Ăn chuối tiêu làm bệnh đau dạ dày nặng hơn là quan niệm sai lầm

Bình luận

Nhiều người bị đau dạ dày truyền tai nhau rằng không nên ăn chuối tiêu, nhất là lúc đói vì sẽ làm bệnh nặng hơn, khó chịu hơn. Đó có phải là sự thật?

  Ăn chuối tiêu làm bệnh đau dạ dày nặng hơn là không có cơ sở khoa học

Ăn chuối tiêu làm bệnh đau dạ dày nặng hơn là không có cơ sở khoa học

GS.TS.BS Nguyễn Khánh Trạch, Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam cho biết: “Thực tế thăm khám và điều trị các bệnh đường tiêu hóa, rất nhiều bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng hỏi tôi khi bị bệnh có được ăn chuối tiêu không, ăn chuối tiêu có làm cho bệnh đau dạ dày nặng hơn…

Nhưng cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh việc ăn chuối tiêu sẽ làm cho bệnh đau dạ dày nặng hơn. Tuy nhiên, cũng có bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng cảm thấy bụng khó chịu, đau, cồn cào sau khi ăn chuối tiêu vào lúc đói.

Nhưng cũng có rất nhiều bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng cảm thấy khỏe mạnh, bình thường sau khi ăn chuối tiêu lúc đói.

Do đó, thông tin ăn chuối tiêu làm bệnh đau dạ dày nặng hơn, người bệnh khó chịu hơn là không có cơ sở khoa học.

Việc một số người bệnh gặp phải triệu chứng khó chịu sau khi ăn chuối tiêu có liên quan đến cơ địa của mỗi người. Điều này cũng giống như có người có cơ địa dị ứng với cua, tôm, nếu ăn phải sẽ nổi mẩn, nôn ói, đau bụng, nhưng có người lại không làm sao.

Vậy nên, những người bị bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng có thể thoải mái ăn chuối tiêu nếu như ăn xong không thấy đau hay có các biểu hiện khác lạ nào”.

  Chuối tiêu là thực phẩm tốt cho sức khỏe, giúp giảm táo bón, ngăn ngừa chuột rút...

Chuối tiêu là thực phẩm tốt cho sức khỏe, giúp giảm táo bón, ngăn ngừa chuột rút...

Xét về mặt dinh dưỡng, chuối tiêu là một thực phẩm tốt cho sức khỏe, có rất nhiều công dụng về mặt dinh dưỡng và chữa bệnh. Chuối tiêu có chất béo tự nhiên và không cholesterol.

Chuối tiêu còn được biết đến với hàm lượng kali cao, với hơn 400mg kali trong một quả chuối cỡ vừa. Đây là một vi chất cần thiết cần thiết cho hoạt động thần kinh và cơ tốt cũng như duy trì cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Kali trong chuối có thể giúp ngăn ngừa chuột rút cơ sau khi tập thể dục.

Ngoài ra, trong quả chuối tiêu cũng rất giàu vitamin C, B6, Mangan… Một quả chuối cung cấp khoảng 10 mg vitamin C, tương đương 15% vitamin C cơ thể cần mỗi ngày. Vitamin C tăng cường hệ thống miễn dịch và sức khoẻ của tế bào và cải thiện sự hấp thu các chất dinh dưỡng khác như sắt. Ăn một quả chuối mỗi ngày cũng cung cấp 35% lượng vitamin B6 cần thiết cho cơ thể mỗi ngày – một loại vitamin cần thiết giúp cơ thể sản sinh, phát triển tế bào mới.

Theo Lương y Nguyễn Thanh Thúy, Phòng khám Đông y Ích Thọ Đường, trong Đông y, chuối tiêu được biết đến là một vị thuốc có vị ngọt, tính mát, có công năng tư âm, nhuận tràng, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc…

Các thầy thuốc thường khuyên dùng chuối tiêu cho các trường hợp táo bón, sốt nóng khát nước, mụn nhọt, trĩ xuất huyết, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, an thai…

Để hạn chế tình trạng ợ hơi, khó chịu mà một số người gặp phải sau khi ăn chuối tiêu, các chuyên giakhuyến cáo người bị viêm loét dạ dày – tá tràng nên ăn những quả chuối đã chín, không nên ăn những quả chuối còn xanh, nhiều nhựa, nên tránh ăn chuối khi đói, tốt nhất nên ăn sau bữa ăn.

Đồng thời, người bệnh cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày để giúp bệnh sớm phục hồi, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng bằng cách, khi chế biến món ăn nên thái nhỏ thực phẩm để luộc, hấp, ninh nhừ… để quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra dễ dàng hơn, nhanh phục hồi các tổ chức tế bào bị tổn hại và làm mau lành vết loét. Tránh dùng các loại kích thích niêm mạc dạ dày như rượu, bia, chè đặc, cà phê, chuối tiêu, gừng, riềng, ớt, tiêu…

Trong bữa ăn nên ăn vừa đủ, không ăn quá no vì no quá sẽ khiến việc nhào trộn thức ăn với dịch vị sẽ khó khăn hơn. Không nên để dạ dày rỗng, vì khi đói dạ dày sẽ co bóp nhiều gây đau đớn, khó chịu.

Bạn đang xem bài viết Ăn chuối tiêu làm bệnh đau dạ dày nặng hơn là quan niệm sai lầm tại chuyên mục Chỉ dẫn của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
An Bình