Báo Điện tử Gia đình Mới

Tết về, nhiều nàng dâu ước ao 'thân này ví xẻ làm đôi được'

“Tết, với mình, là một dịp vui, là dịp để gia đình sống với nhau và vì nhau hơn một tý, gặp bạn bè, chia sẻ yêu thương cho nhau...”.

Đó là tâm sự của một bạn đọc Gia Đình Mới về câu chuyện lấy chồng xa và việc ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại.

Trong câu chuyện của mình, người bạn đọc này có chia sẻ về việc chị nhận được những tin nhắn của bạn bè tâm sự về việc vợ chồng mâu thuẫn vì sắp đến Tết.

“Vài bạn kể về nỗi buồn lấy chồng xa và cứ Tết đến là vợ chồng lại lục đục cãi nhau với câu hỏi cũ, rất cũ "Tết này ăn Tết ở đâu?".

Nhiều cô dâu trẻ rơi nước mắt vì tết tranh cãi với chồng chuyện về nội hay về ngoại

Nhiều cô dâu trẻ rơi nước mắt vì tết tranh cãi với chồng chuyện về nội hay về ngoại

Có bạn kể, em buồn lắm chị ạ, cả gần chục năm rồi em toàn phải ăn Tết ở nhà chồng. Vì chồng em là con trai một, nhưng lại nhiều họ hàng, nên Tết là nặng gánh lắm, cứ phải về quê từ trước Tết mấy ngày, sau ngày mùng ba hoá vàng xong mới được về bên ngoại... mà nhà em cũng chỉ có em là con gái, anh trai em đi xa rồi...”.

Đọc tâm sự của người bạn chị nghĩ mà thương...

Cái tết đầu tiên ở nhà chồng

“Tết nào mình cũng nhớ tới cái Tết đầu tiên ăn tết ở nhà chồng. Tụi mình cưới nhau ngay sát Tết, và như một lẽ đương nhiên, theo đúng truyền thống, mình ăn Tết ở nhà chồng.

Nhà chồng mình đông người lắm nên tuy ăn Tết đơn giản nhưng cũng nhiều việc phải lo.

Vào những ngày giáp Tết, mình cùng hai cô em chồng lau dọn phòng thờ, lau đồ thờ...

Khi đó, lòng mình cứ nao nao nghĩ đến chuyện hàng năm, vào những ngày này mình cũng đang quét mạng nhện, dọn dẹp, quét vôi ve nhà cửa, sân vườn... ở nhà bố mẹ. Nao nao mà cứ ngại ngần có dám kể với ai đâu...

Rồi mình rủ chồng và các anh chị em trong nhà gói bánh chưng. Lúc ngâm gạo, rửa lá bánh, chuẩn bị nọ kia, lòng cũng nao nao nghĩ tới ở nhà, vào những ngày đó, cũng rửa lá bánh, ngâm gạo, đãi đỗ cũng mẹ và chị gái, lạnh đến đỏ hết cả tay...

Tết là một dịp vui, là dịp để gia đình sum họp, quây quần bên nhau

Tết là một dịp vui, là dịp để gia đình sum họp, quây quần bên nhau

Ở nhà mình, lúc gói bánh chưng mình chỉ làm chân lon ton, vì có anh trai và bố gói bánh rất giỏi...

Còn ở nhà chồng, mình lại thành chân chủ đạo vì nghe kể hồi trước toàn bà ngoại của chồng gói, mọi người trong nhà thành lon ton hết. Lúc cả mấy anh chị em chí choé gói bánh, luộc bánh, thấy nhớ nhà làm sao...

Ngày đó chưa có điện thoại nên phương tiện liên lạc rất khó khăn. Phương tiện đi lại cũng khó nên cách có hơn trăm cây số mà thành cả dặm trường...

Những cái nao lòng cứ tích tụ lại, đến ngày 30 Tết, lúc chồng đi dọn vườn với bố, mình ở trong phòng nghe mọi người ở ngoài í ới gọi nhau làm món này món kia, nghe cô em chồng vừa hát vừa cắm hoa... thế là mình oà khóc, cứ tấm tức khóc thế thôi chẳng có lý do gì rõ rệt, cũng chẳng giận dỗi ai cả...

Mãi rồi thì vẫn nhớ lời mẹ dặn là lấy chồng thì phải theo chồng, nên cũng rửa mặt, lau nước mắt ra sân chuẩn bị bữa ăn ngày 30 Tết với cả nhà...

Rồi mùng một Tết cũng qua, đến ngày mùng hai có tàu hoả chạy trở lại thì hai vợ chồng về nhà mình. Trời ơi thích ơi là thích ý dù ở nhà chồng cũng vui và ai cũng tốt với mình.

Trên tàu, mới kể với chồng về những cảm xúc nao nao của mình mấy ngày qua. Chồng mình cười xoà bảo sao ngốc thế, nếu muốn về nhà ăn Tết thì phải nói chứ, ở nhà anh đâu có ai câu nệ gây khó dễ gì đâu.

Đúng là ngốc thật. Nhưng mà sau này có lần kể lại với mẹ chồng vụ buồn khổ khóc lóc này, mẹ chồng cười bảo mẹ biết chứ, nhưng mẹ đã nghĩ là năm đầu tiên nhất định con nên ở nhà ăn Tết thì mới sớm hoà nhập được nên thấy con khóc mẹ cũng lờ đi không nói gì. Sau lần đầu thì các con muốn thế nào cũng được.

Giải pháp dung hòa: Chia đều thời gian cho cả hai gia đình

Vậy là sau này thành lệ, cứ Tết gần đến là mẹ chồng đã hỏi năm nay hai đứa định ăn Tết ở đâu. Mình cũng không bao giờ lạm dụng lòng tốt nên luôn chia đều thời gian cho cả hai gia đình...

Có vậy thôi, mà năm nào mình cũng nhớ đến chuyện xưa. Và năm nào mình cũng nghĩ đến những đứa cháu gái mình, đến những cô dâu trẻ mới về nhà chồng, ăn Tết ở nhà chồng mà trong lòng nao nao nhớ về đằng kia...

Nhiều người đau đầu với câu hỏi cũ

Nhiều người đau đầu với câu hỏi cũ "Tết này ăn Tết ở đâu?"

Sau này có con nhỏ, thì tụi mình đặt con lên hàng ưu tiên, nghĩa là đi đâu, ăn Tết ở đâu, chuẩn bị thế nào,... đều đặt lợi ích của con lên đầu. Mình vẫn hay kể, từ khi con được hai tuổi, là năm nào mình cũng gói bánh chưng, làm này làm kia vui nhất có thể được để cho con vui và được hưởng không khí Tết...

Đến khi con lớn chút, cha mẹ già đi, thì mình lại đặt cha mẹ lên hàng ưu tiên hơn.

Còn nếu phải chọn để mình vui hay chồng vui, thì mình lại đặt chồng mình lên hàng ưu tiên. Vì mình biết, anh luôn phải cố gắng làm rất nhiều thứ, công việc, suy nghĩ, cuộc sống... đều nặng hơn mình, không dễ vui dễ thoả mãn như mình, nên mình dành phần ưu tiên cho anh.

Đấy, tuy rằng mình là "tướng" trong nhà, nhưng mà "tướng" ở bên dưới tất cả các quân. Tính mình xuề xoà ham vui, nên cứ mọi người vui là mình cũng vui.

Tết, với mình, là một dịp vui, là dịp để gia đình sống với nhau và vì nhau hơn một tý, gặp bạn bè, chia sẻ yêu thương cho nhau... Nên mỗi khi đọc một tâm sự buồn của bạn bè về mâu thuẫn vợ chồng khi phải lựa chọn ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại mình thấy thương ghê lắm.

Thân này ví xẻ làm đôi được, chắc cứ sắp đến Tết là sẽ có nhiều người ước như vậy nhỉ...

Tiếc là chả xẻ được, nên mình vẫn mong, đến ngày nào đó, các bạn đủ chững chạc, vững chãi, lựa chọn và chèo lái cuộc sống tốt hơn...”.

Mời các bạn đọc thêm:

Bài 1: Clip trải lòng: ‘Tết này sẽ ở nhà nội hay nhà ngoại?’

Bài 2: Tết là để: Nhiều nàng dâu ao ước 'thân này ví xẻ làm đôi được'

Hà Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO