Báo Điện tử Gia đình Mới

Chuyện hộ lý bệnh viện chọn đôi dép mới hơn trong 2 đôi dép cũ của con trai làm từ thiện

Khi đôi dép được lấy ra khỏi tờ giấy báo, mắt cậu bé đã sáng lên. Dường như đó là khoảnh khắc đặc biệt nhất, cậu bé định hình phần còn lại của cuộc đời.

Câu chuyện này được bác sĩ Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chia sẻ trên facebook cá nhân của mình khi chứng kiến một cô hộ lý làm việc tại bệnh viện tặng cho bệnh nhân một đôi dép.

Món quà chỉ đơn giản là đôi dép, nhưng nó đã giúp cậu bé biết nghĩ về tương lai. ‘Cháu mong muốn cùng với em gái trở lại trường học; và khi lớn lên, cháu sẽ trở thành giáo viên dạy toán’.

Bác sĩ Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn

Bác sĩ Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn

Với sự đồng ý của bác sĩ Trần Văn Phúc, Gia Đình Mới xin đăng tải lại câu chuyện ‘Nhân viên y tế làm từ thiện’:

‘Một người phụ nữ trẻ không chồng. Chị sống ở vùng nông thôn nghèo phía tây Hà Nội, cùng với một con trai 10 tuổi và một con gái 8 tuổi. Có thêm một con mèo và hai con chó cũng chấp nhận cùng chung gia đình.

Hai con của chị rất ngoan và học giỏi. Nhưng nhà nghèo quá nên đứa anh phải nghỉ học. Hàng ngày cháu giúp mẹ kiếm tiền đong gạo bằng cách đan lát các vật dụng mang ra chợ bán.

Một ngày nọ, đứa con gái 8 tuổi bị sốt cao liên tục, kèm theo đau đầu dữ dội và nôn, cháu không thể ăn uống gì.

Ban đầu chị nghĩ có thể lại một chiếc răng sắp rụng. Mọi người trong làng khuyên chị cần đưa con lên thành phố để bác sĩ khám, nhưng gia đình chị không có khả năng.

Ở nhà đến ngày thứ 3 thì con gái chị bắt đầu rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Không còn sự lựa chọn nào khác, chị phải đưa con đi viện.

Bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm màng não mủ, tiên lượng rất nặng, có thể tử vong bất cứ lúc nào và cần phải điều trị bằng những phác đồ tích cực nhất, với những thuốc tốt nhất có thể mới hi vọng được cứu sống.

Điều trị được hơn tuần thì số tiền viện phí lên đến 70 triệu, cũng là lúc cán bộ giám định BHYT phát hiện thẻ bảo hiểm của con chị là giả.

‘Tôi nói với bác sĩ là con tôi bệnh nặng quá, nhà nghèo không có tiền ăn, tôi xin không chữa để cho cháu về nhà’. – người mẹ trẻ vừa khóc vừa nói với tôi như thế. Và chị thú nhận đã tự mình mượn thẻ BHYT của cháu bé hàng xóm, rồi thay ảnh con gái vào.

Để nuôi em những ngày trong bệnh viện, con trai chị đã phải làm đủ thứ việc. Từ đi mua cơm, xách nước, giặt khăn mặt, rửa bát, cho đến lau dọn vệ sinh, ai nhờ gì làm đấy.

Người thương thì cho vài chục ngàn. Người nghèo thì cho 5 ngàn, 10 ngàn, có khi chỉ là 1 ngàn, nhưng dù bao nhiêu thì con chị vẫn đều chăm chỉ. Toàn bộ tiền kiếm được cháu đưa hết cho mẹ.

70 triệu là con số quá lớn.

Nghĩ đến số tiền viện phí phải trả, người mẹ trẻ chỉ biết ngồi bên giường bệnh, nắm chặt tay đứa con gái nhỏ 8 tuổi, đôi mắt đỏ hoe nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi có những cánh phượng hồng rụng tả tơi trong cơn mưa chiều tầm tã. Và những hi vọng ngay trước mắt chị, nó cứ thế mờ dần dần và mờ dần.

Chị hiểu số tiền ấy vẫn chưa dừng lại, mà nó sẽ còn nhân thêm vài lần, chị có bán cả căn nhà và mảnh vườn ở quê cũng không thể trả đủ.

Bác sĩ không bao giờ bỏ rơi bệnh nhân của mình, chỉ có bệnh nhân nghèo bỏ bác sĩ

Bác sĩ không bao giờ bỏ rơi bệnh nhân của mình, chỉ có bệnh nhân nghèo bỏ bác sĩ

Các bác sĩ vừa lo chữa chạy cho cháu bé, vừa tổ chức quyên góp tiền để giúp cháu vượt qua cơn bạo bệnh.

Buổi sáng trước giờ giao ban, bác sĩ trưởng khoa lấy một chiếc thùng các tông đựng dịch truyền, dùng lưỡi dao mổ khoét một khe nhỏ rồi để lên mặt bàn.

Những tờ tiền 10 ngàn, 20 ngàn, 50 ngàn, 100 ngàn, 200 ngàn, 500 ngàn. Tất cả mọi người, chẳng ai bảo ai, lặng lẽ và lặng lẽ, lần lượt thả từng đồng tiền vào đó.

Bệnh viện nhiều ngày sẽ chẳng còn những bữa ăn sáng, thậm chí là bữa trưa các y bác sĩ trong khoa phải nhịn, rồi tiền ma chay hiếu hỉ cũng bị cắt xén, để dành dụm cho vào chiếc thùng các tông.

Ngày con chị ra viện, các bác sĩ chỉ quyên góp được hơn trăm triệu, số tiền vẫn còn thiếu tới 35 triệu nữa; bác sĩ trưởng khoa đã phải tìm mọi cách xoay sở nguồn tài trợ cho đủ.

Là bác sĩ, tôi và các đồng nghiệp đã nhiều lần phải quyên góp tiền như thế. Và chúng tôi đều hiểu rằng, mỗi ngày trên khắp đất nước, vẫn còn hàng triệu con người đang có hoàn cảnh sống khó khăn, họ phải đối diện với bệnh tật trong khi vẫn phải lo bươn chải kiếm sống.

Và trong số đó, không ít người mắc bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là trẻ em.

Đứng trước 2 việc là đi làm để không bị chết đói và chữa bệnh, thì người ta sẽ lựa chọn cách thứ nhất. Đó chính là lí do để bệnh nhân nghèo bỏ bác sĩ, trong khi bác sĩ không bao giờ bỏ rơi bệnh nhân.

Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như không có một ngày chúng tôi đến vùng nông thôn nghèo ở phía tây Hà Nội, để thăm lại bệnh nhân chính là cháu bé.

Tôi sẽ không bao giờ quên cái cảm giác khi ấy, hình ảnh một đứa bé trai 10 tuổi dìu em gái 8 tuổi bằng chiếc lưng bé nhỏ của mình. Và chỉ bằng cách ấy, cậu bé mới có thể giúp được đứa em gái lững chững tập đi.

‘Làm thế nào để em cháu có thể tỉnh táo và tập đi được như hôm nay?’ – tôi hỏi khi nhìn thẳng vào cặp mắt cậu bé với một sự kinh ngạc.

Qua những giọt nước mắt dưới bóng mát của cây xoài, người mẹ trẻ ôm đứa con gái trong vòng tay, chị kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện từ chiếc giường bệnh viện ở góc xa nhất, nơi chị có thể nhìn thấy mọi thứ.

Câu chuyện bắt đầu từ mỗi buổi sáng, trong hành lang chật hẹp của bệnh viện, có một cô hộ lí mải mê quét dọn.

Thỉnh thoảng cô lại liếc nhìn về phía giường bệnh nơi cháu bé đang nằm điều trị, rồi nhìn về hướng chiếc thùng các tông quyên góp tiền, với ánh mắt buồn bã.

Lương của nhân viên hộ lý tại bệnh viện rất thấp nên nhiều hộ lý không có tiền để ủng hộ bệnh nhân nghèo

Lương của nhân viên hộ lý tại bệnh viện rất thấp nên nhiều hộ lý không có tiền để ủng hộ bệnh nhân nghèo

Lương của cô hộ lí, cộng với thu nhập phúc lợi và tất cả các khoản, sẽ không thể quá 4 triệu đồng.

Cô cũng phải nuôi con nhỏ, phải lo toan bao thứ, từ hóa đơn tiền điện, hóa đơn tiền nước, cho đến tiền đóng học bán trú cho con.

Và cô không thể có 10 ngàn, 20 ngàn, 50 ngàn… sự thực là cô không có.

Buổi chiều hôm ấy trở về nhà, cô hộ lí lục tìm mọi thứ. Nhưng cô chỉ thấy một trong hai đôi dép của con trai còn khá mới. Cháu bé ở viện đôi dép đã rách hẳn, vá chằng vá đụp và không thể đi thêm được nữa.

Cô hộ lí lặng lẽ cầm đôi dép mới hơn của con mình vào nhà vệ sinh, lấy xà phòng cho vào bàn chải và đánh lại sạch sẽ, cho vào giấy báo gói cẩn thận, bỏ trong túi ni lông.

Sáng hôm sau cô hộ lí mang đôi dép đến bệnh viện.

Khi đôi dép được lấy ra khỏi tờ giấy báo, mắt cậu bé đã sáng lên. Dường như đó là khoảnh khắc đặc biệt nhất, cậu bé định hình phần còn lại của cuộc đời.

Với cậu bé, món quà chỉ đơn giản là đôi dép, nhưng nó đã giúp cậu bé biết nghĩ về tương lai.

‘Cháu mong muốn cùng với em gái trở lại trường học; và khi lớn lên, cháu sẽ trở thành giáo viên dạy toán’.

Qua câu chuyện này, tôi đã học được một bài học, rằng cuộc sống là khó khăn nên rất cần sự kiên nhẫn và tình yêu. Khi món quà là của tình yêu, thì không có món quà nhỏ hơn hay lớn hơn'.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO