Báo Điện tử Gia đình Mới

Chỉ trong một tuần, hai cháu nhỏ tử vong đau đớn do chó dại cắn

Chỉ trong một tuần, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương tiếp nhận hai bệnh nhân lên cơn dại. Các cháu bé vào viện trong trạng thái kích thích tinh thần, sợ gió, sợ nước. Sau đó, cả hai nhanh chóng tử vong. Sự việc vô cùng đau lòng như hồi chuông cảnh báo các bậc gia đình cần chú ý phòng chống bệnh dại. 

PGS. TS Bùi Vũ Huy - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương

PGS. TS Bùi Vũ Huy - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương

Cụ thể, theo PGS. TS Bùi Vũ Huy - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương cho biết, một cháu bé 12 tuổi (dân tộc Mường, sống tại Hoà Bình) tử vong sau một tuần vào viện và trường hợp cháu bé 9 tuổi (dân tộc Mông, Lạng Sơn) tử vong chỉ nửa ngày nhập viện. Các cháu bé này đều ở giai đoạn rõ rệt của bệnh dại, bị kích thích tinh thần, hoảng hốt, sợ nước, sợ gió rất rõ. Dù được các bác sĩ tích cực hỗ trợ nhưng cả hai cháu đều tử vong. 

Qua khai thác tiền sử, gia đình hai cháu đều không biết con mình bị chó cắn. Riêng với gia đình cháu bé 12 tuổi, bị chó cắn, sau đó 13 ngày con chó chết, khi trẻ có biểu hiện bất thường, cha mẹ mới đưa con đến cơ sở y tế. Với trường hợp cháu bé 9 tuổi ở Lạng Sơn, gia đình có nuôi chó mẹ và đàn chó con. Khi chó mẹ có biểu hiện ốm, gia đình bán đi và giữ đàn chó con tiếp tục chăm sóc. Trong quá trình chăm sóc chó, cháu nhỏ bị một con chó con gặm vào tay nhưng cũng không nói lại với gia đình.

Theo bác sĩ, khi chó bị phơi nhiễm với vi rút dại sẽ có thời gian ủ bệnh và khi nó đã phát bệnh với những biểu hiện bất thường khác nhau, điển hình với các triệu chứng rất hung dữ, chạy lung tung cắn nhiều người và các con vật khác, mắt long sòng sọc, chảy nhiều dớt dãi (thể hung dữ), … Cũng có những trường hợp chó nằm ở chỗ tối buồn bã, ủ rũ, không ăn uống,  hoặc có thể bị tiêu chảy…

Khi chó, mèo đã có các triệu chứng dại, lúc đó vi rút dại có rất nhiều ở tuyến nước bọt của con vật và có khả năng truyền vi rút dại ít nhất trong 10 ngày, đó là thời gian nguy hiểm nhất truyền vi rút dại cho người và các động vật khác. Vi rút dại được truyền qua vết cắn, vết cào, vết liếm trên da và niêm mạc bị tổn thương. Vì vậy nhiều trường hợp chăm sóc con vật bị dại cũng bị phơi nhiễm với vi rút dại.

Biện pháp duy nhất có hiệu quả để ngăn ngừa người bị bệnh dại là khi bị phơi nhiễm với vi rút dại do bị con vật cắn, cào, liếm trên da và niêm mạc bị tổn thương hoặc chăm sóc con vật bị ốm, nghi bị bệnh dại… người có tiếp xúc với con vật nghi dại phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối đặc, các chất sát khuẩn như cồn y tế, cồn i-ốt.. Sau đó, sớm đến cơ sở y tế để được khám và có chỉ định phác đồ điều trị dự phòng hợp lý càng sớm càng tốt.

Do thời gian ủ bệnh dài nên các trường hợp bị nhiễm vi rút dại nhưng chưa có triệu chứng dại vẫn nên đi tiêm vắc xin phòng dại để tạo miễn dịch trước khi vi rút dại xâm nhập hệ thần kinh trung ương.

Ngoài ra, người nghi ngờ bị dại tuyệt đối không đi chữa thuốc nam. Vì khi bệnh nhân đã có triệu chứng dại thì tiêm huyết thanh kháng dại, vắc xin phòng dại và các thuốc khác đều không có tác dụng, 100% tử vong!

Bên cạnh đó, khi chó, mèo ốm, có biểu hiện không bình thường phải nhốt cách ly theo dõi, khi tiếp xúc phải có dụng cụ bảo vệ. Sau khi tiếp xúc phải rửa bằng xà phòng, chất sát khuẩn. Khi chó dại, nghi dại chết phải chôn sâu đổ vôi bột để sát khuẩn. Tuyệt đối không làm thịt chó ốm nghi dại vì trong quá trình làm thịt sẽ bị lây nhiễm vi rút qua các vết thương.

Đặc biệt, khi chó, mèo bị dại thường rất hung dữ, cắn nhiều người và các vật khác như chó, mèo, trâu, bò, lợn, ngựa,.. sẽ gây ra ổ dịch dại ở động vật lưu truyền năm này sang năm khác, đó là nguyên nhân chính khiến bệnh dại lưu hành.

Vì vậy, việc xử lý triệt để ổ dịch dại ở động vật là quan trọng nhất. Người dân cũng không nên bán hoặc di chuyển chó, mèo ốm, nghi dại nhằm giảm nguy cơ lây truyền bệnh dại cho người và lây lan bệnh dại ở các con vật khác ở nhiều vùng khác.

Chó, mèo nuôi phải tiêm vắc xin phòng dại liên tục hàng năm theo đúng quy định của ngành thú y sẽ tạo được miễn dịch bảo vệ cho chó không bị bệnh dại. Chó không bị bệnh dại sẽ không gây bệnh dại cho người.

Người dân cũng cần hạn chế nuôi chó, không thả rông: khi nuôi nhiều chó và thả rông sẽ rất khó khăn trong việc tiêm vắc xin phòng dại thường xuyên. Chó nuôi phải xích, nhốt, khi ra đường phải có rọ mõm để hạn chế cắn người và các con vật. Chó thả rông là nguy cơ lây nhiễm dại cho đàn chó trong khu vực và những con vật khác.

PGS. TS Bùi Vũ Huy cho biết, thông thường, mùa dại thường phổ biến vào mùa xuân, nhưng bây giờ là thời điểm hè, chỉ trong một tuần đã có 2 cháu tử vong vì bệnh dại là chuyện rất bất thường. Lí do chủ yếu do gia đình, cộng đồng chưa có ý thức nhiều trong phòng chống bệnh dại. Vì vậy, theo bác sĩ, ngành y tế cần phổ biến sâu rộng hơn, rõ ràng hơn về bệnh này người dân cần nâng cao nhận thức trong quản lý chó: tránh thả rông chó, nên giọ mõm… thậm chí, cần có chế tài để người dân thực hiện. Với các cháu nhỏ, gia đình, nhà trường cần dạy cho trẻ cách phòng tránh các tai nạn không mong muốn, cần báo cáo gia đình khi có sự cố xảy ra. 

Hồng Ngọc/GiaDinhMoi.Vn/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO