Báo Điện tử Gia đình Mới

Thuộc lòng những mở bài này nắm chắc điểm cao môn Ngữ Văn thi THPT Quốc gia 2018 (phần 3)

Những mở bài hay nhất lớp 11, 12 môn Ngữ Văn để đạt điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 thí sinh nào cũng nên biết.

 Tổng hợp 14 mở bài hay nhất môn Ngữ Văn thi THPT Quốc gia 2018

11. Mở bài Rừng xà nu

- Mở bài 1:

"Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”

Đã có những tháng ngày như thế, những tháng ngày đất nước hừng hực sục sôi trong khí thế của cuộc kháng chiến gian khổ mà anh hùng. Mảnh đất Tây Nguyên đã đi vào văn chương như một huyền thoại về những con người “đẹp từ như trong chân lí sinh ra”, những con người mang vẻ đẹp, sức sống mãnh liệt như những Cây xà nu cao lớn chống lại kẻ thù để bảo vệ quê hương, đất nước.

Nguyễn Trung Thành đã tái hiện xuất sắc vẻ đẹp đậm tính sử thi ấy thông qua truyện ngắn “Rừng xà nu” được in trong tập “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”. Rừng xà nu đã đem lại ngỡ ngàng cho người đọc khi một truyện ngắn mà phản ánh được cả một cuộc đầu tranh chống Mỹ ngụy của người dân Tây Nguyên, vì vậy tính sử thi càng được tô đậm rõ nét hơn thông qua cách xây dựng nhân vật, hình tượng cây xà nu và ngôn ngữ của tác phẩm.

- Mở bài 2:

Văn học viết về chủ đề miền núi càng ngày càng chiếm một vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Những tác phẩm viết về chủ đề miền núi đã đem đến cho văn học nước nhà một màu sắc riêng – một màu sắc đậm đà chất dân tộc. Nhiều tác phẩm viết về miền núi đã có những thành công lớn, đã đạt giải thưởng cao về văn học nghệ thuật.

Nhớ lại giải thưởng của Hội văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955, cả hai tác phẩm viết về đề tài miền núi đã giành được giải thưởng về mảng văn xuôi. Đó là tuyện ngắn "Vợ Chồng A Phủ" nằm trong tập Truyện Tây Bắc của Tô Hoài đạt giải nhất về truyện và ký. Đó là tiểu thuyết "Đất nước đứng lên" của nhà văn Nguyên Ngọc (Nguyễn Trung Thành) đã giành giải nhất về tiểu thuyết.

Tiếp theo "Đất nước đứng lên" một lần nữa nhà văn Nguyễn Trung Thành lại thành công với một truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh cách mạng, đó là truyện ngắn "Rừng xà nu". Truyện ngắn rừng xà nu đã từng được nhận giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu năm 1965. Viết truyện ngắn "Rừng xà nu" cũng với cảm hứng sử thi nhưng với dung lượng một truyện ngắn thì truyện ngắn "Rừng xà nu" đã gây một sự ngỡ ngàng, đem đến một thành công hết sức lớn trong dung lượng một truyện ngắn mà phản ánh được cả một cuộc đấu tranh Mỹ ngụy của người dân cách mạng Tây Nguyên. Tính chất sử thi đã được dồn nén trong một tác phẩm truyện ngắn, vì vậy mà tính sử thi càng đậm đặc hơn được thể hiện qua chủ đề, qua nhân vật, qua hình tượng cây xà nu và qua ngôn ngữ của tác phẩm.

tong-hop-mo-bai-hay-mon-ngu-van-thi-thpt-quoc-gia-2

12. Mở bài hay Những đứa con trong gia đình

Viết về lòng yêu nước, sự chuyển giao thế hệ cầm súng để đánh giặc có lần ta đã từng bắt gặp trong thơ Tố Hữu ở hình ảnh:

“Lớp cha trước lớp con sau

Đã thành đồng chí chung câu quân hành”

( Tiếng hát sang xuân)

Hay Nguyễn Quang Sáng với tác phẩm “Chiếc lược ngà” với hình ảnh cô giao liên Thu nhanh nhẹn, thông minh, vào chiến trường để vừa trả thù cho cha vừa đánh giặc cứu nước. Thì đến với tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” của nhà văn Nguyễn Thi tác giả đã viết về một gia đình lớn với những nét tính cách không giống nhau nhưng cùng chung một lí tưởng lớn:

“Ôi tổ quốc ta yêu như máu thịt

Như mẹ cha ta, như vợ như chồng”

Nhân vât của Nguyễn Thi hiện ra như những bức chân dung rõ rệt, sống động qua bút pháp miêu tả nhân vật điêu luyện. Đó là những người nông dân Nam bộ sống bộc trực, thẳng thắn, nghĩa tình, họ là những con người yêu nước nồng nàn, có lòng căm thù giặc cao độ,họ đẹp trong chiến đấu, họ đẹp trong đời thường, họ đẹp như những dòng kênh nước bạc nơi đây. Toàn bộ vẻ đẹp ấy được kết tinh trọn vẹn nhất ở hai nhân vật Chiến và Việt.

13. Chiếc thuyền ngoài xa

- Mở bài 1:

Nguyễn Minh Châu là một nhà văn trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, vì vậy nhãn quan và ngòi bút của ông cũng xoay vần theo những biến động của lịch sử. Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Minh Châu tỏa sáng trong thời kì kháng chiến chống Mĩ khi ông viết về thế hệ con người Việt Nam trong chiến tranh hào hùng, phi thường, dũng cảm, dám gạt bỏ ước mơ của mình để cống hiến cho độc lập dân tộc, ta đã từng bắt gặp những con người như thế, đó là Nguyệt và Lãm trong truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng”. Nhưng đến những năm 80 của thế kỉ XX, Nguyễn Minh Châu lại một lần nữa mở ra cánh cửa văn chương của mình khi ông chính là người đã tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học, nhà văn đã nhìn cuộc đời bằng cái nhìn khác, bằng đôi mắt khác và bắt đầu cho mình cảm hứng mới về đạo đức, thế sự mà phản ánh chính bằng con người.

Dù ở hoàn cảnh nào thì Nguyễn Minh Châu cũng có cái nhìn thấu hiểu, trĩu nặng tình thương và mối âu lo với con người, bởi vậy trong Trăng sáng, Nam Cao đã nêu quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh của mình: nhà văn phải thấy rằng dưới cõi nhân gian mà ánh trăng đang bao phủ ruột nà, nơi người nghệ sĩ mặc sức cho trí tưởng tượng của mình bay bổng là bao cuộc đời cực nhục, vất vả. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu có thể coi như là một sự minh họa tiếp tục cho quan điểm ấy.

- Mở bài 2:

Nguyễn Minh Châu là một hiện tượng văn học vừa độc đáo, vừa lớn lao của nền văn học Việt Nam hiện đại vào cuối thế kỷ 20. Ông bước vào nghề văn hơi muộn nhưng sự nghiệp đổi mới trong văn học đã chọn ông để trao cho ông “Ấn Tiên Phong” lãnh chức Đại Tướng quân của Tập đoàn quân Chữ!.

Nhà văn Nguyên Ngọc đã rất đúng khi cho rằng Nguyễn Minh Châu là “người mở đường tinh anh và tài năng đã đi được xa nhất” ở chặng đầu đổi mới của văn học nước nhà. Trong cơn trở dạ nhiều đau đớn ấy, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện cả bản lĩnh và tài năng của mình cho một khát vọng khẩn thiết và mãnh liệt: văn chương cần phải khác. Nơi đó cái đẹp phải là cái “thật”, con người phải được nhìn nhận ở “bề sâu, bề sau, bề xa” của nó.

Hàng loạt tác phẩm được viết dưới ý tưởng đó. Trong đó, “Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những sáng tác điển hình của ông được viết sau năm 1980. Truyện đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật người đàn bà hàng chài, một người phụ nữ lao động lam lũ, bất hạnh, trải đời và sáng đẹp tình yêu thương, đức hi sinh và lòng vị tha cao cả.

Truyện đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Phùng, một nghệ sĩ khao khát khám phá, sáng tạo ra cái đẹp, người luôn lo lắng, trăn trở, suy tư về nhân cách và đời sống con người. Người đàn bà hàng chài là nhân vật đặc sắc nhất của truyện.

14. Mở bài mẫu Đàn ghi ta của Lorca

- Mở bài 1:

Thanh Thảo là một nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Ông là một nhà thơ có xu hướng cách tân thơ Việt để tạo cho mình những tiếng nói riêng ấn tượng. Thanh Thảo đã từng quan niệm: “ Với những bài thơ hay, thi sĩ phải sáng tạo bằng cả thể xác lẫn tâm linh mình phần tích điện, phần thu góp là cả một quá trình nhưng sáng tạo thì lại là khoảnh khắc. Khoảnh khắc ấy càng xảy ra càng đột ngột bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu”.

Bài thơ Đàn ghi ta của Lorca là một sản phẩm tuyệt vời của quá trình tích điện, thu góp và sáng tạo ấy. Bài thơ tái hiện vẻ đẹp của người nghệ sĩ Gracia Lorca - Nhà thơ vĩ đại nhất Tây Ban Nha thế kỉ XX, qua đó thể hiện những suy nghiệm thâm trầm về nỗi đau và niềm hạnh phúc của những cuộc đời đã hiến dâng cho cái đẹp.

Nhà thơ đi sâu vào biểu hiện cái tôi nội cảm với những đổi mới về hình thức nghệ thuật qua thể thơ siêu thực tượng trưng độc đáo những năm 80 thế kỉ XX.

- Mở bài 2:

Tây Ban Nha - một cái tên đầy hình ảnh. Nó luôn gợi cho người ta nhớ đến chàng hiệp sĩ lạ đời Don Quixote, những chàng matador dũng cảm trong các cuộc đấu bò kịch tính, hay các vũ nữ xoay tròn trong điệu flamenco mê hoặc. Vùng đất xinh đẹp và tươi nguyên ấy cũng là nơi cây đàn thơ Lorca bắt đầu hành trình sáng tạo nghệ thuật kì bí nhưng vô cùng cao cả. Để rồi cái chết tức tưởi, thương tâm của ông dưới tay bọn Franco đã làm cho ngòi bút thơ Thanh Thảo bật lên tiếng khóc nức nở.

Bài thơ Đàn ghita của Lorca ra đời chính là sự cộng hưởng của những khát vọng sáng tạo, một khả năng nhập cảm sâu sắc vào thế giới nghệ thuật thơ Lorca, một suy nghiệm thâm trầm về nỗi đau và niềm hạnh phúc của những cuộc đời đã dâng hiến trọn vẹn cho cái đẹp. Bên cạnh hình tượng tiếng đàn thì Lorca là hình tượng trung tâm xuyên suốt cả bài thơ.

Hi vọng những mẫu mở bài hay môn Ngữ Văn này sẽ giúp các bạn học sinh ôn tập tốt cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.

Phương Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO