Báo Điện tử Gia đình Mới

Bé 8 tuổi bị tiểu buốt, đau đớn vì thận đầy sỏi

Bé Hoàng Viết L. (8 tuổi, ở tại Tiên Lục, Lạng Giang) có nhiều sỏi thận kích thước nhỏ và có 1 viên kích thước 10 mm khiến đi tiểu buốt, tiểu dắt.

Vừa qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang tiếp nhận đường hợp bé Hoàng Viết L. (8 tuổi, ở tại Tiên Lục, Lạng Giang) nhập viện trong tình trạng bí tiểu cấp, khai thác bệnh sử cho thấy bé có các dấu hiệu rối loạn dòng tiểu từ lâu như hay tiểu buốt, tiểu dắt.

Gia đình đã cho bé đi khám nhiều nơi và được chẩn đoán viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu nhiều lần nhưng điều trị không hiệu quả.

Qua thăm khám, làm siêu âm hệ niệu và X-quang bụng, các bác sĩ khoa Ngoại Thận – Tiến Niệu – Nam Học, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang phát hiện bé bị sỏi nhiều viên ở cả hai thận kích thước nhỏ 3mm và có 01 viên sỏi bàng quang kích thước 10mm nằm sát cổ bang quang cản trở đường ra của nước tiểu đặc biệt ở tư thế đứng tiểu.

  Sỏi bàng quang của trẻ 8 tuổi gây bít tắc khiến dòng tiểu không chảy được như thông thường

Sỏi bàng quang của trẻ 8 tuổi gây bít tắc khiến dòng tiểu không chảy được như thông thường

Các bác sĩ sử dụng phương pháp nội soi bàng quang tán sỏi cho bệnh nhi. Sau ca mổ một thời gian ngắn, bé hết đau, tiểu được, dòng tiểu đã thông thoáng, cho ra viện sau 2 ngày hậu phẫu.

Theo bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang, khác với người lớn, sỏi bàng quang nói chung và sỏi tiết niệu nói riêng ở trẻ em là một bệnh khá hiếm gặp.

Căn nguyên của căn bệnh này có thể xuất phát từ chế độ ăn uống và lối sống hiện nay. 

Trẻ ăn nhiều thức ăn nhanh, có quá nhiều muối và các chất điều vị, ít uống nước lọc, hay sử dung các loại nước uống công nghiệp,..đều làm tăng nguy cơ tạo sỏi.

Chế độ sinh hoạt hiện nay, nhiều trẻ lười vận động, (ngồi chơi điện tử hay xem vô tuyến nhiều giờ liền…) đều là những nguyên nhân làm hình thành nhanh sỏi thận ở trẻ em, nhất là những trẻ có sẵn các bệnh lý rối loạn chuyển hóa.

Ngoài ra, các trẻ thường bị nhiễm trùng đường tiểu, có bất thường những chỗ hẹp tự nhiên của đường tiết niệu (hẹp khúc nối bể thận – niệu quản, hẹp khúc nối bàng quang – niệu quản) hay những bệnh lý gây cản trở sự tống xuất nước tiểu như bàng quang thần kinh… cũng là điều kiện thuận lợi để tạo sỏi.

  Hình ảnh chụp hệ tiết niệu của trẻ 8 tuổi trước khi tiến hành phẫu thuật

Hình ảnh chụp hệ tiết niệu của trẻ 8 tuổi trước khi tiến hành phẫu thuật

Bệnh thường có triệu chứng như đau vùng hông lưng, tiểu ít, tiểu máu, đặc biệt là nếu gia đình có tiền sử bị bệnh sỏi thận. Ở trẻ nhỏ thì trẻ dễ kích thích, quấy khóc, ói, thường xuyên nhiễm trùng tiểu biểu hiện qua triệu chứng la khóc mỗi lần đi tiểu. Đôi khi bệnh sỏi thận ở trẻ chỉ phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng.

Sỏi đường tiết niệu trẻ em gặp nhiều nhất ở thận, tiếp theo là sỏi niệu quản, sỏi bàng quang ít gặp hơn nhưng lại có các triệu chứng rất đặc hiệu như tiểu khó, tiểu ngắt quãng (do sỏi cản trở đường ra của nước tiểu) và đi tiểu nhiều lần do cổ bàng quang bị kích thích.

Bác sĩ khuyến cáo, sỏi tiết niệu ở trẻ em là bệnh lý ít gặp nhưng các bậc cha mẹ không nên chủ quan mà cần đưa trẻ tới khám chuyên khoa tiết niệu khi trẻ có các biểu hiện rối loạn dòng tiểu hoặc đau thắt lưng hông dai dẳng.

Cha mẹ hoàn toàn có thể phòng bệnh cho trẻ bằng việc tác động vào các căn nguyên ngoại sinh cụ thể là việc thay đổi chế độ ăn và chế độ sinh hoạt của trẻ một cách hợp lý.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO