Báo Điện tử Gia đình Mới

Cafe sáng: Triết lý Omoiyari của người Nhật

Trong đời sống của người Nhật có 1 triết lý sống gọi là Omoiyari. Là sự thấu hiểu sâu sắc những tình huống, những khó khăn của người khác để mình ứng xử cho phù hợp với họ, với hoàn cảnh.

Thảng hoặc, trong những comment, mọi người có than thở rằng cuộc sống này ngày càng khan hiếm điều tử tế. Là bởi nhiều thứ ngỡ tưởng tốt lành lại hoá ra dối trá, làm màu.

Là bởi những hình ảnh tử tế, phân tích qua phân tích lại bởi những người đầu không có gì ngoài kiến thức, khiến hình ảnh tử tế đó thành thứ rởm rít, đã ngu còn tỏ ra… tử tế. Buồn gì đâu…

Nhưng thử cùng tôi nghĩ chậm một chút. Đừng dùng kiến thức vào đây nhé hỡi những cái não không có gì ngoài kiến thức. Hãy thử cùng tôi làm những điều nhỏ xíu này:

1. Ra vào chậm lại một chút, giữ cửa cho người đi sau mình.

2. Nhắc ai đó về chân chống xe họ quên gạt

3. Dừng đèn đỏ đứng lệch sang bên trái nhường cho người đi bên phải rẽ.

4. Thử đừng bấm còi xe. Nhường đường cho những người vội vã ở phía sau mình.

Cafe sáng: Triết lý Omoiyari của người Nhật 0

5. Trời mưa nhớ tránh những vũng nước kẻo bắn vào người xung quanh

6. Tuân thủ luật giao thông, đi đúng phần đường của mình.

7. Chọn chuông điện thoại vừa đủ nghe hoặc để chế độ rung.

8. Vào thang máy thì nhường cho người phía trong ra trước.

9. Không tạo ra tiếng ồn ở các khu vực công cộng, khu vực chung. Nói vừa đủ nghe. Chơi game đừng bật tiếng hoặc nếu muốn hãy đeo tai nghe. Xem phim trên máy điện thoại cũng thế, khi ở nơi công cộng.

10. Chuẩn bị sẵn tiền lẻ khi lấy xe ở bãi gửi xe tránh gây ùn tắc đợi bảo vệ đổi tiền.

11. Bớt càng nhiều túi nilon càng tốt.

12. Giúp đỡ người già, trẻ nhỏ.

13. Đừng xả rác.

14. Tắt điện, máy lạnh trước khi rời cơ quan.

15. Để lại số điện thoại trên kính xe nếu có việc phải đỗ trước cửa nhà người khác.

16. Ngưng nói về ngoại hình người khác

17. Đừng nói chuyện giàu nghèo với những người đang có vấn đề về tài chính.

Cafe sáng: Triết lý Omoiyari của người Nhật 1

18. Luôn không để mình thành kẻ làm phiền người khác. Nếu tự làm được thì hãy tự làm.

19. Sử dụng lời cảm ơn nhiều nhất có thể.

20. Hãy xin lỗi khi làm phiền người khác.

Chỉ là 20 điều vừa nghĩ ra và mang tính tượng trưng thôi. Mọi người có thể bổ sung thêm. Tôi tin, mỗi người chúng ta đều có hơn 20 điều “nghĩ cho người khác” nếu như thật lòng chúng ta muốn vậy.

Anh bảo chúng tôi thử những điều này để làm gì? À, để mình thấy hạnh phúc hơn thôi. Là bởi khi mình làm những điều này một cách tự nguyện không trông đợi ai sẽ cảm ơn mình, biết ơn mình thì mình sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi nhận được lời cảm ơn.

Là bởi mình đang đóng góp những điều tốt lành cho xã hội. Và mình sẽ hạnh phúc hơn nữa khi mình nhận được những điều tương tự thế này từ mọi người. Thử đi!

Trong đời sống của người Nhật có 1 triết lý sống gọi là Omoiyari. Là sự thấu hiểu sâu sắc những tình huống, những khó khăn của người khác để mình ứng xử cho phù hợp với họ, với hoàn cảnh. Omoiyari là biết lắng nghe thay vì chỉ nghĩ đến bản thân mình.

Omoiyari đặt cái tôi cá nhân xuống sau lợi ích cộng đồng. Họ chịu thiệt về mình để cuộc sống chung tốt đẹp hơn. Tôi vẫn nghĩ, những điều này vốn cũng đều có trong văn hoá Việt. Chỉ là lâu rồi chúng ta để những người Việt ích kỷ, xấu xí lôi kéo, làm hỏng chính chúng ta đi thôi.

Hôm nay, chúng ta thử Omoiyari cùng nhau được không?

Hoàng Anh Tú

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO