Báo Điện tử Gia đình Mới

Thử nghiệm thành công ‘vắc xin’ chữa ung thư trên chuột, mở ra hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư

Mới đây, các nhà nghiên cứu của Đại học Y Stanford đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử trong việc điều trị ung thư với thí nghiệm của mình.

vacxin-chong-ung-thu-3

Theo các nhà nghiên cứu, việc tiêm hai tác nhân hỗ trợ miễn dịch trực tiếp vào các khối u ở chuột có thể loại bỏ hoàn toàn mọi dấu vết ung thư ở những con vật này, trong đó có cả những trường hợp di căn không thể chữa khỏi.

Tác nhân thứ nhất là một đoạn ngắn của ADN có tên CpG oligonucleotide, nó kết hợp với các tế bào miễn dịch gần đó để tăng cường biểu hiện của một “phân tử kích thích miễn dịch” là OX40 trên bề mặt các tế bào T.

Tác nhân thứ hai là một kháng thể kết nối với OX40, kích hoạt các tế bào T để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Trong số 90 con chuột được tiến hành thí nghiệm, 87% đã khỏi bệnh ung thư theo cách này. 3 con bị tái phát ung thư nhưng khối u đã được đẩy lùi sau lần điều trị thứ hai.

GS.TS Ronald Levy của Đại học Stanford, người đứng đầu nghiên cứu mới về vắcxin chống ung thư

GS.TS Ronald Levy của Đại học Stanford, người đứng đầu nghiên cứu mới về vắcxin chống ung thư

GS.TS chuyên khoa ung bướu Ronald Levy cho biết: “Khi sử dụng hai tác nhân này với nhau, chúng tôi phát hiện các khối u khắp cơ thể được loại bỏ.

Cách điều trị này giúp các bác sỹ không cần phải xác định các tế bào ung thư mục tiêu cần được miễn dịch và cũng không cần kích hoạt toàn bộ hệ thống miễn dịch hoặc tái lập trình các tế bào miễn dịch của bệnh nhân”.

Đây là cách điều trị thích hợp với nhiều loại ung thư khác nhau, bao gồm cả những loại ung thư tự phát.

Việc sử dụng tại chỗ một lượng nhỏ các tác nhân này có thể trở thành cách điều trị ung thư nhanh chóng và ít tốn kém, ít gây ra các tác dụng phụ đối với hệ miễn dịch của cơ thể.

Nghiên cứu cho biết, một tác nhân hiện đã được cấp phép để dùng trên cơ thể người, một tác nhân khác đã được nghiên cứu lâm sàng trên người.

Nguyên lý hoạt động

Cách tế bào T phá hủy tế bào ung thư

Cách tế bào T phá hủy tế bào ung thư

Vì hai tác nhân được tiêm trực tiếp vào khối u, chỉ các tế bào T được thâm nhiễm mới được kích hoạt. Sau đó, các tế bào T đó được cơ thể "quét" và chỉ nhận diện những protein ung thư cụ thể.

Tiếp theo, một số tế bào T này rời khỏi khối u ban đầu để tìm và tiêu diệt những khối u khác tương tự trong cơ thể.

Cách tiếp cận này có hiệu quả rõ rệt ở chuột thí nghiệm: những con chuột được cấy khối u lympho vào hai vùng trên cơ thể và sau khi tiêm tác nhân trực tiếp vào một khối u, các nhà khoa học phát hiện cả 2 khối u đều biến mất.

Các kết quả tương tự cũng được phát hiện ở những con chuột mắc ung thư vú, ung thư kết trực tràng và ung thư hắc tố.

Thậm chí, nghiên cứu còn chứng minh việc điều trị thành công khối u đầu tiên ngăn chặn tái phát ung thư trong tương lai và tăng tuổi thọ của các con chuột.  

TS Levy và các cộng sự hiện đang kiểm nghiệm lâm sàng trên 15 người mắc u lympho có độ ác tính thấp. Nếu thành công, ông tin rằng khả năng phương pháp mới có thể điều trị mọi loại ung thư mà hệ miễn dịch thâm nhập được.

Quỳnh Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO