5 món cháo bổ dưỡng, lợi tiêu hóa, người bị táo bón không nên bỏ qua

Bình luận

Những bát cháo thanh đạm được chế biến từ rau củ và một số thảo dược dưới đây có tác dụng lợi tiêu hóa, ít gây kích thích, không tạo gánh nặng cho dạ dày và đặc biệt là cải thiện táo bón hiệu quả.

  Cháo nấu từ các loại rau củ giúp lợi tiêu hóa, giảm táo bón hiệu quả

Cháo nấu từ các loại rau củ giúp lợi tiêu hóa, giảm táo bón hiệu quả

1. Cháo củ cải

Nguyên liệu gồm: Gạo lứt 200g, củ cải trắng 100g, cà rốt 100g, muối và mì chính một lượng vừa đủ.

Đem gạo lứt vo sạch. Củ cải, cà rốt gọt vỏ, rửa sạch và thái miếng nhỏ. Cho gạo lứt vo sạch vào nồi, thêm một lượng nước vừa đủ để nấu cháo. Sau khi nấu sôi thì chuyển sang lửa nhỏ ninh nhừ thành cháo. Tiếp đó thêm cà rốt, củ cải vào và đun cho đến khi cà rốt, củ cải chín nhừ thì thêm muối, mì chính vừa ăn là được.

Ăn món cháo củ cải 2 lần trong ngày, ăn lúc đói bụng có tác dụng kiện tỳ ích khí, tiêu thực hỏa trệ, thích hợp với người bị bệnh kiết lỵ, viêm ruột, đại tiện khó.

Có thể cho trẻ thường xuyên ăn cháo củ cải để giúp phòng ngừa và cải thiện tình trạng tiêu hóa không tốt.

2. Cháo rau sam thịt băm

Nguyên liệu gồm: Rau sam 100g, gạo lứt 100g, thịt lợn 50g, muối và dầu vừng một lượng vừa đủ.

Đem thịt lợn rửa sạch, thái mỏng và băm nhỏ. Rau sam nhặt bỏ gốc và rửa sạch. Gạo lứt đem vo sạch và cho vào nồi với lượng nước vừa đủ nấu nhừ thành cháo. Tiếp đó cho thịt vào nấu nhừ và thêm rau sam vào đun đến khi rau chín thì cho muối, dầu vừng vừa ăn là được.

Thường xuyên ăn món cháo rau sam thịt băm có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, diệt khuẩn giải độc, tư âm nhuận táo, thích hợp cho những người bị kiết lỵ, viêm ruột.

  Ngó sen đem nấu cháo có tác dụng giúp thuận khí đạo trệ, giáng nghịch thông tiện. Ảnh minh họa

Ngó sen đem nấu cháo có tác dụng giúp thuận khí đạo trệ, giáng nghịch thông tiện. Ảnh minh họa

3. Cháo ngó sen

Nguyên liệu gồm: Ngó sen 300g, trần bì 10g, chỉ xác 10g, cánh mễ 100g, một chút muối vừa ăn.

Ngó sen đem rửa sạch và thái vụn. Cho trần bì, chỉ xác, cánh mễ, ngó sen cùng lượng nước vừa đủ nấu thành cháo. Sau đó thêm muối vào vừa ăn, mỗi ngày ăn một lần.

Tác dụng của món cháo ngó sen là giúp thuận khí đạo trệ, giáng nghịch thông tiện.

4. Cháo vừng

Nguyên liệu nấu cháo vừng gồm: Vừng đen 50g, hồ hạch thảo 30g, cánh mễ 100g, đường trắng 100g.

Đem vừng đen, hồ hạch thảo rang chín và nghiền thành bột, cánh mễ vo sạch cho vào nồi nấu thành cháo. Sau đó cho bột vừng đen và hồ hạch thảo, đường trắng vào trộn đều, mỗi ngày ăn một lần.

Thường xuyên ăn cháo vừng có tác dụng âm nhuận tảo, thông tiện.

  Cháo khoai môn có tác dụng kích thích sự thèm ăn, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày, táo bón. Ảnh minh họa

Cháo khoai môn có tác dụng kích thích sự thèm ăn, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày, táo bón. Ảnh minh họa

5. Cháo khoai môn

Nguyên liệu gồm: Khoai môn 150g, gạo tẻ 50g, dầu thực vật 10ml, muối 1g.

Đem gạo tẻ vo sạch, khoai môn gọt bỏ vỏ, rửa sạch và thái miếng vừa ăn. Tiếp đó cho gạo tẻ và khoai môn vào nồi, thêm một lượng nước vừa đủ để nấu thành cháo, đun nhỏ lửa cho đến cháo chín nhừ, thêm muối và dầu thực vật vào là được.

Món cháo khoai môn có tác dụng kích thích sự thèm ăn, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày, ruột suy yếu,táo bón, phân khô.

Bạn đang xem bài viết 5 món cháo bổ dưỡng, lợi tiêu hóa, người bị táo bón không nên bỏ qua tại chuyên mục Dinh Dưỡng của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
An Bình