Báo Điện tử Gia đình Mới

Chuyện những nữ 'măng tặc' Yên Tử

Chẳng biết tự bao giờ măng trúc Yên Tử trở thành một đặc sản của núi rừng Quảng Ninh. Song với cách khai thác tận thu của người dân và sự thờ ơ của chính quyền hiện nay, không biết mai này con cháu chúng ta còn được chiêm ngưỡng rừng trúc Yên Tử nữa không?

Người bán măng bị khách hàng bóc mẽ khi không phải là măng trúc Yên Từ

Người bán măng bị khách hàng bóc mẽ khi không phải là măng trúc Yên Từ

Đặc sản măng trúc Yên Tử

Xưa nay nhắc đến Yên Tử là người ta nghĩ ngay đến Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đến hình ảnh những cánh rừng trúc ngút ngàn. Từ chùa Giải Oan đến chùa Bảo Sái, nếu leo bộ theo các bậc đá, du khách sẽ mãn nhãn với đường tùng, rừng trúc, mai, giang rậm rạp, thơ mộng phủ quanh các mái chùa, đỉnh tháp và rủ xuống hai bên lối đi. Còn nếu đi cáp treo, từ trong cabin nhìn xuống, những cánh rừng trúc ẩn hiện trong sương như lớp lớp quân dân Đại Việt anh dũng, bất khuất, quyết không chịu ách nô dịch dưới vó ngựa của quân Mông - Nguyên.

Trúc là sản phẩm độc đáo của Yên Tử, tượng trưng cho sức sống dẻo dai, mạnh mẽ, vẻ đẹp thanh bạch và tao nhã của người quân tử. Bất chấp sương muối, mưa dầm, gió bấc, những ngọn măng vẫn kiên trì, bền bỉ, hiên ngang đội đá đâm lên trời cao như những mũi chông nhọn hoắt. Có phải đây là lý do chính khiến Yên Tử lọt vào “mắt xanh” của hoàng đế Trần Nhân Tông khi ngài muốn tìm nơi tu hành, đồng thời lấy cái tên "rừng Trúc", tức Trúc Lâm, để đặt tên cho dòng Thiền do chính ngài sáng lập.

Từ xa xưa, măng trúc, tre Yên Tử là món ăn thay rau hằng ngày của những bậc tu sĩ và nhân dân quanh vùng. Có lẽ ban đầu chỉ là món măng luộc chấm muối, măng ngâm nước vôi trong để luộc ăn quanh năm hoặc phơi khô để ăn dè. Dần dần xuất hiện các cách chế biến khác như: ngâm dấm, xào tỏi, xào thịt (lợn, bò, dê…).

Măng trúc Yên Tử là loại măng rừng đặc biệt, nhỏ và ngắn như mũi chông, vỏ tím mượt như nhung, thịt có màu trắng, khi ăn sống sẽ thấy vị ngọt, bùi. Chính vì thế mà chúng ta có thể dùng măng trúc Yên Tử để ăn ghém. Đặc biệt ở Yên Tử còn có món măng nướng chấm muối vừng. Măng cứ để nguyên cả bẹ, nhúng vào nước sôi rồi cho vào nướng trên than hoa, đến khi bẹ măng cháy sém là được.

Măng Yên Tử cũng đã thoát khỏi rừng và trở thành đặc sản của nhiều nhà hàng quanh vùng. Măng cũng đã “chui” vào lọ để làm bạn với ớt, mác mật, tỏi… để trở thành đặc sản măng ớt bán làm quà cho du khách.

Nhớ cô gái hái măng

Hằng năm cứ đến mồng 9 tháng giêng, Yên Tử lại tưng bừng khai hội. Cũng từ đó cho đến hết mùa xuân, nhà nhà, người người dân quanh vùng lại đổ vào rừng bẻ măng để bán cho du khách nhằm cải thiện cuộc sống. Cho nên bước chân vào Yên Tử là du khách sẽ lạc vào thế giới của măng.

Từ chân núi cho đến chùa Đồng đâu đâu chúng ta cũng có thể mua được vài cân măng: ở khu chợ dưới chân núi, dọc đường đi bộ, đường vào nhà ga, trong khuôn viên của các di tích… Giá măng cũng giảm dần theo độ cao của núi Yên Tử, từ 60.000 đồng/ kg măng trúc ở quanh khu vực chùa Đồng, rồi giảm dần xuống 50, 40 và còn 30 nghìn trên đường từ chùa Hoa Yên xuống chân núi.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là cô gái hái măng một mình Bàn Thị Vẻ. Khi chúng tôi đang ngồi tạm nghỉ trong hành trình leo bộ từ chùa Hoa Yên lên tượng An Kỳ Sinh bỗng thấy có tiếng sột soạt, khóm trúc bên cạnh chúng tôi chuyển động, rồi chị xuất hiện. Chị Vẻ đứng ở bên đường trong trang phục đi mưa kèm theo mũ, ủng và găng tay, vai đeo một chiếc túi lưới, trong túi có một con dao nhỏ, tay trái xách một túi nilon đựng măng, tay phải cầm một chiếc thuổng, mắt nhìn du khách với vẻ mời gọi.

Người hái măng trên núi Yên Tử

Người hái măng trên núi Yên Tử

Một điều lạ ở Yên Tử là rất nhiều người bán măng không đon đả mời chào mà thông thường người mua sẽ chủ động hỏi trước. Qua cuộc trò chuyện được biết chị là người Dao Thanh y, chồng chị mất cách đây 4 năm, chị một mình làm ruộng nuôi hai con nhỏ ăn học. Nhà chị ở cách bến xe TP Uông Bí 4km nên chị phải dậy từ 3h sáng lo cơm nước rồi “hành quân” lên núi hái măng. “Ngày nhiều nhất em hái được hơn chục cân măng” - chị Vẻ cho biết.

Tôi nhẩm tính với giá bán khoảng 30.000 đồng/cân thì mỗi ngày chị kiếm được khoảng 200 - 300.000 đồng - một khoản thu nhập cao hơn rất nhiều nghề làm ruộng. “Nhưng em chỉ tranh thủ bẻ được trong ba tháng mùa xuân thôi” - chị Vẻ nói với giọng tiếc nuối.

Chúng tôi đang đi bộ từ chùa Hoa Yên xuống đến Giải Oan thì thấy một nhà sư nữ đang mặc cả với một cặp vợ chồng người Dao: “50 nghìn hai túi thí chủ bán cho nhà chùa. Măng có ngọt không đấy?” Anh chồng tên Công, tự nhận mình là “người rừng” sống ở thành phố, thật thà đáp: “Vì thầy là người tu hành nên con nói thật. Măng này là măng tre nên phần gốc của nó ngọt, ngọn của nó thì hơi ngăm ngăm. Nhưng thầy cứ luộc qua rồi xào thì chẳng sao”.  

Nói rồi anh Công bóc hết phần áo măng để lộ ra phần thịt măng rồi mời nhà sư nếm thử. Nhà sư gật đầu nói: “Thảo nào nó to và mập nhưng không vàng như măng trúc. Đắng thì thôi, nhà chùa không mua nữa”. Nhà sư vừa quay đi vài phút thì chị vợ nhanh nhảu đã bán hai túi măng tre đó (chắc chưa đến 2kg) cho 1 bạn trẻ với giá 50 nghìn và giải thích rằng đó là măng trúc nhưng mọc ở đất thịt.

Dù rất chú ý nhưng chúng tôi không tìm được một ngọn măng nào mọc ở các bụi trúc ken dày như so đũa mọc hai bên đường đi. Có lẽ chúng đã bị người ta đào sạch. Con người đã đánh thức núi đồi, phá vỡ cuộc sống bình yên và cướp đi những đứa con thơ ngây của mẹ trúc. Những “đứa trẻ” mang tên măng trúc cứ ngày một vắng dần. Những người hái măng lại lùng sục sang các cánh rừng khác, sang tận mạn Tây Yên Tử bên phía huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Rồi những măng tre, măng vầu, măng nứa… ở tận đẩu đâu cũng được dán mác "măng Yên Tử".

Cũng hái măng “hai mình” như vợ chồng anh Công nhưng chị Lã Thị Vân và chồng lại “độc lập tác chiến”. Chúng tôi gặp chị ở chân núi Yên Tử khi đang dùng chiếc cân đồng hồ nhỏ xíu cân măng cho khách. Thanh minh cho hành động phải cởi áo mưa, áo khoác và móc trong túi áo sơmi ra túi tiền để trả lại cho khách, chị kể: Ở khu gia đình chị ở an ninh kém lắm nên tiền bạc luôn phải mang theo người. Vợ chồng chị đi hái măng cả ngày, con đi học nên tất cả đồ đạc quý giá trong nhà chị phải mang sang nhà nội gửi để tránh kẻ trộm cậy cửa vào nhà lấy đi hết. Cố gặng hỏi nhà chị ở đâu, tôi nhận được câu trả lời ngắn gọn: ở Khê Trú, rồi chị quay ra bán măng cho khách.

Trong cuộc hành trình đến Yên Tử, việc mua măng trúc hay nhiều thứ khác cũng là cái thú của người hành hương muốn thưởng thức đặc sản tự nhiên của núi rừng. Có người tin rằng măng mọc ở độ cao 1.600 m sẽ ngon hơn măng mọc ở chân núi và những nơi khác vì nó được hút nhiều tinh khí của đất trời.

Bởi quan niệm như thế nên du khách đã vô tình trở thành “đồng phạm” của các “lâm tặc” kia. Với tiến độ khai thác như thế này không biết mai này con cháu chúng ta còn được chiêm ngưỡng rừng trúc Yên Tử nữa không, khi mà sự tận thu lâm sản của họ không nhận được bất cứ phản ứng nào của chính quyền địa phương. Câu hỏi đó nảy ra trong đầu chúng tôi khi đi qua khu chợ dưới chân núi bắt gặp một dãy dài các mẹ/ các chị ngồi bên đống lớn, đống nhỏ măng.

Ngô Quang Chính/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO