Báo Điện tử Gia đình Mới

3 điều nên làm khi bạn cảm thấy đơn thuốc của bác sĩ 'có vấn đề'

Hãy là người bệnh thông thái để chủ động bảo vệ mình và gia đình khỏi vấn nạn lạm dụng thuốc!

don thuoc_hinh anh

Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng chia sẻ về Đơn thuốc có dấu hiệu lạm dụng kháng sinh 

Trên facebook của bác sĩ Nguyễn Thu Hằng – một chuyên gia thường xuyên chia sẻ những vấn đề thường thức về sức khỏe, y học, vừa chia sẻ một đơn thuốc (của một phòng khám ở Hà Nội) có dấu hiệu lạm dụng kháng sinh.

Gia đình mới xin giới thiệu một số lưu ý của bác sĩ Thu Hằng và các bác sĩ uy tín khác về cách đọc đơn thuốc, tương tác với bác sĩ tất cả mọi người nên biết.

Một đơn thuốc có tới 3 loại kháng sinh

Sau đây là những chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thu Hằng về một đơn thuốc kê với liều quá nặng, có dấu hiệu lạm dụng kháng sinh:

‘Sáng nay đọc trên Facebook của một cô bạn học cùng lớp chuyên khoa nhi với mình thấy có cái ảnh đơn thuốc của một phòng khám ở Hà Nội. Bạn bè trong nhóm bác sĩ đều rên xiết lên vì sợ cái đơn.

Chuyện này đối với mình không có gì lạ, vì từ nhiều năm nay, thỉnh thoảng mình vẫn được bạn nào đó gửi cho cái đơn thuốc sau mỗi lần đi khám để hỏi ý kiến.

Với những đơn hợp lý thì hay rồi, mình chỉ cần nói bạn đó cứ dùng theo đơn, rồi kèm theo vài câu hướng dẫn về chăm sóc, theo dõi nữa là xong...

Nhưng khi phải đứng trước những đơn thuốc kinh dị kiểu này thì mình cứng họng luôn. Có lúc để đến nửa ngày mới dám trả lời. Chủ yếu là hỏi vòng hỏi vèo xem mức độ bệnh thế nào mà bác sĩ phải cho lắm thứ thuốc như thế để còn biết đưa ra lời khuyên hợp lý nhất có thể được.

Vì làm bác sĩ, quan trọng là khám lâm sàng, trực tiếp, hỏi bệnh cụ thể... Mình ở xa, lắm lúc không biết khuyên thế nào nên thực lòng có lúc chỉ muốn lảng tránh vì nếu chỉ nghe vài câu mô tả bệnh qua thư rồi phán này phán kia thì đi ngược với nguyên tắc của thầy thuốc, mà nếu trả lời một cách chung chung thì lòng lại rất băn khoăn, áy náy.

Mình không bao giờ muốn nói xấu đồng nghiệp, bạn mình vì lý do tế nhị cũng không muốn nói tên phòng khám.

bac si Nguyen Thu Hang_10 phut

 

Mình không bao giờ muốn nói xấu đồng nghiệp, bạn mình vì lý do tế nhị cũng không muốn nói tên phòng khám.

Mình cũng không muốn làm các bạn hoang mang, nhưng mà dù sao thì cũng chân thành khuyên các bạn hãy tránh xa những phòng khám kiểu này ạ!

Bác sĩ Thu Hằng

Mình cũng không muốn làm các bạn hoang mang, nhưng mà dù sao thì cũng chân thành khuyên các bạn hãy tránh xa những phòng khám kiểu này ạ!’

Ảnh chụp đơn thuốc cho thấy đơn thuốc gồm 9 loại thuốc, trong đó có 3 loại kháng sinh: Zithromax, Augmentin, Tavanic.

Bình luận của bác sĩ Thu Hằng dưới bài viết của mình cũng nhấn mạnh điều này:

‘Nhiều người toàn đổ tội cho bệnh nhân, hôm trước đọc thấy trong bài nhờn kháng sinh cũng nhiều người đổ tội cho nhân dân dùng kháng sinh vô tội vạ. Nhưng mà đâu chỉ có nhân dân, bác sĩ còn thế này mà’.

Tuy nhiên, bệnh nhân không phải ai cũng hiểu biết đủ để nhận ra trong đơn thuốc của mình có tình trạm lạm dụng kháng sinh hay không.

Vậy, nếu bạn cảm thấy đơn thuốc của bác sĩ đã kê có gì đó ‘sai sai’ thì nên làm thế nào?

bac si tu van

Bệnh nhân đừng e ngại việc hỏi ý kiến, nhờ bác sĩ giải thích tất cả các vấn đề liên quan đến sức khỏe

Các cách tương tác với bác sĩ để có đơn thuốc chuẩn

Sau đây là 3 cách các bác sĩ có uy tín gợi ý để tránh một đơn thuốc gây ‘tiền mất tật mang’

1. Nên chuẩn bị trước danh sách vài bác sĩ tin cậy:

Để không bị rơi vào tình trạng nửa tin nửa ngờ đối với bác sĩ, các bạn nên tìm trước vài bác sĩ tin cậy, thực sự tốt ở khu vực bạn sống, đừng để đến khi bệnh mới cuống lên.

Qua trao đổi thực tế, kinh nghiệm cá nhân cũng như các phương tiện truyền thông, nếu bạn quan tâm chuẩn bị trước sẽ không quá khó để có được danh sách này.

Trên mạng xã hội hiện nay có nhiều group chuyên về chăm sóc sức khỏe có danh sách các bác sĩ không lạm dụng kháng sinh theo từng khu vực, nhiều gợi ý từ chính các người bệnh… bạn có thể coi như một nguồn tham khảo.

Hãy lưu ý để phân biệt rõ các thông tin mang tính quảng cáo, nhằm mục đích thương mại với các thông tin chia sẻ kinh nghiệm đơn thuần.

2. Trong trường hợp khám ở bệnh viện chứ không phải khám ở phòng khám tư, không thể lựa chọn được bác sĩ, bạn hãy nhớ tương tác tốt với bác sĩ:

Một bác sĩ tốt là bác sĩ biết lắng nghe, trao đổi, làm cho bạn yên tâm đi theo con đường trị liệu mà họ vạch ra. Bác sĩ dù bận đến mấy cũng cần bỏ chút thì giờ để giải thích cho bạn vì sao cần làm thế nọ mà không phải là thế kia, hướng dẫn cụ thể cách chữa trị.

Vì vậy, đừng ngại hỏi bác sĩ.

Trước đây, mọi người thường e ngại vì 'chữ bác sĩ': các bác sĩ viết quá nhanh, quá khó đọc để bệnh nhân hiểu được đơn thuốc. Hiện nay, nhờ hệ thống máy tính và các trợ lý của bác sĩ mà vấn nạn 'chữ bác sĩ' không còn. Nhưng người bệnh vẫn còn nhiều e ngại khi tương tác với bác sĩ.

Với một đơn thuốc có tới 9 loại thuốc như nêu ở trên, nếu thấy băn khoăn, hãy hỏi bác sĩ tác dụng của từng loại thuốc, nhờ bác sĩ giải thích đâu là thuốc kháng sinh, đâu là kháng viêm, đâu là thuốc bổ hỗ trợ điều trị…

Bác sĩ có tâm chắc chắn sẽ giải thích tường tận cho bạn.

Còn nếu bác sĩ từ chối giải thích, hoặc giải thích qua quýt, không thuyết phục, bạn cũng có thể chọn phương án: bỏ qua đơn thuốc và đi khám ở một cơ sở y tế khác.

kham benh

Cha mẹ các bệnh nhi nên tương tác, hỏi ý kiến bác sĩ càng nhiều càng tốt 

3. ‘Cầu viện’ đến các bác sĩ, dược sĩ mà bạn tin tưởng để ‘check’ lại đơn thuốc:

Như bác sĩ Thu Hằng đã khẳng định, người khám lâm sàng trực tiếp cho bệnh nhân, hỏi bệnh cụ thể mới có thể đưa ra phương pháp điều trị đúng nhất. Mọi lời khuyên bên ngoài chỉ mang tính chất tham khảo.

Vì vậy, đây chỉ có thể coi là phương án cuối cùng, khi bạn đã áp dụng 2 phương pháp nêu trên mà vẫn còn ‘lăn tăn’ về đơn thuốc mình nhận được.

Hãy là người bệnh thông thái để chủ động bảo vệ mình và gia đình khỏi vấn nạn lạm dụng thuốc!

Phương Phương/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO