Báo Điện tử Gia đình Mới

Cafe sáng: Khi ta học con hổ để tự liếm vết thương

Ngày bé mình đọc truyện, thấy mẹo trừ hổ dữ của người miền núi là chỉ cần làm con hổ bị rách chân, vết thương chẳng nguy hiểm gì nhưng con hổ sẽ liếm mãi liếm mãi cái vết thương đó.

Lưỡi hổ có gai sắc và nước bọt sẽ làm vết thương loét rộng không thể liền miệng, cho đến một ngày thành hoại tử và con hổ tự chết, chỉ từ việc nó cố liếm vết thương.

Con người, muốn tận diệt chính mình thì hãy liếm vết thương.

Càng liếm càng đau, cái nhức nhối khốn quẫn đến nỗi bạn có thể liều làm một điều gì đó ngu dại cho chính bản thân.

Vết thương trên cơ thể bạn có thể dùng thuốc giảm đau để lừa dây thần kinh không đánh tín hiệu báo đau lên não nữa.

Nhưng “nội thương” - cái vết đau mà không ai nhìn thấy được ngoài chính bạn, nó không thể chia sẻ, không thể cất đi. Đôi khi bạn đang đi trên đường nó ợ lên khiến bạn xây xẩm mặt mày.

Cafe sáng: Khi ta học con hổ để tự liếm vết thương 0

Nó chập chờn trong giấc ngủ trong bữa ăn, nó đầu độc luồng không khí bạn thở, bạn mù mịt tối tăm và chỉ hiện hữu duy nhất là các cục đau tưởng như có thể sờ thấy được, khi nó lẩn nhẩn trong dạ dày, khi nó ở đỉnh đầu, phần lớn nó ran rát nơi bụng như một cơn đau tiêu hoá hay chứng ngộp nước - bạn không thở nổi vì nó bắt đầu tràn khắp buồng phổi, chiếm trọn dưỡng khí.

Đó là những gì bạn sẽ phải trải qua khi còn bỏ vết thương ra liếm, bạn tưởng sẽ được nguôi dịu, sẽ đỡ đau. Nhưng hoá ra trò liếm vết thương nó man rợ thôi rồi, vì cái vết nhức đó loang rất nhanh, làm hoại tử cuộc sống của bạn - trước hết là về tinh thần.

Và sau đó, đương nhiên là trả giá tới tấp đến từ cuộc sống của chính bạn, kiểu một thứ hiệu ứng Domino - con đầu tiên đã đổ thì đổ cả dãy. Và khi đứng lên khỏi vết đau, bạn đã thấy mình tan hoang rồi.

Cafe sáng: Khi ta học con hổ để tự liếm vết thương 1

Có những người bị đau vì thất bại trong công việc, có những người bị đau vì sự lừa dối và phản bội, có những người bị đau vì mất mát người thân yêu... nói chung nỗi đau nó muôn hình vạn trạng lắm, và có từng nghe kể về nó thì bạn cũng chẳng chuẩn bị trước được nhiêu cho mình.

Thực ra người chưa từng trải qua nỗi đau lần nào chưa chắc đã hay, vì họ không có kinh nghiệm phòng bị và chịu đựng.

Họ được số phận cưng đến nỗi khi cú đánh đầu tiên giáng vào họ, thì họ mới biết thế nào là thật sự tan nát: “Mày ăn cức rồi! Mày chẳng có kinh nghiệm gì để sống sót qua trận này”.

Mình có cậu bạn thân là trainner của mình trong nhiều cảnh huống bị đau thậm tệ. Cậu ấy bảo, “Hãy chịu đựng nỗi đau như tập Gym.

Cafe sáng: Khi ta học con hổ để tự liếm vết thương 2

Muốn có power để mạnh mẽ đi tiếp, phải chịu được đau. Còn khi đang bị đau, hãy bất động. Đừng làm gì cho tới khi thật sự bình tĩnh. Điều quan trọng nhất là phải giữ các nguyên tắc sống, vì xô đổ nguyên tắc - sẽ dẫn theo hàng loạt sai lầm khác khiến đời ta xuống dốc”.

Mẹ mình thì có một câu đơn giản: “Việc to, coi như nhỏ thì nó sẽ là nhỏ. Việc nhỏ, coi như không có thì nó thật sự không có!”.

Với lại mình cũng nhận ra, chẳng ai trên đời chết vì buồn đau sất. Mọi điều rồi sẽ qua, vấn đề là thời gian. Mà để thời gian trôi thật nhanh, đến mức bạn chẳng còn kịp nhìn (hay như con hổ, nằm liếm cái vết đứt bị ngứa ngáy nhức) thì chỉ có cách đơn giản là hãy làm việc và làm việc.

Công việc - đó là thứ thuốc an thần và giảm đau tuyệt diệu. Biết đâu đến đoạn nào đó quay đầu nhìn lại, bạn sẽ biết ơn trải nghiệm Đau ngày hôm nay.

Nguyễn Quỳnh Hương

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO