Báo Điện tử Gia đình Mới

Vì sao bé trai 18 tháng tuổi lại bị lây bệnh sùi mào gà từ bố?

Bệnh viện da liễu TP.HCM vừa tiếp nhận bé trai 18 tháng tuổi bị sùi mào gà do lây từ chính người bố của mình.

  Sùi mào gà là bệnh xã hội nguy hiểm và dễ lây.

Sùi mào gà là bệnh xã hội nguy hiểm và dễ lây.

Bệnh sùi mào gà lây qua đường nào?

Bác sĩ CK II Nguyễn Thị Thanh Thơ, Phó trưởng Khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết, mới đây bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho một bé trai 18 tháng bị mắc sùi mào gà. Điều đáng chú ý là bé lây bệnh sùi mào gà từ người bố của mình.

Bố bé bị sùi mào gà, trong một lần vệ sinh cho bé đã không cẩn thận làm lây virus sang con trai.

Bác sĩ Thơ cho biết, ở trẻ em, con đường mắc bệnh lây qua đường tình dục có thể khác nhau tùy theo lứa tuổi. Trẻ dưới 2 tuổi thường bị lây bệnh từ mẹ trong quá trình mang thai, sinh nở; hoặc trong quá trình chăm sóc, người thân do không vệ sinh kỹ trước khi chăm sóc bé.

Đối với trẻ từ 2 - 10 tuổi, lạm dụng tình dục có thể xem là đường lây truyền chính.

Sùi mào gà là bệnh xã hội vô cùng nguy hiểm. Bệnh lây từ người sang người qua 4 đường sau:

Thứ nhất, lây qua đường tình dục: Những người có đời sống tình dục không an toàn sẽ có khả năng cao bị sùi mào gà.

Thứ hai, lây sùi mào gà qua tiếp xúc vết thương hở: Nếu bạn tiếp xúc với vết thương hở của người mắc bệnh sùi mào gà sau đó chạm vào những vùng da nhạy cảm hoặc các vết thương hở của bản thân thì khả năng lây nhiễm rất cao.

Thứ ba, sùi mào gà lây nhiễm từ mẹ sang con: Hầu hết trẻ nhỏ lây truyền nhiễm virus HPV theo đường mẹ sang con. Thai phụ mắc bệnh sùi mào gà, khả năng lớn là cổ tử cung nhiễm virus HPV. Khi sinh con, trẻ sẽ tiếp xúc với những nốt sùi chứa virus ở âm đạo của mẹ và bị lây nhiễm.

  Sùi mào gà có thể lây từ mẹ sang con qua đường sinh nở.

Sùi mào gà có thể lây từ mẹ sang con qua đường sinh nở.

Thứ tư, sùi mào gà lây truyền qua đồ dùng cá nhân: Virus HPV có khả năng tồn tại ở ngoài môi trường cơ thể trong một thời gian khá dài. Do đó có thể lây truyền dễ dàng từ người này sang người kia.

Các vật dụng như quần áo, khăn tắm, bàn chải đánh răng, sữa rửa mặt... đều có thể chứa virus HPV nên tuyệt đối không dùng chung đồ dùng với người bị bệnh.

Cần làm gì để trẻ không bị lây sùi mào gà?

Bác sĩ Thơ cũng khuyến cáo: Đối với phụ nữ, nếu đã lên kế hoạch có con, cần đi khám để phát hiện các bệnh lý phụ khoa, bệnh lây qua đường tình dục. Khi có thai, nên có chế độ khám thai và làm xét nghiệm tầm soát các bệnh lây qua đường tình dục định kỳ để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, tránh các hậu quả trầm trọng có thể xảy ra cho cả thai nhi và người mẹ. 

Người lớn trước khi vệ sinh cho trẻ cần vệ sinh tay sạch sẽ, tránh truyền virus qua cho trẻ.

Đối với trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, phụ huynh cần dạy trẻ các kỹ năng như giữ khoảng cách với người lạ, tránh xa nơi vắng vẻ, không được để người lạ đụng chạm vào cơ thể. Đặc biệt cần nhắc trẻ, với vùng kín thì chỉ có mẹ, bà, bác sĩ khám bệnh mới được đụng vào.

Đối với trẻ lớn hơn, phụ huynh và nhà trường nên trang bị kiến thức về giới tính để trẻ tự bảo vệ chính mình.

Xem thêm clip: Những dịch bệnh chết người trông như thế nào trên cơ thể bạn?

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO