Báo Điện tử Gia đình Mới

UNICEF: Cứ 4 trẻ 2 - 4 tuổi lại có 3 trẻ bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ

Gần 300 triệu trường hợp bạo lực ở trẻ từ 2 đến 4 tuổi - Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc vừa công bố báo cáo mới nhất tháng 11/2017 về tình trạng báo động về bạo lực ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên.

  Ảnh: NPR

Ảnh: NPR

Video của UNICEF: Một chuyến đi đến cửa hàng nội thất mà những ông bố bà mẹ này sẽ không bao giờ quên được

Những con số nêu lên thực trạng đáng sợ về bạo lực ở trẻ em hiện nay:

  • Gần 300 triệu trẻ trên khắp thế giới trong độ tuổi từ 2-4 đang phải chịu trừng phạt thân thể hoặc bạo hành bằng lời nói bởi chính cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ
  • Cứ mỗi 7 phút lại có một trẻ vị thành niên bị giết bởi hành vi bạo lực
  • 15 triệu bé gái tính đến tuổi 19 từng bị ép buộc hoạt động tình dục, trong đó có hiếp dâm và phần lớn là bởi những người quen biết

Claudia Cappa, tác giả của báo cáo mới ra mang tên 'Gương mặt quen thuộc: Bạo lực trong đời sống ở trẻ em và trẻ vị thành niên' đã trả lời phỏng vấn của NPR về báo cáo này và Gia Đình Mới xin dịch lại.

Vì sao tên báo cáo lại là 'Gương mặt quen thuộc?

Chúng tôi gọi 'bạo hành' là gương mặt quen thuộc vì nó có thể xảy đến với trẻ em và trẻ vị thành niên ở những địa điểm quen thuộc như trong nhà, ở trường, quanh nơi trẻ sống và bởi những người trẻ quen biết.

Mức độ bạo hành ở các quốc gia không có nhiều sự khác biệt, bất kể các yếu tố kinh tế xã hội, bất kể giàu nghèo.

Vì sao bạo lực ở trẻ em lại phổ biến như vậy?

Một lý do là ở nhiều nền văn hóa, trừng phạt thân thể ở trường và ở nhà được coi là một hình thức kỷ luật và được chấp thuận chứ không bị coi là vấn đề nghiêm trọng.

UNICEF: Cứ 4 trẻ 2 - 4 tuổi lại có 3 trẻ bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ 1

Các dữ liệu được thu thập như thế nào?

Chúng tôi thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau từ các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có cả các cuộc khảo sát hộ gia đình, khảo sát thống kê cấp quốc gia, ghi chép của cảnh sát và bệnh viện.

Tuy nhiên vì hầu hết dữ liệu là tự cấp nên các số liệu này có thể không chính xác và thấp hơn so với thực tế.

Bởi vì không phải nạn nhân nào cũng dũng cảm để nói ra trường hợp của mình, cho dù là trong những bài khảo sát giấu danh tính.

Đồng thời, dữ liệu về hành vi đánh, tát con cái là do bố mẹ tự trả lời khảo sát nên theo chúng tôi thì thực tế còn có nhiều hơn nữa và những gì chúng ta thấy mới chỉ là phần nổi của tảng băng mà thôi.

Vậy tức là con số thực tế còn cao hơn nữa?

Mặc dù trong 10 năm trở lại đây thì nỗ lực thu thập dữ liệu về bạo lực ở trẻ em đã được tăng cường, nhưng nhiều quốc gia vẫn chưa xem đây là ưu tiên.

Không có dữ liệu cũng khiến bạo hành bị che dấu. Ví dụ, bạo hành tình dục ở bé trai vẫn còn là một chủ đề bị né tránh trên khắp thế giới, và còn ít nỗ lực thu thập thông tin về vấn đề này.

  Trong số các trẻ em gái tuổi vị thành niên báo cáo từng bị ép buộc tình dục, 9/10 em cho biết người ép buộc các em là người thân hoặc người quen

Trong số các trẻ em gái tuổi vị thành niên báo cáo từng bị ép buộc tình dục, 9/10 em cho biết người ép buộc các em là người thân hoặc người quen

Những điều đáng quan ngại nhất từ báo cáo này là gì?

Tình trạng bạo lực ở trẻ nhỏ 12 tháng tuổi đặc biệt gây sốc, dữ liệu từ 30 quốc gia cho thấy gần một nửa trẻ từ 12- 23 tháng tuổi phải chịu trừng phạt thân thể hoặc bạo hành bằng lời nói.

Về bạo lực tình dục, phát hiện đáng buồn nhất là phần lớn bạo hành tình dục ở bé gái là bởi những người quen biết hoặc thân thuộc.

Dữ liệu từ 28 quốc gia chỉ ra rằng 9 trên 10 trẻ từng bị ép buộc tình dục báo cáo rằng các em là nạn nhân của người quen hoặc thậm chí là người thân.

Điều này cũng liên quan đến lý do tại sao bạo hành ở trẻ em và trẻ vị thành niên vẫn còn bị che giấu: vì các em là nạn nhân của những người thân quen.

Làm thế nào để dừng bạo hành?

Để làm được điều này, chúng ta cần nỗ lực chung, bắt đầu từ luật pháp cần được thông qua và thực thi.

Hiện chỉ có 60 quốc gia trong số 193 nước trong Liên hợp quốc cấm hoàn toàn trừng phạt thân thể trong gia đình. Ở trường, có khoảng 130 quốc gia đã ra luật cấm hoàn toàn hoặc một phần.

Ngoài ra cần thay đổi quan niệm xã hội về các vấn đề này, tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ. Điều này bao gồm mang đến các hỗ trợ cho phụ huynh, làm việc với nhà trường và giáo viên và với trẻ em.

Những nỗ lực nào đang được thực hiện để giảm tình trạng bạo hành?

Một báo cáo năm 2013 ở Campuchia có hơn một nửa số người tham gia báo cáo từng bị bạo hành thân thể trước 18 tuổi và thường xuyên nhất là giáo viên, nếu xét ngoài gia đình.

Quốc gia này đã làm việc cùng UNICEF để xây dựng các chương trình huấn luyện giáo viên về kỷ luật tích cực, nhấn mạnh rằng dạy dỗ trẻ em những hành vi tốt sẽ hiệu quả hơn là trừng phạt trẻ.

Mọi người cần hiểu gì về ảnh hưởng của bạo hành ở trẻ em?

Bạo hành có hậu quả trên cả những đau đớn về thể xác. Nó có thể ảnh hưởng đến sự tự tin của trẻ, năng lực học tập và khả năng thành công khi lớn lên.

Nạn nhận của bạo lực trẻ em sau này sẽ có thể ít quan tâm đến chính con cái của mình hơn.

Chứng kiến bạo lực và chịu căng thẳng trong gia đình cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ.

  Báo cáo của UNICEF - Gương mặt quen thuộc: Bạo hành trong đời sống của trẻ em và trẻ vị thành niên

Báo cáo của UNICEF - Gương mặt quen thuộc: Bạo hành trong đời sống của trẻ em và trẻ vị thành niên

Tải về Báo cáo của UNICEF.

Trang Đặng/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO