Báo Điện tử Gia đình Mới

Bệnh bạch hầu có nguy hiểm không? Bệnh bạch hầu lây lan thế nào?

Vừa có thêm 1 ca tử vong vì bệnh bạch hầu và đây là ca tử vong thứ 2 trong tổng số 24 ca mắc bạch hầu được ghi nhận ở nước ta từ đầu năm đến nay.

Trường hợp tử vong thứ 2 vì bệnh bạch hầu là bé trai G.A.P. (13 tuổi, dân tộc H’Mông, ở huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông).

Trước đó, bệnh nhi nhập viện vì sốt, ho, đau họng và chưa tiêm ngừa bạch hầu trước đây. Mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực hồi sức và điều trị nhưng bệnh nhi đã không qua khỏi và đã tử vong.

Trước đó, ngày 20/6, khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng tiếp nhận bé gái 9 tuổi (người H’Mông, ngụ huyện Đắk Glong, Đắk Nông) được chẩn đoán bạch hầu ác tính biến chứng tim, thận do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông chuyển đến. Các bác sĩ đã nỗ lực hồi sức cho bệnh nhi. Tuy nhiên, sau 2 giờ cấp cứu, bệnh nhi không qua khỏi.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn nhiễm độc cấp tính và nguy hiểm, có thể gây chết người và chưa được loại trừ ở nước ta.

  Bệnh bạch hầu với đặc trưng là có giả mạc (màng giả) ở các vùng a-mi-đan, hầu họng, thanh quản. Ảnh minh họa

Bệnh bạch hầu với đặc trưng là có giả mạc (màng giả) ở các vùng a-mi-đan, hầu họng, thanh quản. Ảnh minh họa

Bệnh bạch hầu với đặc trưng là có giả mạc (màng giả) ở các vùng a-mi-đan, hầu họng, thanh quản. Bệnh cũng có thể xuất hiện trên da hoặc các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc niêm mạc của đường tiết niệu-sinh dục.

Bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng và gây thành dịch. Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm phải những dòng vi khuẩn bạch hầu (tên khoa học là Corynebacterium diphtheriae) có khả năng sản sinh ngoại độc tố (độc tố bạch hầu).

Bệnh bạch hầu có nguy hiểm không?

Theo chia sẻ của TS.BS Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bạch hầu là một bệnh rất nguy hiểm.

Trong các thể bệnh nặng (ví dụ bạch hầu thanh quản), người bệnh thường có tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc rất nặng, ngoại độc tố bạch hầu ngoài gây tổn thương tại chỗ là giả mạc còn gây nhiễm độc thần kinh, viêm cơ tim, có thể dẫn đến tử vong trong vài ngày đến 1 tuần. Tỉ lệ tử vong 5 - 10%.

  Bệnh bạch hầu có thể lây truyền qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện và trở thành dịch nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Ảnh minh họa

Bệnh bạch hầu có thể lây truyền qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện và trở thành dịch nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Ảnh minh họa

Bệnh bạch hầu lây lan thế nào?

Theo bác sĩ Tuấn, có các phương thức lây truyền của vi khuẩn bạch hầu như sau:

- Lây truyền trực tiếp do hít phải chất tiết từ đường hô hấp của người bệnh (là các giọt nước nhỏ li ti phát ra từ đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện).

- Trong nhiều trường hợp khác, vi khuẩn trong chất tiết từ đường hô hấp của người bệnh có thể lây nhiễm và tồn tại trên bề mặt của các đồ vật xung quanh người bệnh từ vài ngày đến vài tuần; trong sữa, nước uống vi khuẩn sống đến 20 ngày; trong tử thi vi khuẩn sống được 2 tuần… Từ đó, vi khuẩn có thể lây nhiễm vào người lành và gây bệnh.

- Nguồn lây truyền: Người bệnh và/hoặc người lành mang mầm bệnh.

- Thời kỳ lây truyền: Cuối thời kỳ ủ bệnh hoặc ngay khi khởi phát bệnh, có thể kéo dài từ 2-4 tuần.

  Bệnh bạch hầu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ đều có khả năng mắc bệnh. Ảnh minh họa

Bệnh bạch hầu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ đều có khả năng mắc bệnh. Ảnh minh họa

Những đối tượng nào dễ mắc bệnh bạch hầu?

Bệnh bạch hầu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ đều có khả năng mắc bệnh. Tuy nhiên với trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, người cao tuổi có sức đề kháng yếu, hoặc những người mắc các bệnh mạn tính, người đang phải sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch (làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể) thì sẽ dễ mắc bệnh hơn.

Các cộng đồng dân cư có mật độ dân số cao cũng có khả năng lây lan bệnh nhiều và nhanh.

Các triệu chứng bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện trong vòng 2 - 5 ngày sau khi nhiễm phải vi khuẩn như:

- Hình thành các giả mạc màu trắng ngà hoặc xám ở các vùng a-mi-đan, hầu họng, thanh quản; đặc điểm của giả mạc là bám chặt vào các mô viêm xung quanh, nếu bóc ra sẽ chảy máu

- Các triệu chứng phổ biến khác: Sốt, ớn lạnh, sưng cổ, ho, viêm họng, da xanh tái, chảy nước dãi, cảm giác lo lắng

- Khi bệnh tiến triển nặng lên, có thể xuất hiện triệu chứng hó thở, khó nuốt, thay đổi thị lực, nói lắp.

Khi chẳng may mắc bệnh bạch hầu, những biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải gồm: Sốc; Nhiễm độc thần kinh, tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác; Viêm cơ tim.

  Cha mẹ nên cho trẻ em đi tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu đầy đủ và đúng lịch. Ảnh minh họa

Cha mẹ nên cho trẻ em đi tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu đầy đủ và đúng lịch. Ảnh minh họa

Người đã tiêm chủng có nguy cơ nhiễm lại bệnh hay không? 

Người đã tiêm phòng bệnh bạch hầu hoặc đã từng mắc bệnh bạch hầu thì sẽ có miễn dịch lâu dài suốt đời. Theo lý thuyết, những đối tượng này sẽ không mắc lại bệnh nữa.

Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý rằng bản chất của vắc-xin là giải độc tố (tức là chính bản thân của ngoại độc tố bạch hầu được xử lý làm cho bất hoạt), cho nên người đã được tiêm đầy đủ liều vắc-xin và có khả năng miễn dịch vẫn có thể nhiễm vi khuẩn và gây ra các bệnh tại chỗ như viêm họng.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý trong các trường hợp khác mặc dù hiếm gặp, là cơ thể có một khiếm khuyết nào đó trong hệ miễn dịch nên mặc dù được tiêm vắc-xin cũng không tạo ra khả năng miễn dịch và khả năng miễn dịch cũng có thể giảm dần theo thời gian.

Để đánh giá hiệu quả của tiêm vắc-xin bạch hầu, có thể thực hiện phản ứng Schick. Nếu phản ứng Schick (+), có nghĩa là cơ thể không có kháng thể bạch hầu và cần phải tiêm vắc-xin; nếu phản ứng Schick (-), có nghĩa là trong cơ thể đã có kháng thể trung hoà độc tố và không cần tiêm vắc-xin.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, nhất là gia đình có con nhỏ, bác sĩ Tuấn khuyến cáo:

  • Cho trẻ em đi tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu đầy đủ và đúng lịch.
  • Nên vệ sinh phòng bệnh bằng cách giữ nhà ở, nhà trẻ, lớp học, phòng làm việc… phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng mặt trời; thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn, tẩy uế nhà cửa phòng ốc…
  • Nên hướng dẫn trẻ vệ sinh tay với nước và xà phòng ở các thời điểm trước khi ăn, sau khi vệ sinh, khi nhìn thấy tay bẩn; hướng dẫn trẻ vệ sinh thân thể: tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo thường xuyên hàng ngày; hướng dẫn trẻ vệ sinh hô hấp: dùng khăn giấy che mũi và miệng khi ho, hắt hơi; sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác (tốt nhất là loại có nắp đậy) và vệ sinh tay ngay với nước và xà phòng.
  • Nên hạn chế đến nơi tụ tập đông người nếu không cần thiết, nhất là những địa phương đang có dịch.

Lịch tiêm chủng bệnh bạch hầu

Vắc-xin phòng bệnh bạch hầu thường được kết hợp với các vắc-xin phòng bệnh khác (ví dụ: uốn ván, ho gà… trong Chương trình tiêm chủng mở rộng) trong cùng 1 mũi tiêm. Lịch tiêm chủng cũng có thể có chút sự thay đổi đối với các đối tượng trẻ nhỏ, trẻ lớn, người lớn, phụ nữ có thai… 

- Thông thường, trẻ nhỏ cần tiêm 3 mũi đầu cách nhau 1 tháng, 1 mũi nhắc lại cách 1 năm, tiếp theo sau đó là mũi nhắc lại cách 7-10 năm. Đối với trẻ lớn và người lớn, cần tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng, mũi nhắc lại cách 9-12 tháng, tiếp theo sau đó là mũi nhắc lại cách khoảng 10 năm. 

- Khi tiêm chủng cần lưu ý một số điều sau: Nếu bị sốt, cần đợi thân nhiệt hạ về mức bình thường rồi mới tiêm. Đối với người lớn có bệnh nền, cần đợi bệnh thuyên giảm rồi mới tiêm và có sự theo dõi của bác sĩ. Đối với phụ nữ có thai: tiêm phòng bạch hầu trong 3 tháng cuối thai kỳ (từ tuần 27 đến trước tuần 35), giúp bảo vệ em bé khi ra đời.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO