Báo Điện tử Gia đình Mới

BV ĐK Nông Nghiệp triển khai điều trị thiếu máu cơ tim bằng sóng xung kích

Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị thiếu máu cơ tim bằng sóng xung kích tại BV ĐK Nông Nghiệp nhận thấy giảm đau ngực ngay sau liệu trình đầu tiên.

Điển hình là trường hợp của bệnh nhân P.V.C. (71 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội). Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành đã đặt 4 stent năm 2018.

Từ 1 năm nay, bệnh nhân thường xuyên đau ngực trái, tần suất 3-4 cơn/ ngày, cơn kéo dài thường 1-2 giờ, chỉ cần gắng sức như đi bộ khoảng 50m đã xuất hiện đau ngực.

Tại BV ĐK Nông Nghiệp, bệnh nhân đã được chụp lại động mạch vành, thấy hẹp lại trên 90% trong stent của động mạch, được can thiệp lại, sau can thiệp dòng chảy qua chỗ hẹp cũ đó rất tốt nhưng triệu chứng không cải thiện nhiều. Bênh nhân điều trị tối ưu các thuốc nhưng cũng không cải thiện.

Bệnh nhân được làm xạ hình tưới máu cơ tim và kết quả vẫn là thiếu máu cơ tim diện rộng, khoảng 23% cơ thất trái. Bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng sóng xung kích tại BVĐK Nông Nghiệp và nhận thấy giảm đau ngay sau liệu trình đầu tiên và tiếp tục giảm đau hơn nữa sau các liệu trình tiếp theo.

  BV ĐK Nông Nghiệp triển khai điều trị thiếu máu cơ tim bằng sóng xung kích

BV ĐK Nông Nghiệp triển khai điều trị thiếu máu cơ tim bằng sóng xung kích

Một trường hợp nữa là nữ bệnh nhân N.T.C. (68 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội). Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành đã đặt stent 1 năm.

Sau can thiệp đặt stent 1 năm trước, triệu chứng đau ngực của bệnh nhân giảm nhiều nhưng vẫn còn có những cơn đau ngực ngắn, thường xuyên phải dùng thuốc giãn mạch vành để giảm đau; khả năng gắng sức cải thiện nhưng cũng chỉ đi được 50m là cảm thấy mệt.

Bệnh nhân cũng được điều trị bằng sóng xung kích tại BV ĐK Nông Nghiệp và tình trạng bệnh giảm hẳn. Hiện, bệnh nhân đỡ đau ngực nhiều, không phải dùng thuốc giãn mạch vành để giảm đau, khả năng gắng sức của bệnh nhân cũng cải thiện hơn đáng kể.

Tại Hội thảo khoa học Điều trị thiếu máu cơ tim bằng sóng xung kích do BV ĐK Nông Nghiệp tổ chức, ThS.BS Tạ Xuân Trường, Trưởng khoa Nội Tim mạch – Nội tiết, BV ĐK Nông Nghiệp cho biết, có nhiều nguyên nhân gây nên thiếu máu cơ tim cục bộ. Nguyên nhân chủ yếu là do mạch vành bị xơ vữa, mảng xơ vữa ngày càng phát triển làm mạch vành hẹp lại hoặc tắc.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân hiếm gặp khác: co thắt động mạch vành, viêm động mạch vành, bắn cục máu đông từ buồng tim vào động mạch vành…

  Điều trị thiếu máu cơ tim bằng sóng xung kích là một phương pháp điều trị mới đem lại nhiều hiệu quả tích cực

Điều trị thiếu máu cơ tim bằng sóng xung kích là một phương pháp điều trị mới đem lại nhiều hiệu quả tích cực

Hiện nay, có 3 phương pháp điều trị bệnh động mạch vành gồm: điều trị nội khoa (điều trị bằng thuốc thông thường và dùng thuốc tiêu sợi tơ huyết), mổ bắc cầu chủ vành và can thiệp động mạch vành qua da.

Mục đích của các phương pháp này là khôi phục lại tuần hoàn mạch vành bị tổn thương hẹp hoặc tắc, từ đó duy trì và bảo tồn chức năng tim và giảm tỷ lệ tử vong.

Tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ lớn bệnh nhân vẫn còn triệu chứng đau ngực sau khi tái thông động mạch vành hoặc không thể phẫu thuật.

Vì vậy điều trị thiếu máu cơ tim bằng sóng xung kích là một phương pháp điều trị mới hỗ trợ cho các phương pháp trước đó.

Sóng xung kích khi tác động vào vùng cơ tim bị thiếu máu sẽ có 2 tác động có lợi chính. Thứ nhất là làm giãn mạch máu vùng đó, tác động này thường tức thời, làm tăng lượng máu đến nuôi cơ tim, giảm nhanh các cơn đau ngực. Thứ 2 là làm phát triển, tăng sinh mạng mạch máu nuôi, dần dần tăng cung cấp máu nuôi vùng cơ tim thiếu máu đó.

Hơn nữa, phương pháp điều trị thiếu máu cơ tim bằng sóng xung kích là phương pháp điều trị không xâm lấn, không gây chảy máu. Bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú, có thể lặp lại điều trị nhiều lần và gần như không có tác dụng phụ, có chăng chỉ là vết đỏ da rồi tự hết.

Phương pháp này được chỉ định cho những nhóm bệnh nhân sau:

- Bệnh nhân tổn thương mạch vành nhưng tổn thương phức tạp (ví dụ mạch nhỏ, quá vôi, quá xoắn…) không phù hợp cho đặt stent và thể trạng bệnh nhân yếu (quá già, nhiều bệnh nền phức tạp) không phù hợp để chịu 1 cuộc mổ lớn.

- Bệnh nhân tổn thương mạch vành đã được làm can thiệp hoặc mổ làm cầu nối chủ vành rồi nhưng vẫn còn đau ngực

- Bệnh nhân có bệnh động mạch vành nhưng không đồng ý làm can thiệp hoặc phẫu thuật

- Bệnh nhân suy tim do bệnh động mạch vành

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO