Báo Điện tử Gia đình Mới

Bác sĩ Mỹ chỉ ra tác động khủng khiếp của ‘đại dịch điện thoại’ với trẻ em

“Cha mẹ ngày nay có xu hướng dùng điện thoại như một “vú em”. Những đứa trẻ được đưa điện thoại để chúng ngồi yên, khi bị lấy điện thoại, chúng khóc to, giận dỗi”, BS. Trương Hoàng Hưng, Texas, Hoa Kỳ. 

  Nhiều cha mẹ đang lạm dụng dùng điện thoại để dỗ dành trẻ nhỏ

Nhiều cha mẹ đang lạm dụng dùng điện thoại để dỗ dành trẻ nhỏ

Theo chia sẻ của BS. Trương Hoàng Hưng, khoảng 15 năm trở lại đây, điện thoại di động phát triển nhanh một cách khủng khiếp. “Còn nhớ lúc năm 2003, khi tôi là bác sĩ nội trú nhi, tôi có một cái Nokia nhỏ xíu, coi như là le lói lắm rồi, bây giờ thì mỗi năm ra một cái iPhone mới. 

Thực sự nó đem lại quá nhiều tiện lợi, tôi tham khảo thông tin y khoa, thuốc men, đọc sách, đọc báo, xem phim, mua bán cổ phiếu và tiền tệ, facetime nói chuyện với ba mẹ tôi trong khi lái xe đi làm mỗi ngày và còn nhiều thứ nữa. Nói chung là nó quá tiện lợi nên khó mà từ chối”.

Cũng theo vị bác sĩ này đánh giá, cái gì có lợi cũng kèm theo sự có hại, thể hiện rõ nhất là con người ngày càng gắn liền với điện thoại mà không cần nhau nữa. 

“Một hình ảnh đáng buồn mà chúng ta thấy nhan nhản mỗi ngày, đó là một gia đình ăn tối trong nhà hàng, cha mẹ con cái ngồi ăn và mỗi người cắm đầu vào một cái điện thoại, họ ngồi bên nhau nhưng thực sự không ở với nhau. Điện thoại đang thay đổi nhân loại một cách sâu sắc.

Cha mẹ ngày nay có xu hướng dùng điện thoại như một “vú em”, thay vì chơi với trẻ, cho trẻ chơi những đồ chơi phù hợp lứa tuổi, đọc một cuốn sách, cái tôi thấy ngày càng nhiều là đứa nhỏ 2 tuổi được đưa cho một cái điện thoại để chúng có thể ngồi yên, khi phải lấy lại cái điện thoại để khám, chúng nó khóc to, giận giỗi cho đến khi có lại cái điện thoại”, BS. Hoàng Hưng chia sẻ.

Viện Sức Khoẻ Quốc Gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health) đang thực hiện một nghiên cứu rất lớn, là nghiên cứu đầu tiên trong lĩnh vực này trên 11.000 trẻ em đang trong độ tuổi 9- 10 và sẽ tiếp tục theo dõi những trẻ này trong suốt một thập kỷ cho đến khi chúng trưởng thành.

Tất cả những thông tin về thời lượng trước màn hình, lứa tuổi sử dụng, mức độ phụ thuộc, sự phát triển tâm thần, thành tích học tập,… được thu thập để đánh giá mức độ ảnh hưởng của màn hình kỹ thuật số (điện thoại, máy tính bảng, game điện tử) lên não bộ con người. 

Không chỉ thu thập thông tin, nhóm nghiên cứu còn chụp hình não bộ của tất cả các trẻ tham gia trong nghiên cứu. Và bước đầu, các nhà nghiên cứu đã tóm tắt ra 2 phát hiện chính. 

Đó là sau khi chụp hình não bộ của 4.500 trẻ, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng não bộ của những trẻ dùng màn hình nhiều hơn 7 giờ mỗi ngày có hiện tượng vỏ não bị mỏng sớm. 

Vỏ não là lớp ngoài cùng của não bộ, nơi có những nếp nhăn tri thức của mỗi người. Vỏ não có vai trò quan trọng với trí nhớ, sự chú ý, nhận thức, cảm giác, tư duy, ngôn ngữ và ý thức của mỗi người. Có nghĩa là sử dụng quá nhiều các sản phẩm “thông minh” sẽ làm cho chúng ta ngu ngốc hơn.

Và những trẻ sử dụng màn hình nhiều hơn 2 giờ mỗi ngày sẽ có điểm thấp hơn trong các kiểm tra về ngôn ngữ và tư duy. 

Bác sĩ Mỹ chỉ ra tác động khủng khiếp của ‘đại dịch điện thoại’ với trẻ em 1

Điều này được giải thích rằng các trẻ dùng màn hình quá nhiều, chúng không thể áp dụng những kỹ năng được học trên màn hình 2D vào thế giới 3D. Họ cho các trẻ chơi trò chơi chồng các một hình Lego trên iPad, sau đó khi được cho chơi bằng Lego thật, trẻ không dùng được kỹ năng học được khi chơi trên iPad mà phải học lại từ đầu.

“Đây là một nghiên cứu dài hơi và còn mất nhiều năm để hiểu rõ hơn tác động của màn hình kỹ thuật số lên bộ não chúng ta. Nhưng thông tin đầu tiên là không lạc quan”, bác sĩ nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong thông tin chia sẻ, BS. Trương Hoàng Hưng cho biết, Hiệp Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ (AAP) đã có khuyến cáo về thời lượng màn hình, bao gồm:

- Trẻ nhỏ hơn 18 tháng, không được sử dụng điện thoại ngoại trừ dùng cuộc gọi video

- Trẻ 18-24 tháng, vẫn là không, nhưng ba mẹ nếu muốn giới thiệu cho con có thể cùng trẻ xem những chương trình chất lượng cao và giải thích cho trẻ

- Trẻ 2-5 tuổi: không quá 1 giờ mỗi ngày, nếu có thể thì cùng xem với con, giải thích những gì chúng đang xem và áp dụng vào cuộc sống, ví dụ như là xem phim hoạt hình dạy trẻ đánh răng. Nên tăng những hoạt động khác cùng trẻ như đọc sách, chơi đùa, trò chuyện.

- Trẻ lớn hơn 5 tuổi, hiện nay không có số giờ tối đa, khuyến cáo luôn đặt giới hạn cho thời gian trước màn hình, bảo đảm thời gian ngủ (8-12 giờ tuỳ theo tuổi), những khoảng thời gian “không điện thoại” ví dụ bữa cơm tối, khi mà chúng ta có thể trò chuyện với con mình.

Phòng ngủ nên là vùng không thiết bị kỹ thuật số, không nên cho trẻ ngủ với điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính và ti vi. Trẻ nên có ít nhất 1 giờ vận động mỗi ngày. Trẻ nên được hướng dẫn cách sử dụng đúng đắn và nguy cơ của phương tiện truyền thông.

Bác sĩ Mỹ chỉ ra tác động khủng khiếp của ‘đại dịch điện thoại’ với trẻ em 2

BS Trương Hoàng Hưng hiện công tác tại Phòng khám Nhi MD KIDS PEDIATRICS, TP Irving, Texas, Hoa Kỳ.

BS Trương Hoàng Hưng tốt nghiệp Đại học Y Dược TP HCM năm 2000, sau đó làm bác sĩ nội trú Nhi khoa tại Đại học Y Dược TP HCM và Texas Tech University (TTU).

Hiện tại, anh đang hành nghề BS Nhi khoa và BS giảng dạy lâm sàng tại TTU, Texas, Hoa Kỳ.

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO