Thượng tọa Thích Minh Hiền đã đặt tên cho album nhạc Phật của ca sĩ trẻ đoạt giải nhất dòng nhạc dân gian Sao mai 2015 Thu Hằng.

Hơn 3 năm sau cuộc thi, Thu Hằng thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều về mọi mặt, không còn nhìn cuộc sống chỉ bằng ánh mắt màu hồng nữa.

Cô có những khoảng lặng rất riêng vào buổi đêm, khoảng thời gian dành cho âm nhạc được vang lên trong căn phòng nhỏ của mình. Cô nghe nhạc sôi động khi buồn, cô bật nhạc buồn lúc hạnh phúc ngập tràn và những khi mệt mỏi, cô tìm tới nhạc Phật.

Gặp chủ nhân album nhạc Phật “Hương đạo” một ngày đầu tuần đầy nắng, cô khoác lên mình bộ trang phục hiện đại, trẻ trung và có phần “chịu chi”.

- Thật ra, đã có rất nhiều người bảo tôi có đại gia chống lưng. Tôi chỉ cười! Đúng là tôi có đại gia chống lưng thật nhưng chính là người chị gái yêu thương và chiều chuộng tôi hơn cả bản thân mình - ca sĩ Bích Hồng.

Thu Hằng bắt đầu cuộc trò chuyện đầy hứng khởi như thế…

Sau hơn 1 tuần ra mắt album “Hương đạo”, cảm xúc của chị tại như thế nào?

- Album mang tên “Hương đạo” gồm 8 ca khúc về Phật đản, được ra mắt vào ngày Khánh đản Quan thế âm Bồ Tát - 19 tháng 2 âm lịch.

Đến nay cũng đã hơn 1 tuần album được đến với công chúng, tôi thấy rất vui vì không ngờ những bài hát trong “Hương đạo” lại được đón nhận như vậy.

Tôi thấy tâm mình được tĩnh hơn, biết quan tâm, chia sẻ với mọi người và yêu thương cuộc sống này nhiều hơn kể từ khi thấu hiểu những triết lý sâu xa được gửi gắm trong nhạc Phật.

Chị chia sẻ, chị không ngờ “Hương đạo” được công chúng đón nhận…

- Trước ngày họp báo ra mắt album, tôi lo mọi người suy nghĩ mình trẻ quá sao hát được nhạc Phật và tự đặt câu hỏi, liệu những người nghe album của mình, họ có tìm được sự bình yên – điều nhạc Phật đem lại không?

Với album này, tôi không tính toán tới việc kinh doanh mà chỉ là thoả mãn bản thân mình trước đã. Tôi làm album nhạc Phật đơn giản vì muốn thoả mãn khao khát muốn làm của tôi trước tiên.

NSND Thu Hiền chia sẻ: “Tôi ngạc nhiên khi thấy Thu Hằng ra mắt album nhạc Phật với những ca khúc không phải ai cũng có thể hát được. Tư duy âm nhạc của mỗi người khác nhau, sau khi nghe album Hương đạo tôi cảm nhận sự thanh thản, bình an mà trong cuộc sống hiện tại có nhiều bão đời, nghe album ta tìm về cõi tâm linh, tìm được sự bình yên”…

- Tôi tìm tới NSND Thu Hiền trước khi đi tham gia cuộc thi Sao Mai 2015 với mong muốn được cô chỉ dạy. Cô là người trực tiếp nắn chỉnh cho tôi từng âm, từng chữ một.

Trước khi làm một album về nhạc Phật, tôi đã nói chuyện với NSND Thu Hiền về ý định của mình:

- Con có chắc chắn hát được không? Vì nhạc Phật là dòng nhạc khó, phải ai cũng hát được…

- Con đã từng hát nhạc Phật và con thấy rất thích. Con nghĩ, mỗi người đều có cách khác nhau để thể hiện một bài hát nào đó và đem lại cảm xúc riêng…

Thật may, album “Hương đạo” không bị cô chê. (Cười)

Theo chị, “Hương đạo” có gì đặc biệt mà lại nhận được sự yêu quý từ công chúng như vậy?

- 8 ca khúc trong abum “Hương đạo” đều là âm nhạc Phật Giáo, với những ca khúc viết hướng về đạo, là những lời dạy của nhà Phật, tôi đã lựa chọn hài hoà các ca khúc để chuyển tải đến khán giả một sự kết hợp giữa đạo và đời, gần gũi với cuộc sống của mỗi người, hướng mỗi người sống đẹp hơn.

Đồng thời, qua các sáng tác được chọn lựa, công chúng cũng có thể thấy được hình ảnh hùng vĩ, đẹp như tranh và vô cùng thanh tịnh của chùa Hương - ở nơi đó con người ta như “bỗng như tìm thấy con người thật của chính mình sau bao tháng năm loanh quanh rong chơi lạc bước”.

Hiếm nghệ sĩ trẻ chọn dòng nhạc khó nghe như Phật giáo, album thứ 2 trong sự nghiệp âm nhạc của chị lại chọn dòng nhạc này. Có lý do gì đặc biệt khiến chị lựa chọn nhạc Phật để truyền tải những thông điệp đẹp?

- Trước khi tham gia cuộc thi Sao Mai 2015, cuộc sống của tôi chỉ là một màu hồng. Bước ra từ cuộc thi, trải qua những cột mốc nhất định trong cuộc đời như bao người khác, tôi hiểu nhiều hơn về cuộc sống xung quanh, cảm nhận ở đó có quá nhiều xô bồ và mệt mỏi. Cùng lúc đó, gia đình tôi gặp phải chuyện buồn. Tôi đã tìm tới nhạc Phật như một cách để tĩnh tâm và lấy lại thăng bằng trong cuộc sống.

Cách đây 2 năm, cô chủ nhiệm của tôi - Phương Nga đã dẫn tôi cùng nhiều bạn về Chùa Hương hát trong Khánh đản Quan thế âm Bồ Tát. Đêm hôm đó, tôi được hát đơn ca, thấy thật thiêng liêng và vô cùng thích thú. Lúc đó, tôi chưa nghĩ to tát sẽ làm hẳn 1 album nhạc Phật mà đơn thuần chỉ nghĩ muốn thử sức nhiều hơn. Tôi nghe nhiều nhạc Phật và thấm dần lúc nào không hay.

Tôi là người rất thích nghe nhạc Phật và muốn mình sẽ hát những ca khúc ấy, bằng cảm xúc và cảm nhận của mình về cuộc sống. Với tôi, âm nhạc Phật giáo không chỉ là duyên, mà còn là niềm yêu thích của tôi. Có lẽ nhờ vậy, nên tôi thường được mời tham dự nhiều chương trình âm nhạc Phật giáo.

Tôi biết mình là một người trẻ và chưa có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Nhưng tôi tìm được sự bình an, nhẹ nhõm khi nghe nhạc Phật nên đã ấp ủ thực hiện album do chính mình hát để gửi đến khán giả và mong muốn họ cũng cảm nhận được bình yên như tôi. Đây chính là động lực để tôi bắt tay vào để thực hiện album này.

Cái tên “Hương đạo” xuất phát từ đâu?

- Tên album do thầy trụ trì chùa Hương – Thượng tọa Thích Minh Hiền đặt. “Hương đạo” mang hàm nghĩa con đường trở về chốn Tổ, về quê hương, cũng là con đường đến với đạo, mà trên con đường đó có biết bao điều tốt đẹp như những làn hương thơm toả ngát mang biểu tượng của sự may mắn.

Thầy cũng là người viết lời lựa cho album. Trong lời tựa cho album, Thượng tọa Thích Minh Hiền cũng viết:Giọng ca dân gian ngọt ngào đằm thắm của ca sĩ Phật tử Diệu Minh - Thu Hằng sẽ đưa ta về với trời Hương đất Tích để cùng cảm nhận khi hành hương về miền quê yêu dấu của mỗi con người”.

Vậy thì, “Hương đạo” được ấp ủ, thai nghén và hoàn thành như thế nào?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở gần chùa Hương. Ký ức của tôi về con đường mẹ dẫn đi lễ chùa Hương, những bông mộc miên nở đỏ rực mỗi dịp tháng Ba về, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình luôn đong đầy trong tôi.

“Hương đạo” được tôi thực hiện bằng cái tâm của mình. Tôi cảm nhận mọi thứ đều là nhân duyên, từ những bài hát tôi đã chọn đều có điều gì đó chúng ta không thể đoán trước.

Trong album mới này, tôi đã có thể gói ghém tình cảm của mình với chốn Tổ, lan toả mong ước của mình về con đường hướng đến cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc. Đồng thời biết sống đẹp, sống tốt qua những lời Phật dạy, đặc biệt là ngợi ca đạo làm con, sự hiếu thảo. Bên cạnh đó, “Hương đạo” cũng là sự tri ân của tôi với quê cha đất tổ.

Khi thể hiện các ca khúc trong “Hương đạo” nói riêng và nhạc Phật nói chung, chị thường suy nghĩ tới điều gì để lấy được cảm xúc?

- Dù từng trình diễn trên nhiều sân khấu lớn nhỏ nhưng cảm xúc khi đứng hát một ca khúc nhạc Phật tôi rất khác - ca từ ý nghĩa, giai điệu mộc mạc nhưng có sức lay động và thức tỉnh sự thiện lương trong mỗi con người.

Tôi thường nghĩ nghĩ tới một hoàn cảnh khó khăn nào đó hay điều chưa tốt đẹp trong cuộc sống… Bài “nặng” nhất trong toàn bộ album là “Mục Kiều Liên cứu mẹ”. Tôi đã phải thu đi thu lai nhiều lần mới chọn được bản ưng ý. Tuy nhiên, có bài tôi chỉ cần thu một lần là “ăn” luôn, như bài “Lạy mẹ Quan Âm”.

Hầu hết các bài tôi chọn trong “Hương đạo” đều có ngôn từ dễ nghe và dễ hiểu. Tôi nghĩ, hát bằng cảm xúc thật của mình thì sẽ đến gần được với người nghe.

Vậy thì, “Lạy mẹ Quan Âm” có phải là bài chị tâm đắc nhất trong toàn bộ album không?

- “Lạy mẹ Quan Âm” là bài nhạc Phật đầu tiên tôi nghe và cũng là bài tôi tâm đắc nhất. Đây là ca khúc do nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác, gửi gắm thông điệp về lòng hiếu thảo và cũng là bài tôi chọn để quay MV tại chùa Hương.

Khi quyết định quay MV cho bài hát này, tôi đã tìm đến nữ đạo diễn Việt Hương và cả hai đều có chung suy nghĩ, làm sao xây dựng một câu chuyện thật nhất ở đời thường, có sức lay động đến trái tim và cảm xúc của mỗi người con. Chỉ bằng một câu chuyện kết hợp giữa đạo và đời, mới có thể khắc họa rõ nét những giáo lý của nhà Phật, giúp mọi người hiểu và sống tốt hơn. Chúng tôi đều nhận ra, hạnh phúc không phải kiếm tìm ở đâu xa mà ở ngay trong chính tâm hồn của mỗi người.

Điều đặc biệt nhất đối với tôi khi thực hiện MV này là mời được thầy trụ trì chùa Hương – Thượng tọa Thích Minh Hiền nhận lời xuất hiện trong MV. Cùng với đó, MV cũng ghi lại nhiều khung cảnh đẹp bình yên và kỳ vĩ của chùa Hương với sự hỗ trợ của các bậc tu hành và hàng trăm Phật tử tại đây.

Đúng là khi xem MV “Lạy mẹ quan âm”, chùa Hương hiện lên rất hùng vĩ mà cũng vô cùng bình yên. Chị có thể chia sẻ cảnh quay nào khiến chị xúc động nhất khi thể hiện ca khúc?

- Trong MV này, ekip đã dành 2 tiếng để thắp hơn 1.000 cây nến cho tôi đứng hát giữa vẻ đẹp lung linh kỳ ảo nơi cửa chùa. Khi đứng hát trong ánh sáng lung linh ấy, trong lòng tôi dâng lên cảm xúc vừa thiêng liêng vừa vô cùng xúc động.

Hoặc là hình ảnh hàng trăm phật tử cùng tụng kinh trong động Hương Tích, cảnh đi đò thả đèn hoa đăng trên Suối Yến… tất cả đều đem lại cho tôi cảm xúc ngập tràn.

Trước đó, chị đã thực hiện MV “Thương ơi lòng mẹ”. Có vẻ như các sản phẩm âm nhạc, chị đều mong muốn hướng về gia đình? 

- Ca sĩ Phạm Phương Thảo đã viết tặng tôi bài “Thương ơi lòng mẹ” từ sau khi thi Sao Mai xong nhưng tôi cất đi và tìm một thời điểm thích hợp để thực hiện. Tôi suy nghĩ mãi về việc thực hiện MV bài hát đó như thế nào. Cuối cùng, MV được làm theo phong cách tối giản trên nền phông đen.

Tôi và chị gái đã năn nỉ mẹ đóng MV cùng và khá bất ngờ khi nhận được sự nhận lời từ bà. Trong MV, những khoảnh khắc tình cảm của mẹ và con gái nối tiếp nhau, mang đến cảm giác thư thái cho người xem. 

Đây là một MV đơn giản nhưng chạm tới cảm xúc của nhiều người. Đúng là các MV tôi làm đều hướng về gia đình. Tôi là người không dễ bày tỏ tình yêu với bố mẹ bằng lời nói. Tuy nhiên, từ tận đáy lòng, tôi rất thương bố mẹ mình. Tôi mong thông qua những sản phẩm âm nhạc về gia đình, bố mẹ sẽ hiểu được tình yêu và lòng biết ơn tôi dành cho hai người.

Trong “Hương đạo”, có một bài chị song ca cùng chị gái của mình. Hai chị em đã có sự kết hợp như thế nào?

- Đây không chỉ là sản phẩm âm nhạc riêng của tôi, mà còn mang dấu ấn kỷ niệm của cả hai chị em, của gia đình tôi và ký ức được cùng mẹ đi lễ chùa từ khi còn nhỏ.

Chị Bích Hồng có ý định thể hiện ca khúc “Đừng quên câu dân ca”, đưa cho tôi nghe thử, tôi nghe thấy thích và “đòi” chị cho hát cùng bằng được. Với album “Hương đạo”, chúng tôi cùng xuất hiện trong với ca khúc “Hương Mộc Miên” và “Hương Sơn ngày về”.

Nữ ca sĩ Bích Hồng – chị gái của chị cũng bước ra từ cuộc thi Sao Mai 2011. Có phải chị gái chính là người mong muốn chị cũng theo đuổi con đường này?

- Khi còn học Trung cấp 1, trung cấp 2 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tôi hát nhạc nhẹ. Những năm sau đó, ở gần chị gái nên tôi được lắng nghe những bài hát mang âm hưởng dân gian, chúng cứ ngầm dần và tôi thấy thích.

Tôi thừa nhận, mình là người rất may mắn. May mắn vì được làm em gái của chị Bích Hồng. Tôi không phủ nhận, trên con đường âm nhạc của mình đều có một người cô giáo khắt khe bên cạnh để rèn luyện và nâng đỡ là ca sĩ Bích Hồng. Tuy nhiên, tôi nghĩ, bản thân mình hoàn toàn có thể độc lập và tự tin thực hiện các sản phẩm âm nhạc.

Trước đó, tôi đã gặp phải sự phản đối của bố mẹ khi tôi bày tỏ mong muốn theo đuổi con đường âm nhạc như chị gái mình.

Đỉnh điểm của “mâu thuẫn thế hệ” giữa chị và bố mẹ như thế nào?

- Tôi đã từng trốn nhà, khoá trái cửa để mẹ không thể đuổi theo kịp và bắt xe ôm đi diễn. Đó là khi bố mẹ quyết liệt phản đối ý định theo đuổi con đường âm nhạc của tôi. Về nhà, tôi bị mẹ đánh, bị bố mắng.

- Nhà mình có Bích Hồng làm ca sĩ là đủ rồi. Bố mẹ muốn con làm một ngành nghề khác.

- Con yêu âm nhạc từ nhỏ. Ước mơ trở thành ca sĩ được con nuôi dưỡng và quyết tâm theo đuổi nó. Con nghĩ, nếu mình được làm những điều mình thích thì sẽ dễ để làm tốt.

Sau đó, có vẻ bố mẹ tôi nhìn thấy niềm quyết tâm theo đuổi niềm đam mê của con gái nên đã đồng ý cho tôi thi vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Người ta có câu “Tài không đợi tuổi”. Điều này có vẻ đúng với Thu Hằng khi chị dành giải nhất dòng nhạc dân gian Sao mai 2015 khi mới 19 tuổi. Những áp lực đè lên vai chị từ khi đó là gì?

- Đạt giải thưởng không có nghĩa là ngừng lại, đó là điều cô giáo luôn nói với tôi kể từ khi tôi bước chân vào con đường âm nhạc. Sự khổ luyện cho tôi những trải nghiệm đủ để tôi biết mình đang đứng ở đâu.

Ngay cả khi trình diễn xong phần chung kết của đêm thi Sao Mai, tôi vẫn biết mình có thể làm tốt hơn nữa, sự thiếu sót đôi khi chỉ một chút chút đó làm tôi bực mình, nó như cái gai đâm vào người, đôi khi phát điên…

Vậy thì, dự định trong tương lai của chị là gì, sẽ tiếp tục là những sản phẩm nhạc Phật chăng?

- Tôi còn trẻ và không muốn bị vướng phải rào cản hay bị giới hạn nào. Tôi muốn thử thách bản thân nhiều hơn nên muốn hát bằng sức trẻ của mình.

Tuy nhiên, tôi vẫn muốn theo đuổi dòng nhạc dân gian đến cùng, đưa những bài hát dân gian tới gần hơn những khán giả trẻ.

Tôi đã từng là một đứa trẻ nhút nhát, thiếu sự nhạy cảm với nghệ thuật, nhưng khi lên sân khấu, tôi là một người khác, tôi tin mình còn có nhiều sự may mắn như vậy trên con đường phía trước…

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO