Tôi thường thấy rằng mỗi chúng ta đều dễ dàng thể hiện tình cảm yêu thương với mẹ của mình hơn với bố. Bởi những người bố luôn mang một vẻ gì đó nghiêm nghị, đôi khi có phần đáng sợ khiến chúng ta khó mà gần gũi được như mẹ.

Đối với tôi cũng thế. Bố không phải là một người thường xuyên thể hiện tình cảm với người thân trong gia đình, không phải là một người cưng chiều con gái như nhiều ông bố khác. Nhưng ông vẫn là một "tượng đài" trong lòng tôi.

Năm ấy bố tôi còn rất trẻ, còn chưa đến 30 và mẹ tôi đang mang thai những đứa con đầu lòng. Cuộc sống tưởng chừng như vô cùng hạnh phúc khi mỗi ngày trở về ngôi nhà thân thương, nơi những người thân yêu đang chờ đợi và cùng nhau háo hức chờ đến ngày những đứa trẻ chào đời. Bà tôi có lần từng kể, lúc mẹ tôi mang thai, bụng to đến nỗi có thể đặt bát cơm lên đó để ăn mà chẳng cần cầm trên tay.

Nhưng ngày chúng tôi được sinh ra cũng là ngày mẹ tôi ra đi. Chẳng ai có thể hiểu được nỗi đau trong lòng bố lớn đến mức nào, cái ngày tưởng như thiên đường ấy bỗng hóa thành địa ngục bởi sự ra đi của mẹ.

Sau này lớn lên, không ai thực sự nói chuyện một cách nghiêm túc với chúng tôi về mẹ, lại càng tránh nói chuyện với chúng tôi về cái ngày đầy đau đớn ấy, nên chúng tôi - những đứa con trẻ dại mãi mãi không thể hiểu được bố tôi đã phải trải qua những nỗi đau lớn thế nào.

Nhớ có một lần hồi tôi còn học tiểu học, trong khi ngồi nghe bố giảng bài, tôi đã ngắm nhìn đôi bàn tay của bố một cách chăm chú. Đôi bàn tay cháy sạm màu nắng gió và nổi lên những vệt gân xanh.

Một nỗi xót xa kì lạ trào lên trong tim tôi lúc ấy. Đôi bàn tay thô ráp sạm nắng này đã chăm sóc chúng tôi từ khi còn ẵm ngửa cho đến khi trưởng thành, thay cả phần của mẹ.

Nếu trên đời có siêu nhân, tôi dám chắc bố là một trong số ấy. Đối với tôi, bố chính là người mạnh mẽ nhất trên đời. Ông phải chịu đựng nỗi đau mất đi người mình yêu thương, phải từng ngày chôn sâu nỗi đau ấy mà vật lộn với cuộc sống.

Ông không phải là người hay thể hiện tình cảm hoặc trò chuyện thân tình với chúng tôi về những lĩnh vực thuộc về cảm xúc, nên nhiều khi tôi chợt tự hỏi mình, liệu mỗi ngày nhìn thấy chúng tôi, bố có nghĩ đến mẹ và đau buồn từng ấy ngày hay không. Tôi mãi mãi không biết...

Hồi chúng tôi còn học tiểu học, bố đi làm xa cách nhà những 20 cây số, ngày nào cũng đi đi về về bằng chiếc xe Simson màu xanh. Chiếc xe ngày ấy đối với tôi giống như một "chiến mã" oai phong, thỉnh thoảng lại đưa 4 bố con đi chơi phố xá, đi ăn kem và chơi xích đu.

Chiếc xe như một người bạn, một sự kết nối vô hình giữa chúng tôi và bố. Mỗi lần được ngồi phía sau, nhìn tấm lưng rộng và hít hà cái mùi mồ hôi lẫn mùi thuốc lá không thể lẫn đi đâu được, tôi lại thấy bình yên lạ. 

Có một lần khi mới 5-6 tuổi, tôi được bà nội đưa về quê chơi mấy hôm. Ngày chúng tôi đi, bố tôi có ra tiễn. Ông đứng phía xa xa nhìn chúng tôi chuẩn bị bước lên xe.

Bỗng tôi nghe tiếng bố gọi, khi quay lại nhìn, có một điều gì đó thôi thúc tôi chạy lại phía bố vì nhìn ông đứng một mình sao cô đơn quá.

Dù mới chỉ là một đứa trẻ, đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy sự lưu luyến khi chia ly. Giống như một chú chim non bỗng dưng cảm thấy đau đớn khi phải rời xa chiếc tổ của mình. 

Khi chạy lại phía bố, ông đã dang rộng 2 tay đón lấy tôi một cách ân cần, chở che. Ông chỉnh lại áo quần và nói với tôi rằng hãy đi đi. Hình ảnh đó đôi khi vẫn trở đi trở lại trong tâm trí tôi mỗi khi nhớ về tuổi thơ của mình.

Thời gian trôi qua và sự trưởng thành dần kéo chúng tôi xa khỏi gia đình, cất cánh bay đến những chân trời xa hơn, ồn ào nhộn nhịp và nhiều cám dỗ hơn. Những ngày tháng về với bố cũng thưa dần... 

Có một lần, tôi xin phép bố cho đi tình nguyện mùa hè trên Yên Bái, ông đã phản đối kịch liệt vì lo sợ tôi sẽ gặp nguy hiểm ở nơi đất khách quê người. Nhưng thay vì nghe lời ông như trước giờ vẫn thế, tôi lại trốn lên Hà Nội để đi cùng với đội tình nguyện mà không có sự cho phép của ông.

Sau nhiều lần suy nghĩ, tôi gửi cho bố một bức thư dài để giải thích về mong muốn được đi tình nguyện của mình và cam kết với ông sẽ luôn chú ý an toàn. Khi nhận được hồi âm của bố, tôi đã khóc rất nhiều. 

"Các con là tất cả những gì quý giá nhất bố có được trong cuộc đời này, đó là lí do duy nhất mà bố không muốn con đi tình nguyện", bố đã viết như thế trong bức thư gửi cho tôi.

Sau đó ông vẫn để tôi đi. Kể từ đó tới giờ cũng vậy, ông không còn phản đối khi tôi đi đến những miền đất xa xôi, ông để tôi tự do bước đi trên con đường mà tôi muốn.

Hơn hai chục năm cuộc đời của bố dường như chỉ xoay quanh câu hỏi làm sao để mang đến cho chúng tôi một cuộc sống tốt nhất, đầy đủ và ít thiệt thòi nhất. Tôi tự hỏi ông đã dành bao nhiêu thời gian trong chừng ấy năm để nghĩ cho bản thân mình...

Mỗi lần về nhà, tôi đều bắt gặp những chiếc áo của bố đã sờn rách cả, vì chúng đã trải qua rất nhiều năm tháng mà không được thay mới. Tủ quần áo của bố tôi lúc nào cũng chỉ toàn những bộ đồ đã quá quen thuộc với chúng tôi...

Có lẽ ông bố bà mẹ nào cũng sẵn sàng hy sinh nhiều thứ vì con cái mình như vậy. Cả cuộc đời bố chỉ cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất cho chúng tôi mà chẳng bận tâm đến bản thân mình.

Còn chúng tôi chỉ mải mê mơ tới những chân trời cao đẹp mà không nghĩ đến bố ngày xưa cũng từng có một thời trẻ, cũng từng có ước mơ. Còn ước mơ hiện tại của ông lại dành hết cho con cái.

Tôi nghĩ mỗi chúng ta sinh ra đã được trời ban cho một điều phước lành, đó là luôn có người nào đó yêu thương, bảo vệ và quan tâm đến chúng ta vô điều kiện. Vì thế sinh ra được làm con của bố, đối với tôi là một niềm may mắn.

Ông là điều phước lành lớn nhất mà chúng tôi được ban tặng. Và ngay cả khi không có mẹ ở bên, cuộc sống của chúng tôi vẫn luôn hạnh phúc tròn đầy bởi bàn tay vun đắp và chở che của bố. 

Tôi chưa bao giờ hy vọng bố mình sẽ là một người giàu có hơn, tài giỏi hơn, nuông chiều con cái hơn, vì trong mắt tôi ông đã là một ông bố tuyệt vời và ấm áp nhất, là chỗ dựa cho chúng tôi mỗi khi gặp khó khăn trên đường đời, vẫn biết ở nơi phương xa có một bờ vai vững chãi luôn sẵn sàng để chúng tôi dựa vào, có một mái nhà luôn chờ đợi chúng tôi quay về.

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO