Báo Điện tử Gia đình Mới

Sao không ai nói tới 'đạo đức bệnh nhân'?

Có bao giờ khi khiển trách, khi to tiếng, thậm chí hành hung các y bác sĩ, ta dừng lại một chút để suy nghĩ về cảm xúc của họ?

Để có thể là một thầy thuốc, một bác sĩ giỏi, một người có thể “bắt bệnh cho thiên hạ”, ngoài trình độ chuyên môn vững vàng, sâu rộng còn cần có một tấm lòng lương thiện, một thiên lương trong sáng. Đặc biệt, trong cuộc sống ngày nay, muốn làm bác sĩ còn cần có một sự nhẫn nại, chịu đựng và một cái tai “biết chọn lọc”.

Nhưng gần đây hiện tượng bác sĩ hành bệnh nhân để nhận phong bì, rồi những vụ việc bác sĩ quên kéo mổ, băng gạc trong bụng bệnh nhân, bác sĩ chẩn đoán nhầm, bỏ bê điều trị gây ra cái chết oan ức cho những bệnh nhân vô tội... đang dần làm mất lòng tin của người bệnh về chất lượng khám chữa cũng như về y đức của các bác sĩ.

Tuy nhiên, có bao giờ chúng ta lật ngược vấn đề và đặt câu hỏi: Vậy đạo đức bệnh nhân thì sao?

Là một nhà báo chuyên viết về mảng y tế, tôi vô cùng bức xúc với những vấn nạn trong ngành y tế hiện nay, nhưng lại càng bức xúc hơn với cách phản ứng của một số bệnh nhân và người thân của họ trước những sự việc như vậy.

Thực tế cho thấy bác sĩ giờ đây ngoài công việc khám chữa bệnh còn phải biết “chiều” bệnh nhân. Lợi dụng sự phản ứng lên tiếng của dư luận, nhiều người bệnh đã mặc sức đòi hỏi hạch sách y bác sĩ.

Tôi đã không ít lần được nghe kể lại hay tận mắt chứng kiến những trường hợp bệnh nhân đòi hỏi, bắt bác sĩ phải làm theo ý mình. Khi được giải thích, họ vẫn tiếp tục quát mắng, thậm chí có những lời nói xúc phạm đến nhân phẩm của y bác sĩ.

Chị TX ở Tân Mai, Hà Nội chia sẻ: “Đúng là bác sĩ ngày nay có nhiều người hách dịch thật, nhưng tôi thấy bệnh nhân giờ cũng không kém phần. Hôm nọ khi đi khám ở bệnh viện Bạch Mai, tôi đã chứng kiến một bệnh nhân dùng những lời lẽ vô văn hóa xúc phạm y tá và bác sĩ vì chưa thể sắp xếp phòng bệnh cho người nhà họ. Khi được giải thích là bệnh viện quá đông nên phải chờ có người ra viện mới có thể sắp xếp được thì họ lập tức nói họ không được xếp vì không đi tiền và xúc phạm nhân phẩm của y bác sĩ”.

Hay như vụ việc người nhà bệnh nhân đuổi đánh bác sĩ, bác sĩ bị đâm chết ngay tại phòng cấp cứu ở Thái Bình… Chỉ trong 10 ngày của tháng 4 năm nay, đã có 3 vụ bác sĩ bị người nhà bệnh nhân đánh đến mức phải cấp cứu…

Bác sĩ V.H.C, bệnh việnXanh Pôn bị người nhà bệnh nhân bất ngờ đứng dậy đấm liên tiếp vào mặt. Ảnh Vietnamnet

Bác sĩ V.H.C, bệnh việnXanh Pôn bị người nhà bệnh nhân bất ngờ đứng dậy đấm liên tiếp vào mặt. Ảnh Vietnamnet

Bên cạnh đó còn rất nhiều trường hợp bệnh nhân khi được đưa vào bệnh viện đã quá nguy cấp, tuy đã cố gắng cứu chữa nhưng các bác sĩ vẫn không thể giữ lại tính mạng cho người bệnh.

Nhưng người nhà bệnh nhân lại một mực cho rằng đó là do y bác sĩ chưa điều trị tận tình, lơ là thậm chí là chuyên môn không tốt.

Đã đến lúc ta nên nhìn nhận và xem xét lại thái độ của bệnh nhân và người nhà với bác sĩ. Hàng ngày họ phải làm việc trong môi trường bệnh tật, phải tiếp xúc với rất nhiều loại vi khuẩn khác nhau, phải chịu biết bao áp lực từ công việc, từ hàng trăm hàng nghìn bệnh nhân. Dù có vị tha, có bao dung và nhẫn nại đến bao nhiêu thì họ cũng như chúng ta, là một con người bình thường.

Có bao giờ khi khiển trách, khi to tiếng, thậm chí hành hung các y bác sĩ, ta dừng lại một chút để suy nghĩ về cảm xúc của họ? Tai nạn trong nghề nghiệp là không thể tránh khỏi, tuy nhiên đó chỉ là số ít.

Đã biết bao con người, bao mạng sống được cứu chữa. Mỗi ngày, số ca được cấp cứu, được điều trị và mang lại sự sống cho bệnh nhân gấp rất nhiều lần so với số ca tử vong. 

Nhưng tại sao chỉ vì những tai nạn nghề nghiệp, những trường hợp thiểu số mà chúng ta sẵn sàng phủ nhận hết mọi công lao từ trước đến nay của nghề nghiệp cao quý này? Như vậy quả không công bằng một chút nào cho họ - những con người hi sinh bản thân, hi sinh gia đình và cuộc sống của mình vì sức khỏe cộng đồng.

Tuy ngành y tế còn nhiều bất cập nhưng có lẽ đã đến lúc ta nên tạm quên đi những “con sâu làm rầu nồi canh” và xem xét lại thái độ và cách ứng xử của chính bản thân mình.

Đừng nhìn nhận một mặt vấn đề rồi úp chụp cho nó một cái nhìn định kiến, sai lầm. Hãy có một cái nhìn khoan dung hơn, đúng đắn hơn về các y bác sĩ, đó không chỉ vì họ mà còn vì chính chúng ta.

Kim Ngân /giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO