Báo Điện tử Gia đình Mới

Tìm hiểu tín ngưỡng đầu xuân hồn nhiên và lãng mạn bậc nhất của Việt Nam

Đó chính là tín ngưỡng phồn thực, tin rằng tình yêu và sự sinh sôi nảy nở từ con người có thể truyền sang đất đai, cỏ cây hoa lá, giúp cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Nõ nường (linh vật - ảnh góc trái) sẽ được cụ thủ từ miếu Trám lấy ra vào đêm 11 Tháng Giêng để làm lễ

Nõ nường (linh vật - ảnh góc trái) sẽ được cụ thủ từ miếu Trám lấy ra vào đêm 11 Tháng Giêng để làm lễ

Tín ngưỡng phồn thực để lại dấu ấn trong nhiều công trình kiến trúc cổ, phong tục thờ cúng, lễ hội... nhưng tiêu biểu nhất có lẽ là Lễ hội Trò Trám, xã Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ.

Những thăng trầm của lễ hội “Linh tinh tình phọc”

Theo cuốn sách “Từ điển hiện vật văn hóa các dân tộc Việt Nam” (NXB Giáo dục Việt Nam, 2017), tại Miếu Trám có hai hiện vật là cái nõ và cái nường được sử dụng trong nghi lễ mang tính phồn thực, cả năm chỉ có một lần, vào ngày 11 Tháng Giêng âm lịch.

Về lịch sử và cách sử dụng của 2 hiện vật này, cuốn Từ điển cho biết:

“Trước đây, biểu tượng dương vật làm bằng gốc tre đực, một đầu đập dập, đầu kia để nguyên cả gốc và rễ. Biểu tượng âm vật làm bằng mo nang tre hay mo cau, ở giữa được rạch một rãnh.

Cả hai vật này chỉ sử dụng cho một lần làm lễ.

Ngày nay, các biểu tượng này được làm bằng rễ gốc cây mít mật và mỗi khi thực hiện xong một nghi lễ, lại được cất vào chỗ cũ để sử dụng cho những năm sau”.

Nõ (sinh thực khí nam) và nường (sinh thực khí nữ) phải được làm bởi người thợ khỏe mạnh, không ở độ tuổi 49, 53, hoặc 64. Họ phải có cuộc sống hạnh phúc song toàn, gia đình không có tang.

“Khi làm vật linh thiêng phải kiêng kị nhiều thứ trong sinh hoạt và ăn uống, phải chọn ngày, giờ tốt để đi lấy gỗ...

Trước và sau khi làm xong phải thắp hương, làm lễ hô thần tại miếu, sau đó đặt vật linh vào hòm sắc thờ trong cung cấm, đến ngày hội mới mang ra làm lễ.

Vào 1 giờ đêm 11 tháng giêng, vị chủ tế thắp hương rồi lấy biểu tượng dương vật đưa cho một người nam , biểu tượng âm vật cho một người nữ.

Họ đứng trước hương án, mặt ngoảnh vào nhau, khi đèn nến tắt, chủ tế đọc “linh tinh tình phọc”, hai người liền đáp “thì chọc vào nhau” và ngay tức thì, người con trai và người con gái chọc các biểu tượng này vào nhau.

Động tác lặp đi lặp lại 3 lần, nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bộ thu, người an vật thịnh”.

Linh vật nõ nường phải được làm bằng bàn tay của người thợ có cuộc sống hạnh phúc, song toàn

Linh vật nõ nường phải được làm bằng bàn tay của người thợ có cuộc sống hạnh phúc, song toàn

Đó là theo sách, còn trong thực tế, hội Trám đã có thời gian bị gián đoạn vì chiến tranh, hoặc vì quan niệm cho rằng lễ hội này “tục tĩu”, không phù hợp với “văn hóa mới”.

Những vị cao niên trong làng nhớ lại, phải đến năm 1993 lễ hội Trò Trám mới được phục dựng sau hàng chục năm vắng bóng.

Từ đó đến nay, cứ mỗi khi mưa xuân phấp phới bay, người dân làng Trám lại háo hức chờ đón ngày hội. Trò Trám trở thành lễ hội đặc trưng nhất của vùng Lâm Thao, nét đẹp riêng có của vùng đất Tổ.

Đầu năm 2017 vừa qua, lễ hội này đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá Phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Trò Trám năm 2017 - Nguồn: Zing.vn

Lễ hội Trò Trám năm 2017 - Nguồn: Zing.vn

Không gian văn hóa của lễ hội đậm sắc xuân tình

Tuy nhiên, cái hay cái đẹp của lễ hội Trò Trám không chỉ nằm trong phần lễ mật liên quan đến hai linh vật nõ nường.

Điểm hấp dẫn của Lễ hội này còn là những hoạt động trước và sau lễ mật.

Ví như ngay sau phần lễ ở trong đình, vị chủ tế sẽ hô “Tháo khoán”.

Theo phong tục khi xưa, đèn nến sẽ được tắt hết, cả không gian lễ hội sẽ chìm trong bóng tối. Nam nữ thanh niên chưa vợ chưa chồng hoặc cả những người có gia đình sẽ được tự do tìm đến với nhau, không câu nệ lễ giáo, khuôn phép.

Nếu cặp đôi nào có “tin vui”, 9 tháng 10 ngày sau sinh con, thì đứa con đó được coi là “lộc Thánh”, được cả làng cùng nuôi dưỡng, chăm sóc.

Không gian văn hóa của lễ hội Trò Trám còn là phần trình diễn trò “Bách nghệ khôi hài”, tức là trò diễn tái hiện lại những nghề cơ bản trong cuộc sống.

Trò diễn gồm những lời ca vui nhộn, thậm chí rất tục, mang tính hài hước, mua vui, rất gần với sinh hoạt đời thường (bởi vậy những trò này còn được gọi là trò “nhây nhả”).

Những lời ca ngoa dụ, phong phú, đầy ẩn ý, vừa được nâng cao về mặt nghệ thuật, vừa giữ tính chất hài hước; luôn gợi mở sự liên tưởng, tục nhưng thanh…

Truyền thuyết cho rằng trò diễn này xuất hiện từ lâu nhằm tiến cúng tổ Hùng Vương và thần Tản Viên đã có công lao dạy cho dân Lạc Việt các nghề nông và thủ công từ thuở dựng nước.

Để tỏ lòng biết ơn, hằng năm, dân mở hội trình với thần linh các nghề nghiệp của làng, cầu mong được phù hộ. Dần dần, có sự phân biệt giữa các giới, các ngành; trò trình bốn nghề nghiệp chính: Sĩ, nông, công, thương.

Trong ngày hội “bách nghệ khôi hài”, các nhân vật công diễn các vai thợ cày, thợ cấy, thợ mạ, thợ gặt, thợ mộc, người chăn tằm, dệt vải, thầy đồ, thầy thuốc, thầy cúng, người đi buôn, đi câu, bắt cá,… với những động tác, ngôn ngữ gây cười cho dân làng.

Người dân hào hứng chuẩn bị cho trò diễn

Người dân hào hứng chuẩn bị cho trò diễn "Bách nghệ khôi hài" - Nguồn: Zing.vn

 “Bách nghệ khôi hài” là ngày hội tự do, chỉ tuân thủ các nghi thức cần thiết khi hành lễ, các trò chơi đều do quần chúng tham gia tự phát.

Sau đêm lễ hội 11 Tháng Giêng, còn có trò “Rước lúa thần” được tổ chức hết sức long trọng vào sáng 12 tháng giêng.

Lúa thần là những bông lúa thật to, thật mẩy, lá lúa được tượng trưng bằng lá mía được đặt trên hương án kiệu, giữa cắm một gióng mía to, róc vỏ.

Trò “Rước lúa”, ngoài mục đích cầu mong cho mùa màng tươi tốt còn là sự ngợi ca lòng biết ơn của dân làng đối với các vua Hùng - những người đã dạy cho người dân nghề trồng lúa nước.

Chính những hoạt động xung quanh lễ hội Trò Trám này cũng góp phần làm nên nét duyên dáng, hấp dẫn của một lễ hội cổ xưa vào bậc nhất của vùng trung du Bắc Bộ.

Đặt trong bối cảnh xã hội phong kiến hàng nghìn năm trước, những lễ hội như Trò Trám dường như là nơi để người nông dân bộc lộ những khao khát hồn nhiên, chân thực nhất của mình, để họ thỏa sức mơ ước và thực hiện tự do yêu đương – điều không hề dễ dàng vào thời điểm đó.

Phương Phương/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO