bac-si-benh-vien-cham-cuu-trung-uong-giadinhmoi-1

Thông tin mà Thạc sĩ Bác sĩ Dương Văn Tâm – Trưởng Khoa Điều trị Liệt vận động – Ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Châm cứu Trung ương chia sẻ khiến chúng ta không khỏi giật mình: Sinh mổ có nguy cơ để lại di chứng thần kinh rất cao ở trẻ, nó làm tăng đến 30% nguy cơ bại não so với trẻ được đẻ bình thường.

Nhiều năm tiếp xúc với trẻ bại não, Bác sĩ Tâm luôn trăn trở, bại não là bệnh để lại di chứng nặng nề nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Trường hợp của bé Nguyễn Thị Diệu Huyền (2 tuổi) mà bác sĩ Tâm đang trực tiếp điều trị là một trong những bệnh nhi phát hiện muộn. Đáng tiếc, Huyền là con thứ 2 trong gia đình có 2 trẻ bị bại não.

Dừng lại ở giường bệnh của Huyền, Bác sĩ Tâm xoa tay, nắn chân cô bé đang nằm gọn trong vòng tay bà nội rồi nhìn vào mắt cô bé và hỏi: “Hôm qua Huyền của ông ngủ có ngoan không?”º

Người Diệu Huyền thuỗn ra, đáp trả mọi sự quan tâm của những người xung quanh bằng ánh mắt đờ đẫn.

Cô bé ngồi được trên đùi bà nội là nhờ bà giữ chặt. Như thường lệ, trả lời bác sĩ Tâm là bà nội chứ cháu không thể nói được…

Bác sĩ Tâm kể, Huyền là con út, trên cô bé là 3 anh chị, trong đó có anh cả của cô bé cũng mắc phải căn bệnh bại não như em đang mang.

20 năm nay, anh trai của Huyền đặt đâu nằm đấy, chân tay ngày một teo đi. Hiện tại, cậu chỉ nặng 18kg, không nói được, chỉ biết khóc như tiếng rên yếu ớt, thần trí đã bị mất hoàn toàn.

20 năm trước, bác sĩ Tâm cũng là người điều trị cho anh trai cháu Huyền…

Điều mà bác sĩ Tâm luôn trăn trở chính là làm sao để giảm các nguy cơ của bệnh bại não cho trẻ em…

bac-si-benh-vien-cham-cuu-trung-uong-giadinhmoi-3

Tỷ lệ các gia đình có 2 con bị bại não như bố mẹ cháu Huyền có nhiều không?

- Tại Khoa Điều trị Liệt vận động – Ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, trường hợp như gia đình cháu Huyền không phải hiếm gặp. Với gia đình có 2-3 cháu cùng bị bại não chắc chắn do di truyền gây ra.

Khi kết hôn, cả hai bố mẹ đều là những người bình thường nhưng mang gen lặn của các bệnh di truyền có thể gây ra bại não mà không biết. Sau khi gen lặn gặp nhau sẽ xuất hiện gen bệnh di truyền gây bại não ở con.

Với những trường hợp như vậy thì cách phòng tránh như thế nào, thưa bác sĩ?

- Trong trường hợp hai vợ chồng đều mang gen lặn bệnh bại não thì nguy cơ con bị bại não là rất lớn.

Các cặp đôi có ý định lấy nhau thì nên khám sức khoẻ tiền hôn nhân. Điều này giúp chuẩn bị kiến thức, tâm lý đúng cho cuộc sống tình dục vợ chồng; phát hiện và điều trị sớm (nếu có) một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau.

Ngoài ra, việc khám sức khoẻ tiền hôn nhân còn giúp phòng ngừa các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai, chuẩn bị cho người phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn về sau.

bac-si-benh-vien-cham-cuu-trung-uong-giadinhmoi-5

Ngoài ra, bại não còn do những nguyên nhân nào, thưa bác sĩ?

- Trước đây, nguyên nhân gây ra bại não đa phần là do các bệnh nhiễm trùng, suy dinh dưỡng. Nhưng hiện nay, những nguyên nhân không do nhiễm trùng đang có chiều hướng gia tăng.

Chẳng hạn như, trong quá trình sinh con, sản phụ gặp các nguy cơ của tai biến sản khoa như sinh non, sinh yếu, thời gian chuyển dạ kéo dài gây ngạt; hoặc sau khi sinh, trẻ mắc phải một số bệnh như viêm não, viêm màng não... Do đó, cần phải có sự kiểm tra của y khoa để xác định chính xác đó là bại não dạng nào để có hướng điều trị cụ thể.

Nguyên nhân đứng đầu gây bại não hiện nay là các yếu tố liên quan tới cuộc đẻ, đặc biệt, là mổ đẻ.

Sinh mổ có nguy cơ để lại di chứng thần kinh rất cao ở trẻ, nó làm tăng đến 30% nguy cơ bại não so với trẻ được đẻ bình thường. Trong số 1000 đứa trẻ được đẻ thường thì chỉ có 1-2 trẻ bị bại não. Nhưng nếu 1000 đứa trẻ đẻ ra do các nguyên nhân có nguy cơ gây bại não thì có tới 300-400 trẻ bị bại não.

Làm thế nào để giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc bệnh bại não, thưa bác sĩ?

- Hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh bại não.

Bố mẹ nhiều tuổi, nhất là các bà mẹ trên 35 tuổi thì không nên sinh thêm con. Các bà mẹ mang thai mà bản thân có nhiều yếu tố nguy cơ gây tổn thương cho bào thai thì phải được tư vấn có nên đẻ hay không và khi có thai phải thường xuyên đi khám và đăng ký quản lý theo dõi thai tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Như các bà mẹ có vóc người thấp còi, khung chậu hẹp; các bà mẹ mắc các bệnh mãn tính: tim, thận, lao, đái đường, badơđô; các bà mẹ có nghề nghiệp độc hại nặng nhọc, cuộc sống kham khổ, thiếu thốn, sống trong môi trường độc hại cũng dễ gây ra đẻ non, đẻ yếu, đẻ ngạt, mổ đẻ.

Khi có thai, các bà mẹ phải hạn chế nguy cơ mắc những bệnh nhiễm khuẩn nhất là nhiễm các loại vi rút như: cúm, hồng ban, Herpes, Toxoplasma, vi rút tế bào khổng lồ… bởi các vi rút này dễ gây ra dị tật thai nhi, gây thai chết lưu, dị tật thần kinh bào thai như dị tật não, dị tật thính giác và thị giác.

Để tránh nhiễm các loại vi rút này, các bà mẹ khi có thai phải cải thiện điều kiện sống, môi trường sống, nâng cao sức khỏe, hạn chế đến nơi đông người và tránh xa những người có biểu hiện như bị cúm: hắt hơi, sổ mũi, đau mình mẩy, sốt…

Khi có thai, các bà mẹ không nên dùng các chất gây nghiện, các chất kích thích nhất là rượu, thuốc lá. Không nên tiếp xúc với nguồn chất độc hại khi hành nghề như chì, thủy ngân. Bởi thai nhi dễ bị ngộ độc các chất này và sẽ bị suy dinh dưỡng bào thai, não bé, chậm trí khôn.

Trong thời kỳ mang thai, mẹ không nên lạm dụng các loại thuốc bổ để tránh thừa vitamin D và canxi để tránh não bé và chậm trí khôn. Thay vào đó, mẹ nên ăn uống đầy đủ và cân đối các dưỡng chất, không nên ăn nhiều quá để tránh thai to, gây đẻ khó, dễ gây bại não.

Bà mẹ có thai đến ngày gần đẻ (thai 8 – 9 tháng) nên chủ động đến cơ sở y tế để tiêm hoặc uống vitamin K, nhằm hạn chế mất máu nhiều trong cuộc đẻ, mẹ sẽ mau lại sức và có sữa để cho con bú, đồng thời cũng phòng ngừa được xuất huyết não – màng não sớm cho trẻ sơ sinh.

Sau đẻ, các bà mẹ nên ăn uống đủ chất nhất là đủ dầu mỡ, canxi và nên cho con tiêm hoặc uống vitamin K để phòng xuất huyết não – màng não sau giai đoạn sơ sinh.

Vậy còn với trẻ sau sinh thì có thể phòng tránh bại não như thế nào?

- Trẻ sau đẻ có hiện tượng vàng da sinh lý nếu như vàng da nhẹ và chỉ 5 – 10 ngày là hết. Khi phát hiện trẻ có vàng da sớm sau đẻ 2 – 3 ngày và mức độ vàng da đậm, tăng nhanh, nước tiểu vàng, bỏ bú… nhất là với các bà mẹ có nhóm máu Rh(-) thì phải sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị.

Thực hiện tốt lịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, đề phòng các bệnh dịch nhất là các bệnh viêm màng não, viêm não, bởi đây là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật lớn nhất cho trẻ em.

Chủ động phòng tránh các tai nạn trong cuộc sống sinh hoạt của trẻ như chấn thương sọ não, tai nạn giao thông, ngạt nước…

Phòng chống các bệnh có thể gây ra bại não cho trẻ như suy dinh dưỡng nặng, sốt cao co giật, động kinh.

bac-si-benh-vien-cham-cuu-trung-uong-giadinhmoi-546

Tại khoa của bác sĩ, bệnh bại não được điều trị như thế nào?

- Bại não cần được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu được điều trị sớm và tích cực, phần lớn tình trạng của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt.

Các kỹ thuật dùng chữa trị gồm điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, tập luyện vận động và phối hợp với các phương pháp phục hồi chức năng của y học hiện đại như dùng tia hồng ngoại và các xung điện để nâng cao sức cơ, cải thiện suy giảm chức năng vận động.

Hầu như các cháu nhập viện đều do các nguyên nhân bẩm sinh và sau mắc các bệnh nhiễm khuẩn thần kinh cấp tính và đã được điều trị nhiều nơi nên tình trạng di chứng thường nặng nề.

Bệnh nhân bại não cần một liệu trình điều trị rất lâu dài, kiên trì và mỗi đợt điều trị thường là một tháng.

Ông có thể chia sẻ một vài ca bệnh bại não điều trị sớm có cải thiện?

- Chúng tôi đã thống kê và thấy rằng tỷ lệ trẻ có tiến bộ trong quá trình điều trị là khá tốt. Có tới 80-90% các cháu được cải thiện về tình trạng bệnh lý.

Cháu Cao Xuân Thy, 15 tháng tuổi, hiện đang điều trị tại khoa là một ví dụ. Cháu được phát hiện bại não sớm, từ lúc 6 tháng tuổi. Lúc này, cháu chưa biết lẫy, bò, cổ yếu không mang nổi đầu, chân tay co quắp, bàn tay không mở xoè, không biết nhìn theo tiếng gọi, không biết lạ quen và khóc yếu.

Cháu đã tham gia điều trị đến nay là 3 đợt. Tình trạng của cháu tiến triển rất tốt. Cháu đã giữ vững được cổ, đã tập ngồi, tay chân vận động mềm mại, cầm được đồ vật và đã biết hóng chuyện, cười đùa với bố mẹ.

Vì nhiều lý do khác nhau, có thể có những trường hợp bố mẹ giấu giếm hoặc không muốn thừa nhận bệnh của con. Ông có thể cho lời khuyên?

- Tôi đã gặp trường hợp bố mẹ đưa con đi khám muộn với di chứng nặng nề do bị mẹ chồng ngăn cản. Một số bà mẹ chồng đang chỉ muốn chứng minh nòi giống của họ tốt nên mới vờ phủ nhận việc cháu họ có thể bị bại não.

Tôi vẫn khuyên và mong muốn các ông bố bà mẹ trang bị kiến thức về bệnh bại não để làm sao phát hiện sớm con mình có những dấu hiệu suy giảm về vận động, trí tuệ, ngôn ngữ so với trẻ cùng lứa tuổi và đưa con đi khám sớm.

Tôi cũng luôn hy vọng các cháu được phát hiện sớm và được điều trị tích cực để hoà nhập cộng đồng dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Bại não là tình trạng tổn thương lan tỏa không tiến triển của hệ thần kinh trung ương do nhiều nguyên nhân xảy ra trước 5 tuổi. Bại não thường được chẩn đoán khi trẻ ở trong độ tuổi từ 1-3 tuổi.

Biểu hiện của bệnh là các di chứng về tâm trí, vận động, ngôn ngữ, hành vi, giác quan với các triệu chứng: liệt tứ chi, liệt nửa người, liệt hai chân, liệt tay, cổ lưng kém kiểm soát, đi lại yếu hoặc không đi được, nhận biết kém so với lứa tuổi.

Trong thời kỳ bào thai, bệnh bại não có thể phát hiện được qua hình ảnh siêu âm với các dị dạng thay đổi về hình thái cấu trúc của cơ thể. Ngoài ra, có thể phát hiện qua chẩn đoán gen học và khám lâm sàng.

Trẻ bại não cần được chăm sóc đặc biệt. Đó là sự phối kết hợp của bác sĩ điều trị, nhân viên vật lý trị liệu, giáo viên và gia đình. Điều này cần được tiến hành từ rất sớm ngay khi phát hiện bệnh của trẻ.

 

 

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO