Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

10 mẹo cân bằng công việc và gia đình dành cho các bà mẹ trẻ

Làm cách nào để một bà mẹ đi làm có thể cân bằng giữa thời gian dành cho công việc và gia đình? Gia đình mới mách bạn 10 mẹo nhỏ để làm được điều này.

can bang cong viec gia dinh_1

 Cân bằng giữa công việc và gia đình là khó khăn lớn với các bà mẹ đi làm

1/ Chọn nơi/ người trông trẻ tin cậy

Hiện nay các bà mẹ đi làm có khá nhiều phương án để lựa chọn: Có thể là người thân hoặc người giúp việc trông bé, cũng có thể gửi bé ở trường mầm non tư thục.

Lựa chọn đúng người/nơi trông trẻ chính là “chìa khóa vàng” để đảm bảo các bà mẹ đi làm không gặp khủng hoảng về quản lý thời gian.

Đừng ngại lập ra một danh sách những phương án bạn có thể lựa chọn, so sánh ưu điểm, nhược điểm của từng phương án. Nếu nơi/người trông trẻ chỉ có thể đảm bảo trông bé trong giờ hành chính, bạn phải tìm một phương án dự phòng: người thân nào trong gia đình sẽ đón trẻ trong trường hợp bạn về muộn?

Đừng cố gắng làm việc toàn thời gian nếu chưa tìm được phương án gửi trẻ thực sự tin cậy! Việc trở lại đi làm có thể trở thành “ác mộng” với các bà mẹ nếu trong lúc bắt đầu công việc mới con bạn bị ốm, hoặc đơn giản là người giúp việc xin nghỉ đột ngột.

2/ Chuẩn bị từ đêm hôm trước

Tránh việc bắt đầu một ngày quá vội vã, bạn hãy chuẩn bị các đồ dùng cần thiết từ đêm hôm trước.

Hãy gói trước bữa trưa đi học cho con, chuẩn bị quần áo đi làm, đi học cho cả mẹ và con.

Hãy đặt sẵn ba lô đi học của bé, ví – túi đi làm của mẹ ở vị trí thuận tiện, ngay bên cạnh chìa khóa nhà, chìa khóa xe.

Bạn cũng nên quyết định làm món gì để ăn sáng. Một bữa sáng ăn ở nhà giúp bạn có thêm thời gian trò chuyện với chồng và con lớn trước khi mỗi người bắt đầu ngày đi học, đi làm bận rộn.

3/ Chia sẻ lịch làm việc với người thân

Hãy ghi chú những “ngày cần nhớ” vào một cuốn lịch chung của gia đình. Đó có thể là một cuốn lịch để ở bàn khách hoặc ứng dụng Google calender, một phần mềm có thể dễ dàng chia sẻ và đồng bộ hóa trên điện thoại.

Trong lịch, bạn cần note lại ngày cần dọn nhà, ngày thanh toán hóa đơn, lịch tiêm chủng cho em bé, sinh nhật của một thành viên trong gia đình, hoạt động ngoại khóa của con… “Cẩn thận không thừa” vì đôi khi công việc bận rộn sẽ khiến bạn quên mất một việc mà bạn từng nghĩ rằng mình không thể quên.

Chia sẻ lịch này sẽ giúp mọi người trong gia đình có thể nhắc bạn.

 

can bang cong viec va gia dinh_2

 Sắp xếp đồ đạc gọn gàng hết mức có thể

4/ Gọn gàng hết mức có thể

Thực sự không dễ dàng để giữ nhà cửa gọn gàng khi bạn đang có con nhỏ. Tuy nhiên, nếu đồ đạc quá hỗn loạn thì bạn sẽ mất thời gian gấp nhiều lần so với việc dành tối thiểu 15 phút mỗi ngày để giữ mọi thứ gọn gàng.

Kinh nghiệm hữu ích là hãy đặt một “trạm chỉ huy” ngay gần lối đi chính của ngôi nhà, nơi các hóa đơn, chìa khóa, điện thoại, sạc pin điện thoại và một ít tiền lẻ được để sẵn. “Trạm chỉ huy” cần để cao hơn tầm với của em bé.

Bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian để mày mò tìm kiếm đồ dùng cần thiết, ví dụ tìm chiếc chìa khóa xe, trong một đống đồ đạc hỗn độn.

5/ Chia sẻ khó khăn với sếp của bạn

Đừng giấu diếm sếp và đồng nghiệp những khó khăn của một bà mẹ đi làm. Mỗi công sở có một mức độ thông cảm khác nhau với việc nuôi con nhỏ, và chỉ có bạn mới biết được mức độ nên chia sẻ, tuy nhiên, hãy cởi mở nhất ở mức có thể.

Nếu bạn đã cố gắng làm việc với sự tập trung và năng suất cao trong “8 giờ vàng ngọc” ở công ty, việc yêu cầu làm thêm giờ với một bà mẹ có con nhỏ sẽ gần như không cần thiết. 

6/ Kết nối với gia đình trong cả ngày

Ngay cả khi không ở bên cạnh các con, bạn vẫn có thể duy trì liên lạc với bé. Với các nhà trẻ tư thục, luôn luôn có camera để mẹ có thể theo dõi hoạt động trong ngày của con.

Với con lớn, việc giữ liên lạc có thể bằng cách viết cho con một tờ giấy nhớ “Chúc con thi tốt!” hoặc bí mật bỏ một tờ thiếp sinh nhật vào ba lô con… Nếu con đã đến tuổi sử dụng điện thoại di động, hãy đề xuất con chụp ảnh, quay clip các hoạt động đặc biệt của con ở trường để bạn không bỏ lỡ những trải nghiệm của con.

Trong thời gian nghỉ trưa ở chỗ làm, bạn có thể gọi điện để trò chuyện với con. Nhận cuộc điện thoại ngắn của mẹ có thể giúp con cảm nhận mẹ luôn ở gần. 

can bang cong viec gia dinh

 Mẹ đi làm hãy cố gắng dành thời gian chơi cùng con

7/ Hạn chế thời gian “tám chuyện”

Tập trung, tập trung và tập trung hơn nữa trong công việc. Chắc chắn bạn muốn duy trì mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp, nhưng việc tám chuyện, lướt Facebook hay lang thang mua sắm với họ sau giờ làm rõ ràng không phù hợp vào thời điểm này.

Cố gắng tập trung hết mức vào công việc và trò chuyện với đồng nghiệp trong lúc ăn trưa là một cách để tiết kiệm thời gian cho các bà mẹ trẻ.

8/ Dành thời gian thư giãn cùng gia đình

Dành thời gian cho trẻ là điều thiết yếu, dù cho công việc của bạn bận rộn đến mức nào. Dù bận rộn suốt tuần, hãy cố gắng đảm bảo bạn có thể dành ngày cuối tuần, hoặc ít nhất buổi tối cuối tuần có hoạt động giải trí cùng gia đình.

Nếu không thể đưa các con ra ngoài chơi, bạn có thể cùng các con xem một bộ phim hoặc chương trình truyền hình yêu thích, chơi cờ, giải ô chữ…

Khi ở cùng gia đình, tránh nói về những khó khăn trong công việc hoặc kiểm tra điện thoại của bạn. Thay vào đó, hãy chú ý vào bọn trẻ.

Nếu bạn lắng nghe, con có thể kể về bạn bè, lớp học hoặc một chuyện vui ở câu lạc bộ - những chuyện mà do bận rộn công việc bạn không thể “cập nhật” suốt cả tuần qua.

Điều quan trọng nhất không phải là bạn có hoạt động gì, mà quan trọng là bạn chia sẻ hoạt động đó với gia đình.

dan ong lam viec nha_28.7

 Các ông bố là "đồng minh số 1" của mẹ trong thời gian chăm con nhỏ

9/ Đừng bỏ quên ông xã

Nhiều phụ nữ có xu hướng “bỏ rơi” chồng do quá bận rộn công việc và con cái. Nhưng thực chất, hơn lúc nào hết, khi bạn nuôi con nhỏ, chồng là người “số 1” cần luôn ở bên và chia sẻ mọi khó khăn. Các mẹ đừng bỏ rơi “bạn đồng minh” quan trọng này nhé!

Với đa số các cặp vợ chồng, việc trở lại hẹn hò khoảng một lần/tháng có thể thực hiện được khi con bạn được 1 tuổi. Nếu không thể, bạn có vẫn có cách để bày tỏ sự quan tâm đến ông xã. Cùng nhau nấu một bữa ăn ngon hoặc thậm chí chỉ ngồi cạnh chồng, cùng uống cốc trà thảo mộc và trò chuyện là một cách đơn giản để không đẩy các ông bố “ra rìa”.

10/ Đừng quên dành thời gian “làm mới” bản thân

Bằng cách quản lý thời gian hiệu quả, bạn có thể tạo khoảng trống thư giãn để tự làm mới bản thân.

Nghỉ ngơi giúp các bà mẹ bận rộn “nạp năng lượng” cho tinh thần và sẵn sàng hơn với việc chăm chút cho các thành viên khác trong gia đình. Hãy thưởng cho mình khoảng thời gian ngắn nghe nhạc, đọc sách trước khi đi ngủ… Một vài lần trong tháng bạn nên dành thời gian đi spa, tập yoga hoặc đi bơi để thư giãn tốt nhất.

Hãy nhớ ăn tốt và dành đủ thời gian nghỉ ngơi - những điều đơn giản để trở thành một bà mẹ dồi dào năng lượng!

Phương Phương/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO