Ăn cua đồng sai cách: Rất dễ nhiễm sán

Bình luận

Cua đồng không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn là một vị thuốc có tác dụng tán huyết, bổ gân cốt, khớp xương… Tuy nhiên, nếu ăn cua đồng sai cách có thể gây hại cho sức khỏe.

  Cua đồng là thực phẩm bổ dưỡng nhưng nếu ăn và chế biến sai cách có thể gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Cua đồng là thực phẩm bổ dưỡng nhưng nếu ăn và chế biến sai cách có thể gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Do cua đồng có tác dụng bồi bổ sức lực, tán huyết, bổ gân xương, tăng cường sức khỏe nên không ít người đang truyền tai nhau uống nước cua sống để tăng cường sức khỏe, trị chấn thương, chữa ung thư…

Bác sĩ Đào Văn Tú, Bệnh viện K cho biết, cua là thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe nhưng nếu ăn sống lại gây hại cho cơ thể. Nhất là những thông tin truyền miệng ăn cua sống để tăng cường sức khỏe, chữa bệnh ung thư là không có cơ sở khoa học. Nếu áp dụng một cách mù quáng sẽ gây hại cho sức khỏe, thậm chí có thế mất mạng.

Cua là loài giáp xác sống trong bùn đất nên chứa nhiều ký sinh trùng và vi khuẩn gây bệnh. Nếu ăn cua sống (nhai cua sống, ăn gỏi cua hoặc giã cua lọc lấy nước uống sống) đồng nghĩa với việc đưa các loại vi khuẩn, ký sinh trùng vào cơ thể. Cách ăn uống này không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể gây ngộ độc thức ăn, nhiễm sán lá phổi, sán chó rất nguy hiểm.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng khuyến cáo, việc ăn gỏi cua và uống nước cua sống có thể làm lây lan loài sán lá phổi nguy hiểm.

Sán lá phổi (Paragonimus ringeri) tuy ký sinh trong phổi và đẻ trứng ở những phế quản nhưng vẫn là một bệnh lây theo đường tiêu hóa và có liên quan mật thiết với tập quán ăn cua, tôm chưa nấu chín hoặc ăn sống (gỏi cua, uống nước cua sống…).

Trứng sán từ phổi bệnh nhân được bài xuất ra ngoài theo đờm, xuống nước và hình thành ấu trùng ở trong. Ấu trùng này ra khỏi vỏ trứng tìm đến một số loài ốc để ký sinh, sau đó vỏ ốc tìm các loài cua và tôm nước ngọt ký sinh dưới dạng nang trùng sán nói trên do đun nấu chưa chín sẽ lây bệnh.

Như vậy ăn gỏi cua và uống nước cua sống là đường lây truyền bệnh sán lá phổi rất thuận lợi nếu trong cua chúng ta ăn gỏi hoặc giã lấy nước có một số con mang nang trùng sán này. 

  Xay cua lọc lấy nước uống sống cũng dễ bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng. Ảnh minh họa

Xay cua lọc lấy nước uống sống cũng dễ bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng. Ảnh minh họa

Bác sĩ Tú cũng chia sẻ thêm, đã từng xảy ra tình trạng nhiều trẻ em ở miền núi bị nhiễm sán chó. Và khi các nhà khoa học vào cuộc thì phát hiện nguyên nhân trẻ bị nhiễm sán chó là do thói quen bắt cua ở suối ăn sống của trẻ em miền núi.

Nhiều người cứ nghĩ rằng cua đồng, cua suối có nguồn gốc thiên nhiên nên rất sạch, không bị nuôi công nghiệp, không bị nhiễm hóa chất, nhưng thực chất việc sống trong môi trường tự nhiên nên cua đồng, cua suối lại nhiễm nhiều loại vi khuẩn, ký sinh trùng.

Khi ăn cua sống đã vô tình đưa những vi khuẩn, ký sinh trùng gây hại vào cơ thể, dẫn đến mắc bệnh, ảnh hưởng sức khỏe. Cua đồng chỉ thực sự tốt cho sức khỏe khi được chế biến chín, tức là ăn chín uống sôi để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Những sai lầm khi ăn cua đồng mà nhiều người mắc phải

Ăn cua chết: Khi làm cua nhiều người tiếc những con cua chết nên bỏ vào xay lẫn cùng cua tươi sống để nấu canh. Cách làm này gây hại cho sức khỏe, bởi trong cua chết có chứa thành phần hóa học mang tên histidine, có thể gây độc khiến người ăn bị đau bụng, nôn mửa, thậm chí bị ngộ độc nghiêm trọng. Cua càng chết lâu lượng histidine càng nhiều, càng dễ ngộ độc hơn. Do đó, khi nấu món ăn từ cua đồng nên tự tay chọn mua những con cua còn sống để chế biến và nên chọn con cua cái mới thơm ngon, chắc thịt.

  Cua đồng sống trong bùn đất nên chứa nhiều ký sinh trùng, vi khuẩn gây bệnh, nếu ăn sống sẽ gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Cua đồng sống trong bùn đất nên chứa nhiều ký sinh trùng, vi khuẩn gây bệnh, nếu ăn sống sẽ gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Ăn cua sống: Nhiều người có thói quen, sở thích ăn gỏi cua sống, uống nước cua sống, uống nước cua để lên men… Cách ăn uống này không đảm bảo an toàn thực phẩm và rất dễ nhiễm phải ký sinh trùng, vi khuẩn có hại sinh sống trong con cua.

Ăn cua nấu lại nhiều lần: Vì các món chế biến từ cua đồng thường cầu kỳ, mất nhiều thời gian để chế biến nên nhiều người chọn cách nấu một lần ăn nhiều bữa. Nhưng cách nấu đi nấu lại nhiều lần thực phẩm như vậy sẽ gây mất giá trị dinh dưỡng. Hơn nữa thịt cua có chứa rất nhiều chất đạm cũng như nhiều chất dinh dưỡng khác nên sau khi tiếp xúc với môi trường sẽ dễ bị các vi khuẩn có hại làm hỏng, gây ôi thiu… Do đó, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, khi ăn cua đồng, tốt nhất nên ăn bao nhiêu chế biến đến đó.

Ăn cua đồng khi đang dị ứng: Cua đồng là thực phẩm giàu protein, cơ địa của một số người lại không thể thích ứng với các protein này gây ra tình trạng dị ứng với cua đồng, thường có biểu hiện nổi mẩn đỏ, ngứa, khó thở… Do đó, với những người có cơ địa dị ứng nên thận trọng khi ăn các món ăn được chế biến từ cua đồng. Khi bị các triệu chứng dị ứng nên dừng ăn cua, uống nhiều nước và nên đến các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị sớm.

Bạn đang xem bài viết Ăn cua đồng sai cách: Rất dễ nhiễm sán tại chuyên mục Chỉ dẫn của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
An Bình