trong khoảng 6 tháng đầu, lúc đó người bệnh đang ở tình trạng cấp tính, việc điều trị sẽ kéo dài ít nhất là 6 tháng. Nếu thời gian nghiện kéo dài trên 6 tháng, lúc đó đã chuyển sang mạn tính và thời gian điều trị sẽ rất dài, khoảng 3-5 năm’, TS Phương cảnh báo.

Đến nay, chưa có loại thuốc nào chữa nghiện mạng xã hội, mà chỉ dùng các can thiệp về tâm lý để bệnh nhân xóa ứng dụng Facebook, ngừng sử dụng Facebook, kiểm soát thời gian sử dụng.

Do đó, điều quan trọng cốt lõi chính cha mẹ nên dành nhiều thời gian để quan tâm tới con. Thay vì cho con online nhiều giờ trong ngày, cha mẹ nên cho con em ra ngoài tiếp xúc gặp gỡ bạn bè, vận động, chơi thể thao, đặc biệt hãy trò chuyện với con mình nhiều hơn, để tránh gặp phải những căn bệnh không muốn xảy ra.

Ngọc Nga/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO