Báo Điện tử Gia đình Mới

5 quy định mới đối với giáo viên từ 1/7: Không còn biên chế, bị cắt phụ cấp thâm niên

Ngày 1/7/2020 là thời điểm Luật Giáo dục 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức có hiệu lực. Đây cũng là thời điểm nhiều quy định mới liên quan đến giáo viên chính thức được áp dụng.

Từ 1/7, nhiều chính sách mới liên quan tới giáo viên chính thức có hiệu lực, bao gồm: 

 1. Không còn được chế độ biên chế suốt đời

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hay có thể gọi là “biên chế” của viên chức là loại hợp đồng mà hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

Ngày 25/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7 tới đây.

Theo đó, chính thức bỏ “chế độ biên chế suốt đời” đối với viên chức. Cụ thể, hợp đồng không xác định thời hạn hay thường gọi là“chế độ biên chế suốt đời” chỉ còn được áp dụng với 03 trường hợp:

- Thứ nhất, viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;

- Thứ hai, cán bộ, công chức chuyển thành viên chức;

- Và thứ ba, người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đồng nghĩa, có thể hiểu, viên chức nói chung, giáo viên nói riêng khi được tuyển dụng từ 01/7/2020 trở đi sẽ không còn được hưởng “biên chế” nữa.

  Từ 1/7/2020: Giáo viên không còn chế độ biên chế suốt đời.

Từ 1/7/2020: Giáo viên không còn chế độ biên chế suốt đời.

2. Không được tăng lương cơ sở

Ngày 19/6/2020, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Trong đó, Quốc hội đồng ý chưa điều chỉnh mức lương cơ sở với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020

Theo đó, Quốc hội đã đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc chưa điều chỉnh tăng lương cơ sở theo tinh thần của Nghị quyết 86/2019/QH14 nhằm chung tay chia sẻ những khó khăn của người dân trên cả nước vì ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 trong những tháng đầu năm 2020.

Như vậy, chính thức từ 01/7/2020, mức lương cơ sở của giáo viên sẽ không thay đổi, vẫn được giữ nguyên là 1,49 triệu đồng/tháng.

3. Không bắt buộc nâng chuẩn trình độ ngay từ 1/7

Theo Điều 77 Luật Giáo dục hiện hành, yêu cầu về chuẩn trình độ của giáo viên hiện nay, cụ thể:

- Giáo viên mầm non: Yêu cầu bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm (sắp tới phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm);

- Giáo viên tiểu học: Yêu cầu bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm (Sắp tới là bằng cử nhân sư phạm trở lê);

- Giáo viên trung học cơ sở: Yêu cầu bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (Sắp tới yêu cầu bằng cử nhân sư phạm trở lên)…

Riêng với giáo viên tiểu học, THCS, THPT nếu môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Những người chưa đạt chuẩn trình độ nêu trên sẽ được thực hiện nâng chuẩn theo lộ trình do Chính phủ quy định (khoản 2 Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019).

Như vậy, không bắt buộc mọi giáo viên phải đạt “chuẩn” trình độ ngay tại thời điểm 01/7/2020 mà sẽ có lộ trình cụ thể để nâng chuẩn.

4. Không còn được hưởng phụ cấp thâm niên?

Một trong những nội dung nổi bật của Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 này là bãi bỏ phụ cấp thâm niên.

Thay vì được hưởng các loại phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên… thì giáo viên sẽ được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp cũng như được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề.

Căn cứ quy định trên, thời điểm 01/7/2020, giáo viên sẽ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên nghề nữa.

Tuy nhiên, thời điểm 01/7/2020 sẽ không tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng vậy câu hỏi đặt ra là, lộ trình cải cách tiền lương sẽ diễn ra thế nào? Ảnh hưởng đến chính sách tiền lương của giáo viên ra sao?

Vì hiện nay chưa có thay đổi gì về việc áp dụng Luật Giáo dục 2019 nên từ 01/7/2020, giáo viên vẫn sẽ bị cắt phụ cấp thâm niên nghề theo quy định của Luật này. Đồng thời, việc cải cách tiền lương có thể sẽ được các cấp có thẩm quyền hướng dẫn chi tiết trong thời gian tới.

5. Sinh viên sư phạm làm trái ngành 2 năm phải trả lại học phí

Các sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học.Tuy nhiên, khoản 4 Điều 85 Luật Giáo dục cũng nêu rõ:

Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời gian hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.

Như vậy, nếu sau 2 năm ra trường, sinh viên sư phạm không công tác trong ngành giáo dục sẽ phải trả lại khoản kinh phí đã được hỗ trợ.

 

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO