Báo Điện tử Gia đình Mới

Bệnh viện E ‘về nguồn’ chăm sóc sức khỏe người dân Cần Kiệm

Cuối tuần qua, Bệnh viện E tổ chức khám chữa bệnh từ thiện tại xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội (Hà Tây cũ) – nơi đã cưu mang các y bác sĩ và người bệnh trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, từ 1967 – 1975.

Với chủ đề “Về nguồn”, chuyến đi đầy ý nghĩa này đã giúp các thế hệ thầy thuốc trẻ hôm nay hiểu được những giá trị lịch sử, sự hy sinh xương máu, của cải vật chất, nhà cửa của người dân xã Cần Kiệm trong quá khứ, để từ đó quyết tâm xây dựng Bệnh viện E trở thành một địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của người dân trong và ngoài nước.

Đây cũng là một hoạt động thiết thực kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2018) và 2 năm Ngày Công tác xã hội Việt Nam (25/3/2016 - 25/3/2018).

Ngay từ sáng sớm, tại Trạm y tế xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất đã rất đông người dân đến khám chữa bệnh. Ông Kiều Văn Sơn – Bí thư Đảng ủy xã Cần Kiệm chia sẻ, hôm nay bà con vui lắm, nhất là khi họ nghe tin có đoàn bác sĩ là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện E về khám cho bà con.

Bởi những người dân ở đây luôn dành tình cảm trân quý nhất cho Bệnh viện E. Họ càng ấm lòng khi thấy các cán bộ Bệnh viện E trở về khám và chăm sóc sức khỏe cho người dân nơi đây. Ông Tạ Văn Thảo (70 tuổi, ở thôn Yên Lạc 2) xúc động vì buổi khám thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của người thầy thuốc trẻ hôm nay.

Ông Lê Văn Mão (xã Cần Kiệm) tâm sự, trước đây, cũng giống nhiều gia đình ở Cần Kiệm, gia đình ông đã không tiếc nhà cửa, ruộng vườn, sức người chi viện, hỗ trợ cho các hoạt động của Bệnh viện E trong công tác khám chữa bệnh. Nay, ông được các bác sĩ khám bệnh, phát thuốc và tặng quà thấy ấm áp tình người…

GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E xúc động chia sẻ: Thay mặt Ban Giám đốc Bệnh viện xin nhận lỗi cùng toàn thể bà con vì hơn 40 năm Bệnh viện mới có cơ hội quay trở về với xã Cần Kiệm.

Các bác sĩ Bệnh viện E về với Cần Kiệm như trở về ngôi nhà thân thương, nơi cưu mang tất cả thầy thuốc, bệnh viện trong những ngày đầu gian khó.

Empty

Lật giở trang sách trong cuốn kỷ yếu 50 năm xây dựng và phát triển của Bệnh viện E, sẽ thấy: “Vào những ngày tháng 10 năm 1967, khi đất nước còn đang trong giai đoạn chống Mỹ, trước yêu cầu chi viện cho chiến trường, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập BV E do bác sĩ Trịnh Kim Ánh làm giám đốc, cùng 100 cán bộ y, bác sĩ.

Vượt qua mọi khó khăn, vất vả với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt – Tất cả để đánh thắng Mỹ xâm lược”, BV đã xây dựng 40 ngôi nhà tranh, tre tại xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Tây (cũ) để đón tiếp bệnh nhân”.

Với nhiệm vụ nhanh chóng phục hồi sức khỏe cho cán bộ miền Nam để cung cấp nhân lực cho tiền tuyến, BV đã vinh dự đón rất nhiều chiến sĩ anh hùng miền Nam như chị Trần Thị Lý, chị Phan Thị Quyên. Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước như đồng chí Phạm Văn Đồng tới thăm và động viên tinh thần tập thể CBVC BV...”

Đã có rất nhiều gia đình ở xã Cần Kiệm nhường nhà cửa, vườn tược và lương thực để các cán bộ y tế có chỗ để làm nơi khám chữa bệnh, nơi để máy điện quang, nơi để thuốc chữa bệnh...

Empty

Hơn 40 năm đã trôi qua nhưng khi tới thăm những gia đình đó, GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện cùng Ban Giám đốc BV, đại diện một số khoa phòng không khỏi xúc động.

Gia đình ông Kiều Văn Tuyến (đã mất) và bà Kiều Thị Vinh; gia đình ông Kiều Văn Thẩm (đã mất) và bà Kiều Thị Ba (đã mất) sẵn sàng nhường cho Bệnh viện căn nhà lá 3 gian để làm nơi cất giữ thuốc và bào chế thuốc của Bệnh viện. Những người dân ấy kiên trung giờ đã không còn, nhưng tấm lòng cao cả của họ vẫn được thế hệ sau nhắc tới với sự trân trọng nhất.

Ngôi nhà lá 3 gian năm nào giờ đã thay bằng những căn nhà kiên cố của những người con, cháu ông bà đã sống và làm việc với nghề gỗ truyền thống. Gia đình bà Cấn Thị Sáu (82 tuổi, thôn Yên Lạc 2, xã Cần Kiệm) đã nhường nhà cho Ban Giám đốc Bệnh viện có nơi làm việc, họp hành và nghỉ ngơi.

Khi đó, GS Trịnh Kim Ảnh cùng Ban Giám đốc Bệnh viện đã làm việc và sống tại căn nhà của gia đình, còn gia đình bà thì chuyển xuống căn nhà dưới sinh sống.

Tuy tuổi đã cao, sức khỏe yếu nhưng bà Cấn vẫn nhớ như in những tháng năm đầy hào hùng đó. Hình ảnh những người thầy thuốc quên mình trong gian khó, sẵn sàng cứu chữa người bệnh. Những người bệnh “đặc biệt” sau này bà mới biết đó là những anh hùng chiến sĩ miền Nam như chị Trần Thị Lý, chị Phan Thị Quyên đã từng được chữa bệnh và sống tại đây…

Tri ân những hy sinh thầm lặng của bà Sáu, GS.TS Lê Ngọc Thành và PGS.TS Hà Kim Trung đã trực tiếp thăm khám sức khỏe cho bà ngay tại nhà. Vết thương trên đầu bà được PGS Trung khám cận thận và chỉ định cho làm các xét nghiệm cần thiết và chụp MRI vào tuần này tại Bệnh viện E nhằm chấn đoán bệnh cho bà.

Tại thôn Yên Lạc 2, xã Cần Kiệm, đoàn công tác đã tới thăm lại nơi cấp cứu cho bệnh nhân nặng được chuyển từ miền Nam ra Bắc. Căn nhà và khu đất xung quanh vẫn còn nguyên vẹn như chứng nhân lịch sử năm nào, nhắc nhớ bao kỷ niệm với thế hệ những người thầy thuốc ở Bệnh viện E.

Empty

Cách đó, không xa là căn nhà của gia đình ông Lê Văn Tốn (82 tuổi) được nhường làm nơi để máy điện quang, chụp hình ảnh phim giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác.

Ông Tốn vẫn còn nhớ hình ảnh GS Trịnh Kim Ảnh cùng các thầy thuốc của Bệnh viện hàng ngày đến nhà ông đào hầm dưới nền nhà để đặt máy điện quang…

Ông Tốn tâm sự, dù nhường toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn cho Bệnh viện cũng là làm việc cho cách mạng nên gia đình chưa bao giờ sợ mất và coi đó là niềm tự hào. Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình ông Tốn sau này gặp khó khăn, nhất là sau khi 2 người con của ông mất sớm vì bạo bệnh, hai ông bà già đành nương tự vào nhau sống nốt quãng đời còn lại.

Thương cảm trước hoàn cảnh gia đình của ông Tốn, GS.TS Thành cũng khám bệnh cho cả 2 ông bà ngay tại nhà và hứa sẽ giúp ông bà xây dựng lại căn nhà mới vào thời gian sớm nhất. Đôi mắt già nua của ông Tốn và vợ rưng rưng trước sự quan tâm kịp thời của Ban Giám đốc Bệnh viện.

Đoàn công tác đã tới dâng hương tại nhà lưu niệm nơi Hồ Chí Minh về công tác 19 ngày tại xã Cần Kiệm. Sau khi lắng nghe những tháng ngày công tác của Người ở mảnh đất Cần Kiệm anh hùng, GS.TS Lê Ngọc Thành đã viết đôi dòng cảm tưởng: “Đoàn công tác BV E bao gồm Ban lãnh đạo, cán bộ viên chức, cùng Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam, hội tán trợ - Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật.

Đoàn cũng tới thăm nơi làm việc của Bệnh viện E trong những năm 1967 -1975. Đồng thời thăm nơi làm việc 19 ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó thấu hiểu tinh thần dân tộc, ý chí chiến đấu của cả dân tộc mà Chủ tịch đã khơi dậy trong lòng mọi người…”.

GS Thành khẳng định, với chủ đề “Về nguồn”, chuyến đi đầy ý nghĩa này đã giúp các thế hệ thầy thuốc trẻ hôm nay hiểu được những giá trị lịch sử, sự hy sinh xương máu, nhà cửa của người dân xã Cần Kiệm trong quá khứ, để từ đó, có quyết tâm xây dựng Bệnh viện E trở thành một địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của người dân trong và ngoài nước.

Empty

Đoàn công tác tiếp tục dâng hương tại Tượng đài cảm tử quân tại núi Nứa – xã Cần Kiệm. Tại đây tưởng niệm 11 liệt sĩ thời chống Pháp đã anh dũng hy sinh để bảo vệ từng lùm cây, mỏm núi, chiến đấu tiêu diệt địch đến viên đạn cuối cùng…vào ngày 11/3/1953, tại dốc núi Nứa, xã Cần Kiệm.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng tinh thần quyết tâm đánh giặc, sẵn sàng hy sinh để giữ đất, giữ làng vẫn còn sống mãi trong tâm khảm của bao lớp người dân Cần Kiệm.

Buổi khám chữa bệnh từ thiện (khám bệnh tổng quát, siêu âm, làm điện tim, xét nghiệm đường máu, nước tiểu…) cho 420 người dân là người cao tuổi, trẻ em, người nghèo, gia đình chính sách, người khuyết tật tại xã Cần Kiệm kết thúc.

GS.TS Lê Ngọc Thành chia sẻ thêm, lần khám chữa bệnh từ thiện này vô cùng đặc biệt, nên Bệnh viện huy động nhiều giáo sư, phó giáo sư đầu ngành như tim mạch, chấn thương, sọ não, cơ xương khớp và nhiều chuyên khoa khác như mắt, răng hàm mặt, thận tiết niệu…

Tại buổi khám này, đã có nhiều trường hợp được phát hiện bệnh tật và tư vấn kịp thời. Với những trường hợp bệnh khó, bệnh nặng, người dân sẽ được chỉ định lên khám và điều trị tại Bệnh viện E.

Đặc biệt, đối với 4 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn mà có công giúp đỡ Bệnh viện trong quá khứ, sẽ được Bệnh viện “đón” lên điều trị tiếp tục miễn phí. Theo các bác sĩ, bệnh tật người dân ở đây thường mắc: Viêm dạ dày, đau cột sống thắt lưng, viêm mũi họng, viêm amydal, thoái hóa khớp, hội chứng đau vai gáy, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể…

Tổng chi phí cho hoạt động khám bệnh, phát thuốc và tặng quà cho bà con xã Cần Kiệm được Bệnh viện E huy động từ nguồn xã hội hóa do Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam tài trợ, 3/5 ngôi nhà tình nghĩa ở xã Cần Kiệm với trị giá 150 triệu đồng do Hội tán trợ - Hội chữ thập đỏ Việt Nam tài trợ.

Thanh Xuân/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO