Báo Điện tử Gia đình Mới

Những tuyệt chiêu làm thay đổi sếp khó ưa thay vì nộp đơn xin nghỉ việc

Chúng ta phải chấp nhận rằng đôi khi, chúng ta không thể chịu đựng nổi cấp trên của mình. Nhưng khi không thể hùng dũng nộp đơn xin thôi việc thì ta sẽ phải làm gì?

sepava

 

Một vị sếp tồi có thể khiến công việc trong mơ cũng trở thành thảm họa.

Rất nhiều chuyên gia tư vấn tâm lý nhận được lời phàn nàn của khách hàng về cơn stress liên miên bắt nguồn từ... sếp - những người chúng ta không thể chống đối nhưng đôi khi cũng khó lòng yêu thương nổi. 

Thay vì mất nhiều thời giờ để phân tích liệu người sếp của bạn khiến bạn 'khó ở' ra sao, bạn có thể tập trung vào cách cải thiện tình hình để công việc được dễ chịu hơn. 

Trở thành người không thể thay thế được

nhanvien1

 

Nếu có thể, hãy gác qua một bên những bực bội và rèn luyện khả năng của bản thân hết mức có thể. Khi thành quả công việc của bạn tốt hơn, điều đó đồng nghĩa với việc cấp trên sẽ phải nhìn bạn bằng con mắt khác, hay biết đâu, đưa bạn đến vị trí mà người quản lý bạn sẽ đỡ 'khó ở' hơn. 

Hãy nhìn nhận mọi việc dưới góc độ của người khác

boss2ed

Sếp của bạn có thể cũng đang có rất nhiều áp lực khác 

Khi ở vị trí càng cao, áp lực càng lớn. Biết đâu đấy, người sếp đang gây áp lực cho bạn đang phải chịu hàng trăm áp lực khác từ doanh số, khách hàng, các cấp trên khác và cả gia đình nữa.

Khi bạn tìm cách cảm thông cho cấp trên của mình, tâm thế của bạn sẽ dễ chịu hơn, thái độ của bạn với cấp trên cũng sẽ thoải mái hơn và điều này cũng có thể cải thiện mối quan hệ giữa hai người. 

Không nói xấu cấp trên

nhanvien2

 

Hay ít nhất, không phàn nàn về cấp trên với những người quen biết cả hai. Bạn khó có thể biết được liệu người kia có cùng quan điểm với mình về sếp của bạn không, trong trường hợp người đó hoàn toàn ủng hộ sếp của bạn thì việc bạn 'buôn dưa lê' về sếp sẽ đem đến cho bạn nhiều bất lợi.

Bên cạnh đó, việc kêu ca phàn nàn thường giống như một lần nữa 'xát muối' vào tổn thương của bạn, và khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn.

Hãy nghĩ những cách giải quyết chủ động, tích cực hơn thay vì 'xả lũ' được chốc lát rồi lại rơi vào tâm trạng u ám như ban đầu.

Là chính mình và giữ vững những giá trị của bản thân

nhanvien3

 

Đừng để những cơn nóng giận hay cảm giác bất lực khiến bạn đánh mất bản thân mình. 

Victor Lipman - chuyên gia quản lý của một trong những công ty bảo hiểm hàng đầu nước Mỹ và hiện đang viết cho Forbes - chia sẻ câu chuyện của bản thân ông: Ông đã trải qua nhiều nhiệm vụ khó khăn, nhưng việc ngày hôm ấy sếp giao cho ông lại khó hơn tất thảy.

Sếp của Victor đã yêu cầu ông trả lương cho một nhân viên khác ở mức ông cho là thấp hơn đóng góp của họ.

Sau khi tìm hiểu, Victor biết rằng đó là bởi vị sếp này tin rằng CEO của họ không ưa nhân viên kia, sếp của Victor muốn làm vui lòng CEO và cũng không muốn bị đánh giá là nhu nhược. 

Nhưng bản thân Victor là người chứng kiến quá trình làm việc của nhân viên nọ, ông tin rằng người ấy đã chăm chỉ và đóng góp nhiều hơn bất cứ ai.

Cuối cùng, vừa lo sợ rằng công việc của mình có thể đi tong nhưng cũng vừa kiên quyết, Victor đã phản đối quyết định của sếp.

sep3

Victor sẵn sàng đối mặt nguy cơ thôi việc 

Victor đã nhận được một sự ngạc nhiên đầy dễ chịu, vị sếp của ông cuối cùng cũng thỏa hiệp và sau đó không bao giờ nhắc lại việc ấy nữa. Có lẽ ông ấy cũng nhận ra rằng yêu cầu của mình không mấy hợp tình hợp lý.

Dù sao đi nữa, điều khiến Victor hài lòng nhất, đó là ông đã làm điều mình tin là đúng và giữ được chính kiến của bản thân. 

'Nếu ngày ấy tôi nghe theo yêu cầu của sếp, có lẽ tôi sẽ vẫn luôn cắn rứt, khó chịu và nghi ngờ bản thân mình mãi về sau này.

Hãy lắng nghe trái tim bạn, đừng bao giờ bịt tai trước lời kêu gọi của nó, đánh mất một công việc không bao giờ đáng sợ bằng đánh mất chính bản thân mình'. 

Đừng biến mình thành nạn nhân

sep4

Đừng trở thành nạn nhân của bất cứ ai 

Cuối cùng thì, đừng bao giờ trở thành nạn nhân của bất cứ ai. Công việc này là do bạn chọn lấy, bởi vậy, hãy luôn giữ thế chủ động trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Nếu như bạn đã làm tất cả những gì có thể mà vẫn không cải thiện được tình hình, thì có lẽ đã đến lúc cân nhắc quyết định rời đi. 

Trong cuộc sống, bên cạnh việc nắm lấy thì biết cách buông tay cũng là một yếu tố để quyết định thành công. 

Hãy để công việc là niềm yêu thích chứ không chỉ là một cách giải quyết nỗi lo cơm áo gạo tiền, bạn nhé!

Mai Hoa/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO