Báo Điện tử Gia đình Mới

[Góc vườn] - 'A time to live and a time to die' - cuốn nhật ký thơ ấu thất lạc và tìm thấy

Người xem dễ ngộ nhận “cái cuốn nhật kí xưa cũ của mình bị lạc mất hồi nào có lẽ đã được ông đạo diễn này tìm thấy trong một hiệu sách cũ và nghiềm ngẫm.”

Tàn buổi cà phê, mình vẫy tay gọi mấy em gái nhân viên để thanh toán thì bạn ngăn lại bảo các em ấy đang ăn cơm, chờ ăn xong đã.

Trong lúc chờ ấy, bạn kể chuyện một người đàn ông bơi trên sông thì bị chuột rút, thấy thấp thoáng bóng thuyền đi qua anh toan kêu cứu nhưng nhìn vào trong thấy gia đình thuyền chài đang quây quần bên mâm cơm chiều nên anh ta thôi, chấp nhận chết đuối.

Chuyện khó tin nhưng lại gợi ra một điều hoàn toàn đáng tin rằng: bữa cơm gia đình là  điều giản dị mà vô giá, hay hình ảnh gia đình ấm cúng bao giờ cũng tuyệt đẹp.Thế là mình lục ổ cứng xem lại phim này. 

Empty

Phim "A time to live and a time to die" của Hầu Hiếu Hiền là một phim tự thuật. Tôi kể lại tuổi ấu thơ, tuổi trẻ của tôi với bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình tôi, với bạn bè trong xóm, trong trường lớp của tôi.

Nó không phải là hồi kí bestseller. Nó không dung chứa kịch tính, lạ lùng, khốn khổ, bất ngờ, mùi mẫn, hài hước, thót tim… Nó vẫn cuốn hút và cảm động mặc dù nó dám quay lưng lại với các yêu tố của tự sự như: quan hệ nhân quả, động cơ hành động, sự phát triển nhân vật, bước ngoặt, vật cản…

Nó trữ tình như thơ. Nghĩa là mỗi hình ảnh (động) - cảnh (shot), đơn vị ngôn ngữ điện ảnh nhỏ nhất, trước khi để hiểu, nó biểu cảm, làm rúng động người xem bằng chức năng thẩm mỹ,  ý nghĩa có mặt  của chính nó trước khi  nó có cộng hưởng với những hình ảnh trước và sau nó thành những chuỗi hình ảnh (scene, sequence) để tạo ra nhịp điệu, để  truyền nội dung, thông điệp.

Empty

Đó là cách các đạo diện loại 1 dùng hình ảnh để kể chuyện, chứ không phải đám thợ loại 2 kể chuyện bằng hình ảnh. Cùng với đề tài, cách xử lý câu chuyên, mỗi cảnh quay với góc máy cố định, bố cục sâu, nhiều lớp, sự xuất hiện khoảng trống, bối cảnh dung dị, ánh sáng hài hòa, diễn xuất không ước lệ... mang ảnh hưởng phong cách Ozu nhưng gợi ra sự tinh tế riêng của Hầu Hiếu Hiền. Đó không phải là sự tinh tế từ văn hóa như phim Ozu  mà là sự tinh tế trong  quan sát đời sống bình dân.

Người xem dễ ngộ nhận “cái cuốn nhật kí xưa cũ của mình bị lạc mất hồi nào có lẽ đã được ông đạo diễn này tìm thấy trong một hiệu sách cũ và nghiềm ngẫm.”  

Người xem hoàn toàn có thể tìm thấy các dấu vết của tuổi thơ mình không điện thoại, không internet khi mà mình móc trộm tiền của mẹ mua bi, khi mà bà mình tất tưởi gọi về ăn cơm còn mình vẫn lơ đi vì trò chơi với đám bạn chưa có dấu hiệu kết thúc, khi mà mình gỡ dây đồng ở rào đem bán, khi mà mình xấu hổ vội vã tụt chiếc quần đùi sau lần mộng tinh đầu tiên để chạy vào nhà tắm gột rửa, khi trong đống củi nhà mình là con “mã tấu” phòng thân, khi đầu xe đạp cứ rẽ vào con đường xa nhất để về nhà chỉ vì ở đó có nhà cô gái ấy…

Empty

Không chỉ ở chi tiết sinh hoạt, hệ thống không gian quen thuộc nơi bố tôi đọc báo, mẹ tôi khâu vá, bà tôi ngủ trưa, anh chị em tôi đọc sách, gốc cây nơi giấu kho báu, nơi đường tàu tôi mơ những chuyến xa xôi...  hiện lên tĩnh tại như khoảng trống giữa những hàng chữ khiến suy nghĩ, cảm xúc len vào.  

Những mái tôn, gian bếp, khoảng sân, con đường, bóng cây, khu chợ, lớp học, bãi gửi xe, quán chè, cây cột điện... trưng ra cái vẻ nên thơ, bình dân, cũ kĩ trong nắng, gió, mưa, bão có khả năng dụ dỗ cảm giác hoài niệm đến thế.

"A time to live and a time to die" như chính tên gọi, sâu sắc ở việc dẫn ra qui luật tự nhiên khi cái sống và cái chết  có mặt trong lịch sử của mỗi gia đình hay gia đình chính là không gian để sống và để chết.

Người bố chết, người mẹ chết, người bà chết… con cái thì lớn lên, bước tới những chân trời riêng. Sự vô thường của cuộc đời chính ở chỗ tận sâu nó, bản chất của nó là “không sanh, không diệt”.

Bố mẹ là sự kế tục hình hài, tư tưởng, tình cảm của tổ tiên và con cái lại kế tục từ bố mẹ. Trong mình có tổ tiên của mình vì thế những cái chết mang cảm giác buồn đau nhưng không gây sợ hãi.

Người bà trong phim hàng ngày vẫn ngồi cắt giấy bạc làm tiền vàng  để mai đây con cháu đốt cho mình, để mình có thể mang tiêu ở thế giới bên kia chính là sống với cái chết.

Nhưng không phải sợ nó như sợ bóng đen mang lưỡi hái kéo ta đi bất thình lình mà là bầu bạn với cái chết, coi cái chết như một lẽ tự nhiên nên an nhiên.

Empty
Cậu ấm thơ ngây/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO