Báo Điện tử Gia đình Mới

Cafe sáng: Chuyện gì xảy ra nếu đàn ông làm nội trợ trong gia đình?

Điều gì sẽ xảy ra khi một người đàn ông chọn việc đưa đón con đi học, đưa đón vợ đi làm, hết việc vội vã trở về lo cơm cơm nước nước chỉ vì công việc của vợ đặc thù nên không về sớm được?

Điều gì sẽ xảy ra khi một người đàn ông chọn việc đưa đón con đi học, đưa đón vợ đi làm, hết việc vội vã trở về lo cơm cơm nước nước chỉ vì công việc của vợ đặc thù nên không về sớm được?

Một người đàn ông bén rễ trong bếp ngày này qua năm nọ sẽ bị coi là gì? Hỏi 10 ông thì chắc 9 ông bảo: Đó là loại đàn ông bỏ đi. Hỏi 10 người phụ nữ thì bên cạnh 5 người xuýt xoa khen cô vợ tốt số chắc sẽ có 5 người bĩu môi chê bai người đàn ông đó.

Tại sao khi mà nhiều cô gái cáng đáng chuyện lẽ ra dành cho đàn ông thì được khen ngợi là mạnh mẽ trong khi có anh chàng nào đổi phận làm vợ thì lại bị bĩu môi? Tại sao đàn ông mà làm việc phụ nữ thì lại bị coi thường?

Phải vì làm phụ nữ là thứ xấu xí, không chấp nhận nổi? Hay chỉ có làm đàn ông mới xứng đáng được tôn vinh? Phải không khi cho rằng xã hội mặc định đàn ông phải là trụ cột gia đình nên đàn ông mà nội trợ là thứ đàn ông bị bỏ đi? Giống như kẻ mặc quần áo giữa một xã hội cởi truồng thì kẻ mặc quần áo là thứ quái dị?

Cafe sáng: Chuyện gì xảy ra nếu đàn ông làm nội trợ trong gia đình? 0

Tôi đã gặp nhiều người đàn ông như thế! Họ vốn chẳng giỏi giang gì ngoài việc biết nấu những bữa cơm rất ngon, biết chăm sóc con khéo hơn cả phụ nữ, thích đi chợ mua đồ dù chưa chắc đã biết mặc cả. Vì họ chẳng mấy giỏi giang nên đi làm công hay bị sếp mắng, ra kinh doanh thì thua lỗ. Chứ không lẽ lại bơm xe hay làm cửu vạn? Nên họ chỉ còn cách làm việc nhà chăm chỉ, nấu những bữa cơm tươm tất cho vợ con, đưa đón con đi học, học cùng con, chơi cùng con.

Vậy thì sao? Sao ai cũng cho rằng họ là thứ đàn ông hèn? Sao ai cũng coi thường họ? Sao ai cũng ném cho họ những lời miệt thị, rẻ rúng? Thế nên nhiều người đàn ông kiểu đó ngày càng khép kín. Nỗi sợ khiến họ dần tránh mặt bạn bè hoặc tiêu cực hơn, họ trở thành những kẻ chém gió tơi bời ngoài quán nhậu, cố tỏ ra họ giống những gã đàn ông bất tài nhưng sĩ diện ngoài kia.

Bao nhiêu người đàn ông như thế? Nhẽ ra họ có thể trở thành ông chồng nội trợ nhưng xã hội hà khắc, miệng lưỡi người đời khiến họ không dám nhận vai trò làm vợ mà cứ phải gồng mình lên làm đàn ông.

Khi một phụ nữ tài năng thực sự, thích thú chuyện kinh doanh, lăn lộn thương trường, nếu họ gặp một người đàn ông giúp họ giữ mái ấm vậy chẳng phải là tốt lắm sao? Nhưng bao nhiêu người phụ nữ như thế có được một tấm chồng chịu làm nội trợ thay vợ? Là bởi những định kiến hẹp hòi của thiên hạ nên loại đàn ông chịu xuống bếp thay vợ ngày một hiếm hoi đi.

Cafe sáng: Chuyện gì xảy ra nếu đàn ông làm nội trợ trong gia đình? 1

Chúng ta cứ kêu gọi bình quyền nhưng chính chúng ta lại gán cho việc một người đàn ông làm vợ để vợ làm chồng là thứ quái dị, không chấp nhận nổi. Thậm chí, với nhiều người còn thiển cận cho rằng đàn bà mà làm hết việc của đàn ông thì cũng là thứ đàn bà dữ dằn.

Thật bất công nếu như đàn ông xuống bếp giúp vợ đôi ba phen, đôi ba việc thì được tôn vinh thành soái ca trong khi đàn ông chọn trọn vẹn với bếp để giữ mái ấm gia đình khi vợ bận chinh chiến ngoài kia thì bị coi rẻ rúng.

Đàn ông không kiếm được tiền nhiều hơn vợ thì anh ta sẽ lo việc nhà cửa thay vợ, đừng lên án. Vì vợ chồng họ như thế là bình quyền hơn nhà bạn rồi. Vậy thôi!

Cuối cùng, sĩ diện nào thì cũng chỉ là nhãn mác phù phiếm thôi, nếu anh yêu vợ, muốn hạnh phúc gia đình bền lâu, hãy cứ làm người đàn ông nội trợ.

Thứ chúng ta nắm giữ được trên tay há chẳng phải là sự mãn nguyện của vợ, niềm hạnh phúc của con đó sao? Sao cứ sống theo miệng lưỡi người đời ngoài kia?

Hoàng Anh Tú

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO