Báo Điện tử Gia đình Mới

Bác sĩ cảnh báo những tác hại của rượu đối với sức khỏe

Theo PGS.TS Cao Thị Thu Hương, Viện Dinh dưỡng quốc gia, hậu quả của uống rượu, bia quá mức ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhân cách của mỗi cá nhân và trở thành vấn nạn của xã hội.

  Thường xuyên uống rượu, bia khi đói có thể gây viêm loét, chảy máu dạ dày. Ảnh minh họa

Thường xuyên uống rượu, bia khi đói có thể gây viêm loét, chảy máu dạ dày. Ảnh minh họa

Rượu, bia là những đồ uống có chứa cồn ethanol ở những nồng độ khác nhau. Trong bia có chứa khoảng 5% nồng độ cồn, rượu vang chứa 9%-16% và rượu mạnh trên 20% nồng độ cồn. Rượu đi vào cơ thể từ miệng, đến dạ dày, vào hệ thống tuần hoàn, đến não, thận, phổi và gan.  

PGS.TS Cao Thị Thu Hương cho biết, đối với miệng, rượu kích ứng niêm mạc trong khoang miệng, nồng độ cồn cao làm tăng nguy cơ ung thư miệng và họng.

Đối với dạ dày, các phân tử rượu nhỏ bé có thể ngấm qua niêm mạc dạ dày mà không  cần tham gia vào quá trình tiêu hóa giống như thức ăn. Khi dạ dày trống rỗng, rượu đi thẳng vào máu.

Khi dạ dày có thức ăn, đặc biệt là thức ăn có hàm lượng protein cao, tỷ lệ hấp thụ rượu bị chậm lại nhưng không dừng lại. Cacbonat trong đồ uống có thể được trộn với rượu làm tăng tốc độ hấp thụ rượu.

Khi nồng độ cồn và dịch vị  cao, kích thích niêm mạc tăng lên, phản ứng nôn mửa là phản xạ của cơ thể  để giảm kích ứng này. Thường xuyên uống rượu khi đói có thể gây viêm loét, chảy máu dạ dày. Có 20% lượng rượu được hấp thu vào máu qua dạ dày và 80% rượu còn lại được hấp thụ vào máu từ ruột non.

Đối với hệ tuần hoàn, khi vào máu, rượu được vận chuyển đi khắp cơ thể,  làm giãn mạch máu, đưa một lưu lượng máu lớn hơn lên bề mặt da gây nên hiện tượng đỏ mặt, cảm giác ấm áp tạm thời, cơ thể mất nhiệt, hạ huyết áp.

Khi đến não, rượu ngay lập tức ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát hành vi và chức năng của cơ thể, sự thay đổi phụ thuộc vào mức độ tăng của nồng độ cồn trong máu như giảm khả năng phán quyết, giảm khả năng khéo léo, mất kiểm soát hành vi.

Khoảng 5 - 10% rượu được bài tiết qua phổi, thận và da; phần còn lại được chuyển đến  gan. Ở gan, rượu  được oxy hóa thành nước và carbon dioxide. Gan chỉ có thể oxy hóa khoảng 2 đơn vị rượu mỗi ngày. Khi uống rượu thường xuyên sẽ dẫn đến gan nhiễm mỡ, nếu kéo dài có thể gây xơ và ung thư gan.

  Rượu, bia ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đường tiêu hóa, đặc biệt biệt là gan, dạ dày. Ảnh minh họa

Rượu, bia ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đường tiêu hóa, đặc biệt biệt là gan, dạ dày. Ảnh minh họa

Mặc dù một số nghiên cứu đã chứng minh được tác dụng của rượu với nồng độ cồn thấp khi tiêu thụ một lượng rượu có hàm lượng cồn dưới ngưỡng 20 gam mỗi ngày.

Tuy nhiên, PGS.TS Cao Thị Thu Hương chỉ ra rằng một công trình khoa học nghiên cứu toàn diện để tìm ra ngưỡng an toàn đối với rượu được đăng tải trên tạp chí Lancet 2018 đã cho thấy không có ngưỡng an toàn đối với sức khỏe khi sử dụng rượu. Như vậy, bảo vệ sức khỏe thì không nên uống rượu bia. Người uống nên cân nhắc và uống đúng cách.

Theo đó, nếu uống rượu, bia đối với nam cần thấp hơn 2 đơn vị cồn/ngày; nữ thấp hơn 1 đơn vị cồn/ngày. Một đơn vị rượu là 10 gam cồn tương đương 3/4 lon bia 330 ml hoặc 135 ml rượu vang.

Uống từ từ, chậm rãi nhằm giảm kích ứng niêm mạc miêng và dạ dày. Đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu, giảm nguy cơ say và ngộ độc rượu. Trước khi uống rượu nên uống nước lọc, nước hoa quả hoặc nước súp, nước canh và đồ ăn đặc biệt là rau xanh nhằm pha loãng nồng độ cồn của rượu, giảm kích ứng dạ dày. Nên ăn đồ ăn có nhiều protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.   

Lưu ý một vài cách để giảm thiểu tác dụng xấu của rượu, bia như không nên uống rượu lúc đói bởi hàm lượng cồn phối hợp với dịch vị dạ dày khi đói sẽ tăng khả năng kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét dạ dày và chảy máu dạ dày.

Không nên uống rượu với đồ uống có gas bởi lượng gas tăng khả năng hấp thu rượu vào trong máu. Không nên uống rượu với cà phê bởi rượu là một chất ức chế làm chậm hoạt động của não và làm suy yếu khả năng đi lại, giao tiếp và suy nghĩ.

Ngược lại, cà phê lại là chất kích thích làm tăng huyết áp, nhịp tim và trong một số trường hợp, gây nhịp tim đập nhanh và nhịp tim không đều. Cà phên cũng dẫn đến nhức đầu, bồn chồn, kích động, các vấn đề về dạ dày. Việc uống đồng thời rượu và cà phê không có sự trung hòa giữa  chất ức chế và chất kích thích, ngược lại nó làm tăng nguy cơ tử vong do mắc hội chứng sốc độc tố.

Không nên sử dụng rượu với aspirin bởispirin là một loại thuốc giảm đau, chống viêm. Khi uống rượu có thể gây đau đầu, nên một số người đã uống aspirin trước khi uống rượu.

Đây là điều hết sức nguy hiểm vì aspirin có thể gây chảy máu dạ dày khi đói và tăng  hấp thu rượu vào trong máu dẫn đến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh. Do đó những người đang có chỉ định dùng aspirin (trong những trường đau đầu, đau răng, đau khớp, có nguy cơ đột quỵ…) thì nên tránh uống rượu.

Ngoài ra, không tắm ngay sau khi uống rượu, bia vì việc tắm ngay sau khi uống rượu sẽ làm tiêu hao một lượng lớn đường glucose có trong cơ thể, từ đó làm giảm lượng đường trong máu, dẫn tới hạ đường huyết đột ngột, giảm thân nhiêt có thể gây đột quỵ, trụy tim mạch….

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO