Báo Điện tử Gia đình Mới

Toàn cảnh vụ VN Pharma và những con số giật mình về bệnh ung thư

Phiên tòa xét xử vụ án VN Pharma đã khép lại, nhưng những lo lắng về căn bệnh ung thư cũng như hàng loạt dấu hỏi về thuốc điều trị ung thư vẫn đang đặt ra...

benh ung thu_2

 Gương mặt đầy âu lo của người nhà một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối - Ảnh: Kiều Dương

Những con số ám ảnh

Cuối năm 2016, Hội thảo quốc gia phòng chống ung thư được tổ chức tại Hà Nội công bố các thông tin sau:

- Số người mắc bệnh ung thư tính đến cuộc khảo sát toàn quốc mới nhất năm 2010 là 126.000 người.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có cuộc điều tra toàn diện để có số liệu khảo sát cập nhật hơn về mức độ phát triển của căn bệnh này.

- Dự đoán của các cơ quan nghiên cứu, số bệnh nhân ung thư sẽ vượt qua 190.000 ca vào năm 2020.

- Tỷ lệ gia tăng ung thư mỗi năm: 140 trường hợp mới mắc/100.000 dân (thấp hơn tỷ lệ chung của thế giới là 182 trường hợp mới mắc /100.000 dân).

- Mỗi ngày Việt Nam có khoảng 315 người chết vì ung thư.

ung thu_hanh lang benh vien

 

Mỗi ngày Việt Nam có khoảng 315 người chết vì ung thư

Tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư của Việt Nam mới đạt 30%

Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ ung thư cao thứ 2 trên thế giới, xếp thứ 78/172 nước đã tiến hành khảo sát (172 nước được chia thành 3 nhóm, nhóm 1 là 50 nước có tỷ lệ ung thư cao nhất, nhóm 2: 50 nước có tỷ lệ ung thư cao thứ 2, nhóm 3: 72 nước còn lại)

Tỉ lệ mắc ung thư ở các nước phát triển hiện vẫn cao hơn so với các nước đang phát triển, nhưng xu hướng mắc căn bệnh này đang chững lại ở các quốc gia giàu và gia tăng ở quốc gia nghèo.

Toàn cầu hiện có khoảng 23 triệu người đang sống chung với căn bệnh này, trong đó mỗi năm có hơn 14 triệu người mắc mới và 8,2 triệu người tử vong.

-Các loại bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam: Ở nam giới, ung thư phổi chiếm tỉ lệ mắc và tử vong hàng đầu, kế đó là dạ dày, gan, đại trực tràng. Ở nữ giới lần lượt là ung thư vú, dạ dày, phổi.

Phần lớn ung thư đều có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm.

Nhưng con số chữa khỏi ung thư ở Việt Nam mới chỉ là 30%...

benh ung thu_hut thuoc la noi cong cong

 Hút thuốc lá được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư ở Việt Nam

Khái niệm ‘chữa khỏi ung thư’ được hiểu là ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển, bệnh nhân tiếp tục sống với chất lượng tốt trên 5 năm kể từ sau khi mắc bệnh.

Trên báo chí, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K (Hà Nội) cho biết tỉ lệ chữa khỏi ung thư ở Việt Nam mới đạt trên 30%.

Ông Thuấn cho biết trong xu hướng hầu hết các loại ung thư đều tăng ở Việt Nam thì ung thư cổ tử cung đang giảm dần do được phát hiện sớm, tầm soát tốt, tỉ lệ tiêm vắc xin phòng ngừa ngày càng nhiều.

PGS Thuấn đặc biệt lưu ý đến ung thư phổi, trong khi ở Mỹ đứng hàng thứ 10 ở nam giới về số ca mắc thì Việt Nam xếp top đầu do hút thuốc lá quá nhiều. 85% bệnh nhân ung thư phổi đều có liên quan đến thuốc lá.

PGS.TS Trần Văn Thuấn nói trên báo chí: ‘Phần lớn ung thư đều có thể chữa khỏi khi phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp’.

Theo ông Thuấn, với điều kiện hiện nay, khi kết hợp cùng lúc 4 hướng: phòng bệnh, phát hiện sớm, tăng cường chẩn đoán điều trị, chăm sóc giảm nhẹ, tỉ lệ chữa khỏi ung thư có nhích lên nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các nước phát triển.

“Hiện tỉ lệ chữa khỏi ung thư ở nam giới đạt 33%, ở nữ khoảng 40%, trong khi nhiều nước phát triển con số này đã lên tới 70-80%.

Nguyên nhân do có tới 70% bệnh nhân ung thư trong nước đều phát hiện khi ung thư đã ở giai đoạn muộn”, PGS Thuấn chia sẻ.

Số liệu điều tra năm 2012 cho thấy:

• Tổng chi phí 6 loại ung thư phổ biến: Vú, gan, đại tràng, khoang miệng, cổ tử cung và dạ dày đã lên tới 26.000 tỉ đồng, chiếm 0,22% GDP của Việt Nam.

• Mỗi bệnh nhân ung thư phải chi 200 triệu đồng cho đều trị trực tiếp và gián tiếp.

• Khoảng 1/3 bệnh nhân không đủ tiền mua thuốc sau 1 năm phát hiện bệnh. 

VN Pharma: đường đi của H-Capita 500mg 

Những vấn đề bất cập trong quản lý, cấp phép dược phẩm nói chung và thuốc điều trị ung thư nói riêng đã bộc lộ qua phiên tòa xét xử vụ vi phạm của Công ty cổ phần VN Pharma. 

Đây có thể được coi là vụ án lớn nhất và phức tạp nhất từ trước đến nay liên quan đến lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam.

Gia Đình Mới đồ hoạ 'Đường đi của thuốc H-Capita 500mg Caplet' - một loại thuốc có nguồn gốc mù mờ - đã vượt qua rất nhiều 'cửa' kiểm soát ngặt nghèo ra sao:

VNPHARMA-01-01-01

 Infographic: Đoàn Thanh Đức

Ngoài thuốc chữa ung thư H-Capita, còn có 7 loại thuốc khác đều của VN Pharma nhập khẩu cũng bị Cục Quản lý Dược rút khỏi danh sách lưu hành tại Việt Nam từ ngày 19/9/2014.

Thông tin trên giấy tờ cho thấy 7 loại thuốc này cũng đều do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc (Canada) sản xuất.

Trong vụ án xét xử VN Pharma vừa qua, cơ quan điều tra đã xác định… không hề có Công ty Helix Pharmaceuticals Inc.

7 loại thuốc do Helix Pharmaceuticals sản xuất và được VN Pharma nhập khẩu đã bị rút đăng ký gồm:

H2K Cirprofloxacin 200 (hoạt chất Ciprofloxacin 200 mg/100ml)

H2K Cirprofloxacin 400 (hoạt chất Cirprofloxacin 400mg/200ml)

H2K Levofloxacin 250 (hoạt chất 250mg/100ml)

H2K Levofloxacin 500 (Levofloxacin 500mg/100ml)

H2K Levofloxacin 75 (hoạt chất Levofloxacin 750mg/100ml)

H-Cipox 200 (hoạt chất Cirprofloxacin 200mg/100ml)

H-Levo 500 (hoạt chất Levofloxacin 500mg/100ml).

Theo những gì thể hiện trên hồ sơ kết quả trúng thầu của riêng năm 2013, có 1 loại thuốc kháng sinh tổng hợp trong ‘danh sách đen’ nêu trên đã được 2 bệnh viện tuyến trung ương mua với số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng tiền thuốc mỗi bệnh viện.

Ngoài ra, thuốc này còn được mua bởi các Sở Y tế và các bệnh viện địa phương khác.

Đến nay, con số về số lượng các loại thuốc của VN Pharma trúng thầu vào các bệnh viện kể từ khi công ty này được nhập khẩu thuốc (năm 2011) vẫn chưa được công bố.

Sau khi Bộ Y tế rút đăng ký 7 loại thuốc của VN Pharma, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng rút 2 mặt hàng thuốc của Công ty CP VN Pharma đã trúng thầu tại Sở từ tháng 5/2014.

thuoc

 1/3 bệnh nhân ung thư không đủ tiền điều trị sau 1 năm phát hiện bệnh - số liệu điều tra năm 2012

Đó là thuốc BIPANDO (trúng thầu gần 1,5 triệu viên với giá gần 10 tỷ đồng) và thuốc PEPTAN 40mg dạng tiêm truyền do Liên doanh Công ty TNHH MTV Dược Nam Anh (đơn vị thành viên của VN Pharma) và Công ty CP Dược phẩm Trung ương I trúng thầu gần 182.000 lọ với giá gần 6 tỷ đồng.

Chất lượng thuốc điều trị là một trong những vấn đề liên quan đến sinh mạng con người.

Bệnh ung thư là bệnh nan y, nhưng cũng như tất cả các bệnh khác, có thể điều trị bằng thuốc.

Và câu chuyện về 'tảng băng chìm' đằng sau phiên tòa xử VN Pharma vì thế không chỉ gây rúng động những người mang bệnh ung thư hay gia đình, người thân của họ.

Đó là câu chuyện của cả cộng đồng. 

 
Phương Phương/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO