Những bí quyết giúp việc ăn dặm trở nên nhàn tênh

Bình luận

Ăn dặm luôn được coi là giai đoạn thách thức cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, mẹ đừng lo lắng. Hãy bỏ túi một vài bí quyết giúp việc ăn dặm trở nên nhàn tênh sau đây.

Những bí quyết giúp việc ăn dặm trở nên nhàn tênh 0

Chuyên gia dinh dưỡng Cassandra Barns và chuyên gia ẩm thực cho bé Babease của Anh đã đưa ra vài bí quyết giúp việc ăn dặm trở nên nhàn tênh, các mẹ thử áp dụng nhé!

Những bí quyết giúp việc ăn dặm trở nên nhàn tênh gồm:

Chỉ cho ăn một loại thực phẩm trong một khoảng thời gian nhất định

Những tuần đầu khi bé mới ăn dặm, tốt nhất là chỉ cho bé ăn một loại thức ăn. Cách này giúp bé quen với mùi vị và hình dạng thức ăn mới, đồng thời giúp cho việc quan sát phản ứng của bé với thức ăn được tốt hơn (bé có dị ứng với loại thức ăn này không…). Hỗn hợp 2 hay nhiều thức ăn chỉ nên được sử dụng sau vài tuần ăn dặm, và tốt nhất là sau khi bé đã thử hương vị của tất cả những loại thực phẩm đó một cách riêng lẻ.

Không cho bé ăn quá nhiều hoa quả

Khi cho bé ăn dặm, cần tránh tập trung vào hoa quả. Nếu cho ăn hoa quả nhiều, bé sẽ thích thực phẩm ngọt và điều này khiến bé không thích rau cũng như những loại thức ăn mặn khác. Những loại rau có vị hơi ngọt như khoai tây, carot có thể là một sự khởi đầu tuyệt vời cho bé khi ăn dặm bởi chúng dễ tiêu hóa.Khi mua thực phẩm chế biến sẵn cho bé, cần kiểm tra thành phần nguyên liệu bởi nhiều loại thực phẩm ăn dặm ghi là rau nhưng thực ra nguyên liệu lại chủ yếu là hoa quả ngọt.Hoa quả xay nhuyễn và thực phẩm đóng hộp không được khuyến khích sử dụng cho bé ăn dặm.

Ăn ít

Khi mới bắt đầu ăn dặm, nên cho bé ăn ít, thậm chí chỉ ăn 1 thìa cà phê. Hệ tiêu hóa của bé buộc phải làm quen với việc tiêu hóa thức ăn “chính hiệu”, dẫn tới việc sản xuất nhiều loại enzyme tiêu hóa khác nhau cũng như sự thay đổi vi khuẩn đường ruột. Dần dần, bé có thể “xử lý” được nhiều thức ăn hơnvà ít sữa đi!

Kiên trì

Hãy kiên trì khi bé tỏ ra không thích thức ăn mới ngay. Các em bé thường tỏ ra dễ thích nghi với những mùi vị và hình dạng thức ăn mới trong năm đầu đời. Vì thế, hãy cho bé làm quen với càng nhiều loại thức ăn càng tốt. Nhiều khi bé cần tới từ 10-15 lần trước khi thực sự thích một loại thức ăn nào đó. Do đó, mẹ hãy kiên trì nhé!

Cẩn trọng với thức ăn có đường

Những thực phẩm như bánh quy dành cho trẻ em, bánh pudding… thường chứa nhiều đường nên tốt nhất là tránh chúng ra.Ngoài ra, những loại quả khô và snack hoa quả ép cũng chứa rất nhiều đường. Nếu cho trẻ uống nước ép, nên nhớ là pha 1 phần nước ép với 10 phần nước để đảm bảo giảm nguy cơ sâu răng cho bé.

Cho bé ăn cùng gia đình

Hãy cố gắng để bé ăn cơm cùng gia đình nhiều nhất có thể. Các em bé có thể được học rất nhiều từ những bữa ăn gia đình đó. Hãy cố gắng cho bé ăn thức ăn cứng vào cùng một thời điểm mỗi ngày và cho bé ăn những thức ăn mà gia đình đang ăn để bé quen với khẩu vị đó (nhớ là không thêm muối, đường hay bất cứ một loại thực phẩm nào không phù hợp với bé nhé)!

Để bé tự chọn cách ăn

Các em bé đều khác nhau. Đừng lo lắng về việc bé ăn được bao nhiêu khi bắt đầu bởi điều quan trọng là bé làm quen với những mùi vị và hình dạng thức ăn khác nhau. Nếu bé thích tự mình bốc ăn hoặc cầm thìa khi bạn đút cho bé, hãy chiều theo bé nhé! Khi bé tỏ ra không hào hứng, hãy rời bữa ăn dặm sang ngày khác.

Bạn đang xem bài viết Những bí quyết giúp việc ăn dặm trở nên nhàn tênh tại chuyên mục Ăn dặm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Hiền Thảo