Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

9 món ngon khó cưỡng chỉ cần nấu bằng… nồi cơm điện

Nồi cơm điện đương nhiên dùng để… nấu cơm. Nhưng đồ dùng quen thuộc này cũng là ‘trợ thủ đắc lực’ để bạn nấu nhiều món ngon khác theo cách vô cùng đơn giản, tiện lợi.

mon ngon noi com dien_1

 Luộc trứng bằng nồi cơm điện trứng sẽ dễ bóc

1. Luộc trứng: Có hàng tỉ cách để luộc trứng, tuy nhiên luộc bằng nồi cơm điện là cách có nhiều lợi ích. Trước hết, có thể luộc rất nhiều trứng một lần. Sau nữa, trứng luộc bằng nồi cơm điện thường dễ bóc hơn cách luộc thông thường (vì nồi cơm điện có nhiều hơi nước nên khi chín vỏ trứng thường nứt ra sẵn).

Cuối cùng, lợi ích này có vẻ thu hút các chị em không được khéo tay lắm: nếu lỡ quên ngắt điện thì nồi trứng luộc của bạn vẫn không bị cháy!

Cách luộc trứng ở nồi cơm điện rất đơn giản: đổ nước ngập trứng, bật nút ‘cook’. Đợi nước sôi trong vòng 10 phút và chuyển sang nút ‘warm’.

Vậy là món trứng luộc ngon lành, tiện lợi đã sẵn sàng!

2. Cháo yến mạch:

Yến mạch là một loại ngũ cốc rất ngon và bổ dưỡng, rất thích hợp cho một bữa sáng đơn giản và bổ dưỡng.

Hãy ngâm bột yến mạch qua đêm trong nồi cơm điện. Sau đó bật nồi cơm vào buổi sáng, đợi 30 phút bạn sẽ có món cháo yến mạch thơm ngon.

Công thức phổ biến là: 1 cốc bột yến mạch + 2,5 cốc chất lỏng (sữa hoặc nước). Bạn cần bật chế độ ‘hầm với nhiệt độ thấp’ để nấu món cháo này.

ngo luoc

 Món ngô luộc sẽ giữ nguyên hương vị tươi ngon nếu dùng nồi cơm điện

3. Luộc ngô, khoai lang, khoai tây

Các loại củ, bắp đều có thể luộc được bằng nồi cơm điện.

Tùy theo lượng nguyên liệu mà bạn ước lượng thời gian luộc, thông thường sẽ mất từ 45 phút – 1 giờ.

Do hơi nước trong nồi cơm điện rất dồi dào nên chỉ cần đổ mực nước tới 2/3 so với nguyên liệu là bạn đã có món ăn thơm ngon, tiện lợi.

4. Bánh ga – tô

Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm: 100gr bột mì, 40gr bột bắp, 30ml sữa tươi, 4 quả trứng, 30ml dầu ăn, 100gr đường, ½ muỗng cà phê muối, 20gr bơ lạt,1 ống vanilla

Cách làm:

Bước 1:

Tách riêng lòng trắng và lòng đỏ trứng gà.

Bước 2:

Dùng máy đánh trứng đánh bông lòng trắng ở tốc độ thấp cho đến khi thấy các bọt khí lớn xuất hiện thì cho thêm 1 ít muối vào đánh mạnh. Khi bọt khí nhỏ dần thì cho từ từ đường vào, tiếp tục đánh cho đến khi lòng trắng nổi bông cứng lên là được.

Bước 3:

Cho vanilla, sữa tươi và dầu ăn vào tô lòng đỏ trứng, dùng cây đánh trứng đánh đều tay.

Bước 4:

Trộn đều bột mì và bột bắp lại, dùng rây rây vào hỗn hợp lòng đỏ trứng, trộn đều tay đến khi bột tạn hết để có một hỗn hợp mịn mượt.

Bước 5:

Chia hỗn hợp lòng trắng trứng thành 3 phần, cho lần lượt vào hỗn hợp lòng đỏ đánh đều tay cho đến khi hỗn hợp lỏng mịn, có màu vàng nhạt.

Tránh trộn quá lâu bong bóng sẽ xì hết, bánh sẽ bị khô.

Bước 6:

Sử dụng nồi cơm điện chống dính, lót 1 lớp giấy nướng dưới đáy nồi để khi bánh chín dễ lấy bánh ra hơn. Nếu không có nồi cơm điện chống dính thì phết 1 lớp bơ xuống đáy nồi, bật nóng nồi trước khi nướng.

Bước 7:

Cho hỗn hợp bột vào nồi cơm điện, bật chế độ cook nấu đến khi nồi chuyển sang chế độ warm thì để bánh trong nồi thêm khoảng 20p.

Dùng tăm kiểm tra xem bánh đã chín chưa,nếu tăm ướt tức là bánh chưa chín thì lật mặt bánh rồi bấm cook thêm 1 lần nữa. Tránh mở nắp nồi trong khi đang nấu bánh vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ làm bánh bị xẹp.

banh ga to

 Mẹo làm bánh ga - tô cực ngon không cần dùng lò nướng

5. Mỳ Ý

Món mỳ Ý thường chế biến tại nhà thường bạn mất thời gian vì phải luộc mỳ khá lâu.

Giờ đây, bạn đã có nồi cơm điện trợ giúp!

Hãy luộc mỳ bằng nước lạnh trong nồi cơm điện, để chế độ sôi khoảng 15 phút, sau đó chuyển sang chế đô ‘warm’.

Trong lúc nồi cơm điện xử lý các sợi mỳ, bạn có thể chuẩn bị phần thịt bò và nước sốt để trộn. Món mỳ Ý ngon lành sẽ sẵn sàng trong ít phút.

6. Bánh mỳ chuối

Phủ một ít dầu ăn hoặc bơ lên đáy nồi, nướng bánh mì lát (sandwich) và chuối cắt lát trong vòng 1,5 giờ.

Ăn nóng, kèm một chút mật ong phủ trên bánh.

7. Nấu chè

Để nấu chè bằng nồi cơm điện, bạn nên ngâm các loại đỗ trước. Nên ngâm từ 4 giờ trở lên để đỗ nở.

Thời gian nấu thường mất từ 30 phút – 1 giờ, tùy từng loại đỗ. Đậu xanh đã xay vỡ thường mất ít thời gian nấu nhất, trong khi đậu ván, đậu đỏ lại phải ninh tới 1 giờ hoặc hơn, tùy vào độ già của hạt đậu.

Sau đó bạn chuyển sang chế độ giữ ấm. Giữ ấm càng lâu thì đỗ càng nở đều.

Lưu ý: nên đổ nước ít hơn vạch ‘max’ trong nồi cơm điện một chút vì đậu, đỗ khi sôi tạo ra nhiều bọt, nếu đổ đầy nước quá sẽ bị tràn.

8. Đồ xôi

Bạn có thể đồ xôi bằng cách đặt một vỉ hấp vào trong nồi cơm điện. Đổ nước (nên dùng nước đã đun sôi xuống dướng); gạo, đỗ rải lên trên vỉ. Trộn thêm một chút muối, một thìa cà phê dầu ăn vào nguyên liệu xôi sẽ ngon hơn.

Tỷ lệ 1 phần đỗ/ 3 phần gạo là hợp lý.

Nên đổ nước tương đối ít vì nồi cơm điện có khả năng giữ hơi nước tốt, nếu đổ nhiều sẽ bị nhão.

Cần ngâm gạo và đỗ thật kỹ để nguyên liệu nở đều, xôi dẻo, thơm.

noi com dien_thit bo

 

9. Hầm canh thịt bò và đậu hà lan

Ướp thịt bò với các loại gia vị trong vòng 15 phút, sau đó cho thịt bò, đậu hà lan, nước và gia vị vừa đủ vào nồi cơm điện.

Bạn có thể thêm các loại củ khác như cà rốt, khoai tây, củ cải... tùy theo khẩu vị.

Thời gian nấu từ 45 phút – 1 giờ tùy theo lượng nguyên liệu.

Thêm chút cần, tỏi tây xắt vừa miếng là bạn đã có một bát canh thơm ngon, nóng hổi.

Phương Phương/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO