Bí quyết trường thọ của vận động viên 103 tuổi: Không ăn thịt, trứng, chỉ ăn rau

Bình luận

Dù đã 103 tuổi, vận động viên điền kinh Man Kaur vẫn có thị lực, thính lực rất tốt, trí óc cụ vẫn vô cùng minh mẫn. Cùng tìm hiểu bí quyết trường thọ của cụ nhé!

 1. Cuộc đời của vận động viên điền kinh 103 tuổi Man Kaur

Cụ Man Kaur sinh năm 1916 và được nuôi dạy bởi ông bà ngoại tại Patiala, Ấn Độ vì mẹ cụ mất ngay sau khi sinh cụ.

  Cụ Man Kaur trên đường tập.

Cụ Man Kaur trên đường tập.

Dù được cho đi học từ nhỏ, nhưng cụ Kaur không thích thú việc học lắm.

"Tôi thích trốn học, chạy đi lung tung hay làm việc kiếm tiền hơn" - cụ kể lại.

Công việc của cụ thời trẻ là dệt dây rút cho đồ ngủ, thu thập cành từ cây neem để bán hay xay lúa mì hoặc kéo sợi. Về sau, cụ được thuê làm cô giữ trẻ và người giúp việc cho nữ hoàng tại Patiala. Công việc chính trong hoàng cung của cụ là phục vụ nữ hoàng và chăm nuôi hoàng tử.

Năm 1934 cụ lấy chồng, sinh con và chuyển nghề sang làm đầu bếp, làm việc trong các gia đình ở thành phố.

Cụ Kaur có 3 con. Cả 3 người đều là những vận động viên điền kinh. Người con trai thứ Gurdev Singh hiện nay chính là huấn luyện viên và là người cổ vũ cho cụ nhiều nhất. 

"Tôi đã thi chạy từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tôi là vận động viên điền kinh được 25 năm rồi. Ngoài chạy, tôi còn chơi bóng đá".

  Con trai đồng thời là huấn luyện viên của cụ Man Kaur.

Con trai đồng thời là huấn luyện viên của cụ Man Kaur.

Vào năm cụ Kaur 93 tuổi, một lần ông Gurdev Singh - lúc đó 79 tuổi - đưa cụ tới đường chạy ở trường đại học và tình yêu với môn chạy của cụ được nhen nhóm từ đây.

"Mẹ rất khỏe, không có vấn đề gì về sức khỏe, mẹ di chuyển còn rất nhanh. Tôi nảy ra ý định đưa mẹ tới chạy thử một đoạn 400m trên đường chạy ở trường đại học. Mẹ đã hoàn thành nó, dù chậm. Tôi đã nghĩ rằng mẹ có thể chạy" - ông Singh kể.

Sau 2 năm kể từ ngày bắt đầu luyện tập, cụ Kaur đã có những tiến bộ vượt bậc và được con trai ghi danh tham dự các giải chạy dành cho người lớn tuổi quốc tế mà chính mình tham dự.

Từ khi bắt đầu sự nghiệp thi đấu, cụ Kaur đã tham gia các giải đấu ở Canada, Malaysia, New Zealand, Singapore và Đài Loan. Cụ giành được tổng cộng 32 huy chương vàng. Chiếc huy chương đầu tiên mà cụ nhận được là vào năm 2010 khi tham gia giải chạy chuyên nghiệp Chandigarh. 

Năm 2017, cụ Kaur giành huy chương vàng cho nội dung chạy 100m với thời gian 81 giây tại giải American Master Games ở Canada. Ở giải này, cụ chạy cùng rất nhiều người ở độ tuổi 70 và 80 nhưng đã chiến thắng.

Tại cuộc thi ở Auskland, New Zealand năm 2018 cụ giành huy chương vàng cho cự li 100m, 200, và huy chương vàng môn ném tạ, ném lao.

"Sau khi chiến thắng, mẹ rất phấn khích vì có nhiều người muốn chụp ảnh với mình" - ông Singh nhớ lại.

Hiện cụ Kaur đang luyện tập tích cực để chuẩn bị cho các giải thi đấu sắp tới.

Dù đã 103 tuổi, cụ Kaur vẫn có thị lực và thính lực rất tốt. Cụ ít nói, nhưng khi nói thì giọng vẫn rất khỏe và vang. Trí óc cụ cũng còn rất minh mẫn. Khi ra sân tập, ngoại trừ việc con trai sẽ đi giày giúp còn cụ sẽ tự đi lại cầu thang mà không cần giúp đỡ.

2. Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong thành tích thi đấu ấn tượng của cụ Kaur. Cụ phải tuân theo một chế độ ăn nghiêm ngặt do con trai cụ đưa ra.

Hàng sáng, cụ uống kefir (một dạng sữa lên men), sữa đậu nành và nước ép. Tới 11 giờ sáng, cụ ăn đậu lăng, rau và chapati (một loại bánh mì được làm từ mầm lúa mì). 4 giờ chiều, cụ uống nước ép lúa mì với ăn các loại hạt. Buổi tối, cụ ăn chapati và đậu lăng, rau cùng một cốc sữa đậu nành.

"Tôi phải tránh ăn thức ăn không có lợi. Rất ít khi tôi uống trà, cà phê hay đồ uống mềm. Tôi cũng không ăn bánh ngọt hoặc bánh quy, không đồ ăn chiên rán và bánh kẹo".

Cụ Kaur cũng đã bỏ ăn thịt, thậm chí là ăn trứng 20 năm nay sau khi đọc được rằng việc ăn thịt động vật là điều sai trái.

3. Chế độ sinh hoạt 

Như nhiều vận động viên khác, chế độ sinh hoạt của cụ Man Kaur khá khoa học.

Hàng ngày, cụ dậy lúc 4 giờ sáng, tắm rửa, giặt quần áo, pha trà, cầu nguyện tới 7 giờ. Sau đó, cụ sẽ ra sân luyện tập (chạy nước rút) trong vòng 1 giờ.

Với sự giúp sức từ con trai, cụ đang luyện tập rất chăm chỉ để nâng cao thành tích thi đấu. Nếu năm 2017, thành tích chạy 100m của cụ là 74 giây, thì giờ thành tích là 70 giây.

Để nâng cao tốc độ, cụ Kaur phải ra đường chạy thường xuyên. Mỗi tuần, cụ giành 3 ngày để tập môn ném lao và ném tạ. Trong những ngày chạy nước rút, cụ chạy cự li 30m, 40m và 50m, kết hợp với những ngày chạy 100m, 200m.

Nếu thời tiết không ủng hộ, cụ sẽ đi tập gym và nâng tạ.

Dù đã lớn tuổi nhưng cụ Kaur vẫn rất chăm chỉ. Hiện tại hai mẹ con cụ Kaur sống với nhau, ông Singh nấu ăn còn mẹ thì làm việc nhà, bao gồm cả việc giặt giũ và lau chùi.

Khi được hỏi về bí quyết sống thọ của mình, cụ khuyên : "Hãy thành thật, đối xử với mọi người thật tử tế, đừng làm hại ai".

Bạn đang xem bài viết Bí quyết trường thọ của vận động viên 103 tuổi: Không ăn thịt, trứng, chỉ ăn rau tại chuyên mục Dinh Dưỡng của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Hiền Thảo