Báo Điện tử Gia đình Mới

Cafe sáng: Có trưởng thành nào mà không trải qua đau đớn?

Có trưởng thành nào mà không phải trải qua đôi phen đau đớn? Có đích đến nào mà không phải đôi lần lầm lạc mới tìm ra?

Cafe sáng: Có trưởng thành nào mà không trải qua đau đớn? 0

Khi người ta trẻ, trái tim nóng và cái đầu cũng rất nóng. Một chút phật ý thôi cũng thành ra to chuyện, cũng thành những tổn thương. Nhưng không lâu. Giận dữ qua cũng mau, đau đớn hết cũng nhanh. Tựa như mưa rào vậy.

Khi người ta trẻ, niềm tin cũng dễ tạo dựng. Nói vài lời trúng ý, tỏ vài câu chí lý. Là tin. Nhưng niềm tin dễ có cũng dễ mất. Chỉ chút sai lệch thôi là đủ để hết tin.

Sự thông cảm bao dung ít ỏi lắm. Nên tin đấy rồi cũng đổ vỡ mau. Đổ vỡ đấy có thành di chứng hay không lại tuỳ thuộc vào trái tim mỗi người trẻ có đủ can trường, lì lợm để tiếp tục tin thêm lần nữa hay co cụm, yếu mềm, trốn trong vỏ ốc đề phòng, nghi kị.

Khi người ta trẻ, một bước là tới trời và cũng chỉ một bước là rơi xuống vực. Đòi hỏi tỉnh táo ở người trẻ chẳng khác nào đòi sức khoẻ ở người già.

Và khi người ta trẻ, người ta nghĩ làm siêu nhân chỉ cần khoác áo choàng, mặc quần sịp ra ngoài quần dài nữa là thành. Họ quên mất rằng làm siêu nhân không chỉ cần có vậy.

Trái tim nóng để chiến đấu chống lại cái xấu nhưng cái đầu phải lạnh để phân biệt tốt xấu. Mà cuộc đời này cái tốt luôn ẩn danh, người tốt thực sự không bao giờ đeo biển trước ngực.

Cái xấu thì trăm mưu ngàn kế để che đậy, để quyến rũ mọi người dưới thiên biến vạn hoá hình hài. Thế nên siêu nhân trẻ xét cho cùng đều bị biến thành các công cụ thay vì trở thành một lý tưởng cao đẹp!

Khi người ta trẻ, xước măng rô cũng hoá trọng thương buồn là vậy! Có những điều khi ấy, lúc ấy, thời điểm ấy thật thấy là khủng khiếp nhưng qua rồi lại thấy nó là bé xíu vậy. Hay cả những điều ngỡ tưởng là kỳ vĩ, choáng ngợp để rồi bước ra xa một chút mới bật cười thấy mình trẻ con.

Có một điều mà chỉ có ở tuổi trẻ, khi chúng ta còn trẻ, chúng ta mới được sở hữu chúng. Là sự được phép sai. Chúng ta được sai vì chúng ta còn nhiều thời gian để sửa chữa chúng.

Một đứa trẻ sợ sai thì mãi mãi không bao giờ trưởng thành được. Phải sai thì mới sửa được. Nó như phần bài tập thực hành thay vì lý thuyết vậy. Cứ sai đi rồi sửa. Cứ vấp ngã đi để học cách đứng lên. Để nhiều năm về sau ngoái nhìn lại còn có những mốc nhớ.

Có những người lớn, dù đã từng kinh qua những năm tháng tuổi trẻ nhưng chưa từng dám sai nên giờ vẫn chưa học được cách bao dung khi nhìn đám trẻ ngày nay. Chưa từng vấp ngã (hoặc vấp ngã có người đỡ dậy ngay) nên mới to mồm phán xét, lên án lũ trẻ hôm nay.

Thứ họ có khi nghĩ về năm tháng tuổi trẻ cũ há phải chăng chỉ rặt màu nhờ nhạt?

Nhiều năm làm người trẻ, phụ trách những tờ báo dành cho người trẻ, tiếp xúc với rặt những người trẻ, tôi cũng nhiều phen thất vọng về người trẻ. Nhưng mọi thất vọng chỉ mang tính tạm thời.

Là bởi tôi luôn được thấy những cách mà người trẻ trưởng thành luôn bằng những cú ngã như thế. Thậm chí nhiều đau đớn. Như loài sâu bướm muốn rực rỡ cần một cuộc nứt da rách thịt.

Mỗi cú vấp lại giúp người trẻ lớn thêm lên chút nữa. Mỗi mất mát lại giúp người trẻ có thêm nhiều kinh nghiệm hơn nữa. Mỗi thất bại lại giúp người trẻ thêm nhiều trải nghiệm hơn nữa.

Chỉ là nhiều người trẻ sợ làm sai, sợ thất bại, sợ mất mát mới mãi mà không trưởng thành cho được. Tôi gọi họ là những kẻ sống lưng chừng, sống lỡ cỡ, sống nửa vời và có cuộc đời nhạt nhẽo.

Là một người trẻ đừng tin vào mấy thuyết “cuộc đời an an yên yên” hay cũng đừng mơ về “mái nhà tranh trái tim vàng, anh chăn vịt, em trồng hoa”.

Là một người trẻ thì đừng toan tính “làm ít lương nhiều”, “lương cao trách nhiệm thấp”, “ghế ấm mông, ô cắp nách”.

Là một người trẻ thì nên ném mình vào lửa, cho càng nhiều người lợi dụng mình càng tốt. Giá trị của mỗi người trẻ nằm ở số người muốn lợi dụng bạn.

Tôi may mắn được trải qua thời sinh viên có một chút ít tên tuổi nhờ báo Hoa Học Trò những năm 98- 2000. Cùng thời với tôi, còn có bao nhiêu sinh viên nổi tiếng khác. Nhưng nhiều người trong số đó bây giờ đã “im tiếng” và trở thành những công chức 40 tuổi trong các văn phòng.

Giờ gặp lại nhau, ngoái lại năm tháng thanh xuân nhiều người không khỏi thở dài nói với tôi rằng: Cơ hội đến và đi nhanh như một cơn gió. Cậu giỏi giữ gió hơn chúng tôi, buộc gió nâng cậu lên.

Không! Tôi không giỏi giữ gió trong tay hay buộc gió nâng tôi lên. Chỉ là tôi không sợ sai, không tin lầm, không sợ mất đi những gì tôi đang có. Là tôi cứ cháy như thể đời mình chỉ có một lúc này để cháy.

Tôi nhìn cái gì cũng ra cơ hội để tôi tiến bước. Kệ nhiều người bảo tôi ngây thơ. Kệ nhiều người bảo tôi mơ mộng. Kệ nhiều người cho rằng việc làm đó phí sức, phí thời gian.

Thậm chí, làm hỏng đi tên tuổi của mình. Tôi tham lam với mỗi ngày mình còn trẻ. Tôi sợ tuổi già sẽ khiến tôi lười biếng đi, ù lì đi, trì độn đi. Tôi tiêu sạch tuổi trẻ của mình như thế.

Và các bạn, những bạn trẻ của tôi ơi, bạn đã sẵn sàng tiêu hết sạch tuổi trẻ của mình cho những năm tháng phía trước không? Cho chính hôm nay, bây giờ, lúc này?

Hoàng Anh Tú

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO