Bí kíp bảo vệ thận khỏe mạnh của giáo sư đầu ngành

Bình luận

Giáo sư Nguyễn Nguyên Khôi, Nguyên trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai cho rằng, để bảo vệ thận khỏe mạnh, tránh bị suy thận thì cần lưu ý chế độ ăn uống, sinh hoạt dưới đây.

  Ăn sạch, uống sạch là bí kíp giúp thận luôn khỏe mạnh

Ăn sạch, uống sạch là bí kíp giúp thận luôn khỏe mạnh

Ăn sạch

Thận là một trong những cơ quan quan trọng giúp cơ thể đào thải các độc tố, cặn bã ra ngoài. Theo GS Nguyễn Nguyên Khôi, khi chúng ta ăn càng nhiều, nhất là ăn những thực phẩm bẩn (thực phẩm chứa nhiều hóa chất, có nguồn gốc rõ ràng, thực phẩm được chế biến không sạch sẽ…) sẽ làm thận phải làm việc nhiều hơn và phải làm việc quá sức trong thời gian dài sẽ dẫn đến thận yếu, thận hư, thậm chí là hỏng thận.

Chính vì vậy, để bảo vệ thận khỏe mạnh cần hình thành thói quen ăn sạch (chọn lựa nguồn thực phẩm sạch, thực phẩm cần được chế biến sạch) để thận không phải làm việc quá sức xử lý các chất độc, cặn bã tồn đọng trong cơ thể.

Uống sạch

Thận giống như một “máy lọc nước” của cơ thể. Nếu thường xuyên uống nước không đảm bảo, chứa nhiều hóa chất độc hại, kim loại nặng, cặn bẩn sẽ làm thận hoạt động quá sức, lắng đọng các cặn bã trong thận dẫn đến thận suy yếu, hình thành sỏi thận. Do đó, để thận luôn khỏe mạnh cần lựa chọn nguồn nước sạch để sử dụng, nên ăn chín, uống sôi và cần uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày để tốt cho sức khỏe.

Ăn thực phẩm ít đạm

Thường xuyên ăn thực phẩm nhiều đạm, đồ chiên xào, các loại thịt đỏ sẽ gây căng thẳng lên thận bởi vì chúng phải xử lý lượng calo dư thừa, chất độc hoặc protein. Nếu phải làm việc căng thẳng trong một thời gian dài sẽ làm thận “kiệt sức”, dẫn đến suy yếu, hư hỏng. Vậy nên, trong bữa ăn hàng ngày cần đan xen đa dạng các loại thực phẩm, hạn chế các món ăn nhiều đạm và thay vào đó là các loại rau xanh, hoa quả để giúp hộ máy tiêu hóa hoạt động hiệu quả nhất.

  Hình thành thói quen ăn nhạt để bảo vệ thận khỏe mạnh

Hình thành thói quen ăn nhạt để bảo vệ thận khỏe mạnh

Hình thành thói quen ăn nhạt

Người Việt thường có thói quen ăn mặn và thích ăn những món được chế biến mặn như mắm, cá muối, thịt muối, dưa muối, cà muối…, mà không biết rằng, ăn quá mặn sẽ ảnh hưởng tới thận.

Ăn nhiều muối sẽ khiến cơ thể phải thu nạp nhiều nước, dẫn tới tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Đặc biệt, với những người đã mắc bệnh thận mà vẫn có thói quen ăn mặn thì bệnh sẽ ngày càng tăng nặng hơn. Nhưng nếu giảm lượng muối thì chức năng thận sẽ được cải thiện đáng kể.

Ăn mặn cũng là nguyên nhân gây ra các chứng bệnh như sỏi thận, thận nhiễm mỡ,... Do đó, để giúp bảo vệ thận hiệu quả cần bỏ thói quen ăn mặn, hạn chế những món được chế biến mặn. Thay vào đó là những món luộc, hấp thanh đạm, chứa nhiều nước để thận hoạt động trơn tru.

Sử dụng thuốc đúng cách

Theo Giáo sư Khôi, việc tự ý mua các loại thuốc Đông y, Tây y về uống cũng là thói quen không tốt gây hại cho thận. Rất nhiều người bệnh vào viện vì suy thận nặng chỉ vì trước đó uống thuốc không rõ nguồn gốc để chữa đau nhức xương khớp, đau dạ dày, ngứa ngoài da…

Người bệnh nên nhớ rằng phải uống thuốc đúng bệnh, theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh tiền mất tật mang, gây ảnh hưởng không tốt cho gan, thận.

Đặc biệt, bệnh đái tháo đường và bệnh tăng huyết áp rất dễ dẫn đến suy thận. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường cần phải hết sức chú ý và kiểm soát tốt đường máu của mình để dự phòng suy thận. Còn người bệnh tăng huyết áp cần phải kiểm tra huyết áp thường xuyên, dùng thuốc theo chỉ định và phải điều chỉnh chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp để luôn giữ huyết áp ổn định.

Tập luyện thể thao

Mỗi ngày tập luyện thể dục 30 phút với các môn thể thao yêu thích như đi bộ, chạy, đạp xe, bơi, tập gym, yoga… giúp tăng cường sức khỏe và bảo vệ thận hiệu quả.

Những dấu hiệu phát hiện sớm bệnh suy thận 

GS Nguyễn Nguyên Khôi cho biết, mỗi người bệnh có thể có những biểu hiện bệnh khác nhau, nhưng phổ biến là các dấu hiệu như: 

- Da xanh xao, thiếu máu dẫn đến cơ thể bị mệt mỏi, uể oải thường xuyên 

- Cơ thể bị phù nề 

- Nước tiểu thay đổi màu sắc do tăng đạm 

- Ngoài ra, người bệnh còn có những biểu hiện như: mệt mỏi, buồn nôn, ngứa hoặc phát ban, hơi thở có mùi amoniac, thở nông, ớn lạnh, hoa mắt, chóng mặt và mất tập trung, đau lưng hoặc đau cạnh sườn…

Bạn đang xem bài viết Bí kíp bảo vệ thận khỏe mạnh của giáo sư đầu ngành tại chuyên mục Chỉ dẫn của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
An Bình