cover

 

Khi con trai tôi được 3 tuổi, cô giáo Trung Quốc của nó nhét một miếng trứng vào miệng thằng bé ngay tại trường mà không được sự cho phép.

Sau khi cho con vào học một trường công ưu tú ở Thượng Hải, bà mẹ Mỹ đồng thời là một nhà văn và phóng viên Lenora Chu nhận ra rằng có một số điều mà hệ thống giáo dục Mỹ có thể học hỏi từ cách giáo dục 'độc tài và hà khắc' Trung Quốc. 

Cô đã viết cuốn sách ‘Những chú lính nhỏ: Cậu bé Mỹ, trường học Trung Quốc, và cuộc đua toàn cầu tới thành công’ dự kiến phát hành vào ngày 19/9 tới đây.

Gia Đình Mới lược dịch, đăng tải tới bạn đọc. 

Lenora-Chu-home

Lenora Chu (tác giả)

'Khi ấy con trai tôi được 3 tuổi, cô giáo Trung Quốc của nó nhét một miếng trứng ốp la vào miệng thằng bé. Ngay tại trường. Mà không được sự cho phép.

‘Cô ấy nhét vào đây này’, con trai lớn của tôi kể lại, hai môi cong thành hình chữ O và chỉ tay vào trong miệng.

‘Sao nữa con?’, tôi vội vã hỏi con trai, một cậu nhóc vô cùng ghét trứng.

‘Con khóc và nhè ra,’ thằng bé đáp.

‘Rồi sao nữa?’ Tôi nhấn mạnh.

‘Cô ấy lại nhét trứng vào miệng con lần nữa,’ thằng bé kể. Cô Chen đã nhét trứng vào miệng con tôi tổng cộng 4 lần, và ở lần cuối cùng thì thằng bé đã nuốt miếng trứng.

Chúng tôi là gia đình Mỹ hiện sống ở Thượng Hải – một siêu đô thị của Trung Quốc với 26 triệu dân – và Trung Quốc vẫn được biết đến là nơi đã cho ra đời một vài học sinh xuất sắc top thế giới. Con trai tôi sẽ học thứ tiếng được nói nhiều nhất trên thế giới. Còn gì phải ngại ngần, phải không?

Ấy vậy mà hóa ra, còn nhiều lắm. Mà đó mới chỉ là tuần đầu tiên ở mẫu giáo thôi.

Hôm sau, tôi đến trường đối chất với cô Chen về vụ miếng trứng, hùng hổ nói về quyền tự do lựa chọn của mỗi cá nhân.

‘Ở Mỹ chúng tôi không sử dụng cách thức thô bạo như vậy’, tôi nói bằng tiếng Trung, và con trai tôi nắm lấy tay tôi. (Tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ, nhưng được dạy tiếng Trung ở nhà.)

‘Ồ? Thế chị làm thế nào?’ Cô Chen thách thức.

‘Chúng tôi nói với trẻ rằng ăn trứng tốt cho sức khỏe, dinh dưỡng trong trứng giúp làm chắc xương, răng và tốt cho thị lực,’ tôi nói, cố tỏ vẻ chắc chắn và hiểu biết. ‘Chúng tôi khuyến khích trẻ tự lựa chọn... chúng tôi tin tưởng quyết định của trẻ.’

LenoraChu-digital

 

‘Thế cách đó có hiệu quả không?’ cô Chen thách thức.

Thật ra thì, không. Tôi chưa bao giờ thành công cho thằng bé ăn trứng. Nó là một nhóc kén ăn. Sau đó, cô Chen kéo tôi sang một bên và giảng giải. ‘Trước mặt trẻ con, chị phải nói, ‘Cô giáo luôn đúng, và mẹ cũng sẽ làm giống cô,’ OK?’

 

Rất nhiều nghiên cứu ủng hộ cách giáo dục của Trung Quốc.

Tôi gật gù, cảm thấy hơi ngượng ngùng. Đó là lời dạy của Đức Khổng Tử, mọi triết lý của ông đều dựa trên tư tưởng ‘trên bảo dưới phải nghe’.

Có rất nhiều nghiên cứu ủng hộ cách giáo dục của Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trẻ em lên 6 của Trung Quốc trội hơn trẻ cùng trang lứa ở Mỹ về kỹ năng tư duy toán, trong đó có tư duy hình học và tư duy logic.

Trong 10 năm qua, học sinh Thượng Hải đã hai lần giành hạng nhất thế giới trong bài kiểm tra PISA - một chương trình xem xét đánh giá kĩ năng giải quyết vấn đề - trong khi học sinh Mỹ chỉ xếp hạng trung.

Kết quả còn ấn tượng hơn ở những du học sinh Trung Quốc. Họ đang ngày càng ghi điểm ở các trường đại học hàng đầu thế giới.

Theo Viện Giáo dục Quốc tế, các trường đại học hàng đầu của Mỹ đang tiếp nhận số lượng sinh viên Trung Quốc cao hơn 8 lần so với 10 năm về trước, và người Trung Quốc đang đầu tư lớn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ở ‘thung lũng Silicon’.

Thế nhưng, từ vụ việc ở Thượng Hải này, tôi bắt đầu có một số thành kiến với giáo dục Trung Quốc. Ở Mỹ - vùng đất của quyền lựa chọn, quyền tự do vui chơi và các nhân hóa mọi thứ cho trẻ - chuyện ép ăn có thể đưa một giáo viên ra hầu tòa.

Ở Trung Quốc, trẻ em phải trải qua rất nhiều kì kiểm tra cuối năm, khiến chúng phải chật vật với sách vở ngay từ nhỏ.

Tôi bắt đầu tự hỏi: Người Trung Quốc phải trả giá những gì để có được những đứa trẻ ‘thông minh’? Và liệu rằng chúng tôi có thể học hỏi được điều gì từ cách giáo dục cứng nhắc và độc đoán này?

chinesekid

 

Cho đến nay đã được 5 năm, tôi đã cho con học trong hệ thống trường của Trung Quốc và trao đổi với các giáo viên, cha mẹ và học sinh Trung Quốc ở mọi bậc học.

Tôi phát hiện ra rằng, quả thật có một số ‘bí quyết’ của người Trung Quốc thực sự có hiệu quả và đáng học hỏi. Chủ yếu là về thái độ đối với giáo dục.

Quan niệm ‘giáo viên luôn đúng’ quả thực có một số cái hay. Sau khi lo lắng qua đi, tôi bắt đầu nhận thấy rằng khi cha mẹ làm theo giáo viên thì con cái cũng sẽ như vậy.

Thái độ tôn trọng này mang lại cho giáo viên uy quyền gần-như-tuyệt-đối trong lớp học. Con tôi bắt đầu sợ đi học muộn, sợ nghỉ học làm cô giáo thất vọng, đến nỗi có một lần nó càm ràm kêu ca chỉ vì tôi định cho nó nghỉ học vài ngày để đi du lịch với cả gia đình. Khi ấy thằng bé 5 tuổi. 

Việc trao cho giáo viên quyền tuyệt đối trong lớp học giúp trẻ cải thiện một số môn như hình học và lập trình – những môn học thích hợp với cách hướng dẫn trực tiếp (direct instruction) hơn là để học sinh chủ động tìm tòi (student-led discovery), theo nghiên cứu năm 2004 trên 112 học sinh lớp 3 và lớp 4 trên tạp chí Khoa học tâm lý.

Một nghiên cứu vào năm 2014 trên hơn 13 ngàn học sinh cũng chỉ ra, học sinh lớp 1 kém môn Toán sẽ học tốt hơn nếu được giáo viên hướng dẫn cách giải rồi tự làm lại nhiều lần.

Clip những chiến binh nhỏ ở trường học mọi ngày do Lenora Chu quay

Ngược lại, giáo viên phương Tây dành nhiều thời gian để uốn nắn hành xử trong lớp học và những cuộc nổi dậy nho nhỏ của học sinh và phụ huynh.

Một giáo viên Trung Quốc từng đến Mỹ 20 năm trước kể lại với tôi về sự ngạc nhiên trong năm đầu tiên cô dạy trẻ Mỹ.

‘Tôi bắt đầu rất nghiêm khắc, nhưng không có tác dụng gì cả. Học sinh cãi lại tôi!’ Sheen Zhang, giáo viên dạy tiếng Trung ở trường trung học Minnesota cho biết. Đôi khi cô còn bị phụ huynh phàn nàn vì cho học sinh quá nhiều bài tập.

Có lần một bà mẹ đã yêu cầu cô phải thay đổi cách nói chuyện với đứa con gái không làm bài của bà ta. ‘Bà ấy muốn tôi nói, ‘Em có thể làm tốt hơn!’ thay vì ‘Em đã không hoàn thành bài tập!’’, cô Zhang kể.

 

Trong xã hội Trung Quốc, giáo viên có địa vị xã hội ngang với bác sĩ.

Cha mẹ Trung Quốc hiểu rằng con cái phải làm theo mọi điều giáo viên yêu cầu, không cần thắc mắc.

Nói cách khác, cứ để giáo viên dạy theo cách của họ. Do đó, nghề giáo ở Trung Quốc được tôn trọng nhất thế giới: Một nửa người Trung Quốc khuyến khích con cái theo nghề giáo, trong khi chỉ dưới 1/3 người Mỹ và Anh làm điều này, theo một nghiên cứu năm 2013 của Varkey Foundation.

Trong xã hội Trung Quốc, giáo viên có địa vị xã hội ngang với bác sĩ.

Ngoài ra giáo dục Trung Quốc luôn đặt lợi ích tập thể lên trên nhu cầu cá nhân. Lý do rất đơn giản. Lớp học sẽ đạt hiệu suất cao hơn nếu mọi người theo cùng một nhịp độ. Không ai là ngoại lệ, không ai được lộn xộn.

212

Con trai của Lenora Chu

Mùa đông, con trai tôi bị suyễn, nhưng cô Chen từ chối đề nghị của tôi về việc để nó mang thuốc xịt trị hen suyễn đến lớp – vì dùng thuốc xịt có thể làm các bạn học phân tâm. Khi tôi lớn tiếng phản đối, cô ấy nói tôi có thể cho con chuyển trường.

Nói cách khác, không có đứa trẻ nào được đối xử đặc biệt, không thích thì nghỉ. (Cuối cùng tôi đã tìm được giải pháp: một loại thuốc xịt dự phòng có thể dùng từ nhà.)

Ngôi trường này có phần hà khắc. Nhưng ngược lại, người Mỹ cũng đã đi quá xa, họ đề cao quá mức nhu cầu cá nhân và làm ảnh hưởng cả tập thể.

Có những phụ huynh vô trách nhiệm cho con chưa tiêm vắc-xin đến trường – phớt lờ sức khỏe cộng đồng – hoặc đề nghị thay đổi giờ học để phù hợp với lịch trình cá nhân.

Cùng với đó, một số giáo viên kể rằng họ phải dành nhiều thời gian hơn để giải quyết vấn đề riêng của một số học sinh và không còn đủ thời gian dành cho những em còn lại trong lớp. Vậy ta nên đặt giới hạn thế nào cho chuyện này?

Một quan điểm khác đáng học hỏi của người Trung Quốc đó là, trong học tập, nỗ lực thắng thiên tài. Giáo viên Trung văn của con tôi dạy cho bọn trẻ biết rằng tất cả chúng đều có thể học thuộc 3500 chữ tiếng Trung với flashcard nếu chăm chỉ ôn tập.

Giáo dục Trung Quốc mang lại thông điệp rằng lòng kiên trì – chứ không phải trí thông minh hay tố chất – là chìa khóa của thành công.

kientri

 

Nghiên cứu cho thấy quan niệm này giúp trẻ học tập tiến bộ hơn. Thanh niên châu Á có học vấn cao hơn một phần là bởi họ tin tưởng cố gắng sẽ thành công, còn ‘người Mỹ da trắng' thường coi năng lực nhận thức là... bẩm sinh.

Trẻ em Trung Quốc luôn cố gắng vượt qua khó khăn và tin rằng thành công sẽ trong tầm với của những người nỗ lực. Điều này cho phép các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thoải mái tăng các loại điểm chuẩn (còn học sinh lại phải tiếp tục nỗ lực để thi đỗ).

Ở Mỹ, phụ huynh thường xuyên nổi loạn khi các nhà hoạch định chính sách làm điều tương tự. Một phần là do chúng tôi sợ những đứa con bé bỏng sẽ thấy xấu hổ nếu chẳng may thi trượt.

Vậy sao cha mẹ và thầy cô không thử tin tưởng bọn trẻ, rằng chúng có thể đạt đủ điểm môn Toán nếu cô gắng hết mình?

Với môn điền kinh, cha mẹ Mỹ lại không ngần ngại đốc thúc con. Với bộ môn này, chúng tôi tin rằng chăm chỉ và luyện tập làm nên tất cả, vì thế chúng tôi chấp nhận chuyện điểm số và thứ hạng.

Trong những buổi họp phụ huynh, chúng tôi dán mắt vào bảng thành tích điền kinh và coi những con số là thước đo sự tiến bộ.

Nếu con về hạng 9 trong cuộc thi chạy 100m, tức là con cần tập luyện chăm chỉ hơn. Thứ hạng đó sẽ chẳng chỉ ra rằng nó kém thông minh, hay làm chúng tôi lo lắng nó sẽ tự ái.

BN-UZ596_CHINAS_12S_20170907140506

Tác giả bên chồng (Rob Schmitz) cùng con trai Landon (5 tuổi) và Rainer (8 tuổi)

Đến nay, con trai tôi đã học ở Trung Quốc được 5 năm. Trong suốt thời gian đó, nó đã biến thành một cậu học trò nhỏ ngoan ngoãn luôn chào thầy cô mỗi sáng ‘Em chào cô!’ và tôn trọng giáo dục.

Khi con bước vào lớp 1, tôi hơi ngạc nhiên, khi mỗi sáng lại thấy cậu con trai 6 tuổi tự chuẩn bị ba lô để đi học, sắp sách tiếng Anh, tiếng Trung, toán cùng sáu cây bút chì mà nó đã tự vót nhọn vào cặp.

Mỗi khi nó mang sách bài tập về nhà (ở Trung Quốc cha mẹ phải ký tên hàng ngày xác nhận đã xem bài của con), nó mang đến cho cha mẹ xem ngay lập tức.

Nó bắt đầu dạy em trai tiếng Trung, hai cái đầu nhỏ chen chúc trên một cuốn truyện tranh, gọi tên từng con vật.

Lớn hơn một chút, nó đã thành thạo giải toán, cây bút chì chạy dọc theo trang giấy, và nó cũng trở nên tự tin hơn. Nó còn tự giác ăn trứng nữa.

Khi tôi kể lại câu chuyện của con tôi cho những người bạn Mỹ, họ đều há hốc miệng. Khi họ trò chuyện với thằng bé, họ rất ngạc nhiên vì nó không thu mình một góc hay vâng lời như một chú cún Labrador Retriever.

Con trai tôi giàu trí tưởng tượng trong hội họa, có khiếu hài hước tuyệt vời và đánh tennis thuận tay điêu luyện. Nó duy trì được tất cả những khả năng ấy, và giờ tôi cũng tin tưởng giống như người Trung Quốc rằng ngay cả những đứa trẻ rất nhỏ cũng có thể trở nên đa tài.

 
Tôi đã từng nhiều lần sợ đứng tim vì cách giáo dục của Trung Quốc.

Thú thật, tôi đã từng nhiều lần sợ đứng tim vì cách giáo dục của Trung Quốc. Cô Chen không chỉ độc tài; đôi khi cô ấy có những hình phạt rất khắc nghiệt.

Có lần, cô ấy nhốt riêng con trai tôi cùng vài bạn học trong một lớp học trống và dọa sẽ cho chúng lưu ban, vì chúng không chịu bước đều trong giờ tập thể dục.

hoc-o-trung-quoc

Một cảnh học tại trường 

Đồng thời, hệ thống giáo dục Trung Quốc cũng có những mảng tối khác: Số học sinh thi trượt trung học phổ thông mỗi năm có thể bằng số dân của cả thành phố London. Một số gia đình lựa chọn dùng những biện pháp cực đoan như gian lận và hối lộ.

Còn một điều không thể chối cãi là lớp học truyền thống của Trung Quốc không khuyến khích những ý tưởng mới lạ.

Tôi đã quan sát một lớp hội họa với 28 đứa trẻ được hướng dẫn phác họa giống nhau y đúc, và những bản vẽ sai sẽ bị ghim lên tường để bêu xấu.

‘Mưa rơi từ trên trời xuống đất từng hạt nhỏ,’ cô giáo giảng, và học sinh răm rắp vẽ theo. Trong lớp học này, mưa không được tạt qua một bên hay tạo thành một màn mưa rơi xuống đất.

Không được vẽ mưa theo lối hình tượng, như mưa màu tím, mưa nước mắt, mưa ếch, chứ chưa kể đến ‘mưa chó mèo’ nữa. (rain cats and dogs (thành ngữ): mưa nặng hạt)

Hiển nhiên là tham vọng tạo ra cả một dân tộc ái quốc và trung thành của Trung Quốc có nhiều mặt trái, và người Mỹ không thích điều này.

giao-duc-trung-quoc

Cách giáo dục của Trung Quốc gây ngạc nhiên với người mẹ Mỹ 

Người Mỹ chúng tôi luôn giữ thái độ hoài nghi với giới cầm quyền, và chúng tôi nên ăn mừng vì được tự do bày tỏ. Đó là bản sắc dân tộc chúng tôi.

 
Tiến bộ giáo dục của nước Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi quyền hạn của những ông bố bà mẹ.

Nhưng thái độ hoài nghi của chúng tôi với các nhà lãnh đạo chính trị có thể ảnh hưởng xấu đến những người thầy, người cô đứng trên bục giảng.

Tiến bộ giáo dục của nước Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi quyền hạn của những ông bố bà mẹ, và giá trị của việc đến trường không còn được xem trọng.

Chúng tôi đòi cho con cái học ít đi, xin nhà trường cảm thông không cho thôi học khi con thi trượt. Cả xã hội đang đòi hỏi nhiều hơn từ phía thầy cô, trong khi gia đình lại gánh ít trách nhiệm hơn.

Từ những năm tháng sống ở các quốc gia khác nhau, tôi đã hiểu ra rằng những điều tuyệt vời sẽ xảy đến nếu phụ huynh trao cho các thầy cô sự tôn trọng và quyền tự trị mà họ xứng đáng.

Đôi khi, phụ huynh - và con cái – tốt nhất là nên nghe theo những gì giáo viên yêu cầu.

Thu Trang

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO