Báo Điện tử Gia đình Mới

Bộ Y tế bãi bỏ hàng loạt quy định, tháo gỡ cho doanh nghiệp, tiết kiệm hơn 600 tỷ đồng

Thông tư 29 của Bộ Y tế đã bãi bỏ toàn bộ 28 văn bản và một phần 2 văn bản quy phạm pháp luật, tháo gỡ cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực dược, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm... tiết kiệm 2,4 triệu ngày công và 652 tỷ đồng.

Sáng 12/1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai thông tư số 29/2020-TT-BYT do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 31/12. Hội nghị do Vụ pháp chế (Bộ Y tế) chủ trì, với sự tham gia của Cục Quản lý Dược, Cục An toàn thực phẩm và rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế. 

Tháo gỡ cho doanh nghiệp lĩnh vực dược, mỹ phẩm, thực phẩm

Ông Chu Quốc Thịnh – Trưởng phòng Quản lý đăng ký thuốc (Cục Quản lý Dược Bộ Y tế) đã trình bày về những nội dung sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các văn bản trong lĩnh vực dược - mỹ phẩm.

Cụ thể, Thông tư 29 đã bãi bỏ nhiều quy định về chứng thực chữ ký, tên người ký, dấu cơ quan cấp, giúp hòa nhập quốc tế và đơn giản hóa giấy tờ, tài liệu. Thông tư quy định doanh nghiệp được nộp các hồ sơ, tài liệu bản điện tử và cung cấp đường dẫn để cơ quan quản lý tra cứu trực tuyến và hậu kiểm.

Tiếp tục duy trì hiệu lực số đăng ký cho khoảng 9.000 số đăng ký, như vậy sẽ đảm bảo khoảng 9.000 thuốc sẵn sàng cung ứng cho nhu cầu điều trị.

Về việc công bố tá dược, tá dược nhập khẩu về Việt Nam phải có giấy phép nhập khẩu trừ trường hợp đã được Cục Quản lý Dược công bố.

Hiện nay, khoảng hơn 23.000 hồ sơ đã được cấp giấy đăng ký lưu hành, mỗi thuốc tính trung bình 5 tá dược thì 115.000 tá dược chưa được công bố phải làm hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu. Việc công bố tá dược giúp doanh nghiệp cắt giảm thời gian, nhân lực chuẩn bị cho 115.000 hồ sơ cấp phép nhập khẩu tá dược.

Về lĩnh vực thực phẩm, Thông tư 29 bãi bỏ 8 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm như:

Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 9/4/2014 của liên bộ: Y tế, Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;

Bãi bỏ các quy định trong Thông tư số 52/2015/TT_BYT ngày 21/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế trừ các quy định liên quan đến hồ sơ, thủ tục cấp, thu hồi Giấy chứng nhận y tế đối với sản phẩm thực phẩm xuất khẩu;

Bãi bỏ một phần của Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT ngày 19/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm về quy định chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật của B.cereus đối với sản phẩm Thức ăn khô và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, thức ăn thay thế đặc biệt (phải xử lý nhiệt trước khi sử dụng) và Thức ăn khô và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, thức ăn thay thế đặc biệt (dùng trực tiếp, không qua xử lý nhiệt trước khi sử dụng) thuộc mục 6.9 Quy định giới hạn cho phép vi sinh vật trong thức ăn đặc biệt tại Phần 6. Giới hạn vi sinh vật trong thực phẩm của Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm được ban hành kèm theo Quyết định.

Ngoài ra, Thông tư số 29/2020/TT-BYT đã sửa đổi một số điều của Thông tư số 18/2019/TT-BYT ngày 17/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn thực hành sản xuất tốt (GMP) trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe...

Lần đầu tiên Bộ Y tế bãi bỏ cùng lúc nhiều văn bản quy phạm pháp luật

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, sau khi đối thoại với các doanh nghiệp, Bộ Y tế đã rà soát hơn 547 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế, để phát hiện các văn bản không còn phù hợp. 

Bên cạnh đó, Bộ cũng lấy ý kiến phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực y tế, từ đó xây dựng Thông tư 29 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong giai đoạn gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19, nhưng vẫn bảo đảm tăng cường quản lý chất lượng các mặt hàng nhập khẩu.

  TS Nguyễn Huy Quang khẳng định Thông tư 29 cởi trói cho nhiều doanh nghiệp.

TS Nguyễn Huy Quang khẳng định Thông tư 29 cởi trói cho nhiều doanh nghiệp.

“Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế đề sửa đổi, bãi bỏ một số lượng lớn “kỷ lục” các văn bản không còn phù hợp, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp. Thông tư 29 sửa đổi 11 Thông tư trước đó với nhiều nội dung phức tạp, cho thấy quyết tâm cải cách hành chính, hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp của Bộ Y tế, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 gây ra” - Ông Quang nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp đều cho biết thấy nhẹ nhõm trước “hàng rào” quy định đã được dỡ bỏ, các thủ tục không phù hợp. Với việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các doanh nghiệp, đơn giản hoá thủ tục hành chính cho hàng nghìn hồ sơ mỗi năm, đảm bảo cho việc cung cấp thuốc, thực phẩm chức năng được liên tục, thông suốt, không bị “đứt gãy” dẫn đến khan hiếm và đầy giá lên cao, nhằm bảo vệ quyền lợi người bệnh.

Ông Girish Mulye, Phó Chủ tịch tập đoàn Pharma Group đánh giá: "Bộ Y tế đã kịp thời đưa ra các giải pháp linh động, phù hợp với thực tế nhằm tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn này, và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng về tiếp cận thuốc của bệnh nhân".

Ông Nguyễn Huy Quang cho hay, đây là một trong những quyết tâm của Bộ Y tế trong việc cải cách hành chính. Qua tính toán từ Viện kinh tế, Thông tư 29 được triển khai hiệu quả sẽ giúp tiết kiệm 2,4 triệu ngày công và 652 tỷ đồng. Đây là con số rất có ý nghĩa trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động khó khăn lên sự phát triển của doanh nghiệp.

Thông tư 29 chính thức có hiệu lực từ ngày 15/2/2021.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO