Báo Điện tử Gia đình Mới

Ai tiếp tay cho việc ‘đi thầy’?

Bên cạnh đa số thầy cô đáng kính vẫn có những “con sâu” của nền giáo dục. Tình trạng giáo viên “biến chất” “ăn tiền” của học trò là có thật, chứ không phải là do học trò “đổ thừa” cho giáo viên như một số người lạc quan nhìn đời bằng “con mắt màu hồng” vẫn nghĩ.

Tình trạng giáo viên “biến chất” “ăn tiền” của học trò là có thật, chứ không phải là do học trò “đổ thừa” cho giáo viên như một số người lạc quan nhìn đời bằng “con mắt màu hồng” vẫn nghĩ (Ảnh minh họa)

Tình trạng giáo viên “biến chất” “ăn tiền” của học trò là có thật, chứ không phải là do học trò “đổ thừa” cho giáo viên như một số người lạc quan nhìn đời bằng “con mắt màu hồng” vẫn nghĩ (Ảnh minh họa)

Tôi ra trường đã được 10 năm. Trước đây, tôi là một sinh viên ngành khoa học xã hội. Ngôi trường mà tôi học vốn không có truyền thống "đi chùa thầy". Đa số các thầy đều rất thương sinh viên, chưa bao giờ nhận "phong bì" của sinh viên.

Nhưng vẫn không thể tránh khỏi việc xuất hiện một vài "con sâu" làm hỏng "nồi canh" trong lành của chúng tôi. Nhất là những "con sâu" từ nơi khác mới về khoa công tác hoặc được khoa mời về giảng dạy một hai môn.

Vào học kỳ 5 (đại học năm thứ 3), lớp tôi bị "dính" môn H-N. "Thầy này cho điểm chặt lắm" - Được các anh chị khóa trước "rỉ tai" như vậy, nhiều bạn sợ không qua nổi môn này đã bảo tôi: "Đề nghị cán bộ lớp phải quan tâm đến lợi ích của anh em."

Sau khi xác minh sự việc, chúng tôi - những cán bộ lớp đã hội ý rồi đi đến quyết định tổ chức một cuộc họp xin ý kiến cả lớp. Kết quả: 98% lớp đồng ý "đi thầy" H-N. Khi đóng tiền, có bạn nói đùa rằng: "Cho tớ nộp tiền "vàng mã"!"

Khâu trao "phong bì" cho thầy đương nhiên do cán bộ lớp đảm nhận. Đoán rằng đến "chùa thầy" cách hôm thi học kỳ một ngày sẽ "chạm" nhiều "địch" (mà gặp nhau ở chỗ "nhạy cảm" như thế này thì không hay lắm!) nên hai ngày trước hôm thi, chúng tôi gọi điện cho thầy và được hẹn gặp vào buổi tối tại nhà thầy.

Sợ không qua nổi môn, nhiều sinh viên lựa chọn cách

Sợ không qua nổi môn, nhiều sinh viên lựa chọn cách "đi thầy"

Đây là lần đầu "đi chùa thầy" nên chúng tôi cũng muốn đến nhà thầy cho "kín đáo". Không ngờ chúng tôi vẫn là "kẻ đến sau" nên đành chờ đợi ngoài cổng gần một tiếng đồng hồ. Cuối cùng, cuộc "tiếp kiến" thầy để "trao phong thư" của lớp tôi đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Khi có điểm thi học kỳ, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm vì không ai trong lớp bị trượt, bạn nào không làm được bài cũng "ẵm" điểm 5, rất nhiều điểm 7 và 8 - điểm cao nhất. Sau này tôi mới biết, ngày trước hôm thi không chỉ có các phái đoàn "đi chùa tập thể" mà còn có các cá nhân cũng "đi chùa thầy".

Không khí "đi chùa" đúng là "đông như hội". Các "phật tử" đứng rải rác ngoài ngõ để chờ đợi đến lượt mình. Nhiều bạn còn được "truyền" kinh nghiệm: Nếu cá nhân muốn được điểm 7 hoặc cao hơn thì phải đóng "phong bì" từ 500k (5 trăm nghìn) trở lên, gọi là tiền công thầy "vẽ điểm". Còn nếu chỉ "đi" 200k, 300k thì như "đá ném ao bèo" và sẽ chỉ được điểm 5 hoặc 6, bằng với "điểm sàn" của lớp.

Sang đầu năm thứ 4, lớp tôi được truyền thụ kiến thức về "Kinh tế học đại cương" bởi một nhân vật "vang danh" - thầy K. Cóc. Thầy vừa "dạy" vừa "dọa" học trò chứ không phải là "dạy dỗ" như mọi thầy cô.

Cũng như lần trước, "đại hội anh hùng" toàn lớp được "quy tụ". Bởi nghe "giang hồ đồn đại" từ trước, Q. - một tay "thạo" tin lớp tôi - đứng lên phát biểu ngay: "Các bạn có biết không? Thầy này được các khóa trước đặt cho "biệt danh" là K. Cóc, vì dựa theo ngoại hình và tính cách của thầy là "ngậm không nhả" - "ăn tiền" rồi nhưng vẫn đánh trượt sinh viên. Các bạn "đi thầy" này chỉ phí "money" thôi!"

di thay 2

Rất nhiều bạn trong lớp "nhao" lên phản đối Q. vì sợ phải thi lại môn này. Phải có thêm mấy cán bộ lớp nữa "nhảy vào" phân tích và thuyết phục thì không khí lớp mới "lặng" đi. Thế là cả lớp quyết định không "đi chùa tập thể" nữa mà các cá nhân "mạnh ai nấy đi".

Một tháng sau, lớp tôi được tin là: lớp "hàng xóm" tuy "đi chùa tập thể" nhưng số lượng người "trượt" cũng gần bằng lớp tôi. Cán bộ lớp mỉm cười vì đã đưa ra quyết định "sáng suốt". Một vài bạn tỏ ra thất vọng vì "đi" nhiều nhưng điểm vẫn thấp.

Với trách nhiệm của người cán bộ lớp, trong suốt 4 năm học, chúng tôi đã thực hiện một chuyến "đi chùa tập thể" thành công và "trì hoãn" chuyến còn lại. Chúng tôi đã phạm sai lầm là tiếp tay cho "tiêu cực học đường" (dù chỉ một lần cũng là có "tội") và đã kịp thời sửa sai vào lần sau.

Như các bạn thấy đấy, ở lần thứ hai, nhờ sự quyết tâm và cùng "vào cuộc" của đội ngũ cán bộ lớp nên việc "đi chùa tập thể" đã không diễn ra. Phải chăng "cán bộ lớp" là một trong những nhân tố góp phần ngăn chặn sự lây lan của "nạn phong bì" trong học đường?

hoc duong

Tôi viết những dòng này không phải là để "hối lỗi" mà để chứng minh với mọi người một điều rằng: Bên cạnh đa số thầy cô đáng kính vẫn có những "con sâu" của nền giáo dục.

Tình trạng giáo viên "biến chất" "ăn tiền" của học trò là có thật, chứ không phải là do học trò "đổ thừa" cho giáo viên như một số người lạc quan nhìn đời bằng "con mắt màu hồng" vẫn nghĩ.

Ngày nay, không chỉ có một mà đã có hàng chục, thậm chí hàng trăm hiện tượng "Nguyễn Bá Diến" đang từng giờ, từng ngày làm xói mòn lòng tin của các thế hệ học trò và phụ huynh.

Mong sao các nhà quản lý sớm tìm ra những "liều thuốc" hữu hiệu diệt trừ những "con sâu giáo dục" đó để làm cho môi trường giáo dục sớm trong lành trở lại.

Quang Chính/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO