Báo Điện tử Gia đình Mới

Làm thế nào để chấm dứt thói lề mề của trẻ?

Rất nhiều phụ huynh than phiền về việc con mình luôn mất nhiều thời gian hơn so với anh chị em, hoặc bạn học khi ăn, mặc quần áo hay làm bài tập.

Cùng một bài tập, nhưng có trẻ hoàn thành chỉ mất 5 phút, có trẻ phải mất 20 phút vẫn chưa xong

Cùng một bài tập, nhưng có trẻ hoàn thành chỉ mất 5 phút, có trẻ phải mất 20 phút vẫn chưa xong

Nếu con bạn không ‘nhanh như thỏ’ mà lại ‘chậm như rùa’ khi làm bất cứ nhiệm vụ nào, đừng vội la mắng, hãy cùng xem xét các bí quyết sau để giúp con bắt kịp.

#1 Tìm câu trả lời chính xác: Bệnh lý hay chỉ là tính cách?

Trong cuốn sách ‘Những đứa trẻ đáng yêu nhưng không thể bắt kịp’ của hai tiến sĩ người Mỹ Ellen Braaten và Brian Willoughby, đặc tính ‘lề mề’ được định nghĩa, theo một cách đơn giản, là trẻ luôn mất nhiều thời gian để hoàn thành một việc gì đó.

Các tác giả cho rằng điều đó hoàn toàn không phản ánh trí thông minh của trẻ. Nó chỉ đơn giản là trẻ có một ‘tốc độ xử lý’ chậm hơn để tìm ra giải pháp và thực hiện chúng.

Tùy vào mức độ chậm chạp mà bé thực hiện các nhiệm vụ, bạn có thể tìm gặp các bác sĩ, chuyên gia tâm lý… để đánh giá xem đó là bệnh lý (chậm phát triển) hay chỉ là bản tính.

Nếu bé vẫn hoàn toàn đạt được các mốc phát triển theo tuổi, bạn có thể yên tâm vấn đề của bé chỉ là do tính cách.

Giống như trong câu chuyện ngụ ngôn ‘Rùa và Thỏ’, con của bạn có thể là Thỏ, có thể là Rùa. Nếu có ‘chiến thuật’ đúng đắn và lòng kiên trì, quyết tâm thì ‘chú Rùa’ nào cũng có thể đạt được thành công trong cuộc sống.

#2 Chờ đợi và quan sát

Trẻ càng bé thì thời gian chờ đợi của cha mẹ càng kéo dài. Đừng vì sốt ruột mà làm hộ hoặc la mắng trẻ khi trẻ lề mề.

Bạn chỉ cần hướng dẫn cho bé cách thực hiện nhiệm vụ, sau đó quan sát, giúp đỡ nếu thấy bé không thể tự thực hiện được.

Trẻ học hỏi trong quá trình làm sai. Vì vậy, thay vì làm hộ hoặc lấy chính ‘tốc độ’ của người lớn để áp đặt, đánh giá trẻ, cha mẹ hãy kiên trì hướng dẫn, chỉ bảo cho bé từ những việc nhỏ nhất như: tự mặc quần áo, tự đánh răng, tự sắp sách vở khi đi học.

#3 Đề xuất với giáo viên ‘tốc độ phù hợp’

Vấn đề khó khăn nhất đối với những trẻ lề mề là hoàn thành bài tập đúng thời hạn.

Để tránh biến thời gian làm bài tập về nhà trở thành ‘thảm họa’ vì sự ầm ĩ, la hét khi bố mẹ muốn con hoàn thành nhiệm vụ, con thì ‘nhởn nhơ con cá vàng’ cha mẹ cần xác định những ‘dữ liệu’ thật chính xác về khả năng của con.

Nếu trẻ hàng xóm chỉ mất 15 phút để hoàn thành đống bài tập mà con bạn phải mất cả tiếng đồng hồ để xử lý, hãy đảm bảo rằng con không bị ‘quá tải’ vì việc học.

Thời gian tập trung của trẻ bậc tiểu học là 45 phút – 1 tiếng. Vì vậy, lượng bài tập là vừa đủ nếu con bạn có thể hoàn thành nó trong 1 giờ đồng hồ.

Cha mẹ cần dành thời gian hướng dẫn, hỗ trợ thay vì làm hộ con

Cha mẹ cần dành thời gian hướng dẫn, hỗ trợ thay vì làm hộ con

Sau khi quan sát bé trong vòng ít nhất 1 tuần, nếu thấy hết 1 tiếng đồng hồ mỗi tối mà con vẫn không làm xong bài tập, bạn nên đề xuất với giáo viên lượng bài tập ít hơn trong một khoảng thời gian nhất định.

Hãy ngồi cùng con và hướng dẫn con các vấn đề mà con thấy khó hiểu, mẹo ghi nhớ, cách làm bài ra vở nháp… Dần dần, bạn sẽ ngạc nhiên trước sự tiến bộ của trẻ.

Bạn nên thường xuyên liên lạc với giáo viên để cùng với họ tìm ra giải pháp giúp con tiến kịp các bạn trong lớp.

# 4: Tạo ra lịch trình ổn định

Để tránh việc buổi sáng hối hả thức dậy, chuẩn bị ăn sáng vội vàng, lao ra xe để đưa con đến trường, bạn hãy chuẩn bị mọi thứ từ đêm hôm trước.

Ăn tối vào một giờ cố định, đi ngủ trước 10 giờ đêm, luôn luôn ăn sáng tại nhà, vào 7 giờ sáng… Những lịch trình quen thuộc như vậy sẽ giúp con thích nghi với các nhiệm vụ, cha mẹ cũng tránh được cảnh con thì gào khóc, cha mẹ la hét giục giã.

# 5: Giúp con ý thức được các việc cần làm

Đối với trẻ dưới 10 tuổi, bạn có thể cần một hình vẽ đáng yêu miêu tả những việc cần làm vào buổi sáng. Ví dụ: mặc quần áo, chải đầu, đánh răng….

Đối với trẻ lớn hơn, một ‘lịch sinh hoạt gia đình’ dán ở nơi dễ thấy trong phòng khách có thể giúp con hoàn thành mọi việc theo đúng giờ giấc và có tác phong nhanh nhẹn hơn.

# 6: Nhắc con về thời gian

Trẻ nhỏ thường lơ đãng, vì vậy đôi lúc cần nhắc con: ‘Kim dài của đồng hồ chỉ đến số 5 là con đi tắm nhé’…

Hãy nói về thời gian thật rõ ràng, dễ hiểu, ví dụ: ‘Kim ngắn chạy đến số 1 thì Bon đi ngủ trưa nhé, chiều ngủ dậy con có thể chơi đồ chơi tiếp’.

Ngay khi bé chưa biết xem đồng hồ, cha mẹ vẫn nên nói cho bé nhận thức được về thời gian một cách dễ hiểu

Ngay khi bé chưa biết xem đồng hồ, cha mẹ vẫn nên nói cho bé nhận thức được về thời gian một cách dễ hiểu

# 7: Muốn con tập trung và nhanh nhẹn – cha mẹ hãy làm gương

Một điều cuối cùng để nói về việc giúp con nhanh nhẹn hơn là: Chẳng có cách nào thật nhanh để làm việc này cả!

Tất cả mọi bí quyết đều cần có sự kiên trì của cha mẹ.

Ví dụ, nếu cha mẹ đe dọa: ‘Nhanh lên, làm xong bài tập trong vòng 10 phút nữa, nếu không… đừng hòng đi chơi với bố mẹ’… trẻ sẽ chỉ thêm chán nản và mất tập trung.

Thay vào đó, hãy nói với một tốc độ chậm, chia nhỏ các nội dung muốn nói, vừa nói vừa nhìn thẳng vào mắt con để xem mức độ lắng nghe của con.

Với những việc thường xuyên lặp lại như làm bài tập, hãy lên kế hoạch trước cho con và cố gắng duy trì lịch sinh hoạt đó hàng ngày, tạo cho con có thói quen tự giác học tập, không cần nhắc nhở.

Tương tự, nếu bạn vừa nhắc con: ‘Tập trung làm bài tập đi’ vừa nhìn chăm chăm vào điện thoại để lướt Facebook thì con cũng sẽ không thể có khái niệm đúng về sự tập trung.

Cách nói chuyện cũng như lối sinh hoạt của cha mẹ luôn luôn là tấm gương cho con.

Phương Phương/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO