Báo Điện tử Gia đình Mới

Ám ảnh chuyện học sinh nhịn tiểu, đại tiện vì nhà vệ sinh quá bẩn

Không được dọn dẹp, số lượng quá ít, cơ sở vật chất xuống cấp,… khiến cho nhà vệ sinh trong trường học trở thành nỗi ám ảnh đối với học sinh.

  Hình ảnh xuống cấp, xập xệ của nhà vệ sinh học đường một trường tiểu học ngoại thành Hà Nội

Hình ảnh xuống cấp, xập xệ của nhà vệ sinh học đường một trường tiểu học ngoại thành Hà Nội

700 học sinh có 2 nhà vệ sinh

Một trường Tiểu học tại quận Nam Từ Liêm, số học sinh lên đến khoảng hơn 1.000 học sinh nhưng số nhà vệ sinh chưa đến 10 phòng.

Cá biệt, một hiệu trưởng của một trường THCS ở Hoài Đức cho biết, trường có 700 học sinh nhưng chỉ có 2 nhà vệ sinh chính. 

“Nguồn ngân sách lại hạn hẹp, trong thời gian ngắn không thể đầu tư để xây mới được. Số tiền hàng năm chỉ có thế, nếu làm cái này thì phải cấu vào cái khác. Đến số tiền thuê lao công dọn dẹp cũng còn phải hạn chế”- vị hiệu trưởng ngôi trường có 2 nhà vệ sinh tiết lộ.

Ngoài ra, ở nhiều trường hợp không cho trẻ nhỏ đi vệ sinh trong thời gian nghỉ 5 phút giữa 2 tiết mà chỉ cho học sinh đi vào giờ nghỉ 15 phút dẫn đến tình trạng ngại đi vệ sinh. 

Bé N.M.H (học sinh lớp 4, trường Tiểu học P.C, Quận Nam Từ Liêm) cho biết, mỗi lần vào nhà vệ sinh, mùi hôi bốc lên, mọi người đi vệ sinh lại đi dép bẩn khiến sàn nhếch nhác nên các em rất sợ phải vào nhà vệ sinh. 

Có con học tại địa bàn quận Hoài Đức, Hà Nội, chị Minh Hà cho biết, suốt mấy năm liền chị đều nghe con kể về nhà vệ sinh bẩn. Mỗi lần họp phụ huynh, chị cũng ý kiến nhưng năm nào vẫn y nguyên năm đó.

“Nước tanh, rong rêu, nhà vệ sinh bẩn do các bạn đi tè bắn ra nhưng không ai lau dẫn đến khai, hôi. Vì vậy, con sợ vào nhà vệ sinh, cố nhịn về đến nhà. Nhiều hôm vừa đặt chân đến cổng là con ù té vào nhà vệ sinh!”, chị Hà chia sẻ.

1/4 vấn đề sức khoẻ học sinh liên quan tới... nhịn vệ sinh

  Nhà vệ sinh là nơi ẩn chứa rất nhiều dịch bệnh nguy hiểm từ tiêu chảy, chân tay miệng...

Nhà vệ sinh là nơi ẩn chứa rất nhiều dịch bệnh nguy hiểm từ tiêu chảy, chân tay miệng...

Theo kết quả khảo sát thực tế từ Bệnh viện Nhi đồng I, 25% vấn đề sức khỏe ở học sinh, có liên quan tới việc không sử dụng nhà vệ sinh khi cần.

Việc thiếu nước sạch, xà phòng, khăn lau tay... là nguyên nhân gây ra rất nhiều dịch bệnh nguy hiểm mà đối tượng bị ảnh hưởng chính là trẻ ở cấp tiểu học và trung học vốn có hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ.

Theo điều tra của UNICEF tại Việt Nam, 40% ca nhiễm tiêu chảy ở học sinh bắt nguồn từ trường học.

Bên cạnh đó, nhiều học sinh vì nhịn tiểu nên không uống đủ lượng nước trong ngày học, làm tăng nguy cơ bị mất nước và nhiễm trùng bàng quang. 

Ngoài ra, bệ ngồi của nhà vệ sinh bẩn làm các học sinh nữ phải cúi mình thay vì ngồi khi đi tiểu tiện làm cho nước tiểu không được thải hết ra ngoài sau mỗi lần tiểu tiện, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu.

BS Nguyễn Bá Hưng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, khi nhịn tiểu quá nhiều, trẻ có thể dẫn đến viêm đường tiết niệu ngược dòng, lâu ngày có thể gây ra nguy cơ gây sỏi đường tiết niệu, rối loạn cơ thất cổ bàng quang, có thể dẫn đến tiểu mất kiểm soát.

Bác sĩ nhấn mạnh, "điều đáng sợ nhất của trẻ nhịn tiểu chính là vấn đề ứ đọng, ứ trệ nước tiểu gây viêm nhiễm, viêm lên thận và gây hàng loạt vấn đề khác. Trong cơ thể con người có cơ chế bù trừ, không được xử lý tận nơi, tình trạng nín nhịn tiểu lâu dài có thể khiến quá trình điều trị sau này vô cùng khó khăn, phức tạp". 

Ngoài ra, thói quen nhịn đại tiện sẽ khủng khiếp rất nhiều đối với sức khoẻ. Theo BS. Lê Ngọc Duy - Phó Trưởng khoa Cấp cứu - chống độc, Bệnh viện Nhi Trung Ương , thói quen này có thể khiến trẻ dễ mắc chứng táo bón. Do đại tràng thường rút nước từ chất thải đường tiêu hoá, nhịn càng lâu, phân càng khô cứng, khó được đào thải ra ngoài. Việc cố rặn khiến hậu môn dễ bị rách, chảy máu… gây ra táo bón. Đặc biệt là trẻ nhỏ càng ngại đi đại tiện, khiến hậu quả trở nên xấu hơn khi trưởng thành.

Chất thải cũng chứa nhiều độc tố, không đào thải kịp khiến độc tố giữ lại trong người khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi. Tình trạng kéo dài có thể gây nên bệnh trĩ, thậm chí là ung thư đường ruột.

Đừng chỉ coi là công trình phụ!

Theo thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-DT) về nhà vệ sinh trường học trên toàn quốc, đến tháng 8/2018, có hơn 67% nhà vệ sinh trường học kiên cố. Trong tất cả các cấp học từ mầm non đến THPT thì nhà vệ sinh ở cấp tiểu học có tỷ lệ kiên cố thấp nhất với chỉ gần 58%; tiếp đến là THCS hơn 67%, mầm non hơn 70% và THPT cao nhất hơn 80%. 

Ngay tại Hà Nội, cũng còn hơn 22% nhà vệ sinh chưa đạt yêu cầu. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, một trong số các nhiệm vụ trọng tâm mà Sở GĐ-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trước năm học mới là tập trung vào cải tạo sửa chữa các nhà vệ sinh. 

Ám ảnh chuyện học sinh nhịn tiểu, đại tiện vì nhà vệ sinh quá bẩn 2

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng nhà vệ sinh trường học đạt chuẩn là cần thiết nhưng quan trọng không kém là phải có giải pháp để giữ gìn được sạch sẽ, không còn là nỗi sợ của học sinh.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ sự sốt ruột trước thực trạng hệ thống nhà vệ sinh trong các trường học, đặc biệt nhiều trường không có nhà vệ sinh.

Thủ tướng đã yêu cầu huy động tất cả các nguồn lực kinh phí để chấm dứt tình trạng trường học không có nhà vệ sinh ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống tâm lý của học sinh… Không thể để diễn ra tình trạng trường học to đẹp, đồ sộ mà công trình phụ thì không quan tâm.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO