Báo Điện tử Gia đình Mới

Cafe sáng: Yêu bếp

Những người phụ nữ chỉ quanh năm biết nấu vài món thì luôn đông đảo hơn những người phụ nữ mỗi ngày một món. Thế là một cuộc phản ứng nho nhỏ đã diễn ra thu hút hàng trăm comment tố những phụ nữ biết nấu ăn và nấu ăn giỏi.

Những ngày cách ly xã hội, trên khắp mạng xã hội, hình ảnh đồ ăn ngập tràn. Ai cũng khoe đồ ăn, khoe tài nấu nướng. Đến cả mấy ông bạn già của tôi cũng lập group riêng khoe đồ ăn tự tay nấu và… chém nhau tơi tả bằng lý luận về đồ ăn.

Còn chị em phụ nữ thì khỏi nói, có cả trăm cái group yêu bếp, nghiện ăn nở rộ. Thôi thì lung linh đủ cả. Vào những nhóm yêu bếp ấy, quả thực ối người đàn ông phải… thở dài khi nhớ về mâm cơm nhà mình. Bởi những món ăn mỹ miều từ hình thức đến… lời văn. Chất lượng thế nào không biết vì chẳng được thử nhưng nhìn thôi cũng đã đủ bắt thèm.

Và nó hấp dẫn đến độ khiến nhiều người phụ nữ… tủi thân. Những người phụ nữ chỉ quanh năm biết nấu vài món thì luôn đông đảo hơn những người phụ nữ mỗi ngày một món. Thế là một cuộc phản ứng nho nhỏ đã diễn ra thu hút hàng trăm comment tố những phụ nữ biết nấu ăn và nấu ăn giỏi.

Cafe sáng: Yêu bếp 0

Rằng những phụ nữ yêu bếp kia làm màu, giả tạo. Rằng ai mà ngày 3 bữa, tuần 7 ngày, tháng 90 món không lặp lại? Thậm chí, vài người mang hai chữ “nữ quyền” ra để bỉ bai những “phụ nữ xó bếp”: Sao phải phục dịch lũ đàn ông? Thế nên tôi chả ngạc nhiên khi cái nhóm Ghét bếp ra đời thu hút cả triệu thành viên. Nó như một sự phản kháng và an ủi những người nấu ăn vụng.

Là người ta thích nhìn vào điều tiêu cực để tự an ủi mình còn tốt hơn. Âu đó cũng là một phản ứng tâm lý dễ hiểu. Giống như vào hội Ghét bếp để thấy mình nấu ăn tệ nhưng vẫn hơn lũ chúng nó. Cũng là thêm tí chút hài hước cho vui trong những ngày bị cách ly xã hội thế này.

Không! Tôi thật lòng vẫn mong phụ nữ hãy cứ yêu bếp. Đừng ghét bếp. Đừng nói chuyện nữ quyền “Tại sao phụ nữ phải vào bếp”. Không! Không có chuyện đàn ông trói phụ nữ vào góc bếp, đánh giá phụ nữ qua cái bếp. Đừng nhạy cảm.

Cafe sáng: Yêu bếp 1

Bởi tôi biết hàng trăm phụ nữ yêu bếp thực sự như một thứ sở thích của họ. Họ có thể rú rít lên hân hoan với dụng cụ nhà bếp y hệt với những món đồ thời trang. Họ có thể bớt thất vọng về chồng khi họ… làm bếp. Họ tìm thấy niềm vui ở bếp. Đem mấy thứ nữ quyền ra áp đặt họ phải san sẻ bếp với chồng có khi lại là “hình phạt dã man” với họ.

Nữ quyền xin hãy chính xác là quyền phụ nữ làm điều họ thích. Đừng cả vú lấp miệng em đem thứ mình không thích ra bắt phụ nữ khác phải không thích như mình.

Yêu bếp không phải một cái tội. Nó chỉ trở thành cái tội với những kẻ đố kỵ việc bạn nấu được nhiều món hơn họ, trông những món ăn bạn nấu đẹp hơn món ăn cùng loại họ đã nấu. Mà kẻ đố kỵ thì dẫu bạn có hắt xì hơi họ vẫn có thể phán tội bạn. Yêu bếp nếu bạn có một lòng yêu như thế. Dù đôi lúc, như tâm lý của người đang yêu, bạn muốn hét to lên cho thiên hạ thấy. Cũng có sao? Hạnh phúc mà giấu rịt trong lòng thì chán chết.

Cafe sáng: Yêu bếp 2

Hôn nhân cũng vậy. Tôi dám đoan chắc 90% đàn ông chúng tôi ăn những món vợ mình nấu không phải ăn với tư cách một khách hàng bước vào khu ẩm thực. Nếu có ông chồng nào có suy nghĩ như vậy thì dẫu bạn nấu nướng giỏi đến đâu họ cũng sẽ ý kiến ý cò. Chúng tôi ăn cơm vợ nấu bằng sự biết ơn nhiều hơn. Biết ơn vì được chăm sóc.

Chúng tôi có thể bỏ những tiệc tùng ngoài kia để trở về nhà ăn cơm vợ nấu không phải vì cơm vợ nấu ngon hơn mà vì ăn cơm vợ mình nấu lúc nào cũng thấy ngon hơn. Như kiểu nghĩa vụ là một bữa ăn no mà yêu thương là một bữa ăn ngon vậy.

Đường tới trái tim đàn ông phải đi qua dạ dày không phải vì đàn ông chúng tôi yêu phụ nữ bằng dạ dày. Mà là bộ gen mặc định trong trái tim của chúng tôi từ hồi bé, ăn cơm mẹ nấu quen rồi. Nên tình yêu của chúng tôi dành cho vợ mình cũng vậy: Ăn cơm vợ nấu.

Cafe sáng: Yêu bếp 3

Trong mùa dịch COVID-19 này, 24/7 ở bên nhau, tôi vẫn tin rằng nhiều cuộc hôn nhân đã được cải thiện. Con số đó chắc chắn lớn hơn gấp trăm lần, triệu lần con số ly hôn. Những ngày thế này, vợ chồng có nhiều thời gian để trò chuyện với nhau, bao dung cho nhau, hiểu nhau.

Mà bếp vốn cũng là biểu tượng của sự quan tâm, chăm sóc đấy thôi. Những mâm cơm gia đình vì thế mà thành gắn kết không chỉ cha mẹ với con cái mà còn là vợ với chồng, chồng với vợ. 24/7 cả nhà quây quần, bảo sao tình thân không thành tình thâm gắn kết nhau chặt chẽ hơn?

Nên, cuối cùng, hãy cứ yêu bếp, và những ai ghét bếp xin cũng đừng nói lời cay đắng với người yêu bếp. Hôn nhân của các bạn không cần đến cái bếp thôi chứ với nhiều người như chúng tôi, hôn nhân trở nên ấm mắt no lòng vốn từ cái bếp nhà chúng tôi vậy!

Nhà văn Hoàng Anh Tú 

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO