Báo Điện tử Gia đình Mới

Bác sĩ hướng dẫn 5 cách kiểm soát loãng xương hiệu quả

Rất ít người biết rằng nguy cơ tử vong vì gãy cổ xương đùi cũng bằng hoặc cao hơn nguy cơ tử vong vì ung thư vú.

Những người loãng xương có nguy cơ bị gãy xương tăng gấp 2 - 3 lần so với người có mật độ xương bình thường. Gãy xương, nhất là gãy cổ xương đùi, là một biến cố quan trọng. 

Khoảng 15 - 20% bệnh nhân gãy cổ xương đùi tử vong trong vòng 12 tháng. Ở nữ, nguy cơ gãy cổ xương đùi tương đương với nguy cơ ung thư vú. 

Theo bác sĩ Trần Lê Vũ hiểu đúng về bệnh là cách làm hiệu quả giúp mọi người biết cách phòng ngừa bệnh và kiểm soát loãng xương hiệu quả.

Người loãng xương có nguy cơ bị gãy xương tăng gấp 2 - 3 lần so với người có mật độ xương bình thường

Người loãng xương có nguy cơ bị gãy xương tăng gấp 2 - 3 lần so với người có mật độ xương bình thường

Loãng xương là sự mỏng đi liên tục và mất mật độ của khối xương, làm cho xương giòn hơn, mỏng mảnh hơn và dễ gãy hơn sau chấn thương nhẹ.

Phụ nữ có nguy cơ cao bị loãng xương khi mãn kinh, bởi vì mật độ xương bị giảm nhanh hơn khi sự tổng hợp nội tiết tố estrogen bị sụt giảm. Estrogen có vai trò phong tỏa một loại protein là thủ phạm làm bộ xương yếu đi.

Mặc dù giảm chiều cao và đau lưng là các triệu chứng thường gặp, loãng xương có thể diễn tiến âm thầm và nó có thể không có biểu hiện gì cho đến khi xương bị gãy.

Sự tạo xương bình thường đòi hỏi các khoáng chất calcium và phosphate. Nếu cơ thể không hấp thụ đủ lượng calcium trong chế độ ăn, sự tạo xương và mô xương sẽ bị ảnh hưởng.

BS Trần Lê Vũ cho biết: "Nguyên nhân chính của loãng xương bao gồm sự lão hóa, dẫn đến sự suy giảm của các nội tiết tố estrogen ở nữ và testosterone ở nam.

Những nguyên nhân khác bao gồm thiếu cân, lối sống ít vận động, uống rượu, hút thuốc lá, rối loạn ăn uống, dùng một số loại thuốc, một số bệnh lý mạn tính (lupus, viêm khớp dạng thấp, hội chứng ruột kích thích, hội chứng kém hấp thu, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến...) và nằm bất động lâu ngày. 

Triệu chứng thường không rõ ràng ở giai đoạn đầu của bệnh, nhưng vào một lúc nào đó, bệnh nhân có thể đau cột sống cổ hoặc cột sống thắt lưng, gù lưng và giảm dần chiều cao".

Loãng xương gây đau cột sống cổ hoặc cột sống thắt lưng, gù lưng và giảm dần chiều cao

Loãng xương gây đau cột sống cổ hoặc cột sống thắt lưng, gù lưng và giảm dần chiều cao

Trong những trường hợp khác biểu hiện đầu tiên là gãy xương (sườn, cổ tay hay hông). Đốt sống có thể bị lún và vỡ, đây là dạng gãy xương thường gặp nhất trong loãng xương. Tuy nhiên, gãy xương hông lại gây ra tàn phế nhiều nhất.

Để chẩn đoán loãng xương, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử và khám thực thể để tìm kiếm các dấu hiệu biến dạng của cột sống liên quan đến lão hóa. Các xét nghiệm sinh hóa cần thiết bao gồm đo nồng độ của calcium và vitamin D. Khảo sát điện quang gọi là DEXA giúp đo lường mật độ xương ở các vị trí quan trọng, như là cột sống và hông.

Tầm soát loãng xương được khuyến nghị cho tất cả phụ nữ sau tuổi mãn kinh và cho nam giới với các yếu tố nguy cơ như dùng corticosteroids lâu ngày, tạo thuận lợi cho loãng xương.

Thay đổi lối sống có thể giúp giảm nguy cơ gãy xương. Các thay đổi này bao gồm tập nâng nặng và tập kháng lực cơ đều đặn, ngưng hút thuốc, hạn chế uống bia rượu, bổ sung đủ calcium và vitamin D trong chế độ ăn (lượng calcium cần ít nhất 1200 mg/ngày, và vitamin D ít nhất 800 IU/ngày). Điều trị sẽ tập trung vào việc làm chậm hoặc ngừng mất xương và ngăn ngừa gãy xương bằng cách giảm thiểu nguy cơ té ngã.

Vài loại thuốc, bao gồm biphosphonates như aledronate, uống hàng tuần có thể được chỉ định bên cạnh việc bổ sung đủ lượng calcium và vitamin D.

Hạn chế rượu bia giúp phòng ngừa và kiểm soát loãng xương hiệu quả

Hạn chế rượu bia giúp phòng ngừa và kiểm soát loãng xương hiệu quả

Để kiểm soát loãng xương, bạn nên: 

1. Tập kháng lực và nâng nặng theo chỉ định của bác sĩ. Chơi một môn thể thao hoặc tham gia một nhóm xã hội kết hợp tập thể dục. Khả năng chúng ta có thể sống vui vẻ là vô tận. Bạn sẽ cảm thấy tốt hơn, và xương của bạn sẽ khỏe mạnh hơn nhiều cho các nỗ lực này. 

2. Bảo đảm bổ sung đủ calcium và vitamin D. Cần ăn theo chế độ ăn lành mạnh có chứa các thực phẩm giàu calcium như là các chế phẩm từ sữa, cá, đậu và các loại rau có màu xanh đậm. 

3. Uống thuốc đúng theo toa của bác sĩ. 

4. Thảo luận về tầm soát loãng xương với bác sĩ của bạn. 

5. Hạn chế uống rượu, bia và không hút thuốc lá.

BS. Trần Lê Vũ/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO