Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Món ngon mùa thu: Trám om vừa đưa cơm vừa bổ dưỡng sức khỏe

Mùa thu về, tiết trời dìu dịu của miền Bắc khiến người ta nhớ đến món trám om kho thịt, kho cá – ăn vừa bùi, vừa ngậy, vừa thơm mùi thơm dân dã. Quả trám còn có công dụng chữa bệnh không phải ai cũng biết.

21150721_10213536591230437_62236403_n

 Trám là món ăn đặc sản miền Bắc

Om trám – tưởng dễ mà khó

‘Mình về rừng núi nhớ ai/Trám bùi để rụng măng mai để già’ – câu thơ của nhà thơ Tố Hữu nhắc nhớ mọi người về một món ăn điển hình của rừng núi miền Bắc: trám bùi.

Có hai loại là trám trắng (vỏ xanh vàng) và trám đen (vỏ tím than). Dường như do sinh trưởng ở vùng rừng núi cằn cỗi nên trám mang nhiều đặc điểm ‘ương ngạnh’ mà các bác nội trợ phải có nhiều ‘mưu mẹo’ mới khuất phục được.

Quả trám tươi rất cứng không nấu ngay được, phải qua một thao tác gọi là ‘om’.

Om trám thực chất là ngâm nước nóng cho trám chín mềm. Khó ở chỗ nước nóng quá thì nó tiết ra vị chát xít ghê răng, nguội quá thì lại sượng và không thơm.

Nếu càng đun trong nồi nước sôi thì trám càng cứng đanh lại. Nếu người thi gan với trám, dùng nồi áp suất ‘bà quyết ninh nhừ mày ra’, thì nó lại dai như giẻ rách.

Các chị em thường chia sẻ kinh nghiệm pha nước nóng để om trám đúng điệu như sau: pha nồi nước theo tỉ lệ 3 phần nước sôi – 1 phần nước nguội, nhiệt độ vào khoảng 80oC là vừa.

Sau đó cho trám vào đậy vung ngâm khoảng 1 – 2 giờ, đến khi trám chìm hết xuống đáy là được.

21175167_10213536591270438_1186562825_n

Trám om kỹ rồi ngâm muối có thể để dành ăn cả năm

Trám chín sẽ mềm hẳn, có thể bổ theo chiều dọc lấy hạt ra. Phần cùi trám mềm và thơm phưng phức có thể chấm muối vừng ăn kèm cơm nóng hoặc để dành kho thịt, kho cá cực ngon.

Có nhà còn để nguyên cả quả trám đã om không tách hạt, ngâm trám với nước mắm hay nước muối thật mặn, để dành ăn dần cả năm.

Quả trám là vị thuốc công hiệu

Trám là loài cây có tên khoa học là Canarium, thân gỗ cao tới 40 – 50 m, có xuất xứ từ Nam Á. Do có hình dáng và mùi vị tương tự quả ô liu xuất xứ ở Nam Âu, trám còn có tên gọi là ‘Chinese white olive’ (trám trắng Trung Quốc) và ‘Chinese black olive’ (trám đen Trung Quốc).

Các nghiên cứu khoa học gần đây chỉ ra rằng quả trám rất giàu chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa. Ngoài ra trong quả trám còn có các chất khoáng như canxi, natri và kali. Đây là những chất ít thấy trong các loại hoa quả khác.

Vì những đặc điểm này, trám còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh thông thường:

1. Chữa viêm họng mạn tính, khản giọng, sưng rát

Trám 6g, trà xanh 6g, mật ong 1 thìa. Cho trám vào đun sôi 5 phút, kế đó cho trà xanh vào sắc tiếp trong 15 phút, sau đó chắt lấy nước hòa mật ong rồi uống dần từng ngụm.

21208250_10213536591310439_723552000_n

 Trám kho cá vừa ngon vừa bổ dưỡng

2.Trị đau đầu, đau họng, trướng bụng đau quặn, phong hàn cảm mạo

Trám tươi 60g bỏ hạt, hành 15g, gừng tươi 10g, tử tô 10g. Tất cả đem sắc với 1.2l nước, cô còn 0.5l thì chế thêm một chút muối ăn, chắt lấy nước uống.

3. Giã rượu

12 quả trám, 1.5g phèn chua, trước tiên dùng nước lạnh rửa sạch trám, lấy dao khía trên mỗi quả bốn năm đường rồi nhét phèn vào những vết khía ấy, nhai nhỏ nuốt dần để giã rượu. Hoặc trám tươi 10 quả sắc lấy nước uống có tác dụng giải rượu.

4. Chữa nôn mửa khi có thai

Trám 12g, vỏ quýt 9g, dùng lửa to hấp cách thủy cho chín rồi uống, mỗi ngày 1 lần.

5. Giải độc cá nóc

Trám tươi 50g, rửa sạch bỏ hạt sao chín, sắc uống.

6. Động kinh

Trám tươi 480g, uất kim 24g, phèn chua 24g. Trước tiên, đập nát trám rồi cho nước vào sắc kỹ, lấy bỏ hạt rồi lại cho uất kim vào sắc cùng, cuối cùng cho phèn chua sắc tiếp, cô còn chừng 500ml là được, uống mỗi ngày 20ml vào buổi sáng sớm với nước ấm.

7. Viêm da

Trám tươi 1kg sắc với 1l nước bằng lửa nhỏ, sau đó lọc bỏ bã lấy nước ngâm để chữa các bệnh lý ngoài da như viêm loét, viêm phần phụ...

8. Kiết lỵ

Quả trám tươi khoảng 90g, để nguyên hạt sắc với nước (2 - 3 lần), gộp dịch chiết, cô lại lấy cao, theo tỷ lệ 1:1, chia 3 lần uống trong ngày trước bữa ăn. Khi uống cần kiêng ăn các thứ tanh như cua, cá, lòng trắng trứng... Có thể uống nhiều ngày cho tới khi hết các triệu chứng.

9. Đau răng, sâu răng

Quả trám đốt thành than, tán bột mịn, trộn với một ít xạ hương, rồi bôi và xỉa vào chỗ răng đau. Hoặc lấy vỏ thân cây trám trắng cạo bỏ lớp vỏ đen bên ngoài, thái mỏng phơi khô, sắc lấy nước, ngậm 10 phút rồi nhổ đi. Ngày làm nhiều lần. Có thể phối hợp với rễ chanh, rễ cây trẩu hoặc rễ cà dại.

10. Nứt nẻ kẽ ngón và gót chân khi trời rét

Hạt trám trắng đốt thành than, tán mịn, trộn đều với dầu thực vật, bôi vào chỗ đau.

11. Viêm tắc mạch máu

Dùng quả trám trắng luộc ăn cái, uống nước hàng ngày, mỗi ngày 200 g. Liệu trình 1-2 tháng.

12. Hóc xương cá

Cách 1: Quả trám trắng hoặc trám đen, nhai giập nuốt dần lấy nước.

 Cách 2: Lấy 5 quả trám, sắc lấy nước, ngậm và nuốt dần.

Cách 3: Chỉ lấy phần thịt quả trám, giã nát, ép lấy nước, uống dần.

Tuy nhiên, cách làm này chỉ áp dụng với trường hợp bị hóc xương cá nhỏ.

Chọn trám như thế nào thì ngon?

Quả trám ngon là quả thon nhỏ hai đầu (như hình trái xoan), màu đen thẫm đều với trám đen, mà xanh ngả vàng với trám trắng. Quả tươi thường có có lớp phấn trắng mịn nhẹ bên ngoài, da nhẵn đều, không bị lốm đốm, sần sùi.

Phương Phương/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO