Báo Điện tử Gia đình Mới

Phong tục chào đón năm mới đầy thú vị của người Nhật

Ngày Tết ở Nhật thể hiện rõ nét những tinh hoa văn hóa của đất nước này và đến nay vẫn còn giữ được nhiều nét đặc sắc, thú vị - từ những món ăn đến các phong tục, tất cả đều mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.

nam-moi-o-nhat

Người Nhật đón Tết từ ngày 1/1 Dương lịch, vì vậy tháng 12 được coi là tháng bận rộn nhất trong năm bởi những hoạt động chào đón năm mới.

Gia Đình Mới xin gửi tới độc giả cách người Nhật chuẩn bị và đón Tết, với những điểm tương đồng thú vị với ngày Tết cổ truyền của Việt Nam.

1. Tổng vệ sinh (Osouji

Empty

Theo truyền thống ngày 13/12 là ngày bắt đầu dọn dẹp nhà cửa (Susuharai). Người Nhật cố gắng lau dọn nhiều nhất có thể và trang hoàng nhà cửa để đón năm mới.

Tuy nhiên, vì cuộc sống bận rộn, nhiều gia đình đợi đến ngày 31/12 mới lên kế hoạch dọn dẹp

2. Bày Kadomatsu

Kadomatsu được bày trước cửa nhà người Nhật

Kadomatsu được bày trước cửa nhà người Nhật

Kadomatsu là 3 ống tre tươi vát chéo cùng một vài cành thông. Số đoạn trên cành thông phải lẻ chứ không được chẵn bởi theo quan niệm xa xưa thì hạnh phúc không thể chia được và cứ mãi mãi được duy trì, chỉ có nỗi bất hạnh mới chia được để chấm dứt.

Kadomatsu luôn được bày theo đôi ở trước cửa ra vào. Nó là một dấu hiệu để linh hồn của Kami (vị thần trong Thần đạo Nhật Bản) xuống hạ giới và đến thăm ngôi nhà của bạn.

Theo truyền thống, ngày đẹp nhất để bày Kadomatsu là 28/12. 

3. Bày Shimekazari

Shimekazari

Shimekazari

Shimekazari là một vật trang trí khác mà bạn cần trưng bày trước Tết.

Nó thường được đặt trên cửa ra vào, là nơi linh thiêng để đón Thần Năm mới và ngăn không cho quỷ lai vãng, Shimekazari cũng tương tự như tục cắm cây nêu ngày Tết của Việt Nam.

 4. Bày Kagami-mochi

Kagami-mochi

Kagami-mochi

Bánh Mochi là vật cúng không thể thiếu trong các gia đình Nhật Bản nhân dịp năm mới. Họ bày trí bánh gạo Mochi ở hốc tường Toko-noma (một góc phòng được trang trí và hơi thụt vào trong so với vách tường) trong phòng khách hoặc trong nhà bếp. Những chiếc bánh này được gọi là Kagami-mochi, tức bánh Mochi dâng lên thần linh. 

Kagami có nghĩa là ‘gương’ còn mochi là ‘bánh gạo’. Hình tròn của bánh mochi tượng trưng cho linh hồn của con người và cũng giống hình chiếc gương thường được dùng cho các buổi lễ của Thần đạo.  

Kagami-mochi gồm hai chiếc bánh mochi đặt chồng lên nhau và một quả quýt Nhật - Mikan, tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Hợp lại, chúng là biểu tượng của sự may mắn. 

5. Bữa tiệc tất niên

Empty

Trong tháng 12, những bữa tiệc tất niên (bonenkai) được tổ chức giữa bạn bè và các đồng nghiệp để chia tay năm cũ.

Bữa tiệc này không có ngày cố định mà được rục rịch chuẩn bị từ giữa tháng 12 đến hết năm.

Nó thường diễn ra ở các nhà hàng, quán ăn có diện tích rộng, mang phong cách truyền thống của Nhật Bản và có sẵn nhạc cụ, âm thanh, máy chiếu, v.v.

6. Tặng quà và thiệp chúc Tết

Nengajo

Nengajo

Theo truyền thống, người Nhật sẽ tặng nhau những món quà cuối năm (oseibo) trong tháng 12.

Ngoài ra, họ cũng viết và gửi thiệp chúc Tết (nengajo) để mọi người có thể nhận được vào năm mới.

Những tấm thiệp này thường có hình 12 con giáp hoặc in ảnh gia đình.

7. Giã gạo làm bánh mochi (Mochi-tsuki)

Các em bé say sưa gã gạo làm bánh mochi

Các em bé say sưa gã gạo làm bánh mochi

Vì người Nhật thường ăn bánh mochi trong những ngày Tết nên việc giã gạo làm bánh thường được thực hiện vào cuối năm.

Họ thường dùng một cái chày bằng gỗ để giã gạo nếp đã hấp trong một cối đá hoặc gỗ. Sau khi gạo dẻo, nó sẽ được cắt thành từng miếng nhỏ và nặn thành hình tròn.

Vì ngày nay mochi làm sẵn được bán rất nhiều ở cách siêu thị, phong tục này không còn phổ biến như trước.

Nhiều người thậm chí còn dùng máy giã tự động để làm mochi tại nhà.

8. Du lịch

Vì có nhiều người được nghỉ làm vào cuối tuần cuối cùng của tháng 12 đến cuối tuần đầu tiên của tháng 1, đây là một trong những mùa du lịch phổ biến nhất ở Nhật.

Họ có thể về quê thăm gia đình sau một năm bận rộn hoặc đi du lịch nghỉ dưỡng.

9. Ăn mỳ trường thọ

Empty

Mỳ Toshikoshi soba là một đặc trưng của đêm Giao thừa (Omisoka) – những sợi mỳ dài tượng trưng cho sự trường thọ. Các nhà hàng mỳ soba trên toàn quốc đều rất bận rộn phục vụ vào ngày này trong năm.

10. Tiếng chuông Giao thừa

Empty

Trước nửa đêm, các ngôi chùa ở địa phương sẽ gióng lên 108 tiếng chầm chậm (joya-no-kane).

Mọi người chào đón năm mới bằng việc lắng nghe những tiếng chuông này. Theo phong tục, tiếng chuông này giúp thanh tẩy con người khỏi 108 mong muốn tầm thường của con người.

Ở nhiều ngôi chùa, du khách còn có thể tự gõ chuông.

Từ ngày 1/1 – Gantan

Ngày 1/1 được gọi là Gantan, là ngày đầu tiên của năm mới ở Nhật. Từ ngày 1 đến mùng 3 được gọi là San ga Nichi, là ngày nghỉ của nhiều công ty và cửa hàng.

Tuy nhiên, tùy vào địa phương mà thời gian nghỉ Tết khác nhau. Ví dụ, ở Tokyo, Tết kéo dài đến ngày 7/1, trong khi ở Osaka là ngày 15.

Người Nhật sẽ chào nhau bằng câu ‘Akemashite-omedetou-gozaimasu’ (Chúc mừng năm mới) vào ngày này.

1. Ăn bánh dày Ozoni và Osechi

Bánh dày Ozoni

Bánh dày Ozoni

Trong truyền thuyết cổ ngày xưa của Nhật Bản, vào ngày mùng 1 tết, vị thần Toshidon đã xuất hiện, ban tặng cho các em bé ngoan và vâng lời cha mẹ loại bánh dày Ozoni. Từ đó, với mong muốn được hưởng nhiều những món quà của các vị thần, người Nhật Bản thường ăn Ozono vào mùng 1 tết.

Hộp cơm Osechi

Hộp cơm Osechi

Osechi là bữa ăn mừng Tết, được đặt trong những chiếc hộp vuông lớn rất đặc biệt, bên trong có rất nhiều món, mỗi món tượng trưng cho một điều ước trong năm mới.

2. Lì xì đầu năm (Otoshidama)

Empty

Với quan niệm ‘xởi lởi trời cho’, ‘kính lão đắc thọ’, đồng thời mong muốn gửi tặng các em nhỏ những món quà ý nghĩa, người Nhật Bản thường mừng tuổi đầu năm cho các em bé và người già.

Thông thường, các em bé sẽ được nhận những chiếc phong bao xinh xắn trong đó có tiền, là sẽ cất đi, dùng dần cho việc học tập và mua những thứ quà xinh xắn.

Người già thì dùng tiền đó như một khoản tích lũy, phòng những lúc sức khỏe không tốt.

Những chiếc lì xì đầu năm là món quà rất ý nghĩa trong dịp tết.

3. Chơi những trò chơi dân gian

Thả diều Takoage

Thả diều Takoage

Đây là hoạt động thu hút đông đảo người tham gia. Các trò chơi mà người Nhật Bản hay chơi vào dịp năm mới là thả diều Takoage, đánh cầu lông Hanetsuki, chơi quay Komamawashi…

4. Đi thăm đền chùa vào năm mới (Hatsumoude)

Empty

Mong ước năm mới sẽ được an khang, thịnh vượng, có nhiều sức khỏe và phát tài phát lộc, người Nhật Bản thường đi thăm đền chùa vào những ngày đầu năm.

Họ thường rút quẻ, nghe những lời ‘đọc quẻ' và lấy đó để chiêm nghiệm cho những ngày tới trong năm. Nếu có điềm dữ, họ sẽ nhận được lời khuyên và cách ‘chữa’ để lại được may mắn.

5. Ăn bánh dày cúng thần linh, báo hiệu hết Tết

Nghi lễ Kagami-biraki

Nghi lễ Kagami-biraki

Việc thưởng thức bánh dày Kagami-mochi sau khi vị Thần đi khỏi được gọi là Kagami-biraki.

Tùy từng địa phương mà phong tục này diễn ra tại thời điểm khác nhau, nhưng phổ biến là ngày 11/1.

Người Nhật cho rằng thần linh rất ghét những đồ vật sắc nhọn nên thường dùng chày gỗ để đập nhỏ bánh dày (lúc này còn cứng) rồi cho vào súp Ozoni hay chè đậu đỏ Shiruko để ăn kèm.

Khi ăn món này cũng là báo hiệu đã hết Tết.

Quỳnh Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO